Những lời mời và Mục vụ Di Dân

Những lời mời và Mục vụ Di Dân

WGPSG -- Vào tháng 11/2009, Giáo Hội Đài Loan đã mời ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn tham dự lễ bế mạc chương trình kỷ niệm 150 năm truyền giáo tại Đài Loan. Và vào tháng 12/2009, Giáo phận Chanthaburi, Thái Lan, đã mời ĐHY Gioan Baotixita dự lễ mừng kỷ niệm 300 năm thành lập Giáo phận. Đây cũng được coi là những chuyến đi mục vụ di dân của ĐHY, vì vào những ngày ấy ĐHY và phái đoàn đã tận dụng mọi dịp thuận tiện để có thể gặp gỡ các di dân Việt Nam ở Đài Loan và Thái Lan…

Sau đây là bài tường thuật của lm. Stêphanô Huỳnh Trụ:

Mừng Đài Loan đón nhận Phúc Âm 150 năm

Sau một chương trình hoạt động dài một năm rưỡi để mừng kỷ niệm 150 năm truyền giáo tại Đài Loan (1), ngày 21-11-2009, Giáo Hội tại đây long trọng tổ chức lễ bế mạc. Trước đó vài tháng, Đức Tổng Giám Mục Gioan Hồng Sơn Xuyên, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đài Loan đã gởi thiệp mời Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn tham dự. Vì đầu tháng 11 phải đi họp tại Rôma nên ĐHY rất bận rộn, tuy nhiên ngài vẫn sắp xếp công việc để quyết định đáp lời mời tham dự buổi lễ.

Phái đoàn cùng đến dự lễ tại Đài Loan với ĐHY gồm có Đức Cha Phụ tá, các Cha Gioan Nguyễn Văn Ty, Giuse Đỗ Đình Ánh, Stêphanô Huỳnh Trụ và một số giáo dân gốc Hoa. Cha Stêphanô và giáo dân gốc Hoa đi từ Việt Nam đến Đài Bắc vào ngày 18-11-2009, để vào ngày 20-10-2009 ra đón phái đoàn ĐHY đi họp từ Rôma sang.

Khoảng 11 giờ, ngày 20-11, Đức Tổng Giám Mục Gioan Xuyên, Chủ tịch HĐGM Đài Loan và Cha Nguyễn Văn Điệp, Chủ tịch Hội tu sĩ Việt Nam tại Đài Loan, đã có mặt tại sân bay Đài Bắc. Đúng 11 giờ 35, các Ngài lên tận cửa máy bay để đón phái đoàn Đức Hồng Y và rời máy bay qua cửa danh dự. Bộ Ngoại Giao Đài Loan đã chuẩn bị xe danh dư treo cờ Toà Thánh đưa phái đoàn về khách sạn.

ĐHY rất muốn thăm những người Việt Nam di dân tại Đài Loan ngay, nhưng thời gian không cho phép. 17 giờ cùng ngày, Đức Khâm Sứ tại Đài Loan tiếp các Đức Hồng Y, Giám mục và thiết đãi cơm tối.

Lễ bế mạc cử hành tại sân vận động Lâm Khẩu có mái che với sức chứa 20.000 người. 9 giờ sáng ngày 21-11, giáo dân từ 7 Giáo phận Đài Loan tiến vào sân vận động. 11 giờ, ĐHY Phaolô Thiền Quốc Tỷ của Đài Loan đón tiếp ĐHY Đặc sứ Đức Giáo Tông Jozef Tomko, ĐHY Giuse Trần Nhật Quân của Hồng Kông, ĐHY GB Phạm Minh Mẫn, ĐC Phêrô Nguyễn Văn Khảm của Việt Nam, và ĐC Giuse Lê Hồng Thăng của Macau đến hội trường. Sau đó họp báo.

