Nhân kỷ niệm 40 năm RVA, nghĩ về Giáo Hội trong “Thế Giới Phẳng”

Nhân kỷ niệm 40 năm RVA, nghĩ về Giáo Hội trong “Thế Giới Phẳng”

Nhân kỷ niệm 40 năm RVA, nghĩ về Giáo Hội trong “Thế Giới Phẳng”

“Thế Giới Phẳng” là cụm từ đặc biệt nằm trong tên của một cuốn sách bán chạy nổi tiếng (The World is Flat: A Brief History of the Twenty-First Century) của nhà báo Thomas L. Friedman. Theo Friedman, cụm từ này diễn tả diện mạo của thế giới chúng ta ngày hôm nay. Vào thời Galilê, khi mọi người còn đang nghĩ rằng mình sống trên một mặt đất phẳng mênh mông, cụm từ “trái đất tròn” đã tạo ra một cú “sốc” khủng khiếp. Bây giờ Friedman lại muốn tạo ra một cú “sốc” ngược lại khi nói địa cầu bây giờ không còn tròn nữa, thế giới đã bị san phẳng qua ba thời đại Toàn cầu hoá. 

Theo Friedman, thời đại Toàn cầu hoá 1.0 kéo dài từ 1492- khi Columbus giương buồm, mở ra sự giao thương giữa Thế giới Cũ và Thế giới Mới – cho đến khoảng 1800. Nó đã làm thế giới co lại từ một kích thước lớn thành cỡ trung bình. Toàn cầu hoá 1.0 là công việc của các quốc gia và sức mạnh cơ bắp. Những quốc gia thức thời của thời đại này là những nuớc dám đặt ra cho mình những câu hỏi: nuớc tôi có bao nhiêu cơ bắp (bao nghiêu sức ngựa, sức gió, sức hơi nước) – và nước tôi dùng cơ bắp này để hợp tác và cạnh tranh toàn cầu như thế nào? Làm sao tôi có thể đi toàn cầu và cộng tác với những người khác thông qua nước tôi? Những quốc gia nào, vào thời đó, không biết đặt ra cho mình những câu hỏi này, tất nhiên, đã là những nước tụt hậu! 

Toàn cầu hoá 2.0, kéo dài từ 1800 đến 2000. Thời đại này làm thế giới co từ cỡ trung bình xuống cỡ nhỏ. Trong Toàn cầu hoá 2.0, nhân tố then chốt của thay đổi không chỉ là các quốc gia, mà đã là các công ti đa quốc gia. Các công ti đa quốc gia này tiến hành toàn cầu hoá qua việc tìm thị trường và lao động, đầu tiên là sự bành trướng của các công ti cổ phần Hà Lan và Anh. Trong nửa đầu của thời đại này, hội nhập toàn cầu được thúc đẩy bởi sự sụt giảm chi phí chuyên chở, nhờ động cơ hơi nước và đường sắt, và trong nửa sau bởi sự sụt giảm các chi phí liên lạc - nhờ sự phổ biến của điện tín, điện thoại, PC, vệ tinh, cáp quang, và phiên bản ban đầu của World Wide Web (WWW). Các động lực ở đằng sau kỉ nguyên toàn cầu hoá này là các đột phá về phần cứng - từ tàu hơi nước và đường sắt lúc ban đầu đến điện thoại và các máy tính lớn vào lúc cuối. Và câu hỏi lớn trong thời đại này đã là: Công ti của tôi hợp với nền kinh tế toàn cầu ở chỗ nào? Nó tận dụng các cơ hội thế nào? Làm sao tôi có thể đi toàn cầu và cộng tác với những người khác qua công ti của tôi?... Những quốc gia nào, vào thời đó, không có - hoặc có quá ít - các công ti biết đặt ra cho mình những câu hỏi này, tất nhiên, đã là những nước tụt hậu! 

Vào khoảng năm 2000, chúng ta đã bước vào một kỉ nguyên mới hoàn toàn: Toàn cầu hoá 3.0. Toàn cầu hoá 3.0 làm thế giới co từ cỡ nhỏ xuống cỡ bé tí và đồng thời san bằng sân chơi. Động lực tiến hành toàn cầu hoá đổi khác hoàn toàn. Trong Toàn cầu hoá 1.0, động lực tiến hành toàn cầu hoá là các quốc gia. Trong Toàn cầu hoá 2.0, động lực tiến hành toàn cầu hoá là các công ti. Trong Toàn cầu hoá 3.0, động lực tiến hành toàn cầu hoá là chính các cá nhân. Đòn bẩy cho phép các cá nhân và các nhóm có thể giao dịch toàn cầu cách dễ dàng và suôn sẻ không phải là sức ngựa, không phải là phần cứng, mà là phần mềm. Tất cả các phần mềm ứng dụng mới, cùng với sự sáng tạo ra một mạng cáp quang toàn cầu, mạng internet, mạng xã hội đã biến mọi người ở khắp mọi nơi thành láng giềng sát vách. 

