Nỗ lực xây dựng một nền dân chủ cho Afghanistan

Nỗ lực xây dựng một nền dân chủ cho Afghanistan

Phỏng vấn Linh Mục Jimmy Dabhi, người Ấn Độ, dòng Tên, về nỗ lực xây dựng một xã hội dân chủ cho dân nước Afghanistan.

Hồi thượng tuần tháng 12 vừa qua tổng thống Barack Obama đã bất thình lình viếng thăm các binh sĩ Mỹ đang chiến đấu tại Afghanistan. Ông tuyên bố với các chiến binh rằng Hoa Kỳ sẽ chiến thắng các lực lượng hồi khủng bố Taliban và Al Qaeda và Hoa Kỳ sẽ rút quân khỏi Afghanistan vào năm 2014, sau khi hoàn thành nhiệm vụ của mình là giúp thiết lập nền dân chủ tân tiến tại đây.

Trong thời gian qua các lực lượng Taleban và các lực lượng hồi thuộc phong trào khủng bố Al Qaeda đã liên tục tấn công các đoàn xe vận tải tiếp viện cho quân đội Mỹ từ Pakistan sang Afghanistan khiến cho tình hình chiến sự nóng bỏng. Tổng thống Hamid Karzai và chính phủ của ông cũng như quân đội Afghanistan tỏ ra qúa yếu ớt, không kiểm soát được tình hình trong nước, và cũng không đủ khả năng bảo đảm an ninh cho dân chúng. Afghanistaan rộng 645.500 cây số vuông, có gần 32 triệu dân, 84% theo Hồi giáo Sunnít, 15% theo Hồi giáo Shiit, với 4 triệu dân sống ở nước ngoài, trong đó có 1,2 bên Iran, 2 triệu bên Pakistan và số còn lại trong vùng Trung Á.

Sự hiện diện của các lực lượng quân sự Hoa Kỳ và các nước đồng minh tây âu khiến cho tình hình Afghanistan càng trở nên phức tạp hơn. Trong bức khảm đá mầu Afghanistan người ta có thể nhận ra nhiều tác nhân gây ra tình trạng bất ổn trong tại đây. Các lực lượng hồi cuồng tín Taleban không phải là các nhóm duy nhất có trách nhiệm đối với tình trạng bất an hiện nay tai Afghanistan. Vì trong nhiều cách thế khác nhau còn có các ”chủ nhân ông chiến tranh” địa phương, các tổ chức tội phạm buôn bán ma túy, các nhóm chuyên chở ma túy, các tổ chức tội phạm buôn gỗ, các tổ chức an ninh địa phương và quốc tế, các tranh chấp chính trị, các lợi lộc kinh tế và thương mại, sự can thiệp của các quốc gia láng giềng và các tác nhân quốc tế... tất cả đễu góp phần tạo ra tình hình bất ổn tại Afghanistan. Và trong một nghĩa nào đó, sự bất ổn này cũng đồng thời là một ”phước lành” đối với nhân lực ngoại quốc và cả các cơ cấu của Liên Hiệp Quốc nữa.

Các nhà phê bình sự hiện diện ồ ạt của các lực lượng nước ngoài cho rằng sự bất ổn này có thể giảm thiểu sự tự do đi lại của các nhân viên nước ngoài, nhưng cũng gia tăng các lợi nhuận kinh tế cho các nhóm liên quan tới tình hình nguy hiểm này. Cả khi không kể tên các nhóm hay các nhân vật làm ăn phát tài nhờ tình hình bất ổn này, hòa bình tại Afghanistan sẽ khiến cho nhiều tổ chức làm giầu nhờ chiến tranh Afghanistan mất đi các mối lợi của mình.

