Nhật ký Ad Limina 2009 (11)

Nhật ký Ad Limina 2009 (11)

Thứ tư 1.07.2009

Như thường lệ, hôm nay các Đức cha dâng lễ đồng tế lúc 6 giờ, ăn sáng lúc 7g15, rồi chuẩn bị đi gặp 2 cơ quan của Tòa Thánh.
Bộ Giáo dục
Tại Bộ Giáo dục, Phái đoàn Hội đồng Giám mục Việt Nam được Đức Tổng Giám mục Tổng Thư Ký Jean-Louis Brugès cùng với các vụ trưởng đón tiếp. Mở đầu, Đức TGM Brugès giới thiệu cơ cấu của bộ gồm 3 vụ: Đại Học, Chủng viện và Trường Công giáo. Ngài ngỏ ý muốn được biết hiện tình giáo dục Công giáo ở Việt Nam và những hy vọng trong tương lai.
Đức Hồng y Phạm Minh Mẫn trình bày về hiện tình chung. Từ năm 1954 ở Miền Bắc và từ năm 1975 ở Miền Nam, tất cả các cơ sở giáo dục tư nhân bị đóng cửa và tịch thu, Nhà Nước giữ độc quyền về giáo dục. Ngài đã nói với chính quyền là khắp nơi trên thế giới, Hội Thánh Công Giáo làm rất tốt công tác giáo dục và y tế, tại sao ở Việt Nam lại không. Nhưng cho đến nay chỉ mới có các trường mẫu giáo.
Về các chủng viện, năm 1986 Đại Chủng viện Thánh Giuse (TGP. TPHCM) được mở và chiêu sinh theo chỉ tiêu do Nhà Nước ấn định. Nay đã có 7 Đại Chủng viện và được tự do chiêu sinh. Dầu vậy, các ứng sinh vẫn phải xếp hàng chờ đợi: riêng Saigon hiện có 300 ứng sinh.
Đức cha Nguyễn Văn Khảm trình bày về Ủy ban Giáo dục của Hội đồng Giám mục. Ủy ban được thành lập cách nay 3 tháng. Trước kia, Giáo Hội Việt Nam có nhiều trường học từ cấp mẫu giáo đến Đại học, nhưng nay chỉ còn các trường mẫu giáo.
Chính sách Đổi Mới đã thay đổi hoàn toàn nền kinh tế, nhưng về giáo dục Nhà Nước vẫn giữ độc quyền. Chính phủ cho tư nhân và người nước ngoài mở trường, nhưng không cho Giáo Hội. Cho đến nay, Giáo Hội có những cố gắng trong một số lãnh vực: (1) giáo dục đức tin trong gia đình và giáo xứ, nhiều nơi mỗi giáo xứ có dạy giáo lý hằng tuần; (2) nhiều người Công giáo dạy trong các cơ sở giáo dục của Nhà Nước; (3) đây đó có những lớp học tình thương dành cho các trẻ em không được đến trường.
Năm 2008, Hội đồng Giám mục gửi thư chung về Giáo dục Kitô giáo trong 3 năm liền: (1) tầm quan trọng của giáo dục Kitô giáo; (2) giáo dục Kitô giáo trong gia đình; (3) giáo lý trong giáo xứ. Cuối cùng ngài đưa ra hai đề nghị: (1) Ủy ban mới được thiết lập, cả người đặc trách cũng không biết phải làm gì, xin Bộ giúp ý kiến; (2) Cho đến năm 1975, Giáo Hội Việt Nam có Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X ở Đà Lạt, sau đó phải đóng cửa và bị tịch thu, xin giúp tái lập hay lập một Học viện mới.
Đức cha Vũ Huy Chương cho biết đã gửi bản báo cáo về các chủng viện, chỉ xin nêu một vài điểm. Hiện Việt Nam có 7 Đại Chủng viện với 4916 chủng sinh. Ngoài ra, tại Nha Trang có khóa đặc biệt cho 200 chủng sinh lớn tuổi. Cả nước có khoảng 2000 ứng sinh chờ vào chủng viện. Các ứng sinh này tùy mỗi giáo phận, nhưng nói chung được học giáo lý, Kinh Thánh, cầu nguyện, lịch sử Hội Thánh, tập sống cộng đoàn…
Ủy ban Linh mục và Chủng viện đang hoàn tất Quy chế Học vấn (Ratio Institutionis) cho các chủng viện. Điều quan trọng là đào tạo những người đào tạo. Sau gần 20 năm, từ năm 1994 Việt Nam mới có các linh mục được gửi đi học ở Roma, rồi sau đó là các nơi khác. Đa số các linh mục ấy sau khi học xong đã trở về dạy trong các Đại Chủng Viện.           
Trong phần thảo luận, các Đức cha đã trả lời nhiều câu hỏi của các vị lãnh đạo của Bộ.
Hỏi: Ở Việt Nam có các phó tế vĩnh viễn không?
Đáp: Chưa.
Hỏi: Các Đức cha đã làm thế nào để có được nhiều ơn gọi như vậy?
