Những bước tiến của giáo xứ trên đường trưởng thành
WGPSG -- Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đưa ra chương trình mục vụ "Tân Phúc âm hoá đời sống các Giáo xứ và các cộng đoàn sống đời thánh hiến" cho Giáo hội Việt Nam trong năm 2015. Đóng góp vào nỗ lực Tân Phúc âm hóa này, Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn muốn gửi đi một tư liệu ngài đã viết cách đây gần 20 năm (1995): NHỮNG BƯỚC TIẾN CỦA GIÁO XỨ TRÊN ĐƯỜNG TRƯỞNG THÀNH.
Tư liệu này khi ấy được soạn theo FABC PAPERS số 62 và gồm những phần chính yếu như sau:
Lời mở: Năm bước trên đường đi đến trưởng thành
I. Một giáo hội bao cấp
II. Một giáo hội với những tổ chức mục vụ các cấp
III. Một giáo hội đang thức tỉnh
IV. Một giáo hội với những nhóm công tác
V. Một giáo hội hiệp thông
Lời kết: Thực tế cho biết bước tiến đi đến trưởng thành.
NHỮNG BƯỚC TIẾN CỦA GIÁO XỨ TRÊN ĐƯỜNG TRƯỞNG THÀNH
LỜI MỞ
Loài người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi là tình yêu hiệp thông. Thiên Chúa Ba Ngôi thông ban đời sống hiệp thông cho loài người. Đời sống hiệp thông nơi Thiên Chúa Ba Ngôi thì sung mãn và tròn đầy.
Giáo xứ là một tế bào trong giáo phận hiệp thông. Con đường hiệp thông của Giáo hội trong thực tế lịch sử đã trải qua năm bước để đi đến trưởng thành:
1. Bao cấp
2. Có tổ chức
3. Đang thức tỉnh
4. Những nhóm công tác mục vụ
5. Hiệp thông giữa các nhóm, các giới, các đoàn thể.
I. MỘT GIÁO HỘI BAO CẤP
Trong quá khứ, đã có một giáo hội bao cấp (bao hết và cung cấp tất cả), mà nay hình thức căn bản của nó hoàn toàn biến mất. Tuy nhiên, mô hình này vẫn tồn tại ở nơi nào có nhóm người bao quanh linh mục, hoặc ở nơi mà những cộng tác viên của linh mục chỉ biết báo cáo cho linh mục về nhu cầu của cộng đoàn tín hữu; họ không cảm thấy có trách nhiệm gì trong việc đáp ứng nhu cầu mục vụ của các cộng đoàn tín hữu.
Chú thích về lịch sử
Nhìn lại mô hình “một giáo hội bao cấp” đã được phát triển như thế nào trong quá khứ là việc cần để giúp ta hiểu biết hơn những khó khăn mà nhất thiết ta phải đương đầu khi muốn tìm cách thay đổi nó.
Thế kỷ I, Đức Clementê I (93-97) đã dùng cụm từ “giáo dân” để phân biệt dân Chúa với lương dân.
Đến thế kỷ III, có các đan sĩ xuất hiện, đời sống tu đã sớm được coi là đường lối trọn vẹn để là Kitô hữu. Tu sĩ được coi như một “siêu Kitô hữu”.
Thế kỷ thứ XI-XIII, lại xuất hiện một giới giáo sĩ cao cấp trong giáo hội (hồng y, tổng giám mục, giám mục dưới sự phát triển của toà thánh) có quyền tài phán xét xử trong giáo hội. Giáo dân là người không có quyền tài phán, không có thẩm quyền gì trong giáo hội. Người chăn chiên trở thành chủ chiên trong khắp đoàn chiên. Sự phân chia giữa giáo sĩ và giáo dân trở thành đối nghịch. Đức Bonifaxio xác định: giáo dân là kẻ thù của giáo sĩ… (xem sắc lệnh “Clerico, Laicos”, 02.02.1296)
Giáo luật cũ (1917) ban cho giáo dân quyền lãnh nhận từ giáo sĩ những ơn ích thiêng liêng và sự giúp đỡ để được cứu độ (xem điều 682). Không quyền bính nào khác được uỷ nhiệm cho giáo dân, ngoại trừ việc được dạy giáo lý (xem điều 1453-1455), và được quản trị quỹ của cộng đoàn tín hữu (xem điều 1521).
Gánh nặng của việc giáo dân “bị hạ giá” trong lịch sử là di sản mục vụ truyền lại cho ta. Trong nhiều thế kỷ, giáo hội đã bao cấp cho người tín hữu mọi của cải thiêng liêng mà không ban cho họ quyền nào hơn là quyền lãnh nhận.