13 giờ, lễ mừng bắt đầu. ĐTGM Gioan Hồng Sơn Xuyên tuyên bố khai mạc, tiếp đó hát lên bài thánh ca đoạt giải nhất trong cuộc thi sáng tác thánh nhạc nhằm kỷ niệm truyền giáo 150 năm tại Đài Loan và giới thiệu các khách mời. Hôm đó, tất cả ĐHY và Giám Mục đều mặc tu phục đen, chỉ có ĐHY chúng ta mặc tu phục trắng, nên rất nổi bật.

Ban tổ chức rất kính trọng Đức Hồng Y chúng ta. Phái đoàn Việt Nam kể cả các Cha chỉ có 18 người, mà được dành 40 chỗ ngồi ở hàng thứ tư, ngay sau các Đức Hồng Y, Giám Mục và ngoại giao đoàn, trước linh mục đoàn. Đây là vinh dự lớn cho Giáo Hội Việt Nam.

Cũng trong buổi đại hội, các Giám Mục trao giải thưởng cho những người đoạt giải trong những cuộc tranh tài về thánh nhạc , văn chương, hội hoạ…Trước đó, là màn biểu diễn vũ điệu của dân tộc thiểu số, do cả trăm vũ công trình bày, nam vũ công thì để trần theo truyền thống.

Tổng Thống Đài Loan cũng có lời phát biểu trong đại hội. Ông thay mặt toàn thể dân nước này cám ơn sự đóng góp của Giáo Hội và hiện nay vẫn còn rất nhiều linh mục, tu sĩ cống hiến cho việc phát triển đất nước. Ông hứa sẽ cùng với Giáo Hội xây dựng hoà bình thế giới.

Kế đó, đại diện các giới, các ngành kể lại lịch sử truyền giáo và những người tiêu biểu đóng góp trong việc phát triển và trưởng thành của Giáo Hội cho đất nước này. Phần này kéo dài, gần hai tiếng rưỡi, toàn dùng tiếng Phổ Thông, không có thông dịch, nên ĐHY không hiểu. Cha Huỳnh Trụ muốn đến gần Ngài để làm thông dịch, nhưng không tìm được chỗ chen chân.

16 giờ, Thánh lễ đồng tế trọng thể bắt đầu, do ĐHY Jozef Tomko (Đặc sứ của ĐTC) chủ tế, 3 Hồng Y, 13 Giám Mục và hơn 400 linh mục đồng tế. Các Hồng Y và Giám Mục mặc lễ phục vàng, mũ vàng, đoàn linh mục dùng dây stola vàng, và sau đó tặng cho đoàn đồng tế làm kỷ vật. Thành lễ dùng tiếng Latin, nhưng cộng đồng dự lễ thưa bằng tiếng Hoa. Bài ca nhập lễ được cất lên bằng tiếng dân tộc đồng bào thiểu số của Đài Loan, dâng lễ vật do một bộ tộc đồng bào thiểu số khác vừa múa vừa mang lễ phẩm lên. Trước khi truyền phép, hàng trăm Linh Mục cầm sẵn chén thánh đựng bánh lễ trên tay để truyền phép, hầu đến khi hiệp lễ, các cha trực tiếp đến nơi trao Mình Thánh Chúa mà không cần lên bàn thờ nhận Mình Thánh Chúa.

Trước khi kết thúc thánh lễ, Đức Hồng Y Tomko tuyên bố: ĐTC thăng tiến Đức Cha Phêrô Lưu Chấn Trung thuộc Giáo Phận Cao Hùng làm Tổng Giám Mục. Nghe tin, cả hội trường đều vui mừng hoan hô. Kế đó, ĐHY Phaolô Tỷ chúc lành đặc biệt cho hàng trăm dự tòng.

Liền khi đó, mọi người truyền lửa cho nhau và ĐHY sai họ đi truyền giảng Phúc Âm, cổ vũ ơn gọi, để một ngày nào đó, Đài Loan cũng trở thành một nước xuất khẩu thừa sai.

