Phép Lành Urbi et Orbi: Dang rộng vòng tay…
Giờ cầu nguyện đặc biệt xin ơn đẩy lui dịch bệnh Covid-19 do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự tại tiền sảnh Đền Thờ Thánh Phêrô vừa mới được truyền hình trực tiếp từ trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Có lẽ không ai trong chúng ta những ai vừa mới theo dõi chương trình lại không ít nhiều chạnh lòng. Chúng ta chạnh lòng vì khung cảnh, vì con người, và nhất là vì ý nghĩa sâu xa của buổi cầu nguyện mang tính lịch sử chiều hôm nay.
Khung cảnh
Có thể nói từ trước đến nay, ít nhất là trong suốt 7 năm triều đại Giáo Hoàng của Đức Phanxicô, chưa bao giờ một vị Giáo Hoàng lại cử hành một nghi lễ mang tầm vóc quốc tế trước một quảng trường hoàn toàn trống trải như Đức Phanxicô đã làm lúc 18h chiều hôm nay, ngày 27.03.2020.
Không những hiu quạnh vì vắng bóng cộng đồng dân chúa mà còn có phần lạnh lẽo vì trời đang đổ mưa như trút nước. Cả một quảng trường mênh mông với sức chứa trên 30 ngàn người nay chỉ vỏn vẹn có vài bóng người thưa thớt, họ là những nhân viên công lực của thành phố và của Tòa Thánh đang thi hành nhiệm vụ.
Chính trong khung cảnh trống trải hiu quạnh này mà Cây Thánh Giá Đức Kitô xem ra có cơ hội được mọi người chú ý đến nhiều hơn. Gần thập giá là bức linh ảnh Đức Maria-Phần Rỗi Dân Thành Rôma. Nhờ sự xuất hiện của 2 vật thiêng liêng này mà khung cảnh buổi cầu nguyện lúc có phần thêm ấm áp.
Phải chăng Chúa đang nói với chúng lúc này. Chính khoảng thời gian này, giữa lúc mọi người phải chịu cách ly, phong tỏa, chúng ta mới có dịp trở về để nhận ra rằng Thánh Giá Chúa là mầu nhiệm trung tâm của cuộc đời. Mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Đức Kitô mới chính là câu trả lời cho chúng ta những người đang mải mê tìm kiếm thế sự phù vân mà lãng quên cùng đích của đời mình (x. Bài Giảng của ĐTC).
Chính nhờ bối cảnh mưa gió bão bùng như chiều hôm nay, chúng ta mới có dịp nhận ra sự hiện diện của Mẹ. Mẹ có bao giờ rời xa con của Mẹ đâu. Mẹ không chỉ hiện diện cách thụ động mà ngược lại, Mẹ luôn dõi theo con mẹ và biết chúng ta đang cần gì. Mẹ đang thì thầm bên tai chúng ta: “Người bảo gì các con hãy làm theo” (x. Ga 2,5).
Cuối cùng, liên quan đến khung cảnh buổi cầu nguyện, chúng ta có nghe chăng Đức Thánh Cha đang nhắc đến hình ảnh 2 hàng cột đá hai bên Đền Thờ Thánh Phêrô. Như đôi tay dang rộng ôm lấy Rôma và thế giới, Đức Thánh Cha nói, ước gì phúc lành của thiên Chúa cũng lan rộng đến tất cả mọi người như một vòng tay an ủi.
Tất cả cảm giác lạnh lẽo và trống vắng bỗng chốc tan biến đi để nhường chỗ cho tâm tình nồng ấm thiêng liêng. Hơi nóng tỏa ra từ con tim của hàng trăm triệu người đang hướng về Giáo Đô La Mã, đang hiệp nhất trong tinh thần và sốt sắng trong cầu nguyện.
Con người
Chỉ vài phút sau khi buổi cầu nguyện bắt đầu, tín hiệu internet bỗng có dấu hiệu chậm lại, hóa ra là vì đã có hơn 90 triệu người đang theo dõi chương trình qua mạng internet cùng một lúc với nhau. Từ trong tim, hơn 90 triệu con người ấy như cảm thấy một sức mạnh kỳ diệu nâng đỡ họ. Phải chăng đó là sức mạnh của niềm tin và lòng trông cậy?
