Những lối thực hiện ơn gọi dâng hiến

Những lối thực hiện ơn gọi dâng hiến

Căn bản ơn gọi tận hiến là tuân giữ ba lời khuyên của Tin Mừng, như Giáo hội đòi hỏi ngày nay, tức là theo sát đời sống Chúa Giêsu. Và đây là điểm chung cho tất cả mọi cuộc đời tận hiến. Nhưng để tuân giữ ba lời khuyên Phúc Âm, có nhiều lối sống khác nhau bên ngoài.

I. MẤY DÒNG LỊCH SỬ

Vào cuối thời các tông đồ nền tu đức theo những đòi hỏi Tin Mừng đã rất thịnh hành. Các văn kiện sử của thế kỷ thứ hai và thứ ba chứng tỏ rằng bên Đông cũng như bên Tây đã có rất nhiều người thực hiện việc tu đức nghiêm nhặt, rải rác trong các Giáo Hội.

1/ Hình thức tu đức thịnh hành nhất và rõ nét nhất là tự nguyện sống độc thân khiết tịnh, nơi cả hai phái nam và nữ. Họ sống giữa thế gian, không thoát ly gia đình, và chia sẻ đời sống chung với cộng đoàn Kitô hữu. Mãi về sau, vào cuối thế kỷ thứ ba và đầu thế kỷ thứ bốn, họ mới bắt đầu rút lui vào những khu rừng vắng tịch mịch. Ở đó họ sống lẻ tẻ và đôi khi sống chung trong một cộng đoàn. Người ta nhận ra họ qua cách sống khắc khổ hơn kém và qua quyết tâm sống đời độc thân khiết tịnh.

Vào đầu thế kỷ thứ hai tại Giáo đoàn Smyrna đã có một nhóm khá lớn các nữ đồng trinh làm người ta phải chú ý. Thánh Ingatio Giám mục thành Antiokia đã đặt biệt nhắc tới họ trong thư Ngài gởi cho tín hữu thành đó (Smyrn.131). Vài năm sau thánh Polycarpo trong thư gởi giáo hữu Philipphê cũng đã không quên nhắc tới những người đồng trinh và nói rằng lương tâm của họ phải không bị chê trách chỗ nào và đời sống của họ phải rất trong sạch (Phil 5,3). (Hermas, cũng nhắc tới những người đồng trinh thuộc Giáo Hội Rôma (Sim 9,10-11). Ngoài ra ông Origène còn cho ta biết nhiều tín hữu đã thực hiện đức khiết tịnh trọn vẹn để phục vụ Chúa bằng lời cầu nguyện (Contr.Cel 7,48). Những người đồng trinh đã là vinh dự cho những cộng đoàn kitô hữu, và các Giáo phụ hộ giáo thế kỷ thứ hai đã không ngần ngại đề cao họ trước mặt lương dân, hầu tuyên dương sự thánh thiện của nền luân lý Kitô giáo.

2/ Lúc đầu các người đồng trinh có thể cứ tiếp tục ở tại nhà riêng, nhưng họ phải tránh việc ra ngoài khi không có lý do hữu ích. Họ cầu nguyện trong những giờ đã được chỉ định, ăn chay và bố thí. Kinh nguyện buộc phải đọc là các thánh vịnh, đọc vào những giờ đã quen, là giờ ba, giờ sáu, giờ chín (theo kiểu tính của người Do Thái để kính nhớ Chúa Cứu Thế bị lên án, bị đóng đinh và tắt thở vào những giờ đó). Đêm đến, vào giờ Chúa sống lại, họ phải thức dậy để hát Thánh vịnh. Công việc trên đây không thực hiện tập thể.

Ngoài ra, vì sống tập thể, nên cần phải có quy luật để điều khiển đời sống chung và đồng thời nảy ra ý tưởng tương trợ lẫn nhau qua việc để mọi của làm của chung. Từ đó việc sở hữu của cải bắt đầu bị hạn chế. Sau khi Giáo Hội được tự do vào năm 313, lý tưởng đời sống lại càng trở nên cấp bách. Những lương dân trở lại đạo từng đoàn tưng lũ không thể bỏ đời sống cũ của họ ngày một ngày hai, nên trong cộng đồng Giáo Hội những thuần phong mỹ tục đã bị tổn thương. Do đó khuynh hướng thoát tục và sống tập thể được nhấn mạnh, hầu đối phó với những hoàn cảnh và đặt biệt khó khăn. Cũng từ lúc này, Giáo Hội lưu ý tới việc ban những quy luật đời sống tận hiến, căn cứ vào kinh nghiệm của các vị tại tu sĩ thời đó, như thánh Pacôme và thánh Basiliô. Những quy luật này thiên hẳn về đời sống tận hiến trong cộng đoàn và thịnh hành cho mãi tới ngày nay.

