Nhật ký Công nghị Giáo phận 21.11.2011 (1)
WGPSG -- Trong Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa, các thành phần trong gia đình Giáo Hội tại Việt Nam được mời gọi canh tân lối sống của mình, luôn bước theo Chúa Giêsu trên con đường yêu thương và phục vụ, cùng chung sức xây đắp nền văn hóa sự sống và văn minh tình thương, nhằm phục vụ cho sự sống và sự phát triển của mọi người.
Nhằm đưa tinh thần và nội dung của Thư Chung 2011 vào trong mọi lãnh vực của đời sống và sinh hoạt của Giáo phận trong những năm tới, Công nghị Giáo phận Sài Gòn được tổ chức tại Trung tâm Mục vụ của Giáo phận từ Thứ Hai 21-11 đến Thứ Sáu 25-11-2011. Trọng tâm của Công nghị Giáo phận là công cuộc canh tân đổi mới đời sống của toàn Giáo Phận ở cả chiều sâu lẫn chiều rộng. Đây là cơ hội gây ý thức cho mọi thành phần trong gia đình giáo phận mở rộng sự hiệp thông trong Giáo Hội, hoà nhập vào đời sống văn hoá xã hội, hướng đến việc chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, vì sự sống mới của gia đình nhân loại cùng đất nước hôm nay.
Ngày thứ nhất: 21-11-2011
Vào sáng thứ Hai 21-11-2011, các tham dự viên của Công nghị Giáo phận từ khắp các giáo hạt tụ họp về Trung Tâm Mục Vụ của TGP. Bầu khí hôm nay trang trọng, trầm lắng, không có vẻ ồn ào sôi động như những cuộc Hội Thảo, các Đại Hội hoặc những cuộc tụ họp khác thường xuyên diễn ra tại đây, nhưng lại toát lên một sức sống mãnh liệt; vì mỗi tham dự viên hôm nay lại là đại diện cho một tập thể trong Giáo phận, mang theo bao nguyện vọng và ưu tư mong đợi của anh chị em mình.
Công nghị Giáo phận khởi sự bằng Thánh lễ Xin ơn Chúa Thánh Thần và mừng biến cố Đức Mẹ Dâng mình vào Đền thánh, được cử hành vào lúc 8g sáng tại Nhà nguyện Đại Chủng viện. Mặc dù đã có thánh lễ Khai mạc chính thức vào chiều Chúa nhật 20-11 với nghi thức làm phép tượng Đức Mẹ tại Vương Cung Thánh Đường Sài-gòn, nhưng thánh lễ hôm nay mới thực sự giúp mọi tham dự viên lắng đọng và chuẩn bị tâm hồn bước vào những ngày làm việc của Công Nghị. Mở đầu thánh lễ, Đức Hồng Y nhắc nhở mọi người hiệp chung tâm tình cầu nguyện để khẩn xin ơn đổi mới thực sự cho mọi bình diện đời sống của Giáo Phận.
Trong bài giảng lễ, Đức cha Phụ tá Phêrô nhắc đến sự trùng hợp ngẫu nhiên khi hình ảnh Đức Maria được Phụng vụ nhắc tới nhiều lần trong thời điểm khai mạc Công nghị Giáo phận. Điều đó hàm chứa một ý nghĩa quan trọng là mỗi một tham dự viên được mời gọi bước vào Công nghị Giáo phận với tâm tình và thái độ của Đức Maria. Mẹ là người biết đặt ưu tiên của Lời Chúa trong đời sống, biết luôn lắng nghe Lời Chúa để khám phá ý Chúa và đem ra thực hành. Công nghị Giáo phận cũng là dịp chúng ta lắng nghe Lời Chúa trong Kinh thánh, đó là nền tảng giúp chúng ta biết phân định, khám phá ý Chúa xuyên qua những dấu chỉ thời đại và đem ra thực hành.
Đức cha Phụ tá Phêrô cũng mời gọi mọi người hiệp cùng với Đức Maria để xin Ơn Chúa Thánh Thần, giống như xưa, sau khi Chúa về trời, các tông đồ đã tụ họp chung quanh Đức Maria để cầu nguyện và đón nhận Ơn Chúa Thánh Linh.
