Noi gương Chúa Giêsu sống khiêm nhường và quảng đại

Noi gương Chúa Giêsu sống khiêm nhường và quảng đại

Hãy noi gương Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã nhận lấy chỗ rốt hết trong trần gian là thập giá, và học nơi Người sự khiêm nhường và quảng đại nhưng không, để kiên nhẫn trong các thử thách, hiền dịu trong các xúc phạm, và vâng phục Thiên Chúa trong khổ đau.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói như trên với 2.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin chung với Đức Thánh Cha trong sân nhà nghỉ mát Castel Gandolfo trưa Chúa Nhật 29-8-22010.

Trong bài huấn dụ ngắn Đức Thánh Cha đã quảng diễn bài Phúc Âm kể lại biến cố Chúa Giêsu được mời tới dự tiệc tại nhà một người thủ lãnh giới Biệt Phái. Nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn chỗ nhất mà ngồi, Chúa Giêsu mới mói với họ một dụ ngôn có bối cảnh là tiệc cưới như sau: ”Khi bạn được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn bạn cũng được mời, và người đã mời cả bạn lẫn nhân vật ấy phải đến nói với bạn rằng: ”Xin ông nhường chỗ cho vị này”... Trái lại, khi được mời bạn hãy ngồi chỗ cuối... ” (Lc 14,8-10).

Đức Thánh Cha giải thích lời Chúa Giêsu như sau: Chúa không có ý cho chúng ta một bài học biết sống, cũng không có ý nói tới phẩm trật giữa các người có quyền bính. Ngài nhấn mạnh trên một điểm định đoạt là sự khiêm nhường: ”Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14,11). Trong một ý nghĩa sâu xa hơn, dụ ngôn này cũng khiến cho chúng ta nghĩ tới vị trí của con người trong tương quan với Thiên Chúa. Thật vậy, chỗ rốt hết có thể diễn tả điều kiện của nhân loại bị tội lỗi hạ xuống thấp, điều kiện mà chỉ có sự nhập thể của Con Một Thiên Chúa mới có thể nâng nhân loại lên được mà thôi. Chính Chúa Kitô đã nhận lấy chỗ rốt hết trong trần gian là thập giá, và chính sự khiêm hạ triệt để đó đã cứu chuộc chúng ta và liên tục trợ giúp chúng ta” (Thiên Chúa là Tình Yêu, 35).

Vào cuối dụ ngôn Chúa Giêsu gợi ý cho vị thủ lãnh giới Biệt Phái mời vào bàn ăn: không phải bạn bè, thân thuộc họ hàng hay bà con lối xóm giầu có, mà là những người nghèo túng nhất và bị gạt bỏ ngoài lề xã hội, là những người không có gì để đền trả (x. Lc 14,1314), để cho món quà được hoàn toàn nhưng không. Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Đúng thế, phần thưởng đích thật sau cùng chính Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta. Ngài là Đấng cai quản thế giới... Chúng ta phụng sự Ngài chỉ cho điều chúng ta có thể làm và cho tới khi nào Người còn ban cho chúng ta sức lực” (Thiên Chúa là Tình Yêu, 35).

Và Đức Thánh Cha nêu bật gương khiêm nhường và nhưng không của Chúa Giêsu như sau: Như thế, một lần nữa chúng ta hướng nhìn lên Chúa Kitô như mẫu gương của sự khiêm nhường và nhưng không: từ Người chúng ta học được sự kiên nhẫn trong các thử thách, sự hiền dịu trong các xúc phạm, sự vâng phục Thiên Chúa trong khổ đau, trong khi chờ đợi Đấng đã mời gọi chúng ta nói với chúng ta: ”Này bạn, hãy lên chỗ trên” (x Lc 14,10).

Thánh Louis IX, vua nước Pháp, mà chúng ta mới kính nhớ thứ tư vừa qua, đã thực thi điều được viết trong sách Huấn Ca: ”Càng làm lớn, con càng phải khiêm nhường, và con sẽ tìm được ân nghĩa trước mặt Chúa” (Hc 3,18). Vì vậy, thánh nhân mới viết trong ”Di chúc cho con” mình như sau: ”Nếu Chúa sẽ ban cho con sự thịnh vượng nào đó, con không chỉ phải cảm tạ Người, nhưng hãy chú ý để đừng trở thành tồi tệ hơn vì khoe khoang hay vì bất cứ điều gì khác, nghĩa là hãy chú ý đừng phản nghịch cùng Thiên Chúa hay xúc phạm tới Người với chính các ơn Người ban cho con” (Acta Sanctorum Augusti 5 [1868], 546).

Rồi Đức Thánh Cha kết thúc bài huấn dụ như sau: Các bạn thân mến, hôm nay chúng ta cũng kính nhớ cuộc tử đạo của thánh Gioan Tẩy Giả, là ngôn sứ lớn nhất trong các ngôn sứ của Chúa Kitô, là người đã biết khước từ chính mình để nhường chỗ cho Đấng Cứu Thế, và đã khổ đau và chết vì chân lý. Chúng ta hãy xin thánh nhân và Trinh Nữ Maria hướng dẫn chúng ta trên con đường của sự khiêm nhường, để xứng đáng với phần thưởng của Chúa.

Sau đó, Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng các thứ tiếng Ý, Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha và Ba Lan. Ngài nhắc cho mọi người biết ngày mùng 1 tháng 9, Italia cử hành Ngày bảo vệ thụ tạo, do Hội Đồng Giám Mục Ialia phát động. Nó đã trở thành một thói quen cũng quan trọng trên bình diện đại kết. Năm nay nó nhắc cho chúng ta biết rằng không thể có hòa bình, nếu con người không tôn trọng môi sinh. Quả thế, chúng ta có bổn phận giao trái đất lại cho các thế hệ mới đến sau trong một tình trạng thế nào để họ cũng có thể sống một cách xứng đáng và duy trì nó. Xin Chúa trợ giúp chúng ta trong bổn phận này.

Bằng tiếng Pháp Đức Thánh Cha nói khi để cho Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa hướng dẫn, người khiêm nhường hướng cái nhìn lên Thiên Chúa và kiếm tìm chân lý trong mọi sự. Họ cũng khát khao vẻ đẹp của một cuộc sống đích thật.

Chào các nhóm nói tiếng Anh ngài cầu chúc họ, cho dù đang nghỉ hè hay hành hương hoặc tu học tại Roma, luôn biết sống gần gũi hơn với Chúa trong lời cầu nguyện và tạ ơn. Trong tiếng Đức, Đức Thánh Cha nói trước mặt Chúa không phải sự to lớn của con người có giá trị, nhưng là cái bé nhỏ nhất, cái bị lãng quên nhất. Không phải sự tự tôn khiến cho con người cao cả, nhưng là việc sống theo thánh ý Chúa và kết hiệp với Chúa.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top