Người giáo dân với sứ mạng truyền giáo
Về tầm quan trọng của việc truyền giáo hay loan báo Tin Mừng, thiết nghĩ không cần phải bàn nhiều ở đây. Đức Giêsu đã giảng dạy nhiều lần và nhiều điều về sứ mạng quan trọng này.
Giáo hội và nhất là Công đồng Vaticanô II, đã nhắc đi nhắc lại sứ mạng cao cả này trong nhiều văn kiện, đặc biệt trong hai sắc lệnh Ad Gentes (Hoạt động truyền giáo của Giáo hội) và Apostolicam Actuositatem (Tông đồ giáo dân). Là Kitô hữu, chắc rằng ai trong chúng ta cũng bị thôi thúc bởi hai tiếng truyền giáo, bởi đó là lệnh truyền của Đức Giêsu cho Giáo hội, và đó cũng là trách nhiệm của mỗi chúng ta. Qua mọi thời, Giáo hội vẫn kêu gọi từng thành viên của mình hãy đóng góp vào sứ vụ truyền giáo này. Nhận thức được tính cấp bách của việc mang Tin Mừng đến với muôn dân, mỗi người chúng ta hãy cố gắng bằng những cách thức và khả năng riêng của mình tham gia vào công việc làm cho nước Chúa ngày một lan rộng. Riêng người Công giáo Việt Nam, chúng ta lại có thêm một động lực và sức ép riêng trong lãnh vực này. Đó là vì chúng ta là con cháu của 117 thánh tử đạo; thế mà con số người Việt Nam Công giáo chỉ mới đạt tới 7-8 % dân số trong khi Tin Mừng đã được loan báo cho cha ông chúng ta và được các ngài đón nhận tính đến nay đã gần 500 năm.
Nhìn lại lịch sử hơn 2000 năm của Giáo hội, chúng ta thấy con số những người biết Chúa trong Giáo hội đã tăng lên rất nhiều lần so với nhóm nhỏ những Kitô hữu ban đầu. Tuy nhiên nếu đem so sánh với toàn thể nhân loại trên trái đất thì con số này chưa thuyết phục. Tại sao vậy? Chắc hẳn chúng ta sẽ đưa ra rất nhiều nguyên nhân để trả lời cho vấn đề này. Ở đây theo tôi nghĩ, nguyên nhân của việc này do bởi ý thức cũng như tinh thần hăng say trong sứ mạng truyền giáo nơi mỗi người chúng ta chưa có. Chúng ta sợ khó, sợ khổ, sợ vất vả, sợ mất thời gian… Chính những lý do này làm cho chúng ta không dám dấn thân, vì vậy mà cho tới bây giờ nhìn vào lực lượng những người làm công việc truyền giáo còn rất mỏng, nên không thể đủ để gặt về những bông lúa trĩu nặng hay cất lên những mẻ cá đầy ắp.
Thợ gặt là ai, nếu không phải là mỗi người chúng ta. Thực tế không ít người trong chúng ta cho rằng việc truyền giáo là việc của linh mục và tu sĩ, chứ không phải là việc của tôi. Tôi còn biết bao nhiêu những việc khác phải làm: học hành, kiếm tiền, thăng quan tiến chức, lo đời sống gia đình… Nghĩ như vậy thật là thiển cận, bởi vì khi lãnh nhận bí tích Rửa tội và Thêm sức, mỗi người chúng ta ngoài việc giữ và sống đạo, còn phải làm chứng và giới thiệu Chúa cho người khác. Đó mới là một người Kitô hữu trưởng thành đích thực. Nói đến đây chắc hẳn chúng ta thấy rằng việc mở mang Nước Chúa không phải là việc của riêng ai mà là công việc của tất cả chúng ta.