Thiên Chúa nâng đỡ đức tin yếu kém của chúng ta bằng vô vàn cách thế khác nhau tùy ý Người muốn. Ngay lúc này, giữa buổi cầu nguyện chiều hôm nay, có lẽ cách thế mà Thiên Chúa muốn dùng để ủi an khích lệ chúng ta không gì khác hơn là chính con người và tấm lòng của Đức Thánh Cha Phanxicô. Có hình ảnh nào đánh động chúng ta hơn hình ảnh một cụ già 83 tuổi, mới vượt qua cảm cúm không lâu, nay bất chấp mưa gió xuất hiện giữa cộng đồng đức tin như đá tảng vững chắc để củng cố tinh thần cho chúng ta. Đức Thánh Cha đã không quản ngại thời tiết xấu nhưng đã đến để hướng dẫn chúng ta suy niệm Tin Mừng, chầu Mình Chúa và cuối cùng ban cũng chính người ban phép lành toàn xá cho chúng ta.
Khi ống kính cho phép chúng ta quan sát Đấng Kế Vị Thánh Phêrô, chúng ta bắt gặp một đức tin can trường, đức cậy vững vàng, và đức mến vô cùng sống động. Nếu không vì lo lắng cho sự an nguy của nhân loại, Đức Phanxicô đã không việc gì phải tổ chức buổi cầu nguyện chiều hôm nay.
Ngài bùi ngùi xúc động trước tượng Chúa chịu nạn như một người môn đệ đang tìm sự trợ giúp của Thầy trước phong ba bão táp. Ánh mắt Đức Thánh Cha hướng nhìn về xa xăm như ánh mắt của người cha đang nặng lòng trước nỗi đau của đoàn con. Bước chân nặng nề nhưng dứt khoát đã nói lên tất cả. Cánh tay Đức Thánh Cha vươn lên chạm vào vết thương của Đức Kitô chịu đóng đinh. Cánh tay đó ngài cũng dùng để nâng Thánh Thể Chúa lên chúc phúc cho con cái ngài. Đôi tay của cụ già mặc áo chùng trắng, như thể là đôi tay của Mục Tử Nhân lành vươn xa đến đoàn chiên, đụng chạm săn sóc cho từng con chiên.
Có ai không chạnh lòng trước sự hiện thân đầy trìu mến như Đức Thánh Cha ngay trong buổi cầu nguyện hôm nay không? Cả con người Đức Thánh Cha, trái tim ngài, tâm trí ngài đã dành hết cho Đức Kitô và Thân Thể nhiệm mầu của đức Kitô là Giáo Hội rồi còn gì nữa: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con mến Ngài” (Ga 21, 17).
Ý hướng
Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, luôn có cách để bày tỏ cho chúng ta biết Người yêu thương chúng ta đến mức nào. Tất cả mọi sự xoay quanh buổi cầu nguyện chiều hôm nay đều hòa điệu với nhau để tuyên dương tình yêu Thiên Chúa. Từ khung cảnh, con người cho đến ý hướng đều toát lên một tình liên đới vô cùng thắm thiết. Từ Tòa Thánh đến mọi ngõ ngách trên khắp cùng thế giới, muôn người đều hiệp nhất trong cùng một ý hướng: Xin Thiên Chúa ban sức mạnh thể xác và ơn an ủi cho tâm hồn nhân loại hôm nay, một nhân loại đang bị nạn Covid-19 dày xéo vô cùng tang thương.
Đoạn Tin Mừng (Mc 4, 35-41) của giờ cầu nguyện hôm nay nhắc chúng ta rằng chúng ta đang ở trên cùng một con thuyền và chúng ta cần đến nhau khi phải chống chọi với cuồng phong bão tố (x. bài giảng của ĐTC). Tình liên đới không chỉ giữa con người với nhau mà phải có Chúa ở đó nữa. Chúa cũng ở trên thuyền, Chúa có bỏ rơi các môn đệ đâu?
Tâm tình liên đới bên trong, vì sự cách trở thể lý, dường như có cơ hội được thể hiện ra ngoài cách rõ ràng hơn. Đấy, khi phải đối diện với dịch bệnh nguy hiểm, chúng ta đã bắt đầu biết quan tâm đến nhau, hỏi thăm nhau và cầu nguyện cho nhau nhiều hơn.