Nhìn chung, Đại hội này rất thành công, dù đông đến 15.000 người tham dự, nhưng rất trật tự. Lễ xong, đoàn đồng tế rước kiệu về đến nơi thay phẩm phục, bấy giờ những người dự lễ mới giải tán. Các hướng dẫn viên là những người đã được huấn luyện, rất lễ phép, cách ăn mặc và cử chỉ giống như những tiếp viên hàng không. Bãi gởi xe rộng lớn và sắp xếp rất trật tự.

Sau Thánh lễ, HĐGM Đài Loan thiết đãi các Đức Hồng Y và Giám Mục tại nhà hàng khách sạn quốc tế Viễn Đông.

Trước ngày đại lễ, các Cha Việt Nam làm việc tại Đài Loan tổ chức Thánh Lễ đồng tế mừng các Thánh Tuẫn Đạo Việt Nam tại nhà thờ Bản Kiều, có đông đảo tu sĩ và giáo dân Việt Nam tham dự.

9 giờ sáng Chúa Nhật, ngày 22-11-2009, ĐHY và ĐC Phêrô dâng lễ đồng tế tại nhà thờ Bản Kiều. Giáo dân tại đó rất quý mến hai ĐC chúng ta. Chuyến bay của ĐHY sẽ cất cánh về Việt Nam lúc 13 giờ 55, nhưng trước khi máy bay khởi hành 15 phút ĐHY và ĐC mới tới phi trường, nên hai Đức Cha phải hối hả làm thủ tục hải quan để kịp về Việt Nam dự lễ Khai mạc Năm Thánh Việt Nam 2010.

Còn những người khác thì tiếp tục công việc của Mục vụ Di dân. Cha Ty và Cha Ánh đi miền Nam để bàn việc với ĐC phụ trách di dân của HĐGM Đài Loan, về việc giúp đỡ những người di dân Việt Nam. Các người còn lại được Đức Tổng Đài Bắc tiếp kiến và ăn tối, họ mạn phép thay mặt phái đoàn tặng quà cho Đức Tổng.

Ngày 29-11-2009, tất cả thành viên trong phái đoàn đều về đến Việt Nam bình an, hoàn tất một chuyến viếng thăm mừng lễ đầy ý nghĩa và cảm xúc.

Mừng 300 năm Giáo phận Chanthaburi

Giáo phận Chanthaburi, Thái Lan, tưng bừng mừng 300 năm thành lập Giáo phận. Trên 300 năm trước đây, vì trốn cuộc bách hại của nhà Nguyễn, người Công Giáo Việt Nam đã mang hạt giống Phúc Âm đến miền Đất này.

Chanthaburi thuộc miền Đông Nam Thái Lan, giáp ranh với Battambang và Pailin của Cambodia, miền Nam giáp với Vịnh Thái Lan. Chanthaburi nghĩa là thành phố mặt trăng. Từ năm 1944, có Giám mục Giám quản Tông Toà tại đây, nay thuộc Giáo tỉnh Bangkok.

Vào dịp lễ trọng đại này, Giáo Hội tại Việt Nam là nơi duy nhất được mời tham dự. Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn và Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc vui vẻ đáp lại lời mời. Phái đoàn có thêm 5 linh mục, 3 nữ tu dòng Mến Thánh Giá và một giáo dân tham dự.

12 giờ 50 phút ngày 10-12-2009, đoàn đã đến Bangkok. Ra đón đoàn có nữ tu Mali - người Thái giỏi tiếng Việt - Dòng Salésian, cùng hai thầy dòng Camillian, người Việt. Các vị này đã tháp tùng đoàn suốt cuộc hành trình tại Thái Lan. Chúng tôi được đưa đến ở Trung Tâm Mục Vụ của Dòng Camillian tại Latkrabang, cách trung tâm Bangkok khoảng 30km về phía Đông. Trung tâm này mới được xây dựng, với 75 phòng đầy đủ tiện nghi và máy lạnh, nhưng chưa khánh thành. Tại đây, Xơ Mali đón tiếp rất ân cần chu đáo theo nghi thức Thái Lan, với vòng hoa đeo trên cổ tay mỗi người, và có phong bì kèm theo.

