Nhật ký ngày bế mạc cuộc hội ngộ Linh Mục Giáo Tỉnh Hà Nội năm 2010
Ngày 3/6
Đúng 7 giờ sáng mọi xe bốn bánh và hai bánh đều xuất phát, tiến thẳng tới giáo xứ Vĩnh Trị, thuộc huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định ngày nay. Như đã nói trong Nhật Ký ngày đầu tiên, không thể nói tới Nhà Chung Kẻ Sở mà không nói tới Nhà Chung Kẻ Vĩnh, hay liên quan tới các linh mục trực tiếp hơn, không thể nói tới Trường Lý Đoán Kẻ Sở mà không nói tới Chủng Viện Vĩnh Trị hay Tràng Vĩnh. Chỉ từ năm 1861 thủ phủ của giáo phận Tây Đàng Ngoài mới chuyển về Kẻ Sở, còn trước đó từ năm 1719 tới 1860 thủ phủ ấy đặt tại Kẻ Vĩnh (Vĩnh Trị), một đàng vì địa thế thuận lợi (là một địa phương nằm ven sông Đáy, tiếp giáp các tỉnh Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, có cả đường sông lẫn đường bộ), đàng khác đây là một giáo xứ toàn tòng Công Giáo vừa siêng năng đạo đức vừa tôn quý các đấng. Ngay từ đầu đường cái vào thôn đã thấy có người chờ đón rước và tiến vào giáo xứ là cả hai hàng người, nam phụ lão ấu, phất cờ và tung hô, phụ họa với tiếng kèn tiếng trống.
9g kém 15 đức cha Giuse Hoàng Văn Tiệm, giám mục Bùi Chu – giáo phận cùng chia nhiều phần địa lý nhất với giáo phận Hà Nội về mạn nam (tỉnh Nam Định) – đã tranh thủ từng phút để hướng dẫn các Linh mục làm mới lại xác tín: muốn xây dựng sự hiệp thông sâu xa và bền vững trong Giáo Hội như chủ đề xuyên suốt mấy ngày qua, không có con đường nào cụ thể và sống động hơn là trở về với trường lớp của cha ông chúng ta ngày xưa – trường lớp dạy yêu Chúa và phục vụ con người bằng cách sống Tin Mừng một cách trung thực tới mức nếu cần, sẵn sàng tử đạo. Và như để minh chứng con đường tu đức và tông đồ này hoàn toàn đúng đắn, Đức Cha đã mời gọi chúng tôi trở về với biết bao giáo huấn và gương sáng của chính Đức Giêsu được ghi lại rõ ràng trong Tin Mừng, đồng thời dẫn chứng đó cũng chính là cơ sở cho các thánh tử đạo Việt Nam dựa vào để chấp nhận tử đạo. Các ngài không chỉ làm một việc anh hùng, mà còn làm một việc theo gương sáng và lời dạy của Đức Giêsu. Từ đó, ngài hy vọng không còn ai trong chúng tôi mơ tưởng một con đường sống ơn gọi và thi hành sứ mạng nào khác ngoài con đường chính Đức Giêsu đã đi và các bậc tiền bối chúng tôi đã nối gót: con đường đau khổ và tử nạn. Những cuộc hành hương về những linh địa như Sở Kiện hay Vĩnh Trị như để củng cố thêm niềm tin của các Linh mục – đặc biệt các thế hệ trẻ sau này – vào giá trị của Thập giá trong công cuộc xây dựng sự hiệp thông của Giáo Hội.
