Những kỷ niệm trên đường truyền giáo - Kỷ niệm hai: với Bệnh nhân

Những kỷ niệm trên đường truyền giáo - Kỷ niệm hai: với Bệnh nhân

Một Việt kiều Mỹ cho mình 1.000 đô la. Mình biểu thầy Phó tế Tiến đưa một số bệnh nhân nghèo đi Sài Gòn. Bệnh nhân tập trung ở nhà thờ, để chuẩn bị lên đường.

Có một người đàn ông bồng một bé gái 12 tuổi ngồi trên ghế đá ở ngay trước cửa phòng của mình. Mình lân la hỏi chuyện.

- Anh thứ mấy?

- Tôi thứ hai.

- Bé tên gì?

- Nó là con Trúc.

- Nó mắc bệnh gì mà ốm thế?

- Nó mắc bệnh tiểu đường.

Bé Trúc ốm tong teo như con cá kèo khô. Mình nghi ngờ bé không thể đi Sài Gòn được. Bèn mở ngay một cuộc trắc nghiệm. Mình lấy ngón tay cù vào nách bé, bé cười hí hí. Mình biểu bé nhéo tay ba. Hắn nhéo vào mu bàn tay ba, rồi lại cười hí hí. Trước khi xuống xuồng ra Cà Mau để đi Sài Gòn, các dì phước cho bé ăn cơm. Bé quất hai chén một cách ngon lành. Thế là mình yên tâm.

Thầy Tiến và đoàn tùy tùng xuống xuồng, vẫy tay chào từ biệt. Ánh mặt trời cũng giã từ để lặn xuống Vịnh Thái Lan, sau lưng huyện Trần Văn Thời. Mình lặng lẽ về phòng, ngong ngóng chờ bữa cơm tối, rồi hối hả chun vô mùng để đọc kinh tối và ngủ vùi.

Năm giờ sáng hôm sau, mình lủi thủi qua bên nhà các dì phước để đọc kinh nhật tụng và nguyện gẫm. Mới đi được chừng ba chục bước, thì Dì Sáu rầu rĩ báo tin:

- Ông Cố ơi, con bé Trúc chết rồi.

- Chết thế nào?

- Mười một giờ rưỡi đêm hôm qua, thầy Tiến gọi điện về báo tin là xe đò tới Sóc Trăng, thì bé Trúc tắt thở  trên cánh tay của cha nó. Đoàn bỏ xe ấy, đón xe khác về Cà Mau.  Chúng con tính báo tin ngay cho Ông Cố, nhưng sợ Ông Cố buồn mà mất ngủ. Vả lại… Ông Cố điếc có nghe điện thoại được đâu…

Mình buồn quá! Nhưng vẫn hơi giận. Giận ai? Giận Chúa. Mình hờn dỗi với Chúa rằng: “Chúa ơi! Chúa làm phép lạ để chữa biết bao nhiêu bệnh hoạn tật nguyền của nhân dân. Sướng quá! Khỏe re! Còn con thì chỉ làm phép thường: vừa tốn tiền, tốn thời giờ, tốn công sức, mà… kết quả là Bé Trúc đã chết rồi. Người xấu mồm, xấu miệng sẽ kết án con là chủ quan, không có giấy bác sĩ giới thiệu mà dám đưa bệnh nhân đi Sài Gòn…

Mình buồn và giận Chúa từ 5 giờ tới 7giờ.

7giờ sáng, thầy Tiến về tới nhà. Thầy dang tay thẳng băng và phấn khởi báo cáo: “Thưa Cố, mọi khâu đều được giải quyết một cách hoàn hảo. Bé Trúc chết trên cánh tay của anh Hai. Chúng con bỏ xe, kiếm xe khác đưa đoàn về Cà Mau, con bao đò đưa xác Bé Trúc và mọi bệnh nhân về từng nhà…”.

Tạm ngưng buồn và giận Chúa, để đi chia buồn với gia đình Bé Trúc.

Bằng một lối thông tin thần tốc, chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ, hơn một chục em thiếu nhi có mặt. Các em đảo một vòng xung quanh nhà thờ. Các cây bông trang đang rực rỡ màu hồng, bỗng biến dạng thành những cây tạp tàn tạ.

Hai chiếc  vỏ lãi rồ máy, lướt sóng, quẹo bên phải, quẹo bên trái, rồi tắt máy và ghé bên nhà Bé Trúc. Ai nấy ngẩn tò te, vì Bé Trúc đã được an táng rồi. Không cần báo tin buồn cho thân nhân. Không thấy xóm giềng đến chia buồn và thắp nhang. Căn nhà vắng lặng như không có gì xảy ra.

Đoàn thiếu nhi theo các dì ra vườn dừa phía sau nhà, để viếng mồ. Bé Trúc không phải là tín hữu Công Giáo, nhưng thánh ca cầu hồn cứ vang lên: “Khi Chúa thương gọi tôi về, hồn tôi hân hoan như trong một giấc mơ…”. Các em rắc bông trang lên mộ. Đống đất đen bỗng đỏ rực như một luống hoa. Đẹp quá! Thương quá! Và cũng trân trọng quá!

Cầu nguyện cho Bé Trúc xong, mình vào nhà chia buồn với cha mẹ và anh chị em của bé. Cha của bé ngỏ lời tâm sự: “Ông cha ơi! Tôi chưa bao giờ dám nghĩ rằng con tôi được đi Sài Gòn trị bệnh. Nhờ ông cha, tôi mới được phước đưa con tôi đi Sài Gòn. Nhưng vì cái số, mà nó không được hưởng cái đức của ông cha. Dù vậy, tôi vẫn ghi ơn ông cha cho đến chết…”.

Câu chuyện đang buồn tê tái bỗng dưng trở thành tình yêu chan hòa. Mình âm thầm xin lỗi Chúa và cảm nghiệm sâu sắc rằng có một bàn tay vô hình lật thế cờ 180 độ. Yêu thương và chăm sóc bệnh nhân đã là chứng tá của Tin Mừng rồi. Quả vậy, cha của bé Trúc đã nói nhỏ bên tai mình rằng: “Mai mốt gia đình con sẽ theo đạo của ông cha”.   

Top