Thực trạng truyền giáo của người giáo dân
Từ những kinh nghiệm thực tế trong việc truyền giáo, chúng ta thấy phương tiện chỉ đóng vai trò hỗ trợ để có thể đẩy nhanh tiến trình làm việc; tuy nhiên, yếu tố quyết định vẫn còn tùy thuộc rất nhiều ở mỗi chúng ta, đặc biệt trong lĩnh vực truyền giáo, luôn đòi hỏi sự nhiệt tình hăng say và nhẫn nại. Chúng ta vẫn thấy đây đó, nơi những giáo xứ quanh chúng ta, người ta phát động những phong trào truyền giáo, cụ thể là các chuyến truyền giáo đến vùng này hoặc vùng kia, với những phương tiện, trang thiết bị rất hoành tráng. Nhưng chúng ta đã thu được gì qua những đợt truyền giáo rầm rộ như vậy, hay chỉ là khua khoắng lên rồi lại chìm nghỉm như ban đầu? Chắc hẳn rằng trong chúng ta cũng có những người đã từng tham dự những việc làm tương tự như vậy, và chắc chúng ta cũng thấy nhu cầu thâm sâu của người dân nghèo ở những vùng sâu vùng xa là cái khác, chứ không phải là những thứ vật chất mà chúng ta mang đến cho họ. Đồng hành và chia sẻ cuộc sống với họ, đó là những món quà có ý nghĩa mà họ cần nơi mỗi chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta chưa làm được việc này, bởi vì chúng ta chưa có lòng nhiệt huyết đủ để có thể hy sinh thời gian, công sức của mình cho việc truyền giáo. Nếu ai đã từng tiếp xúc với anh chị em Tin Lành thì sẽ thấy được nhiệt huyết truyền giáo nơi họ. Trên những chuyến xe buýt, nơi công viên, ngoài sân bay hay nơi một vùng quê nào đó, hễ có cơ hội là họ có thể rao giảng lời Chúa một cách say sưa. Tôi đã từng rất ngạc nhiên khi đi cùng chuyến xe với một cô gái đạo Tin Lành mới học đại học năm hai, không biết kiến thức về đạo tới đâu, nhưng vẫn rất hăng nói về Chúa cho một vài người xung quanh nghe và mời những người mới quen này có dịp ghé đến những chi hội Tin Lành để sinh hoạt. Tại sao những anh chị em Tin Lành họ làm được mà chúng ta lại không? Thiết nghĩ rằng, ngay từ khi dạy đạo, người ta đã truyền lửa nhiệt huyết và lòng hăng say truyền giáo cho tín đồ của mình rồi. Trong khi đó, người Công Giáo của chúng ta, nhìn bề ngoài cứ tưởng rằng chúng ta có một chương trình giáo lý rất đầy đủ và chắc chắn. Nhưng những bài giáo lý đó sẽ trở nên khô khan, nếu không được áp dụng vào trong cuộc sống. Thực tế chúng ta thấy, phần đông chỉ học giáo lý để lãnh nhận các bí tích theo quy định của Giáo hội. Học cho xong cho đủ rồi thôi, còn việc giới thiệu Chúa cho người khác được coi như không phải là việc của mình. Như vậy chắc hẳn việc truyền giáo sẽ bị giảm thiểu và không thể vươn ra xa được.
