Nhân Đại hội Giới trẻ Mùa Chay TGP (31.3.2012): Viết cho Giới trẻ
Lý do viết cho giới trẻ ngày 31.3
Từ 13g30 đến 21g30, thứ Bảy ngày 31.3.2012, tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận TPHCM, đã diễn ra Đại hội Giới trẻ mùa Chay 2012, với chủ đề “Niềm Vui Trong Chúa”. Niềm vui ấy được triển khai ba phần: niềm vui gặp gỡ, niềm vui giữa đời và niềm vui trong Chúa. Nhân sự kiện này, chúng ta cùng trao đổi một vài tâm tình với những người trẻ Công giáo hôm nay. Đặc biệt là những điều chúng ta chia sẻ dưới đây xem ra chẳng vui chút nào mà thậm chí lại buồn nữa là khác. Vậy thì, đó là những vấn đề gì?
Khởi đi từ những chuyện đời thường
Xin mở đầu bằng câu chuyện mà tôi trực tiếp nghe được hôm Chúa nhật (25.02.2012) vừa qua. Một bạn trẻ Công giáo vừa có một chuyện buồn: mất mười triệu đồng khi đang đi làm ở công ty. Số tiền này là của người khác. Bạn ấy chỉ là người giữ giùm. Thế là tai họa bất ngờ xảy đến cho bạn: phải đền số tiền ấy cho người ta. Chưa hết, bạn trẻ ấy còn kể tiếp hai câu chuyện đau lòng khác: em gái của bạn đã nghỉ học, bỏ nhà ra đi hơn nửa tháng trước. Một người bạn gái đồng hương của bạn trẻ ấy phải về quê, vì đã trót dại có thai ngoài ý muốn…
Chúng ta cảm nhận được điều gì từ những câu chuyện đời thường như thế?
Các bạn trẻ rất thân mến, những câu chuyện đời thường trên đây thật buồn phải không các bạn? Vì thế, chủ đề của ngày Đại hội Giới trẻ mùa Chay 2012 “Niềm Vui Trong Chúa” thật là ý nghĩa cho chúng ta. Chúng ta đề cập đến niềm vui của người trẻ bởi vì cuộc sống hôm nay có quá nhiều chuyện buồn xảy đến cho chúng ta. Chúng ta đề cập đến niềm vui, nhưng phải là “Niềm Vui Trong Chúa” thì niềm vui của chúng ta mới chắc chắn và đích thực. Điều này đã được thánh Phaolô nói tới trong thư gửi tín hữu Philipphê như sau: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa.” (Pl 4,4). Vậy thì, niềm vui của các bạn trong ngày Đại hội Giới trẻ mùa Chay 2012 như thế nào? Xin nhường lời cho một tác giả nào đó sẽ thuật lại chi tiết với các bạn sau.
Giờ đây, chúng ta cùng trở về với câu chuyện đã đề cập lúc đầu: câu chuyện này gợi lên trong chúng ta những suy nghĩ gì? Phải chăng đang có một sự khủng hoảng rất lớn nào đó xảy ra đối với những người trẻ chúng ta hôm nay? Vậy đó là những khủng hoảng gì? Thưa, đó là sự khủng hoảng về niềm tin, khủng hoảng về những giá trị luân lý đạo đức, khủng hoảng về định hướng và mục đích cho cuộc đời. Vậy thì, biểu hiện của những khủng hoảng ấy là gì? Nguyên nhân sâu xa tận căn dẫn đến những khủng hoảng ấy ra sao?
Những khủng hoảng của người trẻ hôm nay như thế nào?