Các nghị phụ của Công Đồng Vatican II cho ta cái nhìn mới về giáo dân, nhấn mạnh đến phẩm giá chung mà mọi thành phần trong giáo hội đều chia sẻ (xem Lumen Gentium, số 32). Thượng Hội đồng Giám mục (THĐGM) năm 1987 và Tông Huấn Kitô hữu - Giáo dân đã xác định và triển khai điều đó (xem KTH-GD số 16-17)
II. MỘT GIÁO HỘI VỚI NHỮNG TỔ CHỨC MỤC VỤ CÁC CẤP
Sau Công Đồng Vatican II, tổ chức mục vụ cấp giáo phận (công nghị giáo phận, hội đồng linh mục, hội đồng mục vụ), tổ chức mục vụ cấp giáo xứ (Quới Chức, Hội Đồng Giáo Xứ, Ban Hành Giáo, Ban Đại Diện…) đã được hình thành trong nhiều giáo hội địa phương. Những tổ chức đó trở thành dấu chứng người ta đã ứng dụng cái nhìn mới về Giáo hội do Vatican II công bố.
Vài điểm pháp lý:
Công nghị giáo phận: Hoàn toàn có tính nhiệm ý, có thể nhóm họp khi hoàn cảnh đòi hỏi, và phải có thành viên giáo dân.
Hội đồng linh mục (HĐLM): Là một tổ chức chỉ gồm các linh mục nhằm tư vấn giúp đỡ giám mục. Vì do uỷ nhiệm, HĐLM sẽ tồn tại và chấm dứt với giám mục.
Hội đồng mục vụ giáo phận (HĐMVGP): có tính nhiệm ý. Giám mục có thể làm cho HĐMVGP thành một dụng cụ quản trị tốt: mọi thành phần trong giáo hội đều có tiếng nói quan trọng đối với công việc giáo hội, như xây dựng nước Chúa, Phúc Âm hoá đời sống con người, gia đình, xã hội, hội nhập văn hoá, đối thoại. Vì thế, HĐMVGP rất quan trọng và cần thiết. Việc đối thoại ở quy mô rộng lớn sẽ động viên sự hậu thuẫn rộng rãi để thi hành đầy đủ hơn các quyết nghị. HĐMVGP giúp cho người tín hữu thi hành quyền phát biểu ý kiến, quyền được lắng nghe trong việc thảo ra những quyết nghị (xem GL điều 212).
Hội đồng mục vụ giáo xứ: Lần đầu tiên giáo luật gợi ý lập tổ chức mục vụ giáo xứ, với mục đích là các thành viên cùng với linh mục quản xứ chia sẻ công việc mục vụ giáo xứ.
Cung cách ứng xử với nhau trong giáo hội dựa trên sự bình đẳng: mọi kitô hữu – “kitô hữu giáo sĩ”, “kitô hữu tu sĩ” hay “kitô hữu giáo dân” – đều có chung một phẩm giá (xem LG số 32, Tông huấn KTH-GD số 16-17, xem MT 23,8).
III. MỘT GIÁO HỘI ĐANG THỨC TỈNH
Nói chung, người Kitô hữu có một khao khát trở thành cái gì hơn chỉ là người đi nhà thờ. Đó là dấu hiệu dân Chúa đang thức tỉnh.
Chú thích:
Tinh thần thức tỉnh được tạo ra trong giáo xứ do nhiều nguyên nhân như thiếu vắng linh mục, thư mục vụ của giám mục, bài giảng, các cuộc gặp gỡ hội thảo, kinh nghiệm nơi khác gợi lên ý thức về những giá trị mà xã hội đang đòi hỏi như tham vấn, bình đẳng, đồng trách nhiệm...
Cộng đoàn tín hữu có một cái nhìn mới trong một số lãnh vực:
- Giáo hội có nghĩa là gì? Là được rửa tội? là được phục vụ người khác? Là Phúc Âm hoá? Là sống Tin Mừng?
- Giáo hội phải làm gì trước những vấn đề xã hội hôm nay? Phương thế và phương pháp nào để đẩy lùi bất công, sự dữ, để được sống dồi dào hơn…?
- Hôm nay nhiều người tham gia sinh hoạt các nhóm nhỏ, các cộng đoàn Kitô nhỏ. Nhóm nhỏ có thể biến đổi thế giới chung quanh họ?
- Hôm nay lãnh đạo trong giáo hội phải như thế nào? Lãnh đạo hôm nay đòi hỏi những đức tính nào? Phải có cách tiếp cận nào, phải thay đổi thang giá trị như thế nào để cho dân tự nguyện có cái nhìn mới…?
IV. MỘT GIÁO HỘI VỚI CÁC NHÓM CÔNG TÁC
Trong giáo xứ có những tín hữu ý thức trách nhiệm chung, linh mục phải tổ chức các nhóm công tác để đáp ứng các nhu cầu của cộng đoàn. Linh mục huấn luyện, đồng hành và linh hoạt những nhóm đó.