Các lời nguyện giáo dân hướng về mẫu gương Đức Maria để nguyện xin cho các thành phần dân Chúa qui tụ trong Công nghị Giáo phận biết noi gương Mẹ: lắng nghe Lời Chúa, sống hiệp thông, đón nhận Chúa Thánh Thần để canh tân đời sống và sứ vụ… Trong phần kết lễ, thay cho lời nguyện đã soạn sẵn, Đức Hồng Y tha thiết cầu nguyện xin Chúa hướng dẫn cho tất cả chúng con trong Công nghị Giáo phận, biết chia sẻ sức sống mới của Chúa và hăng say ra đi loan báo Tin mừng… Sau thánh lễ, các tham dự viên nhanh chóng di chuyển về Hội Trường lớn của Trung tâm Mục vụ để bắt đầu làm việc.
Cha Phêrô Nguyễn văn Hiền là người linh hoạt, điều phối ngày làm việc thứ nhất. Sau khi mọi người có dịp làm quen với nhau, là phần chào đón Đức Hồng Y và Đức Cha Phụ tá. Tiếp đến là việc giới thiệu các thành phần bằng cách mời từng nhóm đứng lên cho toàn Công nghị chào mừng: Các vị trong Ban tổ chức, các vị đại diện Linh mục, đại diện tu sĩ, đại diện giáo dân, các hội đoàn và các chuyên viên… Ngoài các đại biểu, còn có một số quan sát viên từ các Giáo phận khác đến chia sẻ học hỏi. Chủ tọa đoàn gồm có 5 vị: Đức Hồng Y, các Đại diện Linh Mục – Tu Sĩ – Giáo Dân – và Đại diện các chuyên viên. Ban thư ký gồm có 4 vị.
Cha Giuse Vũ Hữu Hiền được mời để trình bày, từ logo của Công nghị, giúp cho các tham dự viên có một hình ảnh cụ thể, biểu trưng cho nội dung hội thảo trong ngày. “Logo là tập hợp của các đường nét, màu sắc và hình ảnh rất đơn giản, dễ nhìn, giúp mọi người dễ nhớ những nội dung chính yếu của Công nghị. Hôm nay, Ban Tổ chức đề nghị các đại biểu ngắm nhìn và ghi nhớ ba hình ảnh chính yếu của logo là Nhà thờ Chính tòa (tượng trưng cho Giáo Hội địa phương), cuốn sách (tượng trưng cho Lời Chúa) và chim bồ câu (tượng trưng cho Chúa Thánh Thần)." Ba hình ảnh này diễn tả nội dung thảo luận của ngày đầu tiên. "Chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần ban ơn cho các đại biểu - khi thảo luận - biết tìm ra các phương thế hữu hiệu để đổi mới đời sống cầu nguyện, say mê học hỏi và sống Lời Chúa, đổi mới cách học hỏi và truyền đạt giáo lý trong Giáo hội địa phương của chúng ta…”
Trong phần phát biểu của mình, Đức Hồng Y nhắc lại những lời đã nói trong các thư gởi cộng đoàn dân Chúa. Có những vấn đề xảy ra do thiếu sự hiệp thông hiệp nhất trong đời sống Giáo Hội, gây ra những khó khăn là nguyên cớ cho một số người phê phán cả Giáo Hội Việt Nam và Giáo Hội toàn cầu. Đó là khó khăn chung của cả Giáo HộiVì thế cần tạo lập và mở rộng sự hiệp nhất hiệp thông, để Giáo Hội sống trong bình an và yêu thương. Công nghị Giáo phận chính là dịp chúng ta cùng suy nghĩ, chia sẻ để biến những khác biệt thành cơ hội bổ túc cho nhau, nhằm xây dựng hiệp nhất và sống Phúc âm, chu toàn sứ vụ loan tin mừng cho quê hương đất nước chúng ta và cho cả nhân loại.
Tiếp đến là phần trình bày các tham luận của đại diện các giáo hạt và các ban ngành khác nhau trong Giáo phận.
1. Tham luận của Đại diện Giáo hạt Chợ Quán – Sài gòn:
Sau khi học hỏi tinh thần và nội dung của Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 và đưa vào áp dụng trong trong mọi lãnh vực của đời sống và sinh hoạt của Giáo phận, giáo hạt có một số đề nghị:
- Đề nghị mỗi gia đình có Lời Chúa, học hỏi chia sẻ.
- Đọc kinh tối trong gia đình, đọc kinh luân phiên trong các giáo khu.
- Vận dụng Lời Chúa soi sáng cho đời sống đức tin.