II. LỐI THỰC HIỆN ƠN GỌI TẬN HIẾN Ở NGOÀI CỘNG ĐOÀN BẮT BUỘC. ĐÓ LÀ ƠN GỌI TẬN HIẾN CỦA CÁC TU HỘI ĐỜI.

Theo Bộ Giáo Luật 1917, mọi tổ chức sống đời tận hiến qua việc tuân giữ những lời khuyên Phúc Âm buộc phải có đời sống chung, nghĩa là sống dưới cùng một mái nhà. Tuy nhiên đó đây, đã có những sáng kiến tổ chức đời sống tận hiến mà không bắt buộc phải sống chung. Vì thế ngày 02.02.1947, Đức Thánh Cha Piô XII đã ra một tông huấn tên là “Provida Mater Ecclesis – Hội Thánh Mẹ Quan Phòng” để đặt nền tảng pháp lý cho lối sống tận hiến ngoài cộng đoàn bắt buộc. Theo Tông Hiến nói trên, người tín hữu có thể sống đời tận hiến ngay giữa dòng đời, ngay giữa thế gian mà không sống cộng đoàn, cũng không có lời khấn công khai kiểu các dòng tu, nhưng vẫn có lời khấn công khai theo hiến pháp được giáo quyền công nhận đọc trước mặt Đấng Bản Quyền hay đại diện của ngài, nghĩa là trước mặt Giáo Hội. Ta có thể gọi những lời khấn này là lời khấn công khai cấp một để phân biệt với lời khấn công khai cấp hai kiểu các dòng tu có đời sống cộng đoàn bắt buộc. Cha Perrin 0.p gọi là những lời khấn có tính xã hội hay là lời khấn cộng đoàn, chứ không phải là lời khấn tư, bởi vì ở đây đương sự khấn hứa trong một bậc sống đã được Giáo Hội nhìn nhận và bảo đảm”
Dưới đây là một số điểm pháp lý tổng quát căn bản do Tông Huấn nói trên ấn định.

1/ Khác với lối sống tận hiến kiểu các dòng tu, vì:

a. Có lời khấn công khai cấp một.

b. Không buộc phải sống chung.

2/ Tên gọi là Tu Hội Đời (Institut Séculier: tạm dùng danh xưng “Tu Hội Đời”).

3/ Khấn hay hứa tuân giữ ba lời khuyên Phúc Âm, tuỳ theo Hiến Pháp của mỗi Tu Hội

a. Tuân giữ đời sống độc thân khiết tịnh trọn vẹn.

b. Khấn hay hứa tuân phục, lệ thuộc vào những quy luật của Hiến Pháp, và dưới sự dẫn dắt liên tục của các Bề Trên.

c. Khấn hay hứa giữ khó nghèo, không còn tự do sử dụng những của cải trần thế, mà chỉ được sử dụng trong những giới hạn được Hiến Pháp quy định.

4/ Phải có sự khăng khít giữa các thành viên theo nghĩa hẹp (có ba lời khấn) và tu hội. Mối giây đó phải có:

a. Tính cách cố định, hoặc vĩnh viễn hoặc tạm thời theo Hiến pháp.

b. Tính cách hỗ tương và đầy đủ nghĩa là, tuỳ theo Hiến Pháp, mỗi thành viên phó thác toàn diện cho tu hội và tu hội nhận săn sóc những thành viên (nhất là về tinh thần) và chịu trách nhiệm về họ trước mặt Giáo Hội.

5/ Về những khu nội trú và những nhà chung của tu hội mặc dù không buộc tất cả mọi thành viên sống cộng đoàn, các tu hội đời cũng có một hay nhiều nhà chung vì cần thiết hay cần hữu ích:

a. Để các Anh (Chị) Phụ Trách của Tu hội, nhất là những vị Tổng Phụ Trách hay những vị Phụ Trách Ngành hoặc Huynh Đoàn, có thể nội trú thường xuyên tại đó.

b. Để một số thành viên có thể về đó ở, hoặc đến đó để lo việc huấn luyện, tĩnh tâm hay các việc khác tương tự.

c. Để có thể tiếp đón những thành viên vì thiếu sức khỏe hay vì những trường hợp không tự túc được, hoặc thấy bất tiện không có lợi nếu ở một mình, hay sống tư nơi gia đình, hay nơi những người khác.