9g30 : Sau bài chia sẻ của Đức Giám Mục giáo phận Bùi Chu, Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, giám mục giáo phận Thanh Hóa, phó chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, trưởng ban tổ chức cuộc Hội Ngộ Linh Mục giáo tỉnh Hà Nội, xuất hiện để hướng dẫn tổng kết Hội Ngộ. Mặc dù ban tổ chức hy vọng sẽ nhận được những góp ý chính xác hơn trong bản Thăm Dò Ý Kiến mà các Linh mục sẽ nộp lại một ít phút nữa, nhưng Đức giám mục Thanh Hóa vẫn muốn nghe ý kiến của một vài vị. Đức cha Giuse Nguyễn Năng, giám mục Phát Diệm, cho biết rằng nguyên sự thành hình cuộc Hội Ngộ này hay nguyên sự có mặt của các giám mục và linh mục trong giáo tỉnh tại Sở Kiện và Vĩnh Trị cũng là một cách xác nhận nhu cầu và khả năng hiệp thông của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Đó còn là một cách đáp ứng nguyện vọng không chỉ của các Giám mục và Linh mục, mà của cả bà con giáo dân khắp nơi: nguyện vọng cho hàng chủ chăn Giáo Hội có nhiều dịp hâm nóng ơn gọi của các ngài, từ đó tôn vinh Đức Kitô, phục vụ Giáo Hội và con người tốt hơn. Một Linh mục từ giáo phận Vinh, rồi một linh mục khác từ giáo phận Hải Phòng, cả hai đều nói lên tâm tình hầu chắc là của mọi Linh mục tham dự cuộc Hội Ngộ: hạnh phúc vì không những được biết những khuôn mặt lạ, mà nhất là vì được thông cảm – kể cả khi giọng nói hai bên chưa hoàn toàn dễ nghe dễ nắm bắt, không bỏ lỡ cơ hội để kêu gọi sự cộng tác giữa các ban truyền thông của các giáo phận trong giáo tỉnh, không phải vì Giáo Hội Việt Nam vừa chứng kiến những tác động tích cực lẫn tiêu cực của việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội đối với đời sống đức tin của dân Chúa, mà sâu xa hơn còn vì bản thân Thiên Chúa Ba Ngôi đã luôn tham gia hoạt động truyền thông: Trong sự kết hợp mật thiết không ngừng, Chúa Cha truyền thông chính bản thân mình cho Chúa Con, Chúa Con tiếp thu sự truyền thông vô giá ấy và cùng với Chúa Thánh Thần truyền thông cho loài người. Hoạt động truyền thông không phải là một trong các hoạt động của Thiên Chúa mà là tất cả hoạt động của Thiên Chúa. Thiên Chúa làm gì cũng đều nhằm truyền thông cho con người. Sở dĩ Thiên Chúa tập trung và quan tâm cao độ như vậy đối với việc truyền thông, đó là vì Thiên Chúa không truyền thông điều này việc nọ mà là chính bản thân Ngài, nguồn đem lại sự sáng và sự sống. Giáo Hội, các Giám mục và Linh mục cũng đang được ủy thác tiếp tục công việc truyền thông này vì ích lợi của con người. Các ngài sẽ không chỉ làm việc này qua bài giảng hay bài viết, mà qua tất cả mọi việc làm, mọi cử chỉ, thậm chí cả y phục, cách trang hoàng nhà thờ, các nghi tiết phụng vụ… vì tất cả đều là các loại hình ngôn ngữ nhằm truyền thông sứ điệp cứu độ cho người khác. Chia sẻ của Đức Cha muốn đưa chúng tôi đi xa hơn để thấy rằng ngay cuộc Hội Ngộ của chúng tôi cũng là một sinh hoạt truyền thông với Chúa, với nhau và với người khác; và từ đó cần phải ý tứ mỗi khi hoạt động vì hoạt động nào cũng ít nhiều mang tính truyền thông.
Kết thúc phần tổng kết là bài tổng kết của đức cha Giuse Vũ Văn Thiên, giám mục giáo phận Hải Phòng, phó ban tổ chức cuộc Hội Ngộ. Ngài đi từ một cảm nhận rất rõ về sự phong phú tràn ngập khắp nơi trong cuộc Hội Ngộ, từ phong phú về con người (lai lịch, tuổi tác, chức vụ, trình độ, kinh nghiệm…) tới phong phú về nội dung làm việc (các đề tài chia sẻ của các giám mục, các sinh hoạt phụng vụ, cả những sinh hoạt thư giãn và văn nghệ…), để ghi ơn tất cả mọi người đã góp phần vào cuộc Hội Ngộ, từ các giám mục, đến các linh mục và giáo dân, cách riêng những người tham gia trực tiếp hơn vào việc tổ chức như các linh mục và giáo dân tại Sở Kiện và Vĩnh Trị, và thật bất ngờ ngài cám ơn cả công ty rượu lễ De Missa từ giáo phận Phú Cường đã gởi biếu rượu làm thức uống suốt mấy ngày Hội Ngộ (dù không ai phủ nhận ý đồ quảng cáo rất chính đáng của công ty!). Những nhận xét này của Đức Cha đã làm cân bằng những nhận xét tuy thoáng qua nhưng rất trung thực của đức cha trưởng ban trước đó: không ai phủ nhận ích lợi và giá trị của cuộc Hội Ngộ, nhưng chắc chắn phải phân tích kỹ lưỡng hơn và đánh giá sát sao hơn để có thể cải thiện những cuộc Hội Ngộ, nếu có, trong tương lai như chưa dành thời gian đủ cho việc đối thoại giữa các linh mục và giám mục, chưa có sự phối hợp đồng bộ lắm giữa các ban…
Để kết thúc phần tổng kết, đức ông Hiêrônimô Nguyễn Phúc Hạnh của giáo phận Thái Bình thay mặt tất cả các linh mục ngỏ lời cám ơn với các giám mục – không chỉ có sáng kiến tổ chức, mà còn đóng vai trò tích cực trong các sinh hoạt của cuộc Hội Ngộ từ thuyết trình đến giảng lễ, từ làm linh hoạt viên (theo thiển ý của người lược ghi nhật ký, xin vỗ hai tay ca ngợi cả hai giám mục trưởng và phó ban tổ chức đã khéo léo dẫn chương trình, không chỉ bằng những bài ca sinh hoạt mà người ta tưởng chừng như các ngài đã cho lùi vào dĩ vãng từ lâu, mà còn bằng những câu pha trò dí dỏm, những điều chỉnh chương trình thật nhanh nhẹn và thích hợp, chứng tỏ các giám mục của chúng ta vẫn còn năng động và giàu tiềm năng lắm: đây chính là một trong những nhân tố làm cuộc Hội Ngộ thành công, khi đã thu hẹp được rất nhiều quãng cách giữa giám mục và linh mục!) đến làm người chủ sự rất gương mẫu các sinh hoạt phụng vụ chính yếu trong ngày. Đức ông cũng thay mặt các linh mục chia sẻ tâm tình vui mừng và hy vọng của mình khi được các bậc tiền bối trong ơn gọi linh mục tại Sở Kiện hay tại Vĩnh Trị nâng đỡ và hướng dẫn qua đời sống và giáo huấn mà các ngài đã để lại. Đức ông kết thúc bài cảm tạ bằng cách cố gắng không để sót một ai đã cộng tác làm nên cuộc Hội Ngộ này.