Để làm như các nhà truyền giáo ngày trước trong bước đường mang Tin Mừng gieo vãi khắp nơi, mỗi người chúng ta phải ý thức trách nhiệm của mình trong sứ vụ mở mang nước Chúa, bởi chính mỗi người chúng ta được mời gọi làm việc này chứ không phải ai khác. Chúng ta thử hỏi từ hồi có đầy đủ trí khôn tới bây giờ chúng ta đã giới thiệu Chúa cho được bao nhiêu người? Chúng ta đã làm nhưng gì để lôi kéo người khác đến với Chúa? Chắc hẳn rằng, sẽ có người bảo, tôi không có môi trường để truyền giáo thì làm sao có thể nói Lời Chúa cho người khác được, hay cũng sẽ có những người bảo rằng, tôi đi đạo và giữ đạo tốt đã là qúa đủ rồi… Một khi còn nghĩ như vậy, là chúng ta chưa thấy rõ được vai trò và nghĩa vụ của mình trong việc thi hành mệnh lệnh của Đức Giêsu. Môi trường truyền đạo quả thực không thiếu trong xã hội của chúng ta, bởi vì trong đời sống chúng ta có rất nhiều mối tương quan: tương quan bạn bè, công việc, giao tiếp thông thường… Trong số những tương quan này, sẽ không ít những người còn chưa nhận biết Chúa. Như vậy, chúng ta thấy rằng môi trường truyền giáo ngày càng được mở rộng hơn, và chỉ chúng ta mới có thể làm được việc đó, bởi đó chính là môi trường riêng của mỗi người. Và như vậy, cái còn thiếu trong mỗi chúng ta đó là tinh thần nhiệt thành và lòng hăng say với sứ vụ truyền giáo. Chúng ta chưa có hoặc có chưa đủ, nên chúng ta vẫn còn cảm thấy ngại ngùng, còn e dè với trách nhiệm của mình.
Những cách thức truyền giáo nơi người giáo dân
Mỗi chúng ta thực sự có rất nhiều khả năng để góp phần làm cho cánh đồng truyền giáo ngày càng lan rộng. Bởi vì xét về phương tiện và những nhu cầu vật chất, chúng ta được hỗ trợ rất nhiều. Tuy nhiên, chúng ta không cần làm những việc to tát, mà chỉ cần bằng những việc nhỏ nhặt thường ngày trong cuộc sống; chúng ta hãy làm với hết khả năng của mình, để làm sao cho những người xung quanh nhận biết gương mặt đích thực của Thiên Chúa qua con người của chúng ta. Chúng ta cũng không cần phải giảng giải hùng hồn về Lời Chúa, mà chỉ cần những sẻ chia, quan tâm, ủi an… cho những người chúng ta gặp trong cuộc sống. Hơn nữa, là một Kitô hữu, mỗi người chúng ta hãy luôn biết sống và thể hiện điều căn cốt của đạo Công giáo là giới răn mến Chúa yêu người trong cuộc sống thường ngày. Làm như vậy cũng đủ để làm cho người khác thấy mình là người có đạo và sống đạo đích thực, đó cũng là cách thức để những người xung quanh cảm mến đạo và ước muốn gia nhập đạo của chúng ta. Người Việt Nam thường sống nặng tình cảm hơn lý trí, nên thường quan tâm đến cách người ta đối xử với mình ra sao. Vì thế mà xưa cũng như nay, điều hấp dẫn lôi cuốn người ngoại giáo đến với Giáo hội là thái độ yêu thương, giúp đỡ, phục vụ tận tình và gương sáng của những người có đạo, qua những việc bác ái, từ thiện xã hội… mà chúng ta làm cho họ. Ở thời kỳ đầu của Giáo hội Việt Nam, người lương dân đã gọi đạo của các nhà truyền giáo Tây Phương là đạo Yêu khi họ chưa biết đến tên của đạo mới ấy là đạo Chúa, là đạo của Chúa Kitô. Như vậy, mỗi chúng ta muốn giới thiệu Chúa cho người khác, thì hãy thể hiện đời sống bác ái trong đời sống của mình. Đó cũng chính là điểm chính yếu của đạo - “Đạo của tình yêu thương”. Chúng ta cũng có thể tham gia giúp đỡ các lớp học tình thương, các chương trình học bổng giúp các trẻ em nghèo hiếu học, các buổi khám chữa bệnh phát thuốc miễn phí, những chuyến thăm viếng các trung tâm xã hội… Từ những việc làm cụ thể này, chúng ta sẽ gián tiếp mang Chúa đến với người khác. Có thể những công việc mà chúng ta làm trong đời sống hằng ngày, mặc dù hiệu quả không thấy ngay trước mắt, nhưng với phương châm mưa dầm thấm đất, với sự nhiệt thành và kiên nhẫn của chúng ta, những việc làm ấy sẽ dần dần làm cho những người chúng ta tiếp xúc nhận ra Chúa và trở về với Người. Như vậy, cách nào đó chúng ta đang bước theo chân các nhà truyền giáo ngày xưa, góp phần vào việc mở mang nước Chúa. Mỗi người hãy ý thức sứ mạng của mình trong sứ vụ truyền giáo, để nung nấu thêm tinh thần hăng say trong công cuộc truyền giáo cho những người chưa nhận biết Thiên Chúa.
