Phóng sự: Mùa Chay 2021 ở nơi này
TGPSG -- Vào ngày 8-3-2021, Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn thông báo: Sinh hoạt mục vụ sẽ trở lại bình thường vào ngày 9-3 sau đúng một tháng hạn chế vì sự lây lan của dịch bệnh Covid 19. Như vậy, trong gần một tháng của Mùa Chay 2021, giáo dân của Tổng Giáo phận Sài Gòn phải sống trong hoàn cảnh hạn chế mục vụ. Và bây giờ niềm vui linh thiêng đã trở lại…
Vâng, mùa Chay 2021 ở nơi này đã khởi sự vào mùng Năm Tết, một cái Tết mà xem ra có nhiều người không mong nó đến. Và khi đi qua quá nửa mùa Chay, người ta lại trải qua một ngày đặc biệt - ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, ngày ghi dấu bởi một thông báo vui mừng của Tổng Giáo phận - thông báo gỡ bỏ một hạn chế đã từng bao trùm lên cả 3 ngày Tết Tân Sửu.
I. CÓ NHỮNG NGƯỜI KHÔNG MONG TẾT
Đã là tối 30, mà với nhiều người, Tết vẫn còn rất xa…
Tối 30 Tết mặc nhiên được xem là thời gian sum họp của gia đình sau một năm vất vả. 21giờ, lẻ tẻ những tiếng pháo điện tử và pháo bông nho nhỏ nôn nóng đã vang lên nhiều nơi. Dường như nhiều người đã không đủ kiên nhẫn đợi đến phút giao thừa. Tiếng pháo gợi lên những hy vọng, mong mỏi về một năm mới sẽ may mắn hơn năm Covid vừa qua.
Những điểm bán hoa tập trung đang giãn dần, để lộ ra những gương mặt mệt mỏi, thất thần, buồn nản của những người bán hoa tết năm nay. Tết dường như đã bỏ quên phố xá Sài Gòn: rất nhiều cửa hàng vẫn mở bán như không hề biết Tết đã đến trước cửa nhà. Nhiều xe hàng rong vẫn bình thản chờ khách dù phố xá đã vắng vẻ hơn nhiều. Màu vàng ấm no của những chậu cúc đại đóa thường được chưng trước các cửa tiệm vào dịp Tết của những năm trước đây nay hoàn toàn vắng bóng, ngay cả nơi các con phố sầm uất nhất.
Tối 30 Tết, không khó để bắt gặp những mảnh đời tăm tối nơi thành phố đầy ánh sáng này.
Từ những người lỡ Tết vì Covid 19…
Trên đoạn Hoàng Văn Thụ - Hồ Văn Huê, một em trai tật nguyền quắt queo trên tay cầm xấp vé số đang ngồi nghỉ bên lề đường trong dáng vẻ mỏi mệt. Em tên Út, quê Quảng Ngãi. Ba mẹ chia tay nhau và không liên lạc với con cái, để Út và đứa em trai 8 tuổi sống với ngoại.
Ba năm trước, Út bị tai nạn rất nặng, may sao còn sống. Nhưng sau tai nạn, Út thành tật nguyền. Có người thương bày cho Út vào Sài Gòn bán vé số. Mới đó mà cũng đã 3 năm. Út kể: đêm đêm em ngủ nhờ ở mái hiên nhà thờ Phát Diệm, sáng dậy ôm chăn chiếu đến gửi nhờ đại lý chỗ em lấy vé số, khuya bán hết lại đến đại lý gửi tiền và lấy chăn chiếu về ngủ. Ngày nắng cũng như ngày mưa, Út không bỏ bán ngày nào. “Ban ngày đâu có tiện mà nằm chỗ nhà thờ ha chị. Mà không đi bán thì lấy tiền đâu mà sống!” Nắng quá thì em kiếm đoạn nào có bóng mát rồi bán, chớ sức em không đi xa được, đi một đoạn lại phải ngồi nghỉ mệt. Mưa thì cũng cố đi bán, nhưng thường là bán ế, phải trả vé cho đại lý."