Trước hết, nhiều người trẻ Công giáo hôm nay đang khủng hoảng niềm tin và đức tin. Một bạn trẻ tâm sự như sau: “Cuộc sống này, người ta không còn tin tưởng nhau nữa. Vì lợi nhuận đồng tiền và lợi ích cá nhân, người ta sẵn sàng chà đạp lợi ích của người khác để tồn tại.” Thật vậy, nơi mảnh đất Sài Gòn này, người ta luôn nghi ngờ và lo sợ: sợ bị lừa gạt, sợ trộm cướp, sợ bị giựt nợ, sợ giết người v.v… Hơn thế nữa, có bao giờ bạn rơi vào trạng thái khủng hoảng đức tin chưa? Chúng ta bỏ xưng tội, bỏ nhà thờ và bỏ Chúa. Chúng ta mệt mỏi, chán ngán với những thực hành thiêng liêng như thế. Thiên Chúa dường như xa vắng đối với chúng ta. Những lúc ấy, chúng ta cảm thấy tuyệt vọng: không tin Chúa, không tin người khác và cũng không tin chính mình. Chúng ta kéo lê cuộc đời của mình trong những khủng hoảng bế tắc và tội lỗi. Chúng ta để mình lệ thuộc vào những thứ không phải là Thiên Chúa. Vậy những thứ đó là gì đối với bạn và tôi?
Tiếp đến, loại khủng hoảng thứ hai mà người trẻ hôm nay phải đối diện, đó là khủng hoảng về những giá trị luân lý và đạo đức. Câu chuyện một bạn trẻ nữ vì một phút lỡ lầm, kết quả mang thai đã cho chúng ta thấy điều này. Bạn ấy trở về nhà, về với gia đình là điểm tựa nâng đỡ trong những lúc khủng hoảng. Sai lầm và thất bại trong tình cảm, trong những đam mê nhất thời, đã để lại hậu quả tê tái cho cuộc đời của bạn. Lúc này, bạn ấy đang cần sự cảm thông của người khác, để có thể đủ sức đứng lên làm lại cuộc đời. Thật vậy, nhiều người trẻ hôm nay cứ lao đầu vào những thói nghiện đến vô độ: nghiện tình dục, nghiện xì ke, thuốc lắc, nghiện rượu bia v.v… Kết quả cuối cùng sau những thỏa mãn thói nghiện ấy là gì? Một sự trống trải và bất an trong tâm hồn. Những tệ nạn như giết người cướp của, phá thai, mắc phải căn bệnh của thế kỷ. Những tệ nạn ấy hủy hoại cuộc đời chúng ta.
Sau cùng, nhiều người trẻ chúng ta gặp khủng hoảng về định hướng sống và mục đích cho cuộc đời: tôi học ngành này, trường kia để làm gì? Mục đích tôi sống trên đời này để làm gì? Lúc này, các bạn học sinh lớp 12 chuẩn bị chọn cho mình một trường, một ngành để thi. Thế nhưng, những bạn trẻ ấy cứ băn khoăn: khi ra trường liệu có việc làm không? Kinh nghiệm nhiều người đi trước cho thấy: có những sinh viên đại học ra trường, không tìm được việc làm, không dám về quê, thậm chí muốn tự kết liễu cuộc đời của mình.
Làm thế nào để vượt qua những khủng hoảng, sóng gió trong cuộc đời của người trẻ Công giáo?
Các bạn trẻ rất thân mến, có lẽ ai trong chúng ta cũng đã từng đối diện với những khủng hoảng trên đây. Làn sóng của những khủng hoảng ấy đang lan rộng vào những người trẻ chúng ta. Chúng không loại trừ một ai. Khủng hoảng ấy có thể xảy đến cho bạn, cho tôi và cho bất kỳ một người trẻ nào đó trong xã hội này. Vậy thì, chúng ta có tìm ra nguyên nhân tận căn dẫn đến những khủng hoảng ấy là gì không? Đức Thánh Cha Bênêdictô đã trả lời cho chúng ta rằng: gốc rễ của mọi sai lầm, tệ nạn và khủng hoảng của con người thời đại hôm nay đó chính là khủng hoảng đức tin. Vì thế, chủ đề “Niềm Vui Trong Chúa” của ngày Đại hội Giới trẻ mùa Chay 2012 thật ý nghĩa cho chúng ta. Niềm vui ấy là gì? Đó có phải là những nụ cười, những tiếng vỗ tay, những tiết mục văn nghệ hoành tráng và sôi động trong ngày đại hội? Hay đó là niềm vui chia sẻ tình người, niềm vui Lời Chúa, niềm vui Thập Giá, niềm vui Thánh Thể trong đời sống đức tin của người trẻ Công giáo chúng ta? Cuộc sống nếu không có những niềm vui như thế thì có còn là cuộc sống ý nghĩa cho đời, cho người nữa không?
