Những gợi ý năm 2020 của Taizé: Luôn luôn di chuyển, không quên cội nguồn
Vào tháng Chín vừa qua, chúng ta đã tổ chức “Cuộc Hành hương của Tín thác Trên Trái đất” tại thành phố Cape Town - Nam Phi.
Nam Phi là một đất nước tuyệt vời và xinh đẹp. Mặc dù ngày nay đất nước này vẫn còn nhiều "vết sẹo" bởi sự chia rẽ sâu sắc giữa các nhóm sắc tộc, nhưng 25 năm về trước, nơi đây đã cho thế giới thấy sức mạnh của cuộc biểu tình chống lại sự phân biệt chủng tộc và sự chuyển đổi phi bạo lực.
Trong bối cảnh này, việc 1.000 gia đình đã mở cửa chào đón những người tham gia cuộc hành hương đã là một dấu chỉ. Những người trẻ này gặp gỡ các Kitô hữu từ các nhóm sắc tộc hoặc giáo phái khác nhau. Giống như họ, chúng ta có thể tìm thấy sự can đảm để đi về phía tha nhân và chào đón nhau tại bất cứ nơi nào chúng ta sống!
Hãy lên đường! Đó là lời mời gọi cho thời đại của chúng ta. Chúng ta không để sự chán nản chiếm lấy mình, nhưng thay vào đó hãy làm sáng tỏ những dấu chỉ, những điềm báo về cuộc sống mới và tương lai mới xung quanh chúng ta. Chúng ta hãy chú ý đến các sáng kiến mới, ngay cả khi chúng không được định hình một cách chuẩn xác và thường mang tính tạm thời. Chúng ta có thể vượt qua những khó khăn đó bằng cách cứ tiến bước.
"Nhân "Cuộc Gặp gỡ Châu Âu" vừa qua ở Wrocław, tôi đã chọn được chủ đề cho “Những Gợi Ý Năm 2020”. Đó là một cụm từ lấy cảm hứng từ cuộc sống của một phụ nữ Ba Lan, Urszula Ledochowska - một vị thánh trong số các chứng tá của Chúa Kitô và cũng là một công dân Châu Âu đi trước thời đại mình. Nói về cuộc sống của cô ấy, có người nói rằng: “Luôn luôn di chuyển, không quên cội nguồn”.
Ba mươi năm trước, vào tháng 12 năm 1989, chúng tôi đã đến Wrocław, Ba Lan để tổ chức "Cuộc Gặp gỡ Châu Âu" đầu tiên ở phía đông của “Bức màn sắt”. Khi Bức tường Berlin đang sụp đổ, lòng nhiệt huyết cho sự tự do mới đã lấp đầy tâm hồn mọi người. Kể từ đó, thế giới đã thay đổi: Tôi rất tự tin để nói rằng, thế hệ trẻ sẽ mở ra những con đường tự do và công lý khác cho thời đại chúng ta.
Trong cuộc sống và trong đức tin, chúng ta là những người hành hương, đôi khi còn là những người xa lạ trên trái đất. Trong cả thời gian thử thách hay vui mừng, chúng ta hãy nhớ rằng, Thiên Chúa luôn tín trung và mời gọi chúng ta kiên trì trong các cam kết của mình. Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta một tương lai của hòa bình.
Chứng minh Sự thật
Năm 2019, Cộng đoàn Taizé của chúng tôi đã trải qua giai đoạn khó khăn để xác định và làm việc dựa trên sự thật liên quan đến các cáo buộc tấn công tình dục liên quan đến các anh em. Để tiếp tục đi trên con đường tín thác này, chúng tôi mong muốn mọi thứ sẽ được đưa ra ánh sáng và để mọi người được lên tiếng. Xin đọc thêm thông tin tại đây.
1. Luôn luôn di chuyển…
... sẵn sàng để lên đường một lần nữa
ĐỨC CHÚA phán với ông Ápram: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi”. (Sáng thế 12, 1)
Bằng niềm tin, chúng ta đáp lại lời kêu mời lên đường. Hãy nhớ rằng, cho dù mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp hay chúng ta đang phải đối mặt với những khó khăn dường như không thể vượt qua, thì một khởi đầu mới là điều chúng ta luôn luôn có thể thực hiện.