Ngoài ra, chúng ta thấy rằng, con người ngày nay thường tin vào các chứng nhân hơn là các thầy dạy, tin vào kinh nghiệm hơn là đạo lý, tin vào đời sống và các sự kiện hơn là các lý thuyết. Để việc truyền giáo thực sự có hiệu quả, mỗi chúng ta phải trở nên những chứng tá về đời sống Kitô giáo. Quả thật đây là điều không thể thay thế được, vì Chúa Kitô, Đấng mà chúng ta đang tiếp tục sứ mạng của Người, là “Vị chứng nhân” tuyệt hảo và là khuôn mẫu cho chứng tá Kitô giáo. Chúa Thánh Thần sẽ luôn đồng hành với Giáo hội trên mọi nẻo đường, đồng thời liên kết Giáo hội với lời chứng của Người về Chúa Kitô. Có thể nói, chính đời sống của chúng ta sẽ làm cho người ta nhìn thấy một lối sống mới. Cho dù vẫn có những giới hạn và bất toàn của con người, nhưng khi chúng ta chân thành sống theo gương Đức Kitô, thì chúng ta là một dấu chỉ về Thiên Chúa và về những thực tại siêu việt. Bởi vậy, mọi người khi nỗ lực noi theo gương Thầy Chí Thánh, thì có thể và phải nêu lên chứng tá này; trong rất nhiều trường hợp, đây là cách thế sẽ mang lại hiệu quả rất lớn trong công cuộc truyền giáo.
Như vậy, để trở thành nhà truyền giáo và để việc truyền giáo thực sự mang lại kết quả tốt, mỗi người sẽ phải nỗ lực trang bị cho mình những hành trang cần thiết giúp ích cho việc mở mang nước Thiên Chúa thuận lợi hơn.
Hành trang truyền giáo cần có của mỗi người giáo dân
Trong bối cảnh xã hội ngày càng bị thế tục hoá, các giá trị thực dụng được đưa lên hàng đầu. Hoàn cảnh đó đã cuốn hút con người vào cuộc đua tranh quyền lợi, địa vị, danh vọng, cũng như những thú vui khoái lạc, hưởng thụ, khiến các giá trị luân lý đạo đức dường như trở nên lạc hậu, và bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Do đó, con người ngày nay dễ rơi vào tình trạng khủng hoảng khi định hướng tương lai cho đời mình. Vì thế, để sống giữa thế giới đầy những hấp lực mà không bị lôi cuốn bởi những hấp lực của nó, người giáo dân muốn truyền giáo cần phải chuẩn bị đầy đủ cho mình các hành trang cần thiết hầu có thể mạnh mẽ loan báo Tin Mừng Chúa Kitô trong bối cảnh đầy phức tạp hôm nay. Các hành trang đó không gì khác hơn là: vun trồng đời sống nội tâm, trau dồi kiến thức, và rèn luyện đạo đức luân lý.
Đời sống nội tâm
Lời mời gọi truyền giáo tự bản chất bắt nguồn từ lời mời gọi nên thánh. Mỗi nhà truyền giáo chỉ thật sự là nhà truyền giáo khi dấn thân sống theo con đường thánh thiện. “Sự thánh thiện là nền tảng cốt thiết và điều kiện tuyệt đối không thể thay thế để chu toàn sứ vụ của Hội Thánh” [1].