Hằng ngày, Út chỉ quanh quẩn cung đường Nguyễn Kiệm – Hồ Văn Huê – Hoàng Văn Thụ từ sáng cho đến tận khuya. Út kể: Em bán được mỗi ngày cũng vài trăm vé. Ăn uống hết khoảng 100.000đ/ngày, số tiền kiếm được còn lại hàng tháng Út gửi về quê cho ngoại nuôi đứa em. Hai Tết trước, Út có về quê, nhưng Tết này về sợ bị cách ly nên em ở lại, kiếm thêm được ít tiền, nhưng cả năm xa nhà rồi, ngày Tết một mình nơi vỉa hè buồn hiu.
Chị Phượng quê Phú Yên cũng kẹt lại Sài Gòn vì Covid. Chị ngồi bán vé số trên lề đường Hai Bà Trưng, cạnh cổng bệnh viện Quận 1. Trước đây chị đi phụ hồ cùng chồng. Mấy tháng trước bị tai nạn lao động rất nặng, sau khi tiêu tốn rất nhiều tiền thì bàn chân chị cũng cũng giữ lại được nhưng nó trở nên dị dạng, đi lại khó khăn, không đi phụ hồ được nữa. Vừa kể, chị vừa lột chiếc vớ rộng để lộ ra bàn chân phải vẹo vọ với những vết sẹo chằng chịt dọc ngang để tôi nhìn cho rõ...
Thương mấy đứa con ở quê chờ những đồng tiền còm cõi của cha mẹ gửi về, chị không đành lòng ngồi không vì đồng lương của chồng chị chẳng đủ mà trang trải. Chị tìm hiểu rồi theo người ta lấy vé số bán, nhưng chân bị vậy nên chị chỉ ngồi bán một chỗ, có đi thì cũng chỉ đi vòng vòng khu vực chợ Tân Định thôi. Cũng có khi chị vô chùa bán vào ngày rằm, mùng Một "vì người ta đi chùa đông, mình đỡ phải đi lại nhiều". Chị có vẻ lạc quan: Tết này nhiều người không về được vì Covid chứ không phải mình vợ chồng chị nên chị cũng không buồn lắm, nhưng thương nhớ mấy đứa nhỏ ở nhà quá. Không về được, tranh thủ bán mấy ngày tết cũng kiếm thêm được phần nào.
Mua giúp chị mấy tờ vé số rồi tặng lại cho chị nhưng chị từ chối, vì "cô để dò đi! Nếu trúng, cô quay lại đây nhận tiền, rồi còn mua ủng hộ tui, và tui lại có dịp trò chuyện cùng cô chớ!"
.… đến những con người xưa nay không có Tết
"Tết hả? Ngày mùng Một ngủ cho đã con mắt. Ngày mùng Hai chị đi bán lại. Vậy là xong Tết!"
Đó là chuyện Tết của chị Loan bán trái cây vỉa hè đường Hai Bà Trưng, gần chợ Tân Định.
Chị dân gốc miền Tây, lên Sài Gòn và bán trái cây ở vỉa hè này gần 30 năm nay. Đã 21g mà số trái cây chị bán để chưng mâm ngũ quả còn nhiều lắm. Hỏi sao giờ này chị chưa dọn, chị bảo chờ thêm, hi vọng sẽ có người thiếu ra mua thêm vài trái. Chị kể: chị không có tiền thuê mặt bằng, bán vỉa hè quen rồi, bị đuổi thì chị chạy, hết đuổi lại bày ra bán. Hỏi chị sắm tết xong chưa, chị bảo: “Tết nhất gì em ơi! Chị ở với bà chị, bả làm gì thì làm, mà thường cũng chỉ mua chậu bông nhỏ, vài cái bánh tét cho có với người ta thôi. Chị thì gần Giao thừa dọn về rồi ngủ. Ngày mùng Một ngủ cho đã con mắt. Mùng Hai đi bán lại. Vậy là xong Tết”.
Mua giùm chị mớ cam sành đã héo queo héo quắt, xin phép chị chụp tấm hình rồi hẹn dịp khác sẽ quay lại mua trái cây cho chị, chị vui lắm.
"Đã lâu tui không còn mong Tết nữa rồi!"
