Nhóm thiện nguyện Hương Quê: Đến với những mảnh đời bất hạnh

Nhóm thiện nguyện Hương Quê: Đến với những mảnh đời bất hạnh

WGPSG -- Vào lúc 7g30 ngày 15/12/2010, tôi được vinh dự cùng với nhóm thiện nguyện Hương Quê thuộc giáo hạt Hóc Môn đi thăm và ủy lạo những người đui mù và cơ sở nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Thiên Phước tại huyện Củ Chi - Tp. Hồ Chí Minh.

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là Huyện ủy Củ Chi. Tôi hơi ngạc nhiên nhưng qua tìm hiểu thì được biết: Cứ vào ngày 15 hằng tháng, đông đảo những người đui mù tụ họp nơi đây để lãnh quà. Hôm đó, có khoảng 165 người mù, mỗi người nhận được một phần quà gồm một thùng mì và mười ký gạo. Nhìn những mảnh đời bất hạnh đó, tôi cảm thấy thật se lòng bởi không biết họ đã đồng hành với bóng đêm tự bao giờ và trong hoàn cảnh nào?! Hình ảnh các cụ cao tuổi mù lòa có lẽ sẽ khắc ghi sâu đậm trong tâm trí của mỗi người chúng tôi: Các cụ ngồi yên tại chỗ theo sự sắp đặt của Ban tổ chức, nhưng trên tay vẫn luôn nắm chặt chiếc gậy tre, vật duy nhất dẫn dắt các cụ lần dò trong “đêm tối”. Có vài cụ trên tay còn mang theo quyển sổ dò và tập vé số để tự kiếm sống lây lất qua ngày. Trong số những người bất hạnh ấy có một người mẹ tuổi đời còn khá trẻ, không biết đôi mắt đã mù tự lúc nào nhưng có đến hai, ba người con còn quá nhỏ. Hiện chị đang sống dựa dẫm vào người mẹ già. Chẳng biết cuộc sống tương lai của chị cùng các con sẽ trôi về đâu?!...

Rời khỏi Huyện ủy Củ Chi, xe chúng tôi trực chỉ đến cơ sở nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Thiên Phước (Ấp lô 6, xã An Nhơn Tây - huyện Củ Chi - Tp. Hồ Chí Minh). Khi đến nơi, hòa trong không gian thoáng mát và êm đềm của cơ sở, cộng với không khí mát mẻ nhẹ nhàng của mùa Giáng sinh sắp đến, ai ai trong nhóm cũng cảm thấy dễ chịu, sảng khoái. Nhưng chưa được bao phút, một khung cảnh thật thương tâm, thật xót xa đã làm xốn xang cõi lòng mọi người, đó là những trẻ em khuyết tật “vô hồn”.

Các cháu có độ tuổi từ vài tháng tuổi đến 14 tuổi, đều bị bệnh hiểm nghèo do nhiễm chất độc mầu da cam, bại não, không cử động được, mỗi lần ăn phải cạy miệng mới đút được cháo, có cháu vừa mù vừa câm điếc, có cháu không có hậu môn… Nhìn các cháu, tuy có sự sống nhưng sống vật vờ, sống không ra con người. Ai thấy cũng mủi lòng, xót xa! Các cháu sống như một loài thực vật, tay chân dị tật khẳng khiu, nằm ngồi đủ mọi tư thế, nên việc chăm sóc, vệ sinh cho các cháu thật khó khăn và vất vả; đó là chưa nói đến khi các cháu đau bệnh hoặc khi trái gió trở trời, lên cơn động kinh, gào thét, co giật… Do vậy, việc chữa trị và phục hồi chức năng cho các cháu mất rất nhiều thời gian và tốn kém, nhưng khả năng phục hồi và hòa nhập với cộng đồng rất mong manh và ít ỏi.

Tiếp chúng tôi, xơ phụ trách Maria Nguyễn Thị Lan cho biết: Hiện cơ sở có 12 xơ và 10 chị em cộng tác viên thiện nguyện chăm sóc, nuôi dưỡng 75 em. Các em nhập vào cơ sở trong nhiều trường hợp: được cha mẹ gởi đến, bị vứt bỏ ngoài cổng cơ sở (nhiều em chưa rụng rốn), có em được mang về từ lề đường, quán cà-phê… Những trường hợp được gởi đến, các bậc cha mẹ hầu như không bao giờ quay lại để thăm hỏi hoặc thừa nhận khi con mình lìa trần.

Được biết, Trung tâm từ thiện Thiên Phước là đơn vị phi chính phủ, tự trang trải kinh phí hoạt động, có tư cách pháp nhân, có tài khoản riêng tại kho bạc Nhà nước. Cơ sở Thiên Phước trực thuộc Ủy ban Đoàn kết Công giáo, chịu sự quản lý của Nhà nước, trực tiếp bởi UBND huyện Củ Chi và Sở Lao động -TB&XH hướng dẫn nghiệp vụ (Quyết định thành lập số 8128/QĐ-UB-VX ngày 30/12/1999).

Cơ sở Thiên Phước được tiếp nhận, nuôi dưỡng, chữa trị, phục hồi chức năng và tổ chức học tập cho trẻ em tàn tật, bại não, bị nhiễm chất độc hóa học, mồ côi hoặc cha mẹ quá nghèo. Ngoài ta, cơ sở cũng được phép tiếp nhận sự giúp đỡ về tài chính của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo đúng qui định của pháp luật. (Trích từ lời giới thiệu của cơ sở).

Trên xe trở về thành phố, tôi mường tượng ra hệ quả của những cuộc chiến tranh hóa học, hệ quả của những thứ thuốc ngừa thai, phá thai thật là ghê gớm… Ước gì mọi người chúng ta luôn biết dang rộng đôi tay và tấm lòng quảng đại để sớt chia khổ đau với những mảnh đời quá bất hạnh bằng lời cầu nguyện, bằng tình yêu thương qua tinh thần và vật chất như lời Chúa dạy: “Hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu mến người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ” (Mc 12,33).

“Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời. Đâu có lòng từ bi, là đấy có ân sủng Người. Đâu có tình bác ái thì Chúa chúc lành không ngơi. Đâu ý hợp tam đầu, ở đấy chứa chan niềm vui. Nguyện xin Thiên chúa, đoàn kết muôn người một ý. Xin hãy duy trì tấm lòng hòa hợp mến yêu. Diệt tan căm thù, chia rẽ, oán hờn, ghét ghen. Gìn giữ Đức Ái, yêu Chúa, mến thương anh em” (Vinh Hạnh).

Xin Chúa tuôn đổ muôn vàn hồng ân để tiếp sức trung kiên cho những con người luôn sẵn sàng hy sinh tự nguyện, đặc biệt là các vị tu sĩ nam nữ, đã dâng hiến cả cuộc đời cho Chúa qua tấm lòng yêu thương đồng loại và thiết tha phục vụ Chúa trong các trại cô nhi, khuyết tật, phong cùi, bệnh viện HIV… để tình yêu cứu độ của Thiên Chúa được lan tỏa đến với mọi người chúng con, nhất là những mảnh đời lầm than, khốn cùng trong tuyệt vọng.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top