Vì thế, ơn gọi phổ quát của việc truyền giáo có mối liên hệ mật thiết với ơn gọi phổ quát nên thánh. Nhưng để nên thánh, chúng ta cần phải có đời sống nội tâm, nghĩa là phải có kinh nghiệm sống với Đức Kitô, có một tương quan mật thiết với Đức KiTô, bởi cốt lõi của Kitô giáo không phải là một triết thuyết suông mà hệ tại ở việc trao ban sự sống Đức Kitô. Do đó, chúng ta không thể loan báo Tin Mừng Đức Kitô cho nhân loại một khi chính mỗi người chúng ta lại không có kinh nghiệm gặp gỡ với Ngài. Muốn được như thế, chúng ta phải có những cảm nghiệm sâu xa về tâm tình một người con thảo đối với Cha là Thiên Chúa, bằng cách vận dụng những phương tiện học hỏi Kinh Thánh, tham dự thánh Lễ, siêng năng lãnh nhận các bí tích, nhưng quan trọng hơn cả là phải có nền tảng đời sống cầu nguyện, vì chỉ nhờ cầu nguyện, con người mới có thể thiết lập được mối dây liên hệ mật thiết với Thiên Chúa, cũng như lãnh hội được thánh ý Người, đồng thời để cho Chúa Thánh Thần tự do uốn nắn tâm hồn chúng ta qua việc lắng nghe tiếng Người nơi thinh lặng nội tâm, cũng như qua những người xung quanh, hay từng biến cố trong cuộc sống. Và như vậy, người có đời sống nội tâm là người luôn sống tâm tình của người con thảo với Thiên Chúa.
Trau dồi kiến thức
Với tốc độ phát triển chóng mặt của khoa học kỹ thuật, công việc ngày càng chuyên môn hoá. Vì thế, trong công cuộc loan báo Tin Mừng, chúng ta cũng phải trở thành những thợ chuyên nghiệp, lành nghề để cách sống, lời nói, hành động của mình sao cho có hiệu quả nhất. Vậy muốn trở thành một người chuyên môn trong công tác tông đồ, nhà truyền giáo giáo dân cần học hỏi, tìm hiểu các kiến thức cơ bản về Kinh Thánh cũng như các giáo huấn của Giáo hội. Tuy nhiên, ngoài việc trau dồi các khả năng thích hợp trong lãnh vực Kitô giáo, người Kitô hữu cũng cần có kiến thức phổ thông về các lãnh vực khác như văn hoá, xã hội, khoa học kỹ thuật, y tế, luân lý đạo đức, các tôn giáo bạn… Như thế, những người mang nhiệm vụ loan báo Tin Mừng mới có thể hội nhập được văn hoá của môi trường cần truyền giáo, cũng như hội nhập vào tri thức của con người để có thể giúp họ khám phá ra con đường tìm đến chân lý, đó là con đường Kitô giáo. Nhờ đó, hành trang của nhà truyền giáo sẽ phong phú, hiệu quả hơn, và nhất là họ sẽ tự tin hơn trong sứ mệnh của mình.
Đời sống luân lý
Không thể là một tông đồ nhiệt thành nếu không phải là một Kitô hữu trưởng thành. Nhưng để được coi là người Kitô hữu trưởng thành thì cần phải có đời sống nhân bản làm nền tảng. Như vậy, nhà truyền giáo giáo dân phải là người luôn lớn lên trong đời sống luân lý đạo đức, để có thể đảm nhận trách nhiệm được giao phó. Do đó, trước hết họ cần hình thành nơi mình những đức tính căn bản như: khiêm nhường, vị tha, hy sinh, kiên nhẫn, biết tự trọng, có văn hoá, trung trực… đồng thời phải biết hướng đến việc phục vụ tha nhân: nhân ái, yêu thương, kính trọng mọi người, biết lắng nghe, chia sẻ, đồng cảm với những người nghèo khổ, bất hạnh… Nhờ vậy, họ luôn là nhà tiên phong, năng động trong việc dấn thân vào các lãnh vực hầu làm chứng tá sống động cho Thiên Chúa, bởi những ai sống trong Thần Khí là những người sống trong bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ (Gl 5,22).