Trong tình trạng ”diều hâu rỉa xác đó” sự phát triển xem ra chỉ là một tiến trình từ trên xỉa xuống, mà không có, hay ít có, sự tham gia của người dân vào việc đưa ra các chương trình, áp dụng, thực hiện và phổ biến chương trình phát triển. Trên một vài khía cạnh, sự phát triển này xem ra được chỉ thị bởi các nhu cầu của các người cho, hơn là các nhu cầu của dân chúng là người nhận các viện trợ phát triển. Các tổ chức phi chính quyền cũng được thúc đẩy thực hiện các dự án đòi hỏi nhiều dấn thân trong các thời hạn rút ngắn, bằng cách sử dụng các ngân qũy trợ giúp của cộng đồng quốc tế. Một nhân viên của tổ chức chống đói tại Afghanistan nói rằng ”điều chúng ta hiện thấy tại đây là sự lớn lên nhưng không phải là sự phát triển”. Các tổ chức phi chính quyền làm việc theo các mục đích và cung cách riêng trong một tình trạng không tin tưởng và không trao đổi với chính quyền Kabul. Sự bất tín nhiệm này có thể giảm bớt, nếu có sự trong sáng, đáng tin cậy và hữu hiệu của các chương trình trợ giúp. Nhưng hhó có thể đạt được điều này, nếu các tác nhân phát triển không đặt quyền lợi và thiện ích của người dân lên hàng đầu, chứ không phải các lợi lộc của riêng họ. Cần phải có thời gian để thay đổi nền ”văn hóa tùy thuộc sự trợ giúp” của các tổ chức Liên Hiệp Quốc, trở thành việc ý thức dấn thân cụ thể, tham dự vào tiến trình lớn lên và bình định đất nước. Các tổ chức phi chính quyền địa phương cho rằng cần phải hiểu biết tình tình và lắng nghe người dân địa phương nhiều hơn. Nhưng nhất là làm sao để chính người dân có thể tự nâng đỡ sự phát triển của chính họ, chứ không chờ đợi sự trợ giúp quốc tế, và coi nó như một cái giếng không đáy dưỡng nuôi các lợi lộc sâu rộng, nhưng có nguy cơ không đạt các mục đích đề ra.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn một số nhận định của Linh Mục Jimmy Dabhi, người Ấn Độ, dòng Tên, về nỗ lực xây dựng một nền dân chủ cho dân nước Afghanistan. Cha Dabhi là chuyên viên xã hội học và là giám đốc Học viện nghiên cứu phát triển Afghanistan, viết tắt là ARDI. Học viện này là một tổ chức phi chính quyền được thành lập năm 2009 với mục đích trả lời cho các thách đố tái thiết Afghanistan, cũng như đồng hành với trật tự mới trên bình diện xã hội, văn hóa và kinh tế. Qua dấn thân nghiên cứu và giáo dục, Học viện giúp đẩy mạnh tiến trình phát triển nhân bản, gây ý thức cho các nhóm xã hội bị gạt bỏ ra ngoài lề xã hội, và tài thiết đất nước bị biết bao nhiêu thương tích vì chiến tranh. Để đạt các mục tiêu này Học viện ARDI có các sinh hoạt nghiên cứu xã hội, giáo dục và các sáng kiến phát triển, đặc biệt là cộng tác với các học viện địa phương, các tổ chức phi chính quyền và các đại học, cũng như qua các sách vở tài liệu, có sự cộng tác của nhiều người trẻ Afghan.

Hỏi: Thưa cha Dabhi, nền văn hóa lớn trong qúa khứ của dân tộc Afghanistan còn lại những gì, và hiện nay nền văn hóa này phát triển theo các đường hướng nào?