Thêm vào đó, không phải là ngẫu nhiên mà chiều hôm nay, Đức Thánh Cha chọn bài hát Sub tuum praesidium (tạm dịch là “Dưới sự bảo vệ của Người”) để cầu nguyện cùng Đức Mẹ. Cách đây 2 năm (2018) khi nổ ra các vụ bê bối về tính dục liên quan đến các chức sắc của Hội Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi các Kitô Hữu khắp nơi tích cực lần chuỗi Mân Côi Kính Đức Mẹ, hát kinh Sub tuum praesidium và kêu khấn Thánh Thiên Thần Hộ Thủ Mi-ca-e để nhờ các Ngài che chở con thuyền Giáo Hội trước ba đào nguy biến. Nay, trước đại dịch Coronavirus, Đức Thánh Cha một lần nữa nhắc đến sự hiệp thông nhiệm mầu giữa các Thánh và nhân loại. Chúng ta không được phép lãng phí nguồn trợ lực hết sức kỳ diệu kỳ này nhất là trong bối cảnh nguy nan hiện nay.
Cuối cùng, với Phép Lành Urbi et Orbi, Phép Lành cho Kinh Thành Rôma và cho toàn thế giới, chúng ta được đánh động để nhớ rằng, cộng đồng nhân loại chúng ta là con cùng một Cha, anh em cùng một nhà. Chúng ta còn có chung một người Mẹ dịu hiền người hằng dõi theo chúng ta: “Đây là Mẹ con” (Ga 19, 27).
Đức Kitô muốn chúng ta đặt trót niềm tin vào lời Người đã hứa: “Thầy đây, đừng sợ” (Ga 6, 20) và tình nguyện để trở nên cánh tay nối dài tình yêu và niềm an ủi của Chúa đến cho tha nhân. “Anh em hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương các con” (Ga 13, 34).
SUB TUUM PRAESIDIUM
(Bản dịch tiếng Việt do Nhóm CGKPV)
Sub tuum praesidium confugimus, Sancta Dei Genetrix.
Nostras deprecationes ne despicias in necessitatibus,
sed a periculis cunctis libera nos semper,
Virgo gloriosa et benedicta.
Lạy Đức Mẹ Chúa Trời,
Ngài xiết bao thánh thiện,
Này chúng con chạy đến
Tìm nương ẩn nơi Ngài.
Lúc sa vòng gian khổ,
Khi gặp cảnh phong trần,
Lời con cái nài van,
Xin Mẹ đừng chê bỏ.
Nhưng xin hằng giải thoát
Khỏi ngàn nỗi hiểm nguy,
Ôi vinh diệu ai bì
Trinh Nữ đầy ơn phước! Amen.
Giuse Phan Quang Trí, O.Carm.
Rôma, 27.03.2020
Nguồn: Truyền thông HĐGMVN
bài liên quan mới nhất
- Thoáng nhìn lại 8 năm cải tổ Giáo triều của ĐTC Phanxicô
-
Sứ điệp và Phép lành Urbi et Orbi Giáng Sinh 2021 -
ĐTC Phanxicô giảng lễ đêm Giáng Sinh: Tìm thiên đàng nơi người nghèo -
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Hoà bình năm 2022 -
12 sự kiện quan trọng của Vatican trong năm 2021 -
Đức tin cụ thể: những cử chỉ nhỏ theo lời kêu gọi của ĐTC trong dịp lễ Giáng Sinh -
Cuộc phỏng vấn ĐTC trên chuyến bay từ Hy Lạp về Roma -
ĐTC gặp giới trẻ ở Hy Lạp -
Thánh lễ tại Thính phòng Megaron -
ĐTC gặp các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo lý viên của Hy Lạp
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Linh mục trên tàu du lịch nâng đỡ tinh thần hành khách trong nỗi lo sợ virus corona -
Năm Thánh Giuse: Những điều người Công giáo cần biết -
Coronavirus: Tiếng khóc từ Italia -
Truyền hình trực tiếp Phép Lành “Urbi et Orbi” vào thứ Sáu 27.3.2020 -
Truyền hình các nghi lễ Đức Thánh Cha cử hành trong Tuần Thánh và Phục Sinh 2020 -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp người phụ nữ đã nắm chặt tay ngài vào đêm giao thừa dương lịch -
ĐGH Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân nhiễm virus Corona -
Tìm hiểu Ơn Toàn Xá trong mùa đại dịch Covid -19