Những nét riêng biệt của Cầu nguyện Taizé tại Việt Nam

Những nét riêng biệt của Cầu nguyện Taizé tại Việt Nam

Vào tháng 1/2000, Đức Tổng Giám mục GB. Phạm Minh Mẫn trong dịp đi họp Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC) tại Thái Lan, qua những giờ cầu nguyện mỗi buổi tối do một thầy thuộc Cộng đoàn Taizé được mời tới để tổ chức cho các Giám mục, Đức Tổng Giám mục nhận thấy cách cầu nguyện như vậy hữu ích cho đời sống thiêng liêng và khi trở vé Việt Nam, ngài đã thao thức muốn thực hiện những giờ cầu nguyện hằng tuần như thế cho giáo dân.

Theo lời đề nghị và hướng dẫn của Đức Tổng Giám mục, những buổi cầu nguyện Taizé đầu tiên đã được thực hiện tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse cho các thày chủng sinh vào những ngày cuối cùng của Niên khóa 1999-2000. Những buổi cầu nguyện Taizé đã được trao cho cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, giáo sư và linh hướng tại Đại Chủng viện, phụ trách cùng với sự giúp đỡ đặc biệt của Cha Roco Nguyễn Duy, lúc đó đang là Phó tế.

Và rồi từ hơn 10 năm qua, những buổi cầu nguyén Taizé đã được thực hiện vào mỗi tối thứ ba từ 19g30’đến 20g30’ tại Đại Chủng viện thánh Giuse, do các thày điều khiển và hướng dẫn, với sự hỗ trợ của 6 ca đoàn thuộc các giáo xứ : Tân Định, Thanh Đa, Thị Nghè, Mạc Ty Nho, Hàng Sanh và các soeurs St. Paul.
Cho tới nay, hình thức cầu nguyện này đã được lan tỏa tới nhiều giáo xứ trong giáo phận Tp. HCM, tới nhiều giáo phận khác và một số cộng đoàn công giáo Việt Nam tại hải ngoại…

“VIỆT NAM HÓA” GIỜ CẦU NGUYỆN TAIZÉ

Cách thức cầu nguyện theo Cộng đoàn Taizé, gọi tắt là cầu nguyện Taizé, sau hơn 2 năm thử nghiệm tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse (2000-2002) đã được “việt-nam-hóa” để thích ứng với hoàn cảnh và nhu cầu của người giáo dân Việt Nam, cụ thể là tại Tp. HCM.

1/ Trước hết, điểm quan trọng trong buổi cầu nguyện theo Cộng đoàn Taizé là lắng nghe, đón nhận Lời Chúa đặc biệt qua những bài hát. Những bài hát này thường ngắn, gọn, dựa trên chủ đề Lời Chúa, được lặp đi lặp lại nhiều lần với mục đích để Lời Chúa thấm vào trong tâm hồn.

Vì thế, trong giờ cầu nguyện, sau khi ý thức mình đang hiện diện trước mặt Chúa, Cộng đoàn được mời gọi hãy để cho Lời Chúa dẫn đi, có thể bằng lắng nghe những đoạn Kinh Thánh, hoặc những gợi ý cầu nguyện, hoặc qua những bài hát nhẹ nhàng được lập lại nhiều lần.

2/ Nói cách khác, cầu nguyện Taizé là cầu nguyện dựa trên Lời Chúa. Và vấn đề được đặt ra là thực hiện thế nào trong bối cảnh Việt Nam hôm nay, nghĩa là mổi buổi cầu nguyện gồm có:

- Chủ đề Lời Chúa với bài Tin mừng và một đoạn Thánh Vịnh cùng với những gợi ý cầu nguyện từ chủ đề Lời Chúa.
- Những bài hát theo Chủ đề Lời Chúa được lập đi lập lại nhiều lần để hỗ trợ việc cầu nguyện.

a) Về chủ đề Lời Chúa:

1. Tại Taizé là một Cộng đoàn chiêm niệm, chủ đề Lời Chúa cũng như những câu Kinh Thánh được chọn dựa theo ngày, hoặc theo một số chủ đề đặc biệt hỗ trợ các bạn trẻ: sám hối, tạ ơn, dấn thân…

Riêng tại Việt Nam, các buổi cầu nguyện Taizé được thực hiện hằng tuần, nên được xây dựng theo chu kỳ Lời Chúa ngày Chúa nhật của Năm phụng vụ. Theo hướng này, Lời Chúa ngày Chúa nhật một lần nữa được nhắc lại cho giáo dân : Thánh vịnh, Đáp ca và Bài Tin mừng ngày Chúa nhật được lập lại một lần nữa, vào tối thứ ba, để cộng đoàn suy niệm và cầu nguyện.