III/ TẬN HIẾN ĐỂ CHIÊM NIỆM HAY ĐỂ HOẠT ĐỘNG:

Đời sống tận hiến tự nó có giá trị rồi. Tuy nhiên nó cũng nhằm một số mục đích mà mục đích tối hậu là vinh danh Thiên Chúa qua việc thánh hóa bản thân và tha nhân. Để đạt mục đích tối hậu đó, người tận hiến dùng nhiều phương tiện khác nhau:

1* Có những phương tiện thiên về chiêm niệm: Người tận hiến dùng nhiều thời giờ trong ngày làm việc đạo đức trực tiếp dành cho Chúa, như cầu nguyện, nguyện gẫm, đọc sách thiêng liêng, đọc kinh phụng vụ, hãm mình ép xác, thức khuya dậy sớm v.v… Muốn như vậy, thường họ phải thoát tục, sống xa thế gian, sống âm thầm lặng lẽ, để tâm hồn trực tiếp truyện vãn với Chúa nhiều hơn, thân mật hơn, v.v…

2* Có những phương tiện thiên về hoạt động tông đồ, người tận hiến dùng nhiều thời giờ phục vụ tha nhân trong mọi phạm vi.

a/ Hoạt động tông đồ trực tiếp, như Rao giảng Tin Mừng (các hội thừa sai), dạy Giáo lý, lo việc thiêng liêng trong các lối tôn sùng (như chầu Thánh Thể, tôn sùng Thánh Tâm. vv..)

b/ Hoạt động tông đồ gián tiếp, như giáo dục thanh thiếu niên, coi sóc bệnh nhân, và các hình thức bác ái khác (thương linh hồn bảy mối, thương xác bảy mối. v.v…)

c/ Hoạt động tông đồ gián tiếp hơn nữa, tức là thánh hoá những hoạt động trần thế: Văn hóa, kinh tế, xã hội, khoa học, chính trị, thương mại v.v… Đây là phạm vi hoạt động thường dành cho các Tu hội đời, là lý do tồn tại chủ yếu của các Tu hội ấy.

3* Trên đây là phân biệt đại cương, để hiểu rõ hướng đi khác nhau của mỗi tổ chức tận hiến. Thực tế uyển chuyển hơn nhiều:

a/ Chiêm niệm và hoạt động phải thâu nhập vào nhau. Người tận hiến chiêm niệm cũng phải có một số hoạt động chân tay hoặc trí óc; dĩ nhiên chúng không được phép lấn át và nắm phần ưu tiên đối với những việc đạo đức (thiêng liêng) nhằm thẳng Chúa và dành riêng cho Chúa. Người tận hiến hoạt động cũng phải có tối thiểu thời giờ dành cho việc đạo đức, để tránh chủ nghĩa náo động và giúp tâm hồn dễ kết hợp với Chúa ngay trong lúc hoạt động và tùy theo hướng đi của mỗi tập thể tận hiến.

b/ Cuộc sống tận hiến giữa đời qua các hoạt động trần thế, có những đòi hỏi riêng của nó nên không luôn có nhiều thời giờ dành cho các việc thiêng liêng. Tuy vậy, vẫn phải thực hiện những việc thiêng liêng được coi là căn bản nhất (như cầu nguyện, gẫm, Thánh lễ v.v…). Ngoài ra, luôn phải có tinh thần chiêm niệm là thói quen luôn nhìn những thụ tạo của Chúa trong tương quan với Ngài như là nguyên thủy và là cứu cánh mọi loài, là thói quen yêu những thụ tạo trong trật tự Chúa đã ấn định; là khuynh hướng có mọi vẻ đẹp và mọi cái hay của chính Thiên Chúa, v.v… Phải công nhận rằng, có được tinh thần chiêm niệm như trên trong khi sống giữa đời không phải là chuyện dễ dàng, vì đời vẫn còn có khả năng kéo ghì ta xuống thay vì nhắc lòng ta lên. Nhưng khó không có nghĩa là không có thể, với điều kiện là phải có tinh thần siêu thoát nữa. Giữ ba lời khuyên Phúc Âm giúp người tận hiến có được tinh thần siêu thoát này.

LƯU Ý:
Ngoài ba hình thức tu có tính tập thể đã được Giáo Hội chính thức công nhận là Bậc Trọn Lành: Dòng Tu; Hiệp Hội có đời sống chung và Tu hội Đời như chúng ta đã biết. Năm 1957, Đức Thánh Cha Piô XII còn cho biết có hai hình thức tu trì khác – vì cũng có ba lời khấn – có tính cách cá thể còn đang trong thời kỳ Giáo Hội cho phép thử nghiệm: Đó là Tận hiến để hoạt động Tông Đồ giữa đời và Tận hiến để sống Chiêm Niệm giữa đời. Những ai muốn sống theo các hình thức tu trì này, phải liên hệ với các Đức Giám Mục Giáo Phận để được các Ngài trực tiếp hướng dẫn và giúp đỡ về phần thiêng liêng và hoạt động tông đồ.

CÂU HỎI THẢO LUẬN
1. Đời sống tận hiến trong những thế kỷ đầu hình thành ra sao?
2. Yếu tố căn bản làm nên đời sống thánh hiến là gì?
3. Lời khấn dòng khác với lời khấn của các thành viên tu đời thế nào?
4. Theo Tông hiến HTMQP, sống thánh hiến giữa đời khác với Tu dòng thế nào?
5. Hoạt động tông đồ của Dòng tu khác với hoạt động tông đồ của Tu hội đời thế nào?
6. Thế nào là sống chiêm niệm giữa đời?

Top