Đúng 10g30 : thánh lễ bế mạc bắt đầu do đức cha trưởng ban tổ chức chủ sự. Ngài đã khéo léo chia việc giảng lễ cho đức cha Giuse Maria Vũ Tất, tân giám mục phụ tá giáo phận Hưng Hóa, và tuyên bố bế mạc cuộc Hội Ngộ cho đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, tổng giám mục tổng giáo phận Hà Nội. Được đứng trên mảnh đất đã từng chứng kiến các hoạt động của chủng viện Vĩnh Trị, dưới sự lãnh đạo một thời của cha giám đốc là cha thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh, đức cha Giuse Maria không thể không khai thác triệt để gương sống và giáo huấn của cha thánh để mời gọi các giám mục và linh mục làm mục tử thế nào cho đẹp lòng Chúa.
Và đúng 12 giờ trưa, thánh lễ kết thúc với bài huấn từ ngắn của đức tổng giám mục Hà Nội. Sau khi không quên cám ơn đức tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã thúc đẩy việc tổ chức cuộc Hội Ngộ này và xác nhận rằng trong những ngày qua ngài cũng đang tham dự sâu sát diễn biến cuộc Hội Ngộ, đức tổng giám mục Phêrô đã đưa ra một bài huấn từ đóng trọn vai trò của một lời kết luận cho một công trình biên khảo bất kỳ nào: vừa tóm tắt tất cả những trục suy nghĩ và làm việc chính yếu của những ngày Hội Ngộ vừa qua, vừa mở ra một chân trời mới cho các giám mục và linh mục tiếp tục trong những ngày tháng tới. Theo sự đánh giá không phải chủ quan của ngài, cuộc Hội Ngộ vừa qua đã thành công trong ba mặt trận mà cuộc Hội Ngộ nhắm tới: trước hết để các giám mục và linh mục 10 giáo phận trong giáo tỉnh gặp nhau thân tình (Hội Ngộ); kế đến là để mọi người có dịp hành hương về với Cội Nguồn xa nhất là Thiên Chúa và với cội nguồn gần hơn là các thánh tử đạo Việt Nam (Hành Hương); sau cùng là để mọi ngưởi có dịp thực hiện công việc “đào tạo và tự đào tạo mình thường xuyên”, ít là ở một số khía cạnh hay vấn đề (Thường Huấn). Tuy nhiên, ba mặt trận này vẫn còn đang ở phía trước chúng ta: chúng ta sẽ phải tiếp tục gặp nhau trong tình huynh đệ linh mục – thậm chí không phải chỉ trong giáo tỉnh Hà Nội mà cả với các linh mục trong các giáo tỉnh khác của Hội Thánh Công Giáo Việt Nam (những anh em cũng vừa mới hoàn thành các cuộc Hội Ngộ của mình ); từ nay chúng ta không còn mặc cảm là những người thợ gặt lẻ loi một mình mà đâu đâu, trên cây số nào, chúng ta cũng đều có thể có những bạn gặt. Chúng ta cũng sẽ tiếp tục hành hương vì Giáo Hội chúng ta vốn là Giáo Hội đang lữ hành trên trần gian để đi về quê hương đích thực, hành hương về cội nguồn không xa chúng ta là mấy nơi các bậc tiền bối trong đức tin để học nơi các ngài bài học đức tin đơn sơ và chân chất nhưng bền vững và anh hùng. Đến đây đức tổng giám mục có phần nghẹn ngào khi hơn 70 năm qua ngài đã từng khao khát tìm được một dấu vết của một Giáo Hội làm chứng trong máu và nước mắt tại mảnh đất ngài từng sinh ra, lớn lên và làm việc, nhưng không được, đang khi tại giáo tỉnh miền Bắc này chằng chịt và chi chít những vết tích của một Giáo Hội như thế. Ngài ước mong chúng ta không nên bỏ phí sự hậu đãi mà Chúa đã dành cho các giáo phận miền Bắc này. Sau cùng, chúng ta cũng phải tiếp tục công việc “thường huấn” hay đào tạo trường kỳ của người linh mục, vì “nghị trường” làm chứng của chúng ta hôm nay ngày càng phức tạp, vì bản thân chúng ta ngày càng yếu kém và nhất là vì chính Tin Mừng chúng ta rao giảng vốn là một đại dương nhiệm mầu mà có dong buồm đi mấy vòng cũng không hết.