Trong những chương đầu tiên của Kinh Thánh, chúng ta bắt gặp một người đàn ông tên Ápraham. Vợ ông là Sara. Ông được kêu gọi bỏ lại mọi thứ phía sau và lên đường mà không biết mình sẽ đi đâu. Ông bà đã trở thành những người lữ khách, những kẻ hành hương, được thúc đẩy bởi niềm tin rằng: Chúa sẽ dẫn lối cho họ.
Khi họ đến vùng đất mới mà Chúa ban cho họ, Ápraham và Sara đã sống trong lều, tại một vùng đất xa lạ. Nhưng cuối cùng, những thử thách của họ đã trở thành ân phúc: Ápraham và Sara đã khám phá ra những gì họ không bao giờ có thể tìm thấy khi ở quê nhà.
Nét đặc trưng của Kinh Thánh được diễn tả bằng đặc tính này: lên đường và hướng tới một tương lai được Thiên Chúa chuẩn bị sẵn. Con đường này có thể đầy những cạm bẫy, giống như khi dân Chúa rời khỏi Ai Cập, họ đã lang thang suốt bốn mươi năm.
Và chính Thiên Chúa cũng trở thành người hành hương bằng cách dẫn dắt và đi cùng dân Ngài: “Này Ta ở với ngươi; ngươi đi bất cứ nơi nào, Ta sẽ giữ gìn ngươi”. (Sáng thế 28, 15).
Bằng cách hướng dẫn dân Ngài đi qua vùng hoang vắng, Thiên Chúa dạy họ lắng nghe tiếng nói của Ngài và mở ra những khả năng không ngờ trước mắt họ.
• Hãy đọc hoặc đọc lại, một mình hoặc cùng với những người khác, một số câu chuyện Kinh Thánh nơi Thiên Chúa mời gọi chúng ta lên đường: Sáng thế 28, 10-15; Xuất hành 13, 17-22; Thánh Vịnh 126; Isaiah 43, 1-2; Matthêô 2, 13-23; Luca 10, 1-9; Công vụ Tông Đồ 11, 19-26.
2. Luôn luôn di chuyển…
...hiện diện đầy đủ với những người xung quanh chúng ta
Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều. (Máccô 6, 34)
Chúa Giêsu coi mình là một người hành hương, người “không có chỗ tựa đầu” (Matthêô 8, 20). Người lên đường để loan báo tin mừng này: Thiên Chúa đã đến gần; Thiên Chúa đang hành động để thay đổi thế giới. Và Thiên Chúa lần lượt mời chúng ta tham gia vào dự án đổi mới này cho gia đình nhân loại.
Bằng chính cuộc đời mình, Chúa Giêsu Kitô đã chỉ cho chúng ta nơi bắt đầu là: chú ý đến những người thấp kém và dễ bị tổn thương nhất. Chúa Giêsu có thể chú ý đến người khác như vậy là bởi vì Người đã neo mình sâu vào Thiên Chúa. Trong mọi khoảnh khắc của cuộc đời, Người đã để chính mình được Chúa Thánh Thần dẫn dắt.
Khi đến thế giới này, Đức Kitô đã kết hợp bản tính con người với chúng ta một cách hoàn hảo. Bằng cái chết trên thập giá, Người đã chịu đau khổ đến cùng và biểu lộ lòng trung thành tuyệt đối của mình với Thiên Chúa và với chúng ta.
Nhờ sự phục sinh của mình, Chúa Kitô đã trở thành chứng nhân cho sự khởi đầu mới mà Thiên Chúa ban cho loài người trong tình yêu của Ngài.
Trong sự mất mát khi phải đối mặt với quá nhiều bạo lực và nhục nhã, nhiều người cảm thấy xa lạ trên trái đất này. Khi theo Chúa Kitô, các Kitô hữu đặt niềm tin vào Thiên Chúa. Điều này khiến họ không chìm đắm vào sự thờ ơ, mà phải nắm bắt thực tế, cam kết và liên đới với người khác.