Không xa chỗ chị Loan trái cây là một người đàn ông còm nhom khắc khổ với chiếc xích lô cũ treo lủng lẳng mấy túi bóng đựng đồ ăn và đồ cá nhân. Đó là chú Linh xích lô.
Chuyện của chú Linh xích lô thật buồn. Quê ở Tam Quan (Bình Định), chú vào Sài Gòn đạp xích lô đã nhiều năm, hằng tháng gửi tiền về cho vợ ở quê nuôi bốn đứa con. Nay hai con lớn vào Sài Gòn học Đại học nên chú càng phải cố gắng chạy xe nhiều hơn để lo thêm cho các con. Nhưng khách đi xích lô ngày càng ít. Họa hoằn mới có mấy khách Tây ưa đi xích lô, hoặc mấy ông bà già đi gần gần mới chọn xích lô thôi. Chú cũng ốm yếu nên mấy người cần chở hàng người ta cũng ngại kêu chú. Ngày nào chú cũng chạy xe, nhưng có ngày chẳng có khách nào. Vào thời dịch bệnh lại càng khó khăn hơn, cả ngày hôm nay (30 Tết) chú cũng chưa có khách nào cả.
Hỏi chú sao không về quê ăn tết, chú cười buồn: "Giờ mong có tiền ăn, dư đôi đồng phụ lo lũ nhỏ, chớ tiền đâu mà về Tết, tiền đâu mà sắm tết! Đã lâu tui không còn mong Tết nữa rồi.”
Khi được hỏi sao chú không chạy xe ôm công nghệ cho đỡ vất vả, chú bảo chú già rồi họ không nhận, mà nếu có nhận thì chú cũng phải có xe tốt, có điện thoại tốt, lại phải biết xài điện thoại thông minh. Mà mấy thứ đó thì chú đành chịu rồi.
Nơi ở của chú chính là chiếc xích lô chú chạy mỗi ngày. Vài bộ đồ cũ sờn, dăm vật dụng linh tinh treo xung quanh xe luôn. Ngày chạy xe, đêm tấp vô lề vắng ngủ trên xe luôn để đỡ tốn tiền thuê trọ, và cũng vì chú không có tiền gửi xe tháng.
Được lì xì, chú bất ngờ và tỏ ra vui lắm, cứ cám ơn mãi. Có lẽ bao lì xì bất ngờ từ một người xa lạ giúp chú vui thêm một chút trong đêm 30, nhưng niềm vui của chú không ngăn được nỗi cám cảnh của người khác khi nghĩ về những ngày sắp tới của chú…
"Đã lâu rồi tui không biết đến Tết!"
23g đêm giao thừa, một bé trai nhỏ xíu chừng 2 tuổi đang chạy nhảy trên lề đường góc ngã tư Pasteur - Hàn Thuyên quận 1, bên cạnh người đàn ông đội mũ lưỡi trai sùm sụp, nhìn không rõ tuổi.
Người đàn ông ấy tên Tèo, làm nghề sửa xe ở góc ngã tư này, và cậu bé là cháu ngoại của anh. "Nó hơn 4 tuổi rồi, mà biết nói ít lắm! Cha mẹ nó còn nhỏ tuổi mà đẻ 3 đứa rồi, nó là con đầu lòng đó. Cha mẹ nó giờ cũng không nghề nghiệp gì, kiếm được đồng nào tiêu đồng đó, sống nay mà không biết mai ra sao. Nó là cháu ngoại, nó theo mình thì mình ráng lo cho nó thôi!". Anh Tèo thở dài, rầu rĩ kể.
Anh Tèo mới gần 50 mà trông già hơn nhiều so với tuổi. Là người Đà Nẵng, vào Sài Gòn đã lâu. Anh trọ ở gần ngã tư An Sương, hàng ngày đèo theo vợ và đứa cháu ngoại bằng chiếc xe máy cà tàng lên ngã tư này bám vỉa hè hành nghề sửa xe kiếm sống. Vợ anh bán nước dạo ở công viên và khu vực nhà thờ Đức Bà.