Dường như tâm hồn của chúng tôi sau những ngày này đã được Thánh Thần mở rộng tới mức có bao nhiêu giáo huấn rót vào cũng chẳng vừa. Mà không phải chỉ tâm hồn thôi đâu! Cả dạ dày chúng tôi hình như cũng nở ra cho vừa với những thực phẩm đã thơm ngon lại dồi dào mà bà con trong giáo miền Vĩnh Trị chiêu đãi sau thánh lễ.
Chỉ đọc mấy trang nhật ký vừa rồi – chứ chưa được tham dự tận tai và tận mắt – chắc hẳn độc giả cũng đã bắt đầu ghen tị với các linh mục chúng tôi (sic !). Quả chúng tôi đã được Chúa thương là thế! Cuộc Hội Ngộ từ ngày 1 đến 3 tháng 6 vừa qua không hề chỉ là một trạm dừng chân xả hơi sau cả năm làm việc mệt nhọc, cũng không phải là một cuộc họp mặt thật hoành tráng được tổ chức để thị oai hay vì một ý đồ nhân loại đen tối nào, cũng không phải là một việc phải làm cho bằng chị bằng em, mà là một ngày HẠNH NGỘ hay nói như đức tổng giám mục Hà Nội – một thời điểm quan trọng trong lịch sử cứu độ (tiếng Hy Lạp Thánh Kinh quen gọi là “kairos”), vì trong những ngày ấy chúng ta không chỉ gặp nhau mà chính là gặp Chúa, không phải chỉ để thông tin với nhau những chuyện con người mà chính là để học những bài học của Chúa và về Chúa, không phải chỉ để trở về thăm lại nhà xưa cảnh cũ mà là trở về với chính Đấng là nguồn cội của tất cả mọi sự. Nếu đẹp như vậy, linh mục nào lại chẳng mơ ước có một cuộc HẠNH NGỘ nữa trong cuộc đời mình nhỉ?
bài liên quan mới nhất
- Ủy ban Giáo dục Công giáo: Thư gửi sinh viên, học sinh Công giáo nhân dịp mừng lễ Chúa Giáng sinh 2021
-
Bổ nhiệm Giám mục chính tòa giáo phận Hưng Hóa -
Truyền hình trực tuyến dịp lễ tấn phong Giám mục Giuse Đỗ Quang Khang -
Nghi thức tuyên xứng đức tin của Đức Giám mục tân cử Giuse Đỗ Quang Khang -
Phỏng vấn Đức Giám mục tân cử Giuse Đỗ Quang Khang -
Thư gởi anh chị em giáo chức Công giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.2021 -
Vẻ đẹp của tử đạo Kitô giáo -
Học viện Công giáo Việt Nam: Thông báo mở lại các lớp Mục vụ, Đào tạo, Ngoại ngữ -
Bổ nhiệm Giám mục phó giáo phận Bắc Ninh -
Thư Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi cộng đồng dân Chúa: Sống đức tin thời đại dịch
bài liên quan đọc nhiều
- Bổ nhiệm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn - TP.HCM
-
Thông báo khẩn về Thánh lễ cầu nguyện trong thời gian đại dịch -
Tòa Giám mục Bà Rịa: Thông báo khẩn về việc phòng tránh dịch bệnh -
Học viện Công giáo Việt Nam: Khai giảng Niên khóa 2019-2020 -
Ủy ban Phụng Tự giải thích quy định về Giảng lễ, Đặt tay và Rảy nước phép -
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: Thư Gửi Cộng Đồng Dân Chúa (05-05-2020) -
Danh sách trang web và mạng xã hội chính thức của Hội đồng Giám mục và các giáo phận tại Việt Nam -
Bổ nhiệm Giám quản Tông tòa giáo phận Hà Tĩnh -
Cầu nguyện cho đôi trẻ song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi -
Vạ huyền chức đối với linh mục Đaminh Nguyễn Chu Truyền