Phản ứng của một số nhà lãnh đạo tôn giáo về vụ tấn công khủng bố ở Manchester

Phản ứng của một số nhà lãnh đạo tôn giáo về vụ tấn công khủng bố ở Manchester

WHĐ (24.05.2017) – Châu Âu lại rúng động bởi cuộc tấn công khủng bố tại sân vận động Manchester (Anh Quốc) hôm thứ Hai 22 tháng Năm vừa qua. Vụ nổ bom xảy ra trong buổi biểu diễn của ca sĩ Ariana Grande làm cho 22 người thiệt mạng và 59 người khác bị thương. Sau cuộc tấn công khủng bố, nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo ở Anh Quốc và ở nước khác, đã lên án tội ác này là “không có gì biện minh được”.

Người Anh giáo và Công giáo kêu gọi cầu nguyện cho các nạn nhân

Đức  giáo hoàng Phanxicô, trong một tuyên bố do Đức hồng y Pietro Parolin ký tên và công bố vào chiều thứ Hai 22 tháng Năm, đã bày tỏ “nỗi buồn sâu sắc” và “chân thành liên đới với những người bị ảnh hưởng bởi hành động bạo lực vô nghĩa này”. Ngài “đặc biệt quan tâm tới các trẻ em và người trẻ thiệt mạng, cùng với gia đình đang đau buồn của họ”. Đức giáo hoàng cũng xin phúc lành của Thiên Chúa “ban hoà bình, sự chữa lành và sức mạnh” cho dân tộc Anh Quốc.

Đối với Đức cha John Arnold, Giám mục Manchester, cuộc tấn công không thể “có lý do nào để biện minh”. Chúng ta phải cùng nhau nỗ lực giúp các nạn nhân và gia đình của họ, để xây dựng và củng cố tình liên đới trong cộng đồng của chúng ta”. Ngài cũng cảm ơn các dịch vụ cấp cứu đã “phản ứng nhanh chóng” và loan báo sẽ tổ chức một buổi canh thức cầu nguyện.

Về phía Giáo hội Anh giáo, Tiến sĩ Justin Welby, Tổng giám mục Canterbury, là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên lên tiếng. Trên tài khoản Twitter, ngài đã ca ngợi Manchester là một thành phố anh hùng, mà “cái ác đen tối không thể thắng được”. Ngài kêu gọi “cầu nguyện cho những ai đang gánh chịu thương đau và cho những người đang bảo vệ chúng ta”.

“Công lý phải được thực hiện”

Trong một tuyên bố, Tổng thư ký Hội đồng Hồi giáo của Anh Quốc, Harun Khan, nhấn mạnh tính chất “kinh hoàng và tội ác” của vụ tấn công. Ông cũng xúc động vì tham dự buổi biểu diễn của Ariana Grande là thành phần công chúng trẻ, “đó là các thanh niên và trẻ em”.

“Những kẻ tội phạm sẽ phải đối mặt với công lý toàn năng, ở đời này cũng như đời sau”, ông nói thêm. Tôi kêu gọi mọi cư dân của khu vực này và trong đất nước cùng nhau trợ giúp những người bị ảnh hưởng bởi vụ khủng bố”.

“Không gì có thể chia rẽ chúng ta”

Các nhà lãnh đạo Do Thái giáo tại Anh Quốc cũng đã phản ứng với cuộc tấn công, trong đó có Ephraim Mirvis, vị Rabbi trưởng của Vương quốc Anh. Ông cho rằng đây là “vụ tấn công khủng bố tồi tệ nhất tại nước này từ mười hai năm qua [kể từ các vụ đánh bom ở London hồi năm 2005]”, và gọi đây là “vụ tấn công hiểm ác nhất”.

“Khi chúng ta bị tấn công bởi hận thù, chúng ta đáp lại bằng tình yêu”, ông nói thêm, và kêu gọi đoàn kết: “không có gì và không ai có thể chia rẽ chúng ta”.

Các phản ứng tại Pháp

Tại Pháp, Đức cha Ribadeau-Dumas, Tổng thư ký kiêm phát ngôn viên Hội đồng Giám mục Pháp, đã đăng dòng tweet sau trên tài khoản Twitter cá nhân của mình, sau đó tài khoản chính thức của Giáo hội Công giáo đã lấy lại: “Chúng ta lên án và luôn lên án bạo lực và thù hận. Chúng ta chiến đấu và sẽ luôn chiến đấu cho hoà bình”.

Haim Korsia, Rabbi trưởng của Pháp, gửi “lời chia buồn” đến các gia đình và kêu gọi hãy đoàn kết.

Cuối cùng, trong một tuyên bố, Hội đồng phượng tự Hồi giáo Pháp và vị Tổng thư ký Anwar Kbibech, đã “cực lực lên án các cuộc tấn công hèn nhát và dã man này”. Cũng như các vị lãnh đạo Kitô giáo và Do Thái giáo, ông cũng bày tỏ “những lời chia buồn chân thành nhất đến các gia đình”… và “hoàn toàn liên đới với người dân Anh Quốc trong những thời điểm khó khăn này”.

(Nguồn: WHĐ - Theo La Croix)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top