Phỏng vấn Đức cha Chủ tịch Ủy ban Mục vụ Di dân - HĐGMVN
Truyền thông HĐGMVN
WHĐ (26.9.2020) – Năm nay, Ngày Thế giới Di dân và Người tị nạn lần thứ 106 được Tòa Thánh cử hành vào Chúa nhật ngày 27 tháng 09, truyền thông Hội đồng Giám mục Việt Nam (TTHĐGM) vinh dự được phỏng vấn Đức cha Luy Nguyễn Anh Tuấn, Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh và là Chủ tịch Ủy ban Mục vụ Di dân trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam.
TTHĐGM: Kính chào Đức cha. Xin Đức cha chia sẻ những cảm nhận ấn tượng về Sứ điệp của Đức Thánh cha Phanxicô về Ngày Thế giới Di dân và Người tị nạn (viết ngắn là Ngày Di dân) lần thứ 106 này?
Đức cha Luy Nguyễn Anh Tuấn: Trong Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Di dân và Người tị nạn lần thứ 106, được cử hành vào ngày 27/09 năm nay, Đức Thánh Cha suy tư về thảm kịch của người di dân nội địa và mời gọi chúng ta nhận ra gương mặt của Chúa Giêsu nơi những người [di dân] này. Trong sứ điệp, ngài muốn nói đến thảm kịch của tất cả những người đang phải chịu đựng sự bấp bênh, bị bỏ rơi, bị gạt ra bên lề và bị từ chối do đại dịch Covid- 19.
Đức Thánh Cha nhắc nhở tình cảnh bi thảm của di dân và người tị nạn thường không được nhận thấy và khủng hoảng do đại dịch Covid-19 hiện đang làm cho [tình trạng này] trở nên thê thảm và trầm trọng hơn. Trong khi hàng triệu người nghèo, người bị bỏ rơi, cần được trợ giúp nhân đạo khẩn cấp, cần những sáng kiến và trợ giúp quốc tế khẩn thiết và cấp bách để cứu sống lại nằm ở vị trí cuối cùng trong chương trình nghị sự chính trị của các quốc gia.
Hình ảnh linh hứng mà Đức Thánh Cha gợi lên cho các tín hữu được lấy lại từ Đức Giáo hoàng Piô XII (Tông hiến Exsul Familia) là: Hài nhi Giêsu, trong cuộc chạy trốn sang Ai Cập tị nạn cùng với với cha mẹ mình, đã chịu số phận bi thảm của những người di tản và tị nạn, sống trong sợ hãi, bấp bênh và thiếu thốn mọi bề (x. Mt 2,13-15, 19-23). Trong thời đại của chúng ta, hàng triệu gia đình cũng thấy mình đang rơi vào thực tế đáng buồn này. Mỗi ngày, các phương tiện truyền thông đều loan tin về những người tị nạn chạy trốn đói khát, chiến tranh và những nguy hiểm nghiêm trọng khác, để tìm kiếm an ninh và một cuộc sống xứng đáng cho mình và cho gia đình. Nơi mỗi người trong những anh chị em đó, chúng ta nhìn thấy Chúa Giêsu, như đang ở thời vua Hêrôđê, buộc phải chạy trốn để cứu lấy mạng sống. Trên khuôn mặt họ, chúng ta được mời gọi nhận ra Chúa Giêsu đang chịu đói khát, trần truồng, bệnh tật, là khách lạ và tù nhân, đang nài xin chúng ta giúp đỡ (x. Mt 25,31-46). Nếu chúng ta có thể nhận ra Người trong những khuôn mặt đó, chúng ta sẽ cảm ơn Người vì có cơ hội được gặp gỡ, yêu thương và phục vụ Người nơi họ.
Sứ điệp của Đức Thánh Cha làm rúng động chúng ta, tôi liên tưởng đến anh chị em di dân Việt Nam nội địa, cũng như hải ngoại, đang chịu cảnh xa quê nhà, cô đơn, khốn khó vì bệnh tật, dịch tễ, và thiếu thốn nguồn kinh tế và việc làm. Chúng ta được kêu gọi đáp lại thách đố này với bốn động từ Đức Thánh Cha đã nêu lên trong Sứ điệp Ngày Thế giới Di dân và Người tị nạn (năm 2018): đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập.
TTHĐGM: Đức Thánh cha Phanxicô nhấn mạnh đến 4 động từ chủ đạo "Tiếp đón, bảo vệ, thăng tiếng và hội nhập" như một định hướng cho mục vụ di dân. Xin Đức cha cho biết mục vụ di dân tại Việt Nam sẽ đáp ứng định hướng này như thế nào?
Đức cha Luy Nguyễn Anh Tuấn: Phân bộ Di dân và Tị nạn thuộc Bộ Thăng tiến và Phát triển Con người toàn diện của Tòa Thánh Vatican mới đây có đưa ra hướng dẫn mới “Các định hướng mục vụ về di dân nội địa” để ứng phó với những thách đố trong việc hỗ trợ những người di dân nội địa. Tài liệu hướng dẫn mục vụ trong việc chăm sóc và hỗ trợ cho tất cả những người sống trong các cảnh đời ngoại biên, cần được “đón nhận, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập”.
Theo Trung tâm theo dõi hiện tượng di dân nội địa, vào cuối năm 2018, có 41,3 triệu người trên thế giới di tản nội địa; đây là con số cao nhất được ghi nhận trong lịch sử. Dù những lý do thúc đẩy họ phải di tản và cách thức di tản của họ giống như những người tị nạn, những người di tản nội địa không được quốc tế bảo vệ như những người tị nạn.