Cuối cùng, chắc hẳn chúng ta đều đồng ý với nhau ở điểm này: những niềm vui đến từ bên ngoài rồi cũng sẽ qua nhanh, chẳng một chút gì sâu lắng còn đọng lại trong tâm hồn chúng ta. Chỉ có niềm vui nội tâm đến từ ơn Chúa, lắng nghe được tiếng Chúa và cảm nhận được Chúa thương người trẻ chúng ta mới thật sự là niềm vui đích thực đem lại bình an cho tâm hồn chúng ta. Niềm vui ấy không phải từ trên trời rơi xuống. Niềm vui ấy đòi hỏi những người trẻ chúng ta một sự nỗ lực dấn thân phục vụ và cầu nguyện không ngừng. Thật cảm kích biết bao trước những bạn trẻ tham gia nhóm ve chai để giúp đỡ người nghèo ở nhiều giáo xứ. Thật cảm kích biết bao trước những bạn trẻ Công giáo đang dấn thân cho công tác thiện nguyện ở nhiều bệnh viện, để an ủi và xoa dịu phần nào những nỗi đau khổ và cô đơn của những người nghèo, những đứa trẻ mồ côi, những người già cả neo đơn và bệnh tật. Nơi những bạn trẻ ấy, chúng ta cảm nhận một ngọn lửa nhiệt tình dấn thân và một niềm vui phục vụ. Niềm vui ấy luôn thôi thúc họ sống bình an và sống ý nghĩa cho bản thân, gia đình và mọi người.
Ước gì, mỗi người trẻ chúng ta luôn nhận ra: Chúa chính là niềm vui của chúng ta (x. Tv 37,4). Ước gì trong cuộc đời chúng ta nỗ lực sống làm sao để mỗi ngày: chúng ta sẽ là niềm vui của Chúa và của mọi người (x. Is 62,5). Và ước gì, những niềm vui ấy sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn và thử thách trong cuộc đời, nhất là những lúc chúng ta vấp ngã và sai lầm trong cuộc sống thường ngày.
bài liên quan mới nhất
- Đức Giê-su Ki-tô - Đường công chính
-
Tiếng hát giáo đường 2020: Bạn trẻ trao gửi yêu thương -
Công bố Logo Năm Mục vụ Giới trẻ 2021 -
Hòa mạng cùng Carlo: Gặp gỡ giới trẻ TGP Sài Gòn ngày 10-10-2020 -
Ủy ban Giáo dục Công giáo Việt Nam: Trao học bổng Mầm Hy Vọng ngày 10-10-2020 -
Phân định và hành động theo DOCAT -
Thư gửi sinh viên, học sinh Công giáo nhân dịp khai giảng năm học 2020 - 2021 -
Nhãn quan Giáo hội về giới trẻ trong thế giới hôm nay -
Bạn trẻ Công giáo nói không với thủ dâm, tại sao? -
Gợi ý phương pháp làm mục vụ giới trẻ theo Tông huấn Christus Vivit
bài liên quan đọc nhiều
- Bạn trẻ Công giáo nói không với thủ dâm, tại sao?
-
Công bố Logo Năm Mục vụ Giới trẻ 2021 -
Các Thế hệ trẻ và Mục vụ Giới trẻ -
Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo: Thư gửi sinh viên, học sinh nhân dịp Lễ Chúa Thăng Thiên 2020 -
Người trẻ và việc phân định: Ơn gọi Độc thân Thánh hiến hay Ơn gọi Hôn nhân -
Chương trình mục vụ giới trẻ 2020-2022: Mỗi tháng một hình ảnh hay tước hiệu Đức Giê-su -
Hòa mạng cùng Carlo: Gặp gỡ giới trẻ TGP Sài Gòn ngày 10-10-2020 -
Ban Mục Vụ Giới Trẻ -
Thư gửi sinh viên, học sinh Công giáo nhân dịp khai giảng năm học 2020 - 2021 -
Đại hội Giới Trẻ mùa Chay 2019