Vào thời đại này của chúng ta, sân chơi cạnh tranh toàn cầu được san bằng. Thế giới được san phẳng vì có thể cho nhiều người hợp tác và cạnh tranh: 
- với nhiều người hơn 
- về nhiều loại việc làm khác nhau hơn 
- từ nhiều ngõ ngách của hành tinh hơn 
- trên cơ sở bình đẳng hơn bất cứ thời gian nào trước đây trong lịch sử loài người 
- nhờ sử dụng máy tính, e-mail, mạng internet, mạng xã hội, tham dự hội nghị từ xa qua màn hình và các phần mềm mới năng động. 

Bây giờ các cá nhân phải, và có thể, hỏi: “Tôi thích hợp với sự cạnh tranh và các cơ hội hợp tác toàn cầu ngày nay ở chỗ nào, và làm sao tôi có thể, tự mình, cộng tác và cạnh tranh với mọi người trên thế giới?” 

Tất nhiên không phải ai cũng đồng ý với cái nhìn này của Friedman. Joseph Stiglitz, người đoạt giải Nobel kinh tế năm 2001, trong cuốn sách “Making Globalization Work” đã cho rằng thế giới ngày nay có những điểm không những không “phẳng” hơn, mà lại còn “cong queo” hơn trước nữa. Tuy nhiên ông cũng đồng ý với Friedman rằng: trong một số chiều hướng nào đó với những thay đổi thần kỳ, thế giới hôm nay quả thật cũng đã “phẳng” hơn trước rất nhiều!  

Trong một “Thế Giới Phẳng” (tuy không “phẳng” toàn diện) như thế, câu hỏi mà Friedman đặt ra vẫn khiến thiên hạ phải quan tâm: “Bây giờ các cá nhân phải, và có thể, hỏi: tôi thích hợp với sự cạnh tranh và các cơ hội hợp tác toàn cầu ngày nay ở chỗ nào, và làm sao tôi có thể, tự mình, cộng tác và cạnh tranh với mọi người trên thế giới”. Không đặt được những câu hỏi này, và không thực hiện được những câu trả lời ư? Coi chừng sẽ (hoặc đã) rơi vào nguy cơ bị tụt hậu đấy! 

Giáo hội và con cái của Giáo hội có cần phải đặt ra cho mình những câu hỏi như vậy không? Phải loan báo Tin Mừng như thế nào trong “Thế Giới Phẳng” của ngày hôm nay? 

“Vào ngày 9-3-2009, Toà Thánh Vatican đã mời các giám mục và linh mục của 82 quốc gia về Rôma để nghiên cứu về các thách đố và các khả năng do các phương tiện truyền thông kỹ thuật số đặt ra cho việc loan báo Tin Mừng. Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội, do Đức Tổng Giám Mục Claudio Maria Celli làm chủ tịch, đã khởi sự một hội nghị kéo dài 5 ngày bàn về sự tiến triển của Internet trong những năm vừa qua: trang web, blogs và các mạng xã hội (Facebook, YouTube, Flicker, Twister…)” (Bản tin Zenit) 

Như vậy Giáo Hội đã hối thúc con cái mình rao giảng Tin Mừng với những phương tiện truyền thông hiện đại của “Thế Giới Phẳng”, và từ đó trong Giáo Hội phát sinh những sinh hoạt mục vụ mới: mục vụ Internet, mục vụ Blog, mục vụ Wiki, mục vụ Mạng Xã Hội… Đây là một sự thức thời rất cần thiết và rất tuyệt vời. 

Người ta đã từng thấy sự thức thời cần thiết và tuyệt vời này của Giáo Hội trước đây khi Giáo Hội thiết lập đài phát thanh Vatican (năm 1931, do chính Guglielmo Marconi đích thân chủ trì xây dựng) và đài phát thanh Radio Veritas Asia (năm 1969). 

