Người khiếm thị và khiếm thính có thể thưởng ngoạn nghệ thuật tại Bảo tàng Vatican

Người khiếm thị và khiếm thính có thể thưởng ngoạn nghệ thuật tại Bảo tàng Vatican

WHĐ (04.03.2011) – Bảo tàng Vatican đã đưa ra các chương trình tham quan đặc biệt dành cho người điếc và người mù.

Các chương trình tham quan miễn phí kéo dài hai tiếng đồng hồ này dành cho các người khiếm thính và khiếm thị nhằm đem lại cho họ một kinh nghiệm đa cảm quan về một số công trình nổi tiếng nhất của bảo tàng.

Sáng kiến này cũng mở ra cơ hội đầu tiên cho người điếc ở Italy để được đào tạo và làm việc tại một viện bảo tàng như một hướng dẫn viên kinh nghiệm thay vì chỉ là thông dịch viên.
Bảy phụ nữ, trong đó có năm người bị điếc, đã được đào tạo chuyên ngành lịch sử nghệ thuật và khảo cổ học tại Bảo tàng để họ có thể làm việc như hướng dẫn viên chuyên nghiệp cho các chương trình tham quan mới dành cho người điếc.

Một trong những hướng dẫn viên điếc mới, người đã giới thiệu mình là “Anna,” cho biết -thông qua một thông dịch viên- cô và đồng nghiệp mới của mình rất hạnh phúc khi có cơ hội làm hướng dẫn viên bảo tàng chuyên nghiệp tại Bảo tàng Vatican.

Chương trình tham quan dành cho người khiếm thính gồm phòng Raphael, Nhà nguyện Sistine, và thăm các bộ sưu tập tượng cổ điển. Các hướng dẫn viên thông thạo một số ngôn ngữ kí hiệu, bao gồm các ngôn ngữ kí hiệu Anh và Pháp.

Isabella Salandri, người phụ trách các chương trình tham quan mới này cho biết, lộ trình tham quan dành cho người mù và người khiếm thị kết hợp các kinh nghiệm giác quan, giúp họ thưởng ngoạn một tác phẩm nghệ thuật “mà không còn ao ước mắt được nhìn thấy.”

Ví dụ, để khảo sát bức “Xuống khỏi thập giá” của Michelangelo Merisi Caravaggio, trước tiên khách tham quan sẽ nghe một đoạn Kinh Thánh kể lại cảnh Chúa Kitô được đưa xuống khỏi thập giá và mai táng. Rồi họ nghe một bài bình ca liên quan tới các sự kiện Kinh Thánh và nghe một đoạn ngắn về cuộc đời của họa sĩ.

Sau đó từng người một sẽ chạm tay vào một bức phù điêu bằng nhựa trình bày cảnh Nicôđêmô và Gioan đặt xác Chúa Kitô trên phiến đá trong khi Đức Maria và những phụ nữ khác đứng nhìn.

Salandri nói: “Người hướng dẫn sẽ giúp khách tham quan chạm tay vào từng chi tiết của bức phù điêu “một lúc lâu, vì điều này giống như một câu đố, họ cần phải tạo ra một bức tranh trong trí để biết được cách thức sắp xếp của nhiều khuôn mặt và chân tay, bao gồm cả cơ thể của Chúa Kitô.

Như thế khách tham quan cảm nhận được các chi tiết thực trong bức tranh như những chiếc lá dày mượt như nhung và tấm vải lanh có mùi thơm mộc dược và lô hội, các loại thảo mộc sử dụng trong các loại vải khâm liệm thời đó.

Sara di Luca, một nhân viên phục chế của bảo tàng, cho biết cô đã sử dụng cùng loại vật liệu và kỹ thuật mà Caravaggio sử dụng trong kiệt tác của ông để tạo ra bức tranh sơn dầu mẫu của một phần của bức tranh “Xuống khỏi thập giá.”

Cô cho biết trong phiên bản mẫu cô đã sử dụng nét vẽ và độ dày của sơn tương tự để khách tham quan có thể chạm vào bản sao và cảm nhận cùng một loại vải thô, dõi theo các nét vẽ, và mùi sơn dầu như Caravaggio đã sử dụng.

Di Luca cũng đã thực hiện một phiên bản mẫu bức tranh tường “Thiên thần với đàn lute” của Melozzo da Forli để du khách có thể cảm nhận tương tự về cảm xúc và mùi vị như bức tranh đã được thể hiện.

Khách tham quan cũng nhận được một tập sách bằng chữ nổi để xem qua những phác thảo của cả hai tác phẩm của Caravaggio và Melozzo.

(Theo CNS, 01.03.2011)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top