Buổi sáng, vợ chồng anh đến đây khá sớm nhưng nửa đêm mới về nhà trọ. Khi được hỏi anh sắm tết được gì rồi, anh thở dài: "Đã lâu rồi tui không biết Tết. Lo được ngày ba bữa là hết sức rồi, còn tiền trọ, khoản nọ khoản kia, tiền đâu mà Tết".
Anh cũng cho biết mấy ngày Tết thường vắng, nhưng vợ chồng anh vẫn bám trụ góc ngã tư này vì "ở nhà trọ chán lắm. Lên đây may ra kiếm được đôi đồng, không thì nhìn phố phường qua lại cũng đỡ chán hơn ngồi trong phòng trọ. Cũng may, Sài Gòn không nghỉ tết lâu."Anh Tèo ái ngại xin lỗi vì dạy mãi mà đứa cháu không nói nổi câu cảm ơn khi được lì xì. Anh ngậm ngùi: đời tui đã khổ rồi, không biết mai này nó ra sao nữa...
Đồng hồ đã chuyển sang gần 24g. Đường vắng. Không khó để nhìn thấy người đàn ông cụt một chân đang ăn vội thức ăn trong hộp xốp trắng, bên cạnh là chiếc nạng gỗ..., một vài người dắt xe đạp nhặt nhạnh ve chai ở những đống rác chưa kịp hốt trên đường phố..., một người phụ nữ trung niên quấn chăn ngồi co ro một mình trên vỉa hè, bên cạnh là chiếc ba lô cũ… Với những người ấy, Tết còn ở đâu xa lắm…
Sài Gòn đêm 30. Tết mãi vẫn chưa đến với nhiều người...
II. MÙNG 8 THÁNG 3 - NGÀY NHẮC NHỚ YÊU THƯƠNG
Những ngày Tết qua nhanh trong những hạn chế mục vụ và phụng vụ làm cho mùa Chay 2021 đượm những nét thiếu hụt nào đó về mặt tâm linh. Rất may là sự lây lan của dịch bệnh ở nơi này đang dần dần giảm bớt do những nỗ lực phóng chống của toàn xã hội. Giáo dân Sài Gòn đang mong chờ những gì tươi sáng hơn thì chợt nhớ ra… ngày mùng 8 tháng 3 đang lò dò đến. Đây là ngày Quốc tế phụ nữ hay còn gọi là ngày Liên hiệp quốc vì nữ quyền và hòa bình Quốc tế được tổ chức vào ngày 8/3 hằng năm.
Bỏ qua nguồn gốc và bản chất thật sự của ngày này, mùng 8 tháng 3 tại Việt Nam ngày nay mang một ý nghĩa mới khá tích cực và rất dễ thương.
Từ trước ngày 8/3, các con phố ở Việt Nam đều mang một vẻ tươi tắn và dịu dàng. Nhiều cửa hàng hoa đã chuẩn bị những mẫu hoa thật đẹp, thật lạ mắt và rất đặc biệt để chờ các quý ông đến mua tặng cho những người phụ nữ yêu thương của mình. Các mặt hàng phái nữ ưa dùng, các gói dịch vụ dành cho nữ đua nhau giảm giá hoặc kèm theo nhiều quà tặng hấp dẫn dành ưu đãi cho phái nữ. Gần như cả xã hội đều bị cuốn vào không khí của "ngày phụ nữ".
Với những người đàn ông Công giáo, ngày 8/3 không phải là ngày yêu thương duy nhất nhưng là dịp nhắc nhớ để các anh bày tỏ tình cảm của mình với những người phụ nữ mình yêu thương.
Anh Nguyễn Trung Thiên, giáo xứ Vĩnh Hòa chia sẻ: "8/3 là một ngày khá đặc biệt vì là ngày… đặc biệt của nữ giới. Phụ nữ dường như xinh đẹp hơn, duyên dáng hơn, và vui hơn. Mình cũng thấy hôm nay mình khác hơn. Mình mua hoa, quà tặng để tặng cho mẹ, cho em gái và con gái của mình."