Đáp: Nền văn hóa không bao giờ đứng yên một chỗ, nhưng luôn luôn thay đổi và uốn nắn mình theo các trạng huống, tình hình xã hội, chính trị, kinh tế cũng như sự giao thoa gặp gỡ với các nền văn hóa và các dân tộc khác. Đây là trường hợp của Afghanistan. Chẳng hạn có các công trình tái thiết các đài kỷ niệm và các nơi lịch sử, văn chương, thơ phú, âm nhạc và nghệ thuật, là những thứ đã bị cấm dưới chế độ của người Taleban, nhưng nay được khuyến khích và tái phục hồi từ từ. Cũng nên ghi nhận rằng ngoài các đồ vật và các dinh thự đền đài, còn có các thói quen, các tập tục, các kiểu sống như thành phần của nền văn hóa nữa. Và ở đây có thể nhận thấy các kỳ thị phong kiến, phụ hệ và kiểu tính dục còn sâu đậm trong xã hội chung sống với sự tân tiến của kiểu may mặc và mốt sống. Người ta đang chứng kiến sự phát triển của một nền văn hóa tiêu thụ trong một nước, trong đó có thể mua các điện thoại di động tối tấn nhất, nhưng hệ thống đường xá lại rất là tồi tệ, kể cả trong thủ đô Kabul. Cũng giống nhiều xã hội khác, ở đây nam giới được nhiều tự do và quyền bính hơn nữ giới trong lãnh vực chính trị cũng như trong lãnh vực kinh tế, trong môi trường giáo dục cũng như trong lãnh vực y tế và giải trí. Thế rồi có vài nền văn hóa của các nhóm chủng tộc địa phương, cũng bảo thủ và có tính cách phụ hệ sâu đậm hơn các chủng tộc khác.

Hỏi: Tại Afghanistan có một xã hội dân sự, các thành phần cốt cán gồm giới trí thức và các cơ cấu văn hóa có thể nắm giữ vai trò trung gian giữa khuynh hướng bộ tộc, chính trị và niềm tin tôn giáo không thưa cha?

Đáp: Nói chung, xã hội dân sự khác với các cơ cấu của chính quyền và lãnh vực lợi lộc, và nó không đại diện cho các cơ cấu và lãnh vực lợi lộc này. Trong nghĩa hẹp, có một xã hội dân sự trong mọi quốc gia, mặc dù theo nhiều mức độ khác nhau. Vấn đề đó là nó mạnh mẽ, đa nguyên và hướng tới công ích tới mức nào. Một nền dân chủ càng sinh động bao nhiêu, thì xã hội của nó càng sinh động bấy nhiêu. Afghanistan là một nền dân chủ mới lên, vì thế xã hội dân sự của nó cũng mới. Có rất nhiều vấn đề xã hội và các vấn đề khác như: nạn vi phạm các quyền con người, các kỳ thị tôn giáo, chủng tộc, và vùng miền, nạn gian tham hối lộ, con ông cháu cha, là những tệ đoan trong lúc này xem ra không thể vượt thắng được. Do đó, các cơ cấu giáo dục cũng không thoát khỏi cảnh gian tham hối lộ và bị chính trị hóa, và hậu qủa là nó không thể đào tạo một tầng lớp trí thức giúp củng cố xã hội dân sự. Cần phải nghiên cứu nhiều hơn về các đề tài xã hội, và dấn thân nhiều hơn qua các sáng kiến xã hội và một sự tham dự cụ thể hơn của thế giới đại học vào cuộc sống của xã hội dân sự. Hàng lãnh đạo tôn giáo có ảnh hưởng lớn trên dân chúng, nhưng lại không dấn thân nhiều để tranh đấu cho các quyền con người và cho một sự độc lập tư tưởng lớn hơn.

Hỏi: Thưa cha, thế đâu là các chướng ngại cản ngăn một sự phát triển đích thật của Afghanistan, và đâu là vai trò của tôn giáo liên quan tới vấn đề này?

 

Đáp: Còn có rất nhiều câu hỏi có tính cách sinh tử, rộng mở đối với sự phát triển của dân nước Afghanisan. Ở đây tôi chỉ có thể kể ra một vài chướng ngại: như sự nghèo túng bao gồm việc thiếu an ninh thực phẩm, việc săn sóc sức khỏe thiếu thốn, dân chúng không được che chở chống lại cái gía lạnh của khí hậu khắc nghiệt trong mùa đông, hố sâu phân cách giữa người giầu và người nghèo gia tăng, sự kỳ thị phái tính, việc quản trị yếu kém, tình trạng phung phí các ngân khoản trợ giúp, sự trợ giúp không hữu hiệu, nạn gian tham hối lộ, nền văn hóa lệ thuộc trong một quốc gia trong đó 90% ngân qũy phát xuất từ các trợ giúp quốc tế. Thế rồi Afghanistan là một Cộng hòa hồi giáo, vì thế tôn giáo quan trọng vì là phần của cuộc sống quốc gia. Tại đây niềm tin hồi giáo được coi như yếu tố thuận tiện cho sự phát triển nhân bản, tuy nhiên cũng có các yếu tố mạnh mẽ của khynh hướng bảo thủ và qúa kích tôn giáo, không đươc mọi người thừa nhận.