Việc đầu tiên của Mục vụ Di dân tại Việt Nam, tôi tưởng nghĩ là cần thúc đẩy chính quyền, cũng như giới truyền thông xã hội giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn nạn di dân, trong nước và đi ra nước ngoài. Người di dân nội địa bị lãng quên càng dễ bị tổn thương, ít được nhìn nhận và đáp ứng thỏa đáng các nhu cầu của họ. Cần tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức trong nước và thế giới giúp đỡ di dân, mang tính xây dựng và trong sự tôn trọng chủ quyền quốc gia. Giáo hội địa phương, quê hương và là nơi đi, cũng như nơi đến của tín hữu di dân, cần quan tâm đặc biệt đến họ, trước hết, qua việc gây ý thức cộng đồng trong đồng bào đồng đạo. Cả Hội Thánh cùng lo lắng cho họ, chứ không chỉ người đứng đầu và phụ trách chuyên môn mục vụ này, hay chỉ có Cộng đồng Hội Thánh nơi đến mới quan tâm, “đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập” anh chị em di dân.
TTHĐGM: Thời kỳ khôi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19 sẽ tác động đến tất cả các thành phần xã hội, tổn thất nhiều nhất là giới lao động nhập cư và lao động hè phố. Đức cha có những ưu tư và thông điệp gửi đến anh chị em di dân?
Đức cha Luy Nguyễn Anh Tuấn: Đại dịch Covid-19 làm mấy triệu người mất việc, nghỉ việc luân phiên. Có chị công nhân nói mà không dám than vãn, “hiện tại còn việc là tốt rồi, còn nước thì còn tát”! Đa số các doanh nghiệp lao đao vì dịch bệnh kéo dài phải cắt giảm nhân sự, người lao động phần lớn ở thành phố là di dân xa quê xoay xở đủ nghề. Bà con làm lao động hè phố bị ảnh hưởng nặng nề, và dễ bị cuốn vào cám dỗ mồi nhử kiếm ăn của người xấu, tạo tệ nạn xã hội.
Cộng đồng hãy bắt đầu bằng những việc nhỏ trong khả năng khiêm tốn như giúp giới thiệu chỗ ăn ở xứng hợp, giáo dục văn hóa con em của di dân vốn nghèo khổ, bấp bênh, cô đơn, … Không chỉ nghĩ và làm những gì lớn lao và qui mô, nhưng mỗi người chỉ cần giúp một người một việc nhỏ, ngay lúc này nơi này, nơi mình gặp gỡ người anh em; tiếp đón, bảo vệ và giúp họ hội nhập cộng đồng địa phương mình. Nhưng việc giúp đỡ ấy không chỉ “ăn xổi ở thì”, mà còn hướng đến giúp thăng tiến cuộc sống của họ, giúp người trẻ tiếp tục học hành văn hóa và nghề nghiệp trong khi đến đây sống và làm việc, chẳng hạn.
Trong Hội Thánh, việc bác ái xã hội là của mọi người theo lời mời gọi của Chúa, và là làm cho chính Chúa trong người anh em thân cận của ta đang gặp khó khăn hoạn nạn. Theo lời mời gọi và gợi ý của Đức Thánh Cha, mỗi người, mỗi cộng đồng nhỏ, hay lớn, cần:
Biết (bằng thông tin và thăm hỏi) để hiểu. Gần gũi để phục vụ. Lắng nghe để hòa giải. Chia sẻ để tăng trưởng. Tham dự để thăng tiến. Hợp tác để xây dựng.
Truyền thông Hội đồng Giám mục xin chân thành cảm ơn Đức cha.
bài liên quan mới nhất
- Ủy ban Giáo dục Công giáo: Thư gửi sinh viên, học sinh Công giáo nhân dịp mừng lễ Chúa Giáng sinh 2021
-
Bổ nhiệm Giám mục chính tòa giáo phận Hưng Hóa -
Truyền hình trực tuyến dịp lễ tấn phong Giám mục Giuse Đỗ Quang Khang -
Nghi thức tuyên xứng đức tin của Đức Giám mục tân cử Giuse Đỗ Quang Khang -
Phỏng vấn Đức Giám mục tân cử Giuse Đỗ Quang Khang -
Thư gởi anh chị em giáo chức Công giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.2021 -
Vẻ đẹp của tử đạo Kitô giáo -
Học viện Công giáo Việt Nam: Thông báo mở lại các lớp Mục vụ, Đào tạo, Ngoại ngữ -
Bổ nhiệm Giám mục phó giáo phận Bắc Ninh -
Thư Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi cộng đồng dân Chúa: Sống đức tin thời đại dịch
bài liên quan đọc nhiều
- Bổ nhiệm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn - TP.HCM
-
Thông báo khẩn về Thánh lễ cầu nguyện trong thời gian đại dịch -
Tòa Giám mục Bà Rịa: Thông báo khẩn về việc phòng tránh dịch bệnh -
Học viện Công giáo Việt Nam: Khai giảng Niên khóa 2019-2020 -
Ủy ban Phụng Tự giải thích quy định về Giảng lễ, Đặt tay và Rảy nước phép -
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: Thư Gửi Cộng Đồng Dân Chúa (05-05-2020) -
Danh sách trang web và mạng xã hội chính thức của Hội đồng Giám mục và các giáo phận tại Việt Nam -
Bổ nhiệm Giám quản Tông tòa giáo phận Hà Tĩnh -
Cầu nguyện cho đôi trẻ song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi -
Vạ huyền chức đối với linh mục Đaminh Nguyễn Chu Truyền