Sau khi ổn định chỗ ở, chúng tôi lên đường đến thăm Trung Tâm Mục vụ Giáo phận Bangkok tại Sampran. Đây là một trong những trung tâm mục vụ hàng đầu của Giáo Hội tại Á Châu gồm 200 phòng, phía sau có hồ nước, phong cảnh đẹp, hài hoà. Sampran giáp ranh với Bangkok, có tỷ lệ người Công Giáo tương đối cao. Có thể nói đây là trái tim của Giáo Hội Công Giáo tại Thái Lan. Nhiều Hội Dòng, Đại Chủng Viện cũng được xây dựng tại đây. Tổng Giáo phận Bangkok quản lý 43 trường trung học và tiểu học trong khu vực này. Đức Hồng Y Michael Michai Kitbunchu của Thái Lan cũng xuất thân từ đây.

Đức Hồng Y Michael tiếp đoàn vào buổi chiều, và tỏ ra là một người có nhiều kinh nghiệm tiếp khách, Ngài hỏi thăm từng người một trong phái đoàn gồm 11 người của chúng tôi, khiến mọi người rất cảm động.

Sau đó chúng tôi dành một buổi đi thăm khu nuôi và huấn luyện voi của vườn voi Sampran - một trong những vườn voi lớn nhất thế giới. Nơi này có hàng ngàn con voi, để người nước ngoài tập điều khiển voi. Đức Hồng Y có một kỷ niệm vui tại đây khi bị một con voi con đẩy đi từ phía sau. Ngài cùng Đức Cha Phaolô còn đút cho voi ăn.

Tiếp đến, đoàn đi thăm chủng viện của Dòng Camillian tại Sampran, và được đón tiếp nồng hậu với các vũ điệu Thái truyền thống. Chủng viện này có nhiều chủng sinh gốc Việt, nên trước cơm tối Đức Hồng Y dành một buổi nói chuyện với các chủng sinh, giải thích về Năm Thánh 2010 của Giáo Hội tại Việt Nam.

Ngày 10-12, ngày thứ hai của cuộc hành trình, là một ngày rất đáng nhớ. Chúng tôi hành hương đến nhà thờ Thánh Giuse tại Ayuthaya. Ayuthaya cách Bangkok 76km về hướng Bắc, là cố đô của Thái trong vòng 417 năm, được xây dựng năm 1350. Đây là nơi đầu tiên các vị thừa sai Bồ Đào Nha đến truyền giảng Phúc Âm.

Giáo dân tại đây cũng đón Đức HồngY một cách trọng thể, đặc biệt là panô lớn có hình Đức Hồng Y. Trong nhà thờ Thánh Giuse có mộ của Đức Cha Lambert de la Motte, vị Giám mục tiên khởi của Giáo Phận Giám quản Tông toà Đàng Trong, và là Đấng sáng lập dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam. Đoàn dâng lễ đồng tế tại đây. Sau lễ Đức Hồng Y phát ảnh đeo và xâu chìa khoá có ảnh của Ngài cho mọi người. Đoàn cũng chụp hình trước mộ Đức Cha Lambert. Ba nữ tu dòng Mến Thánh Giá trong đoàn vô cùng vui mừng và chụp rất nhiều hình vì được đến bên cạnh mộ của Đấng sáng lập Dòng.

Bữa trưa sau đó do Xơ Mali đãi, và các vị trong Hội đồng Giáo Xứ nhà thờ Thánh Giuse tiếp trên thuyền chạy dọc sông gần thành phố cổ Ayuthaya và làng Bồ Đào Nha.

Sáng 11-12, Đức Hồng Y được một linh mục người Việt dạy ở trường đại học Assumption mời đến thăm trường. ĐHY cảm ơn trường về 2 học bổng của trường dành cho Giáo phận Tp HCM. Trưởng khoa Triết học tiếp riêng Đức Hồng Y. Sau đó, phái đoàn đến thăm Toà Giám Mục Bangkok. Đức Tổng Giám Mục Francis Xavier Kriengsak Kovitvanit tiếp đoàn cách nhiệt tình và tặng cho mọi người một cuốn kỷ yếu của Tổng Giáo phận.