Vào thế kỷ thứ hai, bức thư của một tác giả vô danh đã nói về các Kitô hữu như sau: Họ đã ở quê hương mình, nhưng tất cả đều sống như những lữ khách. Mọi miền đất lạ đều là quê hương, mọi quê hương đều là đất lạ. (Thư gửi Diognetus)
• Chúng ta hãy tìm kiếm một cam kết cụ thể để có thể biểu lộ sự chu đáo của Chúa Kitô đối với chính những người nghèo trong cuộc sống của chúng ta.
• Liên kết với các Giáo hội địa phương, chúng ta hãy gặp gỡ thường xuyên, dành thời gian cầu nguyện, hướng về thập giá và sự phục sinh của Chúa Kitô.
3. Luôn luôn di chuyển…
... cùng với những người lưu vong
"Khi có ngoại kiều cư ngụ với các ngươi trong xứ các ngươi, các ngươi đừng bức hiếp nó.
Ngươi phải đối xử với người ngoại kiều cư ngụ với các ngươi như với một người bản xứ, một người trong các ngươi. Ngươi phải yêu nó như chính mình, vì các ngươi đã từng là ngoại kiều tại đất Ai Cập. Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi". (Lêvi 19, 33-34)
Trên khắp thế giới, phụ nữ, đàn ông và trẻ em buộc phải rời bỏ quê hương hoặc phải quyết định đi nơi khác để tìm tương lai. Động lực của họ mạnh hơn tất cả các rào cản hiện lên trước mắt họ.
Chúng ta đều muốn bảo tồn bản sắc văn hóa của mình, nhưng lại không chào đón người khác như một trong những món quà đẹp nhất của nhân loại sao? Lẽ đương nhiên, sự xuất hiện của người ngoại quốc làm nảy sinh những câu hỏi phức tạp. Dòng người di cư phải được quản lý đúng cách, mặc dù có thể tạo ra khó khăn, nhưng cũng có thể là một cơ hội.
Điều này có thể xảy ra trong cùng một thành phố, cùng một khu phố hoặc cùng một ngôi làng: mọi người vẫn còn xa lạ với nhau, đôi khi qua nhiều thế hệ. Và có thể có những hiểu lầm sâu sắc ngay cả trong số những người có cùng văn hóa. Vậy chúng ta có thể cố gắng gặp gỡ những người không có cùng những thuận lợi hoặc niềm tin như chúng ta không?
Bằng cách hướng tới những người khác, cho dù họ đến từ xa hay sống bên cạnh chúng ta mà không biết chúng ta, chúng ta chắc chắn sẽ có thể hiểu rõ hơn rằng họ suy nghĩ khác với chúng ta.
• Hãy đừng hài lòng với thông tin hoặc số liệu thống kê trừu tượng, nhưng hãy dành thời gian để tìm hiểu tình hình của một người di cư, hoặc của một gia đình đến từ nơi khác, lắng nghe và hiểu câu chuyện của họ. • Có những người trẻ tuổi, ngay cả những người dù không thiếu gì về vật chất, nhưng dường như lại không thuộc về nơi nào. Mối quan hệ gia đình tan vỡ, và kết quả có thể là một sự cô độc khôn nguôi và đôi khi họ như vô hình. Chúng ta hãy cố gắng chú ý đến họ, vì đi bên cạnh mỗi người, đôi khi ngay bên cạnh chúng ta, có những người phải chịu cảnh lưu đày nội tâm.
4. Luôn luôn di chuyển…
... là một phần của toàn bộ tạo hóa
Hương bá Libăng, những cây Chúa đã trồng, được tràn trề nhựa sống. Bầy chim tước rủ nhau làm ổ, hạc bay về xây tổ ngọn cao. (…) Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng! Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan, những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất. (Thánh Vịnh 104)
Khi đối mặt với những hiểm họa to lớn đang đe dọa hành tinh kỳ diệu của chúng ta, nhiều người cảm thấy bất lực hoặc nản lòng. Và trong thời gian tới, những thảm họa liên quan đến khí hậu sẽ càng ngày càng khiến nhiều người rời bỏ nhà cửa.