Anh Phêrô Chu Quang Nam (giáo xứ Hà Đông) thành thật chia sẻ: mình không rõ lắm về ngày 8/3, nhưng mình nghĩ 8/3 là ngày truyền thống tôn vinh người phụ nữ. Mặc dù là phụ nữ nhưng có những người phụ nữ đã làm được những việc lớn lao - những việc mà đàn ông thậm chí cũng không làm được. Ngày 8/3 là để tôn vinh những người phụ nữ là vì thế."
Anh cho biết thêm rằng 8/3 là ngày vô cùng đặc biệt. Đi ngoài đường thôi cũng có thể thấy sự đặc biệt đó rồi. Hoa bán đầy đường, các ông chồng lo mua hoa mua quà về tặng vợ. Đó là sự thể hiện tình yêu của người chồng dành cho vợ của mình.
"Riêng mình, mình luôn tâm niệm một điều rằng ngày 8/3 nhất định không làm cho bất kỳ một người phụ nữ nào phải buồn," - Anh Nam nói thêm.
Anh G.B Nguyễn Anh Tài, giáo xứ Hà Đông, cũng cho rằng 8/3 là ngày đặc biệt và ưu tiên cho phụ nữ. "Mình thuộc týp người thực tế. Sáng nay mình đã tự đi mua cho bà xã tô bún bò (là món mà bà xã của anh Tài rất thích). Mình chẳng bao giờ mua hoa, vì mình thấy nó chóng tàn và không thiết thực."
Một tu sĩ trẻ - thầy Giuse Phạm Hoàng Quân (giáo xứ Tân Sa Châu) - cho rằng 8/3 là ngày rất quan trọng với chị em phụ nữ. "Đó là ngày để cánh đàn ông thể hiện tình yêu thương, sự nâng đỡ vì phái nữ luôn cần được yêu thương, chở che".
Vì đang ở xa nên dịp này thầy đã gọi điện về thăm và chúc mừng mẹ. Cùng với những anh em khác, thầy cũng tặng hoa và tổ chức bữa tiệc nhỏ mừng các nữ tu và các chị em phụ nữ thân thiết nhân ngày này.
"Phụ nữ không chỉ cần một ngày 8/3 nhưng cần được yêu thương mỗi ngày."- thầy Quân khẳng định.
Với anh Giuse Maria Trần Kiều Anh (giáo xứ Hiển Linh), cách anh thể hiện tình cảm với phái nữ cũng đặc biệt hơn một chút: "Mình cầu nguyện nhiều cho phụ nữ trong ngày này. Ngoài ra không có gì đặc biệt hơn vì ngày nào mình cũng cưng chiều, quan tâm chăm sóc những người phụ nữ trong gia đình mình."
Anh Kiều Anh vui vẻ thừa nhận: "Với mình, ngày nào cũng là ngày của phụ nữ."
KẾT
Bỏ qua những ý kiến khó tính cho rằng không nên "chạy theo phong trào", hay đừng làm những việc khác người khi không hiểu rõ 8/3 là ngày gì, hoặc không cần thể hiện tình cảm cách ồn ào trong cùng một ngày như thế, nhất là tình cảm vốn mang tính thiêng liêng và riêng tư..., 8/3 vẫn là một ngày được nhiều chị em phụ nữ chờ đợi và nhiều quý ông hưởng ứng hết lòng. Vì đó là ngày của yêu thương và nằm trong mùa yêu thương đến tột đỉnh là mùa Chay, mùa ngắm nhìn Thiên Chúa yêu thương hiền thê của mình là con người đến tận cùng, đến chết trên thập giá để mang lại mùa Xuân bất tận cho con người. Trong Thiên Chúa, con người tìm được cái Tết tròn đầy muôn thuở của mình.
Vào tối 8/3/2021, các tín hữu Sài Gòn đã nhận được một thông báo thật vui trong mùa Chay: Sinh hoạt mục vụ sẽ trở lại bình thường vào ngày 9-3 sau đúng một tháng hạn chế vì sự lây lan của dịch bệnh Covid 19… Bình thường trở lại trong tình yêu thương mà trong mùa Chay này, các tín hữu muốn dành trọn vẹn tình yêu ấy cho Chúa và chia sẻ cho anh chị em của mình, nhất là cho những người thiếu vắng niềm vui ngay cả trong những ngày Tết...
Thanh Hoa (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020