Những nẻo đường hiệp thông

Những nẻo đường hiệp thông

WHĐ (13.09.2010) – Thứ bảy vừa qua (11-09-2010), sau Thánh Lễ sáng, tất cả 102 giám mục dự khóa thường huấn tại Rôma lên đường đi Castel Gandolfo, nơi Đức Bênêđictô XVI đang nghỉ ngơi, chuẩn bị cho chuyến viếng thăm Liên hiệp Vương quốc Anh, ở đó ngài sẽ tôn phong chân phước cho Đức hồng y John Henry Newman, con người suốt đời thiết tha kiếm tìm và phục vụ chân lý.

Thay lời cho tất cả các giám mục, Đức Hồng y Ivan Dias, Bộ trưởng Bộ Truyền Giáo, dâng lời chào mừng Đức Thánh Cha và trình bày những nét chính yếu của khóa học. Đức Thánh Cha đáp từ bằng những lời nhắn nhủ thân tình dành cho các giám mục. Sau đó, từng giám mục lên chào Đức Thánh Cha. Chỉ một cái bắt tay, chỉ một lời chào chúc, nhưng tất cả thắm đượm tình hiệp thông giữa Đấng kế vị thánh Phêrô và những người kế vị các tông đồ. Gánh nặng tuổi tác cũng như những lo toan cho Giáo Hội phổ quát dường như rõ nét hơn trên khuôn mặt và vóc dáng của vị cha chung, nhưng cũng qua đó các giám mục học được bài học sống động về tinh thần phục vụ tận tụy và không biết mệt mỏi của ngài.

Rời Castel Gandolfo về lại trường thánh Phaolô, riêng các giám mục Việt Nam lại lên đường ra nghĩa trang Rôma để kính viếng phần mộ Đức Cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Chuyến đi chiều nay có thêm một điều đặc biệt là sự hiện diện của Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Mạnh Hiếu, giám mục phụ tá tổng giáo phận Toronto, người da mầu đầu tiên tại Canada được trao chức vụ giám mục. Dù phục vụ ở đâu, tại quê nhà hay hải ngoại, anh em chúng tôi cảm nhận mối hiệp thông gắn bó vì cùng chia sẻ một niềm tin cậy mến và cùng chia sẻ sứ vụ giám mục. Tình hiệp thông ấy lại càng mạnh mẽ hơn khi tại nghĩa trang Rôma, anh em quây quần trước phần mộ Đức Cố Hồng y, mỗi người kể lại kỷ niệm riêng về ngài, cùng nhau dâng lời cầu nguyện cho ngài và với ngài. Lời Kinh Hoà Bình cất lên giữa tĩnh lặng của nghĩa trang vừa như minh họa lối sống của Đức Cố hồng y vừa như lời dặn dò bước theo lối sống ấy, “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm”. Thật vậy, gặp gỡ nhiều giám mục từ nhiều nơi trên thế giới đến đây, nói đến Giáo Hội Việt Nam, ai cũng chỉ nhắc đến Đức Hồng y Văn Thuận với lòng kính yêu và quý mến vì chứng từ yêu thương tha thứ của ngài.

Nhà mẹ của dòng Tên tại Rôma là điểm đến kế tiếp vì nơi đây còn lưu giữ thánh tích của thầy giảng Anrê Phú Yên, được đặt trang trọng ngay trước bàn thờ trong ngôi nhà nguyện cổ kính và ấm cúng. Nghiêng mình kính cẩn trước thánh tích của con người đã lấy sứ mạng loan báo Tin Mừng và giáo dục đức tin làm lẽ sống của đời mình, sẵn sàng lấy tình yêu đền đáp tình yêu, lấy mạng sống đáp đền mạng sống, các giám mục dâng lời tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo Hội Việt Nam những chứng nhân can đảm và kiên cường như thế, đồng thời cầu xin ngài phù hộ cho công cuộc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp. Ước mong một ngày nào đó, Giáo Hội Việt Nam có thể cung nghinh thánh tích của ngài về quê nhà để anh chị em tín hữu dễ dàng đến kính viếng.

Trời đã tối, nhà nghỉ Phát Diệm là điểm gặp gỡ ấm áp tình thông hiệp, ở đó không chỉ có các giám mục nhưng còn có sự hiện diện của các đức ông và các linh mục đang làm việc tại các bộ của Toà Thánh, cũng như một số linh mục tu sĩ đang du học hoặc sống tại Rôma. Mọi người có dịp hàn huyên trao đổi với nhau quanh bàn tiệc thân tình do các nữ tu nhà Phát Diệm phục vụ.

Một ngày đã qua với nhiều chuyến đi và chuyến đi nào cũng thấm đượm tình hiệp thông. Cầu xin Chúa cho tình hiệp thông ấy đâm rễ sâu trong trái tim Chúa để có thể vươn xa vươn rộng đến tất cả mọi người, nhờ đó Giáo Hội thực sự là dấu chỉ và khí cụ kiến tạo tình hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa cũng như giữa con người với nhau.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top