Kế đó, đoàn đi thăm Đức Khâm Sứ tại Bangkok. Ngài vui vẻ đón tiếp đoàn và tặng cho mỗi người một xâu chuỗi Môi Côi. Đức Khâm Sứ mời Đức Hồng Y, Đức Cha Phaolô, Đức Hồng Y Thái Lan và một vài Giám Mục Thái Lan dùng cơm trưa. Sau cơm trưa đoàn phải hối hả lên đường đi Chanthaburi. Từ Bangkok đi Chanthaburi rất xa, mất khoảng 3 giờ. Đến nơi, Cha Tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Thái Lan ra đón, mời đoàn vào hàng ghế danh dự. Sau vài lời chào hỏi, các thiếu nữ trình diễn hai màn múa dân tộc Thái để biểu lộ tinh thần mến khách. Được biết, Cha Tổng thư ký là bạn cùng lớp tại Đại chủng viện Penang với Cha Stêphanô, hai anh em vui mừng gặp lại sau 35 năm xa cách.

Sáng 12-12, trước giờ mừng lễ, Đức Hồng Y đến thăm Dòng Thánh Phaolô thành Chartres kế cận đó. Cơ sở này rất rộng và đẹp, các nữ tu có cả người Thái, Việt và Hoa.

Mừng lễ 300 năm truyền giảng Phúc Âm tại Chanthaburi không những là một biến cố quan trọng cho Giáo phận, mà còn là sự kiện quan trọng của Thành phố. Chính quyền sở tại cho in rất nhiều áp-phích treo khắp nơi trong đường phố và khách sạn. Đây cũng là dịp thúc đẩy du lịch.

Thánh lễ được cử hành trọng thể vào lúc 10 giờ sáng. Trước Thánh lễ, Đức Hồng Y và Đức Cha Phaolô được tiếp đón với những bó hoa trao tặng. Đức Hồng Y vui vẻ chụp hình lưu niệm với giáo dân gốc Việt tại đây. Họ vô cùng hân hoan vì có cơ hội được tiếp xúc, gần gũi với Đức Hồng Y. Đang khi đợi mặc phẩm phục để đi kiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm và cử hành Thánh lễ, Cha Stêphanô gặp lại rất nhiều bạn học ở Penang, trong đó có Giám mục Pibul. Họ đều tưởng cha Stêphanô đã chết từ năm 1978 khi nghe tin Cha đi học tập cải tạo. Họ đều đã làm lễ cầu hồn cho Cha rồi, ngờ đâu Cha còn sống.

Trong đoàn kiệu có đủ trang phục người Thái, Việt và Hoa. Máy bay trực thăng bay vòng trên đoàn kiệu tung hoa cho Đức Mẹ từ trên cao. Trong Thánh Lễ, Đức Hồng Y với hai cha phụ giúp ngồi ở ghế danh dự.

Ngày hôm sau (13-12), trước khi trở về Việt Nam, Đức Hồng Y gặp gỡ tiếp xúc và dâng thánh lễ cho những lao động người Việt tại nhà thờ Lasale, Bangkok. Hôm đó thật đáng tiếc vì có một người bị cảnh sát Thái Lan bắt bởi không có giấy tờ hợp pháp, mặc dù họ đã được quý Xơ cảnh báo trước. Sau lễ Đức Hồng Y chụp hình lưu niệm cùng nhiều người.

Cuộc vui nào cũng phải chia tay, tại sân bay Bangkok, đoàn đã nói lời tạm biệt với quý Thầy, Xơ đã phục vụ đoàn mấy ngày qua. Và một lần nữa, đoàn lại hết sức cảm động khi nhận một balô quà tặng của Xơ Mali.

Cảm tạ Chúa đã chúc lành cho chuyến đi.

Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ

 

-------------------------------
1. Đây là cuộc truyền giáo lần thứ hai, lần thừ nhất khởi đầu năm 1582, nhưng bị Triều Minh tiêu diệt hoàn toàn.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top