- Noi gương Mẹ Maria kiên trì trước những khó khăn, hăng hái lên đường xây dựng nền văn hóa Tin Mừng và nền văn minh tình thương.
2. Tham luận của Đại diện nhóm Thăng tiến hôn nhân & gia đình: góp ý cho Công nghị Giáo phận về vai trò của Lời Chúa:
Có Thánh Kinh trong các ghế nhà thờ cho giáo dân đọc chung và được linh mục khai triển. Có thể chia sẻ Lời Chúa thay cho đọc kinh trước lễ. Đề nghị các giáo xứ có nhà chầu Thánh Thể. Có chương trình giáo lý “Hậu hôn nhân” giúp các gia đình trẻ hiểu biết và thăng tiến để sống hạnh phúc. Cần chỉnh sửa hoặc soạn lại kinh đọc cho phù hợp.
3. Tham luận của Đại biểu hạt Gò Vấp:
Cần củng cố niềm tin, gây ý thức nhạy bén về tội, cần quan tâm đến đời sống đạo đức bình dân, năng lãnh nhận các bí tích, chầu Thánh Thể, cần xây dựng và củng cố gia đình, cha mẹ gần gũi hướng dẫn và giáo dục đức tin cho con cái, gia đình nên có Kinh thánh đặt nơi trang trọng, khuyến khích thuộc những câu Kinh thánh cốt yếu, đọc Kinh thánh trong gia đình, động viên nhau tham dự thánh lễ trọn vẹn và đúng giờ, tham gia các hội đoàn và công tác Mục vụ giáo xứ, tham dự các lớp giáo lý cho người lớn.
4. Tham luận của Đại diện nhóm Gia Đình Chúa:
Đồng cảm với HĐGMVN, nhận thấy có những tác động tiêu cực hủy hoại sự sống và môi trường, lương tâm bị sa sút. Để vượt qua tình trạng này, cần tổ chức sinh hoạt các bạn trẻ, lắng nghe những khó khăn và tìm ra cách giúp họ vượt qua, giúp họ làm quen với Lời Chúa và sống xứng đáng người con Chúa. Cha mẹ cần giáo dục con cái thăng tiến toàn diện và phát triển bền vững. Khuyến khích tham gia học hỏi. Cổ võ mỗi gia đình có Kinh thánh: xác tín vai trò Lời Chúa trong gia đình và cộng đoàn. Đề nghị lồng Lời Chúa vào giờ kinh tối, tránh đọc kinh quá dài, áp đặt giờ giấc… Nên bàn bạc chọn thời gian thuận tiện, đọc ngắn gọn hiệu quả, không quá 8’.
5. Tham luận của Giáo hạt Phú Thọ:
Cha mẹ có vai trò tích cực trong việc học hỏi Lời Chúa, làm gương cho con cái về việc chia sẻ Lời Chúa trong gia đình, kiến nghị các cha sở quan tâm giúp đỡ. Việc học hỏi giáo lý rất quan trọng: cha mẹ phải là giảng viên giáo lý đầu tiên dạy con cầu nguyện và hướng về Chúa, khuyến khích con đi học giáo lý. Mong ước có những thủ bản, chương trình thống nhất cho việc học giáo lý.
6. Tham luận của Ban MV Phụng tự:
Nhận định: một vài linh mục cử hành thánh lễ vội vàng chiếu lệ; nhiều giáo dân tham dự máy móc thụ động; việc học hỏi Lời Chúa của các đoàn thể còn mang tính tự phát, chưa có phương pháp; việc đạo đức bình dân được nhiều người hưởng ứng. Đề nghị: các linh mục cần quan tâm hơn đến những sinh hoạt phụng vụ đạo đức trong giáo xứ, nên gợi ý vắn tắt đầu lễ, bài giảng phù hợp đối tượng, đi vào trọng tâm Lời Chúa, giảng vắn tắt mọi ngày trong tuần, giúp giáo dân hiểu và tham dự tích cực, đọc kinh phụng vụ trước hoặc sau Thánh lễ, linh mục nên tham gia cùng cộng đoàn trong những việc đạo đức để khuyến khích nêu gương. Nên trợ giá sách Kinh thánh.
