Người dân Somalia đang phải trả giá cho sự thờ ơ của quốc tế

Người dân Somalia đang phải trả giá cho sự thờ ơ của quốc tế

Liên Hợp Quốc đã tuyên bố sẽ chuyên chở các khẩu phần khẩn cấp trong tuần này đến các vùng của Somalia đang bị hạn hán tàn phá, để cứu các người tị nạn khỏi chết trên đường chạy trốn nạn đói mà một quan chức gọi là những “con đường chết”. Các vùng này vốn bị quân đội phong tỏa từ cách đây hơn hai năm.

Hàng chục ngàn người đã lũ lượt kéo sang các nước láng giềng Kenya và Ethiopia, hy vọng nhận được viện trợ trong các trại tị nạn. Nhiều người chết dọc đường, nhất là những người yếu hơn.

Ông Michel Roy, Tổng thư ký Caritas Quốc tế, nói về nỗi đau khi phải chứng kiến cái chết có lẽ của hàng ngàn người mà không thể can thiệp. ​​

Ông nói rằng Liên Hợp Quốc cho biết sẽ đến Somalia, nhưng ông không thấy được làm thế nào họ có thể hoạt động trong cơ cấu chính trị và điều hành đất nước này. Ông nói: “Làm sao chúng ta có thể chấp nhận được – với tư cách là những con người và những quốc gia– rằng đất nước ấy vẫn còn ở trong một tình huống tuyệt vọng như vậy?” Và ông tin rằng nạn đói này phải khiến cộng đồng quốc tế ý thức hơn trách nhiệm của mình: “Chúng ta không thể bỏ mặc Somalia như hiện nay”. Ông nói rằng có lẽ Somalia không khơi gợi sự quan tâm của cộng đồng quốc tế vì nó không có nhiều tài nguyên thiên nhiên...

Ông Roy vạch rõ rằng: “Là Kitô hữu, chúng ta chứng kiến anh chị em mình đang chết và thật là khủng khiếp khi biết họ đang chết dần mà không cứu được họ”. Tình hình ở đó là bằng chứng cho thấy chúng ta đã thất bại, trên bình diện quốc tế.​​

Ngoài ra còn có hàng triệu người ở Ethiopia, ở Kenya cũng như ở Sudan cũng phải đối mặt với nạn đói - nhưng có thể đến được với họ và chúng tôi đang hành động khẩn cấp để cứu họ.

Ông Michel Roy mong muốn mọi người chú ý đến quốc gia rất đặc biệt mà chúng ta không hề nghe nói đến: đó là Eritrea. Ông giải thích: Đất nước này được điều hành bởi một chế độ độc tài quân sự rất cứng rắn và Giáo hội ở đó chẳng được phép làm gì nhiều hơn là ở trong các bức tường nhà thờ. Chính phủ hạn chế hoạt động của Giáo hội vốn vẫn còn chịu trách nhiệm về một số bệnh viện, trung tâm y tế và trường học bởi vì chính phủ không có các nguồn tài nguyên để điều hành. Và về ứng phó khẩn cấp, Caritas Eritrea hầu như không thể hành động vì chính phủ không cho phép. Họ vẫn nói ở Eritrea không có vấn đề gì. Ông Michel Roy nói: “Vì vậy, chúng ta hãy kêu gọi thế giới chú ý đến những gì đang xảy ra tại Eritrea. Tình trạng khó khăn ở đây là rất thảm khốc, giới trí thức trong dân chúng đã rời bỏ đất nước và ở đây ý thức hệ đang chiếm quyền điều khiển. Giáo hội ở đây đang ở vào một tình huống rất khó khăn.

Quốc gia mới Nam Sudan vốn cần trợ giúp trong mọi lĩnh vực, ngay bây giờ cũng cần trợ giúp đặc biệt vì nạn hạn hán, đặc biệt là vùng phía đông.

Trả lời câu hỏi “có quốc gia nào khác đang gặp nạn nhưng không được cộng đồng quốc tế quan tâm mà ông muốn lưu ý trong lúc này không?”, ông Roy đáp, ngay lúc này tiêu điểm thực sự là vùng Sừng châu Phi vì hạn hán và nạn đói, nhưng ông kêu gọi chú ý đến Cộng hòa Trung Phi - không xa Sừng châu Phi, một quốc gia có chính phủ rất yếu kém, tình hình trong nước rất không ổn định, và phần phía Đông, một phần ba của đất nước không được quản lý. Xuống phía Nam, hiện nay ở Malawi cũng có vấn đề vì những lý do khác. Ông nói, những nơi mà các nước giàu không có quyền lợi kinh tế thường bị bị lãng quên.

Ông Roy nói rằng hiện nay tình trạng báo động đã tăng cao, và Liên Hợp Quốc đã yêu cầu 2 tỉ USD. Chúng tôi biết họ đang có trong tay hơn một tỉ USD, tuy nhiên đáp ứng của các chính phủ và của Liên Hợp Quốc là không đủ: các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức phi chính phủ và tổ chức Caritas gần với người dân hơn, vì vậy điều quan trọng là làm sao cho đáp ứng của cộng đồng quốc tế sánh được với những đáp ứng của các nhóm “bộ tộc”. Caritas có thể có lợi thế nhờ tiền của Liên Hợp Quốc, nhưng một điều cũng quan trọng cho Caritas là được hoạt động độc lập -đặc biệt là các tổ chức Caritas địa phương ở Kenya, Djibouti, Ethiopia, miền Bắc Somalia và Nam Sudan- họ cần tiền để đẩy mạnh công cuộc cứu trợ.

Và ông nói: “Mỗi người và mọi người trong chúng ta có thể làm điều gì đó về việc này”.

Các cá nhân có thể tham gia và giúp tác động đến việc cứu trợ thông qua những đóng góp cho phép các tổ chức Caritas tại chỗ cung cấp viện trợ.

Kết luận, ông Roy chỉ ra rằng sự liên đới giữa các tổ chức Caritas trên toàn thế giới là rất mạnh mẽ, và không chỉ các văn phòng Caritas “giàu có” ở phía Bắc sẽ gửi tiền, mà còn cả những văn phòng ở miền Nam, ở châu Phi, châu Á... Đây là vẻ đẹp của tổ chức này – cùng cộng tác khi có nỗi khốn cùng như thế xảy ra đâu đó trên thế giới.

Ông Roy nói, cuối cùng tất cả chúng ta đều có trách nhiệm, và ngay lúc này tình liên đới là rất cần thiết, chúng ta phải nâng cao nhận thức –chẳng hạn liên quan đến Somalia – rằng phải làm điều gì đó và các chính phủ của chúng ta phải tham gia. Hơn nữa, đây không phải chỉ là vấn đề của một vài người trong Liên Hợp quốc, tất cả chúng ta phải đòi cho người dân Somali được sống một cuộc sống yên bình.

(Theo Radio Vatican, 27-07-2011)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top