2. Nội dung bài Tin mừng Chúa nhật chính là nòng cốt để xây dựng nên buổi cầu nguyện : chủ đề suy niệm, những gợi ý suy niệm để cầu nguyện riêng, những lời cầu nguyện và những bài hát được chọn để khai triển ý chính của bài Tin mừng. Nói cách khác, sứ điệp Lời Chúa được lập đi lập lại dưới nhiều hình thức khác nhau, từ đó dễ dàng thấm nhập vào tâm hồn mỗi người.

3. Về lời nguyện cầu xin :

- những lời cầu xin theo Cộng đoàn Taizé thường đơn giản ngắn gọn, mang tính tung hô và gợi ý, giống cấu trúc như Lời nguyện chung trong thánh lễ, có tính cách gợi ý mời gọi;

- còn những lời cầu xin trong cầu nguyện Taizé được áp dụng tại Việt Nam mang tính cách suy niệm, với mục đích giúp suy niệm thêm và có những tâm tình cầu nguyện dựa trên Lời Chúa của bài Tin mừng :
* những lời cầu này thường được mở đầu bằng một câu Lời Chúa được lặp đi lặp lại ở trước mỗi ý nguyện, giúp giáo dân ghi nhớ.
* tiếp theo, là những tâm tình cầu xin, được gợi ý từ câu Lời Chúa ở trên, cầu cho bản thân, cho những người chung quanh được sống Lời Chúa dạy trong những tình huống khác nhau của cuộc sống.

4. Dưới đây là cấu trúc của một buổi cầu nguyện Taizé :

Chuẩn bị tâm hồn đón nhận Lời Chúa :
1. Hát kinh Chúa Thánh Thần
2. Giới thiệu Chủ đề Lời Chúa của buổi cầu nguyện
3. Ca ngợi khen với tâm tình chúc tụng
4. Alleluia (hát xen kẽ) - Thánh vịnh (đọc)
5. Ca ánh sáng trước Tin mừng (Lời Chúa là Ánh Sáng)

Lắng nghe Lời Chúa :
6. Bài Tin mừng (đọc từng đoạn ngắn với câu đáp của Cộng đoàn, để Lời Chúa có thời gian ngấm)
Để Lời Chúa thấm vào tâm hồn :
7. Ca suy niệm (dựa theo chủ đề Lời Chúa từ Tin mừng, bài ca dài có nhiều phiên khúc để diễn tả tâm tình)
8. Thinh lặng cầu nguyện riêng với gợi ý ngắn (từ 5 - 7 phút)
9. Kyrie Eleison (hát xen kẽ) - Lời Cầu (suy niệm và cầu xin gợi ý từ bài Tin mừng)
10. Kinh Lạy Cha - Lời nguyện - Phép lành
11. Bài hát kết thúc

b) Về các bài thánh ca trong buổi cầu nguyện :

Khi so sánh những bài thánh ca sử dụng trong những buổi cầu nguyện Taizé ở Pháp và ở Việt Nam, ai nấy cũng thấy có chỗ khác biệt:

1. Tại Pháp, những bài thánh ca của Cộng đoàn Taizé có những đặc tính cơ bản như sau:
- Dành cho các bạn trẻ thuộc mọi ngôn ngữ, nên những lời ca phải thật ngắn, đơn giản để mọi người hát được.
- Nhưng tính đơn giản này của điệp khúc được hỗ trợ bằng chính những nhạc cụ và phần “solo” của ca đoàn nòng cốt là các thày trong Cộng đoàn Taizé (hiện nay có khoảng 100 thày).
- Thật vậy, có thể nói, đây là buổi cầu nguyện của các thày Cộng đoàn Taizé, các bạn trẻ đến và tham dự vào.

2. Trong khi đó, tại Việt Nam, cộng đoàn cầu nguyện chính là những người giáo dân đến tham dự, một số thày hướng dẫn và các ca đoàn (5 giáo xứ và các soeurs Dòng thánh Phaolô luân phiên phụ trách) chỉ là hỗ trợ giúp cộng đoàn hát và cầu nguyện.
Tiếp theo đó, vì các bài hát là lời Việt, nên không bị giới hạn về vấn đề ngôn ngữ, không nhất thiết chỉ chọn những bài hát với lời thật ngắn gọn, đồng thời những bài thánh ca với loại vắn gọn như thế này không có nhiều trong Thánh ca Việt Nam.
Mặt khác, khi sử dụng những bài thánh ca Việt nam, cộng đoàn cầu nguyện cũng đã quen thuộc lời và giai điệu của một số bài hát, nên có thể hát cầu nguyện cách linh động, sốt sắng.

3. Về việc sử dụng bài thánh ca Việt Nam: ngoài việc lưu ý đến nội dung, chủ đề và ca từ, thì tiêu chuẩn chính để một bài hát được chọn là có tính cách suy niệm với những đặc tính : êm dịu, tiết điệu không quá vui nhộn, các quãng không quá xa và kỹ thuật không quá phức tạp.

Đại Chủng Viện Thánh Giuse, 01-01-2012
Lm. Phụ trách
Giuse Đỗ Mạnh Hùng

Top