Hỏi: Sự hiện diện ồ ạt của các lực lượng nước ngoài có nắm giữ vai trò nào trong việc xây dựng một nước Afghanistan tân tiến hơn hay không thưa cha?

Đáp: Cộng đồng quốc tế vừa được đánh giá cao vừa bị nghi ngờ, đặc biệt là lực lượng quân sự Mỹ. Đôi khi người ta có cảm tưởng sự hiện diện đó được nhân nhượng, bởi vì nếu không có sự trợ giúp của nó, nền kinh tế trong nước sẽ sụp đổ. Chắc chắn là sự hiện diện này của quốc tế trợ giúp dân nước Afghanistan rồi, đặc biệt trong việc tái thiết hệ thống hành chánh, hệ thống học đường, y tế, bàn giấy, và quân đội. Các bạo lực và báo thù gia tăng bởi sự hiện diện của cộng đồng quốc tế, nhất là của các lực lượng thuộc khối Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO. Nhưng cũng đúng là người ta lo sợ rằng việc quốc tế rút quân khỏi Afghanistan có thể tạo cơ hội cho các kẻ cuồng tín trở lại nắm chính quyền, và đất nước Afghanistan sẽ lại rơi vào một cuộc nội chiến đẫm máu.

Hỏi: Như là người không phải gốc Afghanistan và cũng không phải là người theo Hồi giáo, kinh nghiệm của cha đã như thế nào?

Đáp: Cho tới nay tôi không gặp khó khăn nào trong tư cách không phải là người theo Hồi giáo. Dân chúng đối xử tốt đối với chúng tôi là người ấn Độ, và như là giáo sư tôi được thường dân tôn trọng. Căn cước kitô của tôi không phải là một vấn đề đối với tôi cũng như đối với đa số dân sống tại đây. Chắc chắn có người nghi ngờ đối với các lý do sự hiện diện của tôi tại Afghanistan và tình yêu thương của tôi đối với dân nước này, nhưng điều này cũng thuộc cuộc sống thôi... Đây cũng là kinh nghiệm tôi đã cảm nhận bên Ấn Độ, từ phía những người Ấn có khuynh hướng duy ái quốc qúa khích, mặc dù tôi cũng là người Ấn. Việc tiếp xúc với các sinh viên học sinh và với các đồng nghiệp Afghan cho tới nay tích cực chứ không phải tiêu cực. Sống ở đây, tôi nhận thấy rõ ràng hơn sự kiện đa số các tâm tình chống hồi giáo đã do các hành động của một thiểu số gây ra, và rốt cuộc chúng tạo ra sự nghi ngờ đối với sự tùy thuộc quốc gia của biết bao nhiêu người hồi, cũng như tình yêu thương của họ đối với những người khác. Dĩ nhiên, cũng có những lúc tôi cảm thấy không có an ninh và tôi sợ hãi chứ. Tôi đã chứng kiến vài vụ nổ, và mới chỉ cách đây có hai tháng thôi đã xảy ra một vụ khủng bố tự sát bằng bom tàn phá một bàn giấy cách nơi tôi ở 50 mét. Nhưng đối với các anh chị em Afghan của tôi, thì chẳng có gì là mới mẻ cả, họ đã quen sống cuộc sống thường ngày như vậy rồi. Chính các khát vọng của thường dân, của các trẻ em, của các sinh viên học sinh động viên tinh thần của tôi. Ước muốn hiểu biết trao ban sức mạnh cho những người sống ngoài lề xã hội. Sư tham gia nhiều hơn của nữ giới vào cuộc sống công cộng và trong xã hội dân sự là dấu chỉ giúp hy vọng rằng một sự phát triển nhân bản là điều có thể thực hiện được, vượt ngoài các khó khăn có thể gặp phải.

(Avvenire 5-12-2010)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top