Nhật ký hành trình
WGPSG – “Còn nhiều, còn nhiều lắm các hoàn cảnh khó khăn tại hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình chịu ảnh hưởng thiệt hại do lũ lụt vừa qua...”, là nỗi ưu tư của những thành viên Ban cứu trợ Caritas Việt Nam, sau chuyến công tác thăm viếng, cứu trợ khẩn cấp tại Hà Tĩnh và Quảng Bình, thuộc giáo phận Vinh, từ ngày 22.10 đến 24.10.2016.
Ngày 22/10/2016
Chiều ngày 22/10/2016, Ban cứu trợ Caritas Việt Nam có Linh mục Giám đốc Vinh Sơn Vũ Ngọc Đồng, SDB; anh trưởng ban cứu trợ Hoàng Thượng Vương; Nữ tu (Nt) Maria Nguyễn Thị Xuân Dung và đại diện Caritas Sài Gòn có Nt Lucia Nguyễn Thị Như Lai, Nt Têrêsa Nguyễn Thị Ngọc Thủy tham gia chuyến công tác thăm viếng và cứu trợ khẩn cấp tại Hà Tĩnh và Quảng Bình, thuộc giáo phận Vinh.
Khởi hành từ sân bay Tân Sơn Nhất lúc 18g15, chúng tôi đã đến Tòa Giám mục Vinh lúc 21g00. Sau khi chào thăm Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP - Giám mục giáo phận Vinh, ngài đã gặp gỡ nhóm và chia sẻ những tâm tình mà anh chị em tại Vinh trong những ngày qua phải hứng chịu, thiên tai gây ra lũ thì ít mà nhân tai gây ra thiệt hại trong đợt xả lũ thì nhiều. Điều này để lại hậu quả đáng tiếc khiến cho người nghèo lại càng nghèo thêm, chưa kể phần khắc phục hậu quả là rất nặng nề.
Trời đã khuya, đoàn chúng tôi thẳng tiến và đặt chân tới giáo xứ Tràng Lưu lúc 24g00 đêm rạng sáng ngày 23/10. Qua một đêm không ngủ, cả nhóm chúng tôi thấm mệt nhưng nghĩ tới những anh em vừa chịu cảnh lũ lụt vừa qua lòng mình lại chùng xuống và mong được đến tận nơi để cùng chia sẻ với họ những khó khăn.
Ngày 23/10/2016
“Trăm nghe không bằng mắt thấy”
Lúc 06g00 sáng Chúa nhật, Lễ Khánh nhật Truyền giáo, nhóm chúng tôi đã có mặt cùng với anh chị em tại giáo xứ Tân Hội tham dự Thánh lễ cầu cho công việc Loan báo Tin Mừng. Trong bài giảng, Lm chủ tế Vinh Sơn đã nhắc lại 3 điều cốt lõi mà Đức Giáo hoàng danh dự Benedicto XVI đã viết trong Thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu: “Loan báo Tin Mừng, Cử hành bí tích và Thi hành bác ái” mà mỗi người tín hữu cần làm theo. Ngài cũng nhắc đến những cách Loan Báo Tin Mừng: bằng đi rao giảng Lời Chúa như thánh Phanxico Xavie; bằng việc cầu nguyện cho việc loan báo Tin Mừng như thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, hoặc bằng việc thi hành bác ái như thánh Têrêsa Calcutta.
Sau Thánh lễ, các bao gạo nghĩa tình đã được trao tận tay cho các gia đình thiệt hại nặng. Ánh mắt còn đọng lại những nỗi lo lắng vì cơn lũ vừa qua, đã để lại những thiệt hại to lớn về tinh thần và vật chất.
Rời khuôn viên nhà xứ, chúng tôi đến thăm một giáo họ của Tân Hội, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của việc xả lũ, giáo họ có 400 nhân danh với 145 hộ gia đình. Các gốc bưởi là nguồn thu nhập chính nhưng nay do lũ, chúng chỉ còn trơ gốc. Thảm hại hơn là đất để nuôi trồng cây nay cũng bị cuốn trôi theo dòng lũ, biết bao giờ mới khắc phục được. Cha chánh xứ Tân Hội cho biết: Một cây bưởi ở đây phải đợi đến 7 năm mới có thu hoạch, thế mà chỉ một cơn lũ đã làm mất mát và thiệt hại lớn lao cho người dân nghèo tại đây. Họ sẽ sống như thế nào và sống ra sao khi mà tài sản đã bị mất hết. Thật đau lòng! Ngoài ra, chúng tôi cũng đến thăm nhà chị Hoàng Thị Tình, có 6 người con, gia tài có 20 cây bưởi cũng đã bị lũ cuốn trôi.
Đầu giờ chiều, đoàn đến tham dự Thánh lễ, trao quà tại giáo xứ Thổ Hoàng - Hà Tĩnh: giáo xứ có 1300 con chiên, thiếu thốn mọi phương diện sau cơn lũ vừa qua.