Nhưng đức tin mời gọi chúng ta chống lại chủ nghĩa định mệnh và thống khổ.
Khi bắt đầu Kinh Thánh, chúng ta thấy rằng: “Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Êđen, để cày cấy và canh giữ đất đai” (Sáng thế 2, 15). Qua câu chuyện đầy chất thơ này, Kinh Thánh nhấn mạnh rằng, trong công việc sáng tạo của Thiên Chúa, chúng ta nhận được một trách nhiệm đặc biệt, đó là chăm sóc trái đất và bảo tồn nó. Tái khám phá rằng chúng ta là một phần không thể thiếu của Công trình Tạo dựng để làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên con người hơn.
Trái đất của chúng ta là một món quà quý giá từ Đấng Tạo Hóa, mà chúng ta có thể nhận được với lòng biết ơn và niềm vui. Trái đất là ngôi nhà chung của chúng ta và Thiên Chúa kêu gọi chúng ta chăm sóc nó, vì lợi ích của tất cả các sinh vật và của các thế hệ tương lai.
Chúng ta thấy hàng loạt các sáng kiến mọc lên trước sự thay đổi mạnh mẽ của khí hậu. Chúng đang ngày càng ảnh hưởng đến ý thức tập thể. Tất nhiên, giới hạn bản thân mình vào những hành động của cá nhân là chưa đủ, nhưng đó là điều kiện không thể thiếu để thay đổi.
• Mỗi người trong chúng ta được mời hành động theo khả năng của mình: xem xét lối sống của chúng ta, đơn giản hóa những gì có thể, chú ý đến vẻ đẹp của sự tạo dựng. • Với quan điểm chăm sóc Công trình Tạo dựng, các giáo phái Kitô giáo khác nhau có thể có một cách nhìn chung. Không phải nhu cầu cấp bách này là một lời kêu gọi tham gia vào các nỗ lực đại kết sao ? Thật ra đã có rồi: một trong số đó là mạng lưới “Các Nhà thờ xanh”, mà Taizé đã tham gia vào mùa hè năm 2019 (xem www.taize.fr/eco)
5. Luôn luôn di chuyển…
... luôn luôn kết hiệp mật thiết
Chúa Giêsu nói: Khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh. (Matthêô 6, 6)
Giống như “là ngoại kiều, là lữ khách trên mặt đất” (Hípri 11, 13), chúng ta cần tìm một nơi mà chúng ta neo đậu bên trong để có thể là chính mình. Phải chăng việc neo đậu này diễn ra trong những lời nguyện cầu, trong đối thoại thân tình với Chúa Kitô?
Niềm tin của chúng ta vào Chúa Kitô có thể rất mong manh. Vậy chúng ta có thể tìm thấy trong Giáo hội một cộng đồng - nơi chúng ta có thể tin tưởng nhau, chia sẻ những nghi ngờ, những câu hỏi và hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình tìm kiếm không?
Không ngừng trở lại sự hiệp thông với Thiên Chúa cho chúng ta sự tự do tuyệt vời. Bằng tình yêu của mình, Thiên Chúa muốn đưa chúng ta ra khỏi các phương cách phục vụ cá nhân và tập thể, giúp chúng ta buông bỏ những gì cản trở bước đi của chúng ta.
Làm thế nào chúng ta có thể luôn luôn di chuyển mà không bao giờ quên cội nguồn? Có thể bằng cách để cho niềm tin tăng lên trong chúng ta, rằng Nước Thiên Chúa đã bắt đầu trỗi lên trong chúng ta và giữa chúng ta?