Đáp: Xã hội Việt Nam có những thuận lợi: (1) gia đình; (2) giáo xứ; (3) các linh mục nói riêng và người tu hành nói chung được dân chúng quí mến; (4) cũng có thể vì trong một xã hội nghèo, đời sống linh mục cao hơn; về điểm này cần đến nhận định và và thời gian để thanh luyện.
Hỏi: Chúng tôi ganh tị vì Việt Nam có nhiều ơn gọi! Có thể phải nghĩ đến san sẻ cho nơi khác?
Đáp: Đang có những thảo luận và thử nghiệm.
Hỏi: Trong tương lai, có hy vọng là tình hình giáo dục sẽ cởi mở hơn không?
Đáp: Hy vọng thì cứ phải hy vọng!
Cuối cùng, vị Tổng Thư ký cho biết Bộ sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam, xin các Đức cha đặc trách gặp các vị vụ trưởng. Ngài cũng cho biết trên thế giới có 1200 đại học Công giáo và nhắc lại lời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: “Hy vọng tất cả các Đại Chủng viện liên kết với các đại học” để bằng cấp được công nhận.
Hội đồng Tòa Thánh về Truyền thông
Đúng 12 giờ trưa, các Đức cha đến họp với Hội đồng Tòa Thánh về Truyền thông. Tiếp đoàn là Đức Tổng Giám mục Chủ tịch Claudio Celli, người khá quen thuộc với Việt Nam vì đã nhiều lần đến Việt Nam trong vai trò thứ trưởng ngoại giao.
Ngài trình bày về Hội đồng và các lãnh vực quan tâm. Ngài cho biết ở Việt Nam có 20 triệu người sử dụng internet và 80% giới trẻ ở các đô thị sử dụng điện thoại di động. Cũng có những vấn đề phải lưu ý: (1) nhiều người truy cập trang Wikipedia trên internet để biết về Giáo Hội Việt Nam, các Đức cha cần xem những điều người ta viết ở đó có đúng không; (2) nhiều vị lãnh đạo trong Hội Thánh dùng blog để đối thoại với người khác, các Đức cha nên xem xét. Ngoài ra ngài cho biết những hình thức mới như Facebook (có 200 triệu người truy cập), rồi Youtube (Đức Giáo Hoàng đã sử dụng), Podcasting và Telephone IP… Giáo Hội Việt Nam cần biết và tận dụng.
Đức cha Nguyễn Văn Đệ, chủ tịch Ủy ban Truyền thông Xã hội thuộc Hội đồng Giám mục trình bày hiện tình truyền thông của Giáo Hội Việt Nam. Nhà Nước độc quyền về truyền thông, nên tất cả các phương tiện trước đây của Giáo Hội không còn nữa: Không báo chí, không nhà xuất bản, không đài phát thanh, không truyền hình, không sản xuất phim ảnh. Hội đồng Giám mục chỉ có một bản thông tin hằng tháng với số bản in rất hạn chế. Tuy nhiên, Hội đồng Giám mục đã có trang web và nhiều giáo phận cũng như nhiều dòng tu đã có trang web riêng.
Vị Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Truyền thông vui mừng vì 10 năm trước Hội đồng Giám mục Việt Nam chưa có gì trong lãnh vực truyền thông nay đã có trang web, và nhiều giáo phận cũng như nhiều dòng tu có trang web. Vấn đề là tương lai. Đừng để bị bỏ lại đàng sau! Cần đào tạo nhân sự. Xin Hội đồng Giám mục gửi 2 linh mục tốt đến Roma, Hội đồng Truyền thông sẽ cho học bổng trong 3 năm để thành chuyên viên. Cần bắt đầu ngay! Được hỏi các linh mục ấy sẽ được đào tạo về công nghệ hay về tư tưởng, ngài trả lời: “Tất nhiên là cả công nghệ nữa, nhưng quan trọng nhất là cái đầu và trái tim.”
Chiều nay, Ban Thường vụ cùng với Đức Hồng y Tổng giáo phận TP.HCM và Đức Tổng Giám mục Huế đi chào Tòa Đại sứ Việt Nam ở Roma. Cũng chiều nay, một số Đức cha đến viếng Chân phước Anrê Phú Yên tại Trụ sở Dòng Tên (sọ của ngài được cha Đắc Lộ đưa sang Roma và được giữ tại Trụ sở Dòng Tên từ gần 400 năm nay). Các Đức cha đã quỳ gối trước hài cốt vị tử đạo tiên khởi của Việt Nam sốt sắng cầu nguyện cho Giáo Hội, cho các giáo lý viên và cho chính ngài sớm được phong thánh.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top