Ngày 24/10/2016
Khởi hành lúc 7g00 sáng tiến về Quảng Bình, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề do mưa lớn dài ngày, ngập lụt lên tới nóc nhà. Kinh nghiệm này chúng tôi nhìn thấy khi đặt chân đến giáo xứ Liên Hoa lúc 10g00 sáng cùng ngày. Để đến được giáo xứ Liên Hoa, đoàn đi ghe vào tận vùng sâu nhất bị lũ cô lập. Cái nắng trên đầu chưa đủ làm khô vết bùn dưới chân và những ụ nước còn ứ lại tại các xóm nhỏ. Anh chị em chúng tôi đã chia nhau đi đến các hộ gia đình để thực sự cảm thấu những mất mát nơi đây, những bước chân trần lội bùn bước đầu còn e ngại vì mảnh chai hay vật sắc nhọn dưới bùn. Nhưng nơi xa ấy, có bà cụ già neo đơn và những đức trẻ bỏ học, những người cha thất nghiệp, những đôi vai gầy của các bà mẹ trẻ đang chịu ảnh hưởng của lũ lụt vừa qua, lòng chúng tôi lại bừng lên ngọn lửa của sự sẻ chia để đến thăm và động viên, trao tặng chút quà và sẽ tìm hướng giúp họ khắc phục hậu quả lớn lao nay. Đó là các hoàn cảnh:
- Bà Hoàng Thị Thạnh, giáo xứ Liên Hoa - Quảng Bình, bà ở 1 mình khi lũ đến, gia tài chỉ có khung xương của mái lá, nay đã bị nước cuốn trôi tất cả;
- Bà Nguyễn Thị Nguy, 56 tuổi - xóm Kẻ Lại, họ Thanh Tiến, giáo xứ Kinh Nhuận, nhà có 3 mẹ con, bố mất, các con đã bỏ học;
- Bà Mai Thị Hòa, thôn Bà Ba, Xã Tiên Hóa, huyện Tuyên Hoa, Kinh Nhuận. Bà có 6 người con, người con thứ 5 bị gãy xương sống đã 3 năm, hư tủy, hiện nay em tê liệt nửa người dưới. Em năm nay 32 tuổi. Do tai nạn nghề nghiệp khi đi đập đá, em đã bị rơi vào hoàn cảnh đau đớn như vậy. Hôm lũ tràn về, mẹ phải bế em ra gửi nhờ ghe của hàng xóm, đợi lũ rút mới lại bồng con về. Gia cảnh rất nghèo, 7 mẹ con cùng với bà nội lao tác qua ngày nhưng không đủ sống. Nhà cửa bị thiệt hại năng nề do lũ, chỉ còn lại mấy tấm ảnh trên bàn thờ.
- Bà Hoàng Quy, 68 tuổi, có 7 người con, chồng 88 tuổi ở nhà vì đau ốm, đợt lũ đi qua ngập nóc nên mất cả mái lá vốn nghèo khó và dột. Nay trống trơn.
Còn nhiều, còn nhiều lắm các hoàn cảnh khó khăn tại hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình chịu ảnh hưởng thiệt hại do lũ lụt vừa qua. Thương lắm những mảnh đời nơi xa ấy, những mảnh đời sống chung với thiên tai hằng năm, những mảnh đời cơ cực chân lấm tay bùn mà quanh năm vẫn không đủ ăn, đủ mặc… Thương lắm những mảnh đời vốn không có tiếng nói trong xã hội nay lại bị thiên tai và nhân tai cuốn đi những thứ cần thiết nhất.
Kết thúc hành trình thăm thực tế và cứu trợ khẩn cấp, đoàn chúng tôi đã cùng nhau tham dự Thánh lễ và dâng lên Chúa tất cả những gì chúng tôi đã thấy và đã nghe, lòng tràn ngập ưu tư và xót xa cho những anh chị em của mình tại miền Trung. Chúng tôi trao dâng nơi Chúa những ước nguyện cho hành trình khắc phục sắp tới với ước mong qua sự hỗ trợ của các giáo xứ trong giáo phận, sẽ phần nào xoa dịu những mất mát tinh thần và vật chất này. Xin Lòng Thương Xót Chúa chữa lành tất cả chúng con.
Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa.
Hà Tĩnh, ngày 24/10/2016
Nt. Têrêsa Ngọc Thủy
bài liên quan mới nhất
- Cộng đoàn Bác ái Cao Thái: Lịch cấm phòng năm 2022
-
Phát quà Giáng sinh cho trẻ em và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt -
Giáo Xứ Chợ Đũi phát học bổng Mẹ Têrêsa Calcutta -
Văn phòng Ủy Ban Nhân Dân Phường 6 quận Gò Vấp đến thăm và tặng quà Mái Ấm Hà Đông -
Doanh nhân Công Giáo: Tĩnh tâm Mùa Vọng năm 2021 -
Doanh nhân Công giáo: Thư mời Tĩnh tâm mùa Vọng ngày 19-12-2021 -
Cùng thắp lên ngọn lửa Hòa bình Niềm tin và Tình yêu -
Caritas Việt Nam: Thánh lễ cầu nguyện nhân dịp phát động chiến dịch ‘Together we – Chúng ta cùng nhau’ -
Giới Y tế Công giáo TGP.SG: Tĩnh tâm Mùa Vọng 5-12-2021 -
Nội san Lửa Mến tháng 12.2021
bài liên quan đọc nhiều
- Giáo dân trong mùa dịch: Những điều Nên và Không Nên
-
Bổ nhiệm cha Tân Giám đốc Caritas Việt Nam và tri ân cha nguyên giám đốc -
Chuyên đề 185: Tư duy phản biện, nhân tố phát triển xã hội -
Caritas TGP Sài Gòn: chung tay lan tỏa yêu thương giữa đại dịch covid-19 -
Chuyên đề 150: “Xác định sứ mệnh mục tiêu cuộc đời” -
Thư ngỏ v/v kế hoạch “Mục vụ Chăm sóc các em mồ côi” -
Dòng Đa Minh Việt Nam -
Caritas Tổng Giáo phận Sài Gòn: Hưởng ứng lời kêu gọi cứu trợ nạn nhân lũ lụt miền Trung -
Chương trình Lan Tỏa Yêu Thương đợt 4 -
Họp mặt Di dân Phát Diệm tại miền Nam lần thứ 12