Vâng, có một nơi mà trái tim chúng ta có thể nghỉ ngơi. Đó là một loại trọng tâm ngay bên trong mà Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Matthêô 11, 29)
Và Chúa Thánh Thần, hơi thở của sự tốt lành, sẽ dẫn chúng ta đi, ngay cả trong đêm tối của chúng ta…Cuộc Hành Hương của Tín Thác trong năm 2020
Tại Taizé
Hàng tuần trong suốt cả năm
Vào ngày Chúa Nhật là các cuộc gặp gỡ quốc tế của thanh thiếu niên. Cùng nhau cầu nguyện, chia sẻ Kinh Thánh, chia sẻ trong nhóm nhỏ, và những công việc thiết thực. Ngoài ra, bạn nào muốn cũng có thể dành một tuần thinh lặng, với những hướng dẫn Kinh Thánh và những khoảnh khắc trò chuyện với các thầy hoặc các soeur.
Tuần Thánh và Phục sinh
từ Chúa nhật ngày 5.4 đến thứ Hai ngày 13.4
Cùng bước đi với Đức Kitô, ngày qua ngày, bằng cách tham dự vào các buổi cầu nguyện trong Tuần Thánh và vào hừng đông Phục sinh của cộng đoàn.
Tuần lễ hữu nghị giữa các bạn trẻ Kitô giáo và Hồi giáo
từ ngày 8.7 đến 12.7
Lên đường để gặp những người khác, cùng nhau sống như những anh chị em với nhau.
Tĩnh tâm cho bạn trẻ trong độ tuổi từ 18 đến 35
từ ngày 23.8 đến 30.8
Suy niệm Kinh Thánh sau mỗi buổi cầu nguyện sáng, các buổi workshop do các bạn từ nhiều nước hướng dẫn...
Cuộc Gặp Mặt Châu Âu năm 2020
từ ngày 28.12.2020 đến 1.1.2021
Cuộc Gặp Mặt Châu Âu lần thứ 43 sẽ được tổ chức tại Turin, nước Ý.
Hành hương đến Đất Thánh
từ ngày 21.2.2021 đến 28.2.2021
Lắng nghe câu chuyện của những người sống tại Đất Thánh, đặc biệt là các Kitô hữu trẻ tuổi. Gặp gỡ các cộng đồng Kitô giáo khác nhau và đại diện của các tôn giáo khác. Cầu nguyện tại một số địa điểm nổi bật của Thánh Địa.
bài liên quan mới nhất
- Cộng đoàn Bác ái Cao Thái: Lịch cấm phòng năm 2022
-
Phát quà Giáng sinh cho trẻ em và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt -
Giáo Xứ Chợ Đũi phát học bổng Mẹ Têrêsa Calcutta -
Văn phòng Ủy Ban Nhân Dân Phường 6 quận Gò Vấp đến thăm và tặng quà Mái Ấm Hà Đông -
Doanh nhân Công Giáo: Tĩnh tâm Mùa Vọng năm 2021 -
Doanh nhân Công giáo: Thư mời Tĩnh tâm mùa Vọng ngày 19-12-2021 -
Cùng thắp lên ngọn lửa Hòa bình Niềm tin và Tình yêu -
Caritas Việt Nam: Thánh lễ cầu nguyện nhân dịp phát động chiến dịch ‘Together we – Chúng ta cùng nhau’ -
Giới Y tế Công giáo TGP.SG: Tĩnh tâm Mùa Vọng 5-12-2021 -
Nội san Lửa Mến tháng 12.2021
bài liên quan đọc nhiều
- Giáo dân trong mùa dịch: Những điều Nên và Không Nên
-
Bổ nhiệm cha Tân Giám đốc Caritas Việt Nam và tri ân cha nguyên giám đốc -
Chuyên đề 185: Tư duy phản biện, nhân tố phát triển xã hội -
Caritas TGP Sài Gòn: chung tay lan tỏa yêu thương giữa đại dịch covid-19 -
Chuyên đề 150: “Xác định sứ mệnh mục tiêu cuộc đời” -
Thư ngỏ v/v kế hoạch “Mục vụ Chăm sóc các em mồ côi” -
Dòng Đa Minh Việt Nam -
Caritas Tổng Giáo phận Sài Gòn: Hưởng ứng lời kêu gọi cứu trợ nạn nhân lũ lụt miền Trung -
Chương trình Lan Tỏa Yêu Thương đợt 4 -
Họp mặt Di dân Phát Diệm tại miền Nam lần thứ 12