Vào hai ngày 15 và 16-4-2009, đài Radio Veritas Asia (RVA) đã long trọng tổ chức mừng kỷ niệm 40 năm loan báo Tin Mừng cho các dân tộc Á Châu qua làn sóng phát thanh. Chủ đề được chọn để suy tư và nhìn lại trong dịp này là “Vượt qua các biên giới, Chia sẻ Chúa Kitô” (Crossing Borders, Sharing Christ). 

Ngày đầu tiên của lễ kỷ niệm, dưới hình thức hội nghị, đã bắt đầu vào buổi sáng với những chia sẻ rất cảm động, diễn tả những cảm nghiệm và những biến chuyển tâm linh khi đón nhận Lời Chúa qua làn sóng radio, diễn ra trong vùng đất Trung Quốc, Miến Điện, Ấn Độ, Việt Nam… Làn sóng RVA đã nuôi dưỡng nhiều tâm hồn, dẫn đưa nhiều người đến với Đức Kitô. Hiện nay, tại một số nước như Miến Điện, giờ phát thanh của RVA vẫn là điểm hẹn linh thiêng ấm áp của rất nhiều người công-giáo và không-công-giáo. Và rất thú vị là những kinh nghiệm trong hoạt động phát thanh tại Á châu của giáo sư Monthienvichienchai: “bôi xoá tất cả để đong đầy tất cả”. Bà Irmgard Icking (Missio), đại diện các cơ quan tài trợ cho RVA, đã bộc lộ sự xúc động của mình trước những thành quả thiêng liêng diệu kỳ của RVA. Trách nhiệm của các Giáo Hội địa phương về tài chánh và chương trình của RVA cũng được nhắc đến. Đức Hồng Y Celli, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội, đã đưa đến cho “đại hội” tâm tình chúc mừng và lời nhắn nhủ của Toà Thánh về mục vụ truyền thanh Lời Chúa. Kết thúc là lời tóm tắt của Đức ông Nguyễn Văn Tài, trích lời của Đức Cha Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: "để tiếng nói Chân Lý đến với mọi người trong tình Bác Ái (Veritas in Caritate), và tình Bác Ái của Đạo thánh Chúa luôn là linh hồn của công cuộc rao giảng Chân Lý Phúc Âm (Caritas in Veritate)". 

Ngày thứ hai đã khởi sự bằng thánh lễ trong hội trường của RVA vào lúc 2 giờ trưa, với chủ tế là Đức hồng y Celli, và đồng tế có Đức Khâm Sứ Toà Thánh ở Philippines, 2 hồng y, 17 giám mục và khoảng 100 linh mục. Khách mời tham dự trên 300 người. Sau thánh lễ là những gặp gỡ, chào hỏi, chuyện trò, bắt tay nồng hậu hân hoan của những người làm việc trên cánh đồng truyền giáo của lục địa châu Á. Trở về chỗ ngồi trong hội trường, mọi người lắng nghe lời chúc mừng của các đại sứ, khâm sứ, các giám mục đại diện các giáo hội địa phương tại Á châu, các cơ quan tài trợ, xen kẽ với các tiết mục văn nghệ. Phần thưởng lưu niệm được trao cho những nhân vật và các cơ quan đã tận tuỵ với RVA.  

Đặc biệt, giải thưởng Hồng Y Sin – RVA mới vừa được thiết lập vào dịp lễ kỷ niệm này và trao lần đầu tiên cho Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài, giám đốc chương trình của RVA, người đã phục vụ cho đài suốt 31 năm. Phát biểu đáp từ của Đức ông Phêrô sau đó đã nhận được rất nhiều tràng pháo tay tán thưởng, một phát biểu mang đậm nét dí dỏm duyên dáng của người Việt Nam, nhưng cũng thấm đẫm văn hoá Phi (nơi người đã phục vụ suốt nửa cuộc đời), và bao hàm sự trung thực khiêm tốn của một người được sai đi từ Vatican.  

“Vượt qua các biên giới, Chia sẻ Chúa Kitô”, sự vượt qua này làm cho thế giới “phẳng” hơn theo nghĩa của Tin Mừng: “đường lồi lõm phải san cho phẳng, rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3,5-6). Gioan Tẩy Giả đã là tấm gương sáng, thực hiện nhiệm vụ san phẳng này, theo cách của thời đại ngài. Còn chúng ta, cũng thực hiện nhiệm vụ “san cho phẳng” này, theo cách của thời đại chúng ta, thời đại của “Thế giới phẳng”. 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top