Người Công giáo có thể học được điều gì trong tháng Ramadan của Hồi giáo?

Người Công giáo có thể học được điều gì trong tháng Ramadan của Hồi giáo?

Người Công giáo có thể học được điều gì trong tháng Ramadan của Hồi giáo?

WHĐ (22.07.2012) / CNS – Tháng Ramadan thiêng thánh của Hồi giáo, bắt đầu từ ngày 20 tháng Bảy tại nhiều quốc gia, là một thời gian nhịn chay, cầu nguyện và sám hối, khi tín đồ Hồi giáo xa lánh các hoạt động trần thế để cố gắng sống gần Thượng Đế và lề luật của Ngài hơn.

Theo quan điểm của người phụ trách đối thoại với Hồi giáo ở Vatican, Ramadan cũng là một cơ hội để người Công giáo học nơi tín đồ Hồi giáo gương vâng phục Đấng Toàn Năng - và nhờ đó củng cố chính niềm tin Công giáo của mình.

Đức ông Khaled Akasheh hiện đang điều hành Ủy ban liên lạc với người Hồi giáo của Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại Liên tôn, một văn phòng được Đức giáo hoàng Phaolô VI thành lập vào năm 1964, trong thời gian diễn ra Công đồng Vatican II.

Đức ông Akasheh nói: Một trong những khía cạnh quan trọng nhất của Vatican II là “Giáo hội nhìn nhận tất cả những gì là đúng đắn và cao đẹp trong các tôn giáo”. Vì thế Hội đồng cổ vũ một nền văn hóa trong đó bất đồng thần học không có nghĩa là không tôn trọng những gì người khác cho là thánh thiêng.

Tuy nhiên, sau nửa thế kỷ, nhiều người Công giáo vẫn cảm thấy một sự căng thẳng giữa thái độ phải có là tôn trọng các truyền thống tôn giáo khác và lời Chúa Kitô mời gọi đem chân lý đến cho mọi dân tộc.

Đức ông Akasheh cho biết: “Vừa thi hành sứ mạng truyền giáo vừa đối thoại có lẽ là thách đố lớn về mặt thần học” khi giao tiếp với các tôn giáo khác.

Các chuyên gia Công giáo dấn thân trong cuộc đối thoại không đưa ra “bất kỳ lời kêu gọi rõ ràng nào mời những người khác theo tôn giáo của chúng ta, nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta không trung thành với đức tin và sứ vụ của mình, bởi vì khi đối thoại, chúng ta nói rõ mình là ai (bày tỏ căn tính của mình)”.

Đối với Đức ông Akasheh, người sinh ra tại Jordan và giảng dạy tại Chủng viện của Tòa Thượng Phụ Latinh ở Jerusalem, đối thoại là tiến trình làm chứng cho niềm tin của chính mình, học hỏi về những người khác và chia sẻ những mối quan tâm chung.

Đức ông nói, bài diễn văn nổi tiếng của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI năm 2006 ở Regensburg, Đức, là một phần của tiến trình đó.

Câu mà Đức giáo hoàng trích dẫn từ bài phát biểu của một hoàng đế Byzantine vào thế kỷ 14, mô tả di sản của tiên tri Mohammed là “xấu xa và phi nhân”, đã gây ra những phản ứng bạo lực ở nhiều nơi trong thế giới Hồi giáo.

Nhưng tiếp theo sau cuộc tranh luận ấy, một giai đoạn hoàn toàn mới trong cuộc đối thoại đã mở ra: Đức giáo hoàng đã gặp riêng các đại sứ của các nước có đa số người Hồi giáo và gặp các nhà lãnh đạo Hồi giáo của Italia; 138 học giả Hồi giáo từ khắp nơi trên thế giới đã viết một thư ngỏ gửi cho Đức giáo hoàng Bênêđictô và các nhà lãnh đạo Kitô giáo khác đề nghị đối thoại về các giá trị được chia sẻ; và một Diễn đàn mới về đối thoại Công giáo-Hồi giáo đã được tổ chức lần đầu tiên tại Vatican vào năm 2008.

Một lần nữa, đối thoại với Hồi giáo cũng nằm trong chương trình nghị sự của Đức giáo hoàng vào tháng Chín, khi ngài gặp các nhà lãnh đạo Hồi giáo trong chuyến viếng thăm ba ngày tại Liban.

Đức ông Akasheh cho biết cuộc đối thoại liên tôn ở cấp độ thần học nên được dành cho các chuyên gia, là những người hiểu biết rõ đức tin của chính mình; được ủy thác lên tiếng chính thức nhân danh cộng đồng đức tin của mình, hiểu biết niềm tin, văn hóa và ngôn ngữ của người đối thoại; và không bao giờ thỏa hiệp về mặt thần học để đạt được đồng thuận.

Đây không phải là loại đối thoại then chốt kiểu thương lượng hay dàn xếp hòa bình, vốn dựa trên sự thỏa hiệp và nhượng bộ.

Vì vậy, nói chuyện thần học với người Hồi giáo có thể khiến cho người Công giáo bình thường gặp một số nguy hiểm.

Đức ông cảnh báo: “Có một mối nguy hiểm khi chúng ta không đủ vững vàng và đâm rễ sâu nơi căn tính Kitô giáo của mình, hoặc thiếu kiến ​​thức cơ bản về giáo lý của tôn giáo khác, hoặc không hiểu đối thoại liên tôn thực sự cần có những gì”.

Và Đức ông Akasheh kết luận: Tình bằng hữu giữa tín hữu Công giáo và Hồi giáo là một điều tốt, nhưng cách tốt nhất trong đời sống hằng ngày để người Công giáo dấn thân cùng với người Hồi giáo lân cận, là “trở nên người Công giáo tốt hơn, người tín hữu tốt hơn”.

Nguồn:  WHĐ

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top