Chú thích:
Một giáo xứ có những nhóm công tác là một bước lớn mạnh trong tiến trình của một giáo hội vừa đón nhận, vừa cho đi, vừa thông dự, vừa thông chia, vừa hiệp thông với Chúa, vừa hiệp thông với nhau cùng mọi người. Việc linh mục đồng hành, huấn luyện, linh hoạt, phối hợp là rất cần thiết. Linh mục đồng hành với họ trong bốn lãnh vực:
1/ Huấn luyện đời sống đức tin, đời sống cầu nguyện, sống với Chúa và cho Chúa;
2/ Huấn luyện tinh thần phục vụ với trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm tập thể, không ham quyền, không cầu danh cầu lợi;
3/ Huấn luyện tài năng, biết cách điều khiển buổi họp, giải quyết vấn đề, vận động người khác tham gia;
4/ Thông tin mở mang kiến thức, khai mở óc phán đoán...
Linh mục đồng hành để giúp người tín hữu biết tự khám phá những gì họ có thể khám phá, biết phối hợp những nhiệm vụ với sự tăng trưởng thiêng liêng.
V. MỘT GIÁO HỘI HIỆP THÔNG
Giáo xứ là một cộng đoàn giáo hội hiệp thông khi có sự hiệp thông giữa các gia đình, các nhóm, các giới, các đoàn thể… Bốn dấu hiệu của sự trưởng thành của một cộng đoàn giáo xứ hiệp thông là:
1/ các tín hữu có thể gặp nhau ngoài các công tác chung;
2/ Họ lấy việc chia sẻ Lời Chúa làm nền tảng cho các sinh hoạt;
3/ Họ luôn liên kết, nâng đỡ và hỗ trợ nhau, và làm việc chung với nhau;
4/ Họ hợp nhất với các nhóm khác trong giáo xứ, hiệp thông với giáo hội địa phương, cùng giáo hội toàn cầu.
Chú thích:
Giáo hội hiệp thông, cộng đoàn giáo xứ hiệp thông, đó là lý tưởng của tình yêu bác ái Kitô giáo. Sự hiệp thông giữa các cộng đoàn tín hữu, giữa các nhóm Kitô hữu phản ảnh giao ước tình yêu Thiên Chúa với dân người.
Nếu linh mục luôn có cái nhìn về giáo hội hiệp thông thì mỗi hoạt động mục vụ đều có chiều hướng tiến tới mục đích hiệp thông. Những bước tiến tới lý tưởng đó có thể là:
- Linh mục cổ vũ các nhóm hiệp thông xây đắp mối tương giao ngày càng thân thiết hơn. Gặp gỡ nhau trao đổi kinh nghiệm về đời sống gia đình, nghề nghiệp, giáo dục, văn hoá, xã hội.
- Phát động các nhóm hiệp thông trong giáo xứ như: ca đoàn, giáo lý viên, các ban mục vụ, cùng nhau chia sẻ Lời Chúa, cùng nhau cầu nguyện, làm việc tông đồ bằng cầu nguyện.
- Trao cho mỗi nhóm một vài công tác mục vụ giáo xứ phù hợp.
Cái hồn của một cộng đoàn hiệp thông là tình huynh đệ trong Chúa Kitô, cùng với sự tôn trọng phẩm giá chung của mọi người, cùng đảm nhận trách nhiệm chung, chu toàn sứ vụ chung trong xã hội ngày nay. Sứ vụ đó là:
1/ Trở nên dấu chỉ của một xã hội đa dạng được xây đắp trên tình huynh đệ hiệp thông.
2/ Trở nên dấu chỉ của một cộng đoàn đa dạng biết phục vụ cho sự sống và phẩm giá con người, không chuyên chế độc đoán.
3/ Trở nên dấu chỉ của niềm hy vọng Thiên Chúa sẽ bổ sung và kiện toàn những gì ta đã khởi công trong tin cậy mến. Theo đường lối trên, mọi tín hữu chung sức xây dựng một cộng đoàn giáo hội hiệp thông, sống với Chúa và cho Chúa, sống với nhau và cho nhau, sống với mọi người và cho mọi người.
Với những bước tiến đi đến trưởng thành, giáo xứ trở thành:
1/ Ngôi nhà của gia đình Thiên Chúa;
2/ Mái ấm của một cộng đoàn huynh đệ;
3/ Giếng nước đầu làng phục vụ cho các nhu cầu sinh hoạt của mọi người lương giáo trong cộng đồng. (xem Tông Huấn KTH-GD, số 26-27)
LỜI KẾT
Nhìn lại giáo xứ đang ở đâu trên đường trưởng thành.
Đó là năm bước tiến đi đến trưởng thành của một cộng đoàn giáo xứ hiệp thông. Kinh nghiệm thực tế sẽ cho biết mỗi cộng đoàn giáo xứ hiệp thông có thể đang ở thời kỳ nào trong tiến trình tăng trưởng, tuỳ theo nội lực và hoàn cảnh của mình.
1995, Soạn theo tài liệu FABC PAPERS số 62
GB. Phạm Minh Mẫn
Giám Mục phó Mỹ Tho
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020