Người giáo dân tham gia phụng tự cần có cung cách xứng hợp. Lưu ý đào tạo linh hoạt viên cho việc chia sẻ Lời Chúa, tạo điều kiện cho giáo dân tham gia. Giao lưu giúp thăng tiến. Cần có qui định chung trong GP để thống nhất sinh hoạt phụng tự của giáo phận. Hướng dẫn giáo dân chọn sách học hữu ích, biết chia sẻ Lời Chúa cách phù hợp.
7. Tham luận của Ban Mục vụ Thánh Nhạc:
Xin giúp các ca đoàn hát sát với Lời Chúa, hiểu biết yêu mến Lời Chúa. Mong ước có những hướng dẫn cụ thể về thánh nhạc giúp mọi người cầu nguyện. Thống nhất chỉ hát những bài có imprimatur, chọn bài hợp phụng vụ đem lại hiệu quả cầu nguyện cho cộng đoàn. Có các lớp ca trưởng tại Trung tâm Mục Vụ, các giáo xứ cần đào tạo chuẩn hóa ca trưởng, chọn ca viên có khả năng. Tôn trọng giáo huấn của Giáo Hội về thánh nhạc, cổ võ nhạc phụng vụ trong giáo xứ, cần cả sự hỗ trợ vật chất, đề ra chương trình mục vụ cụ thể mỗi năm, cần quan tâm đến các ca viên di dân. Đề nghị GP thống nhất thủ tục giấy tờ hành chánh, rà soát các sinh hoạt và điều chỉnh các sai lầm.
8. Tham luận của Ban Giáo lý:
Ban Giá lý có 4 tiểu ban: Dự tòng, Phổ thông, Hôn nhân gia đình và Giáo lý cho người có hoàn cảnh đặc biệt. Trong GP thiếu thống nhất trong định hướng và tổ chức. Các tiểu ban soạn thảo giáo trình và đào tạo GLV nhưng chưa phổ biến. Xin các giáo xứ hỗ trợ. Vai trò cộng đoàn: nâng đỡ cộng tác – có mạng lưới liên lạc viên của các giáo xứ - xin giáo xứ thông tin các chương trình sinh hoạt giáo lý của giáo xứ và của Trung tâm Mục vụ GP. Nội dung Giáo lý chưa được gợi hứng bởi Lời Chúa, thiếu đồng hành, cần phối hợp với phụ huynh, và cộng tác với các cấp trong GP. Đưa giáo dục nhân cách + giới tính vào, xây dựng như một gia đình.
Sau phần trình bày các tham luận, điều phối viên đã đề nghị các đại biểu gởi bài tham luận cho ban thư ký đúc kết. Sau đó các tham dự viên đã chia thành 14 nhóm để trao đổi thảo luận theo nhóm của mình… (Kính mời theo dõi tiếp Nhật ký Công nghị Giáo phận 21.11.2011 (2))
bài liên quan mới nhất
- Những đề nghị của Công nghị Giáo phận (20-26/11/2011)
-
Thường huấn linh mục TGP.TPHCM 14.12.2011 -
Phóng sự: Giáo dân & Tân chánh xứ Giuse Thợ trong bối cảnh hậu Công nghị Giáo phận 2011 -
Cảm nhận sau năm ngày tham dự Công nghị Giáo phận -
Giáo điểm Tin Mừng với hậu Công Nghị Giáo Phận -
Nhật ký Công nghị 26.11.2011 -
Công nghị Giáo phận TPHCM: Bản tin 6 -
Nhật ký Công nghị Giáo phận 25.11.2011 (2) -
Nhật ký Công nghị Giáo phận 25.11.2011 (1) -
Công nghị Giáo phận TP.HCM ngày 25.11.2011: Bản tin 6
bài liên quan đọc nhiều
- Giáo điểm Tin Mừng với hậu Công Nghị Giáo Phận
-
Tam nhật cầu nguyện cho Công nghị Giáo phận -
Những đề nghị của Công nghị Giáo phận (20-26/11/2011) -
Kinh, Bài hát và Logo Công nghị Giáo phận TPHCM -
Công nghị Giáo phận trong truyền thống Giáo luật -
Phóng sự: Giáo dân & Tân chánh xứ Giuse Thợ trong bối cảnh hậu Công nghị Giáo phận 2011 -
Thường huấn linh mục TGP.TPHCM 14.12.2011 -
Công nghị Giáo phận TPHCM: Bản tin 6 -
Những câu hỏi giúp suy nghĩ và góp ý cho Công nghị Giáo phận -
Tổ chức Công nghị giáo phận TGP.TPHCM