Tóm kết
Truyền giáo là một công việc tốt đẹp mà mỗi thành viên trong Giáo hội hướng tới và phải thực hiện bằng những việc làm cụ thể với một tinh thần nhiệt thành và hăng say. Nói thì dễ, nhưng khi bắt tay vào thực hiện sẽ gặp rất nhiều những khó khăn và trở ngại. Tuy nhiên, qua mọi thời, Giáo hội của chúng ta vẫn duy trì và phát triển công cuộc truyền giáo với những nỗ lực không mệt mỏi. Hành trình truyền giáo của Phaolô và những môn đệ của Đức Giêsu hay của những nhà truyền giáo vào Việt Nam, phần nào gợi lên cho chúng ta những hứng khởi cho sứ vụ cao trọng này. Theo chân các tông đồ xưa, ngày hôm nay, cũng có rất nhiều người lên đường dấn thân cho sứ vụ cao cả ấy nơi những vùng sâu vùng xa và vùng cao nguyên hẻo lánh trong lãnh thổ Việt Nam với ước mong đem Lời Chúa đến cho muôn người. Và cũng có nhiều người hy sinh cả đời của mình tại một điểm truyền giáo nào đó, để hòa vào cuộc sống của người dân bản địa nhằm ươm mầm hạt giống đức tin.
Cùng hưởng ứng sứ vụ chung của Giáo hội, mỗi Kitô hữu chúng ta hãy đóng góp công sức và tài năng của mình cho sứ vụ truyền giáo. Tùy theo từng môi trường, từng hoàn cảnh mà chúng ta có những cách thức truyền giáo khác nhau. Tuy nhiên, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đòi hỏi phải có tinh thần hy sinh và nhẫn nại, không ngại gian khổ, sẵn sàng chấp nhận những mất mát nơi bản thân mình để sứ vụ Lời mỗi ngày một nhân rộng và lan xa. Hy vọng với những nỗ lực và cố gắng của từng người trong chúng ta, những người chưa biết Chúa sẽ có cơ hội trở về với Người và nhận ra tình thương của Thiên Chúa dành cho họ. Và chắc hẳn lòng hăng say sẽ làm cho chúng ta trở thành những tay thợ gặt lành nghề trong cánh đồng truyền giáo.
-------------------------------------------
[1] Xc. ĐGH Gioan Phaolô II, Redemptoris Missio, số 90.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 23/02: Thánh Pôlycarpô, giám mục, tử đạo
-
Ngày 22/02: Lập Tông Tòa Thánh Phêrô -
Ngày 21/02: Thánh Phêrô Đamianô, Giám mục, tiến sĩ (1007-1072) -
Ngày 17/02: Bảy anh em lập dòng Tôi tớ Đức Mẹ -
Ngày 14/02: Thánh Cyrillô, tu sĩ & Thánh Mêtôđiô, giám mục -
Ngày 11/02: Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức -
Ngày 10/02: Thánh Scholastica, trinh nữ -
Ngày 08/02: Thánh Giêrônimô Êmilianô -
Ngày 06/02: Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo -
Ngày 05/02: Thánh Agata, đồng trinh, tử đạo
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Ngày 03/12: Thánh Phanxicô Xaviê, bổn mạng các xứ truyền giáo -
Bảy sự đau đớn và vui mừng Thánh Giuse -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Ngày 04/08: Thánh Gioan Maria Vianney, linh mục, bổn mạng các cha sở -
Ngày 03/05: Thánh Philipphê và Thánh Giacôbê, tông đồ -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi -
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo -
Ngày 27/08: Thánh nữ Monica -
Ngày 28/08: Thánh Augustinô, Giám mục, Tiến sĩ Hội thánh