Phỏng vấn Đức Hồng y Gioan B. Phạm Minh Mẫn sau Mật tuyển viện
WGPSG -- Sau khi tham dự Mật tuyển viện và bầu giáo hoàng trở về, Đức Hồng y Gioan B. Phạm Minh Mẫn (ĐHY) đã dành cho phóng viên Trang Web Tổng Giáo phận TPHCM (WGPSG) một cuộc phỏng vấn.
WGPSG: ĐHY có thể chia sẻ với cộng đoàn dân Chúa về tâm trạng của ĐHY khi được 2 lần tham dự Mật tuyển viện?
ĐHY: Tôi nhớ lại lần thứ nhất tham dự Mật tuyển viện: còn mới lạ, nhiều bỡ ngỡ, phải từng bước thích nghi…
Lần thứ hai, tức là lần này, tôi cảm thấy quen thuộc nhiều hơn, bình tâm hơn, tiếp xúc nhiều hơn với các Hồng y trong tuần lễ hội nghị trước Mật tuyển viện. Các Hồng y lắng nghe các bài thuyết trình, sốt sắng cầu nguyện, đón nhận ánh sáng của Chúa Thánh Thần để có thể đề cử một ứng viên cho sứ vụ của Thánh Phêrô. Mọi người đi vào chiều sâu đức tin hơn là sống trong dư luận của người đời, không bị áp lực bởi dư luận hoặc tin tức bên ngoài.
WGPSG: Theo dõi trên truyền thông, người ta đặc biệt lưu ý sự kiện ĐHY là người sau cùng đến với Hội nghị hồng y đoàn, và là một trong hai người cuối cùng đặt tay trên Phúc Âm tuyên thệ giữ bí mật Mật tuyển viện. Có nhiều người quan tâm đến vấn đề này. Xin ĐHY chia sẻ về sự kiện này?
ĐHY: Đến Vatican, tôi cũng nghe nhiều người nói đang chờ tôi. Lý do là chỉ khi có đầy đủ các Hồng y có quyền bầu cử thì mới quyết định được ngày vào Mật tuyển viện. Không phải chỉ có tôi là người đến cuối cùng. Khi tôi đến cũng có một Hồng y nữa mới đến và tuyên hứa với tôi. Hôm sau, thêm một hai Hồng y nữa đến, nhưng là những vị quá 80 tuổi, nên người ta ít để ý…
WGPSG: ĐHY có thể chia sẻ cảm nhận của ĐHY về bầu khí của Hồng y đoàn trước và sau khi Mật tuyển viện diễn ra?
ĐHY: Trước khi vào Mật tuyển viện thì có hơn một tuần dành cho Hội nghị các hồng y, nhờ vậy các vị hiểu vấn đề và quen biết nhau nhiều hơn. Lần trước, lễ an táng Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II xong thì cũng có hội nghị ngắn rồi vào Mật tuyển viện. Nhưng lần này thì trước Mật tuyển viện có Hội nghị các hồng y, kéo dài suốt một tuần với nhiều bài thuyết trình về tình hình và công việc trong giáo triều. Các Hồng y từ các nơi đến thì báo cáo tình hình của giáo phận mình. Sau 7 ngày trọn mới bốc thăm ấn định ngày vào Mật tuyển viện. Tôi thấy sự chuẩn bị như vậy khá đầy đủ: tình hình giáo triều, tình hình giáo hội các nơi, coi như những nét lớn ai cũng đã phát biểu một hoặc hai ba lần, nên yên tâm và hiểu biết nhau hơn, bình tâm để vào Mật tuyển viện.
Còn sau Mật tuyển viện, các hồng y đều ở chung trong ngôi nhà Thánh Matta…. Mấy ngày sau, cả Đức Giáo Hoàng cũng đến ở nơi này. Sau đó diễn ra những biến cố đặc biệt như Thánh lễ ở nhà nguyện Sistine (nơi bầu Đức Giáo Hoàng): Đức Tân Giáo Hoàng chủ tế, các Hồng Y đồng tế, ngoài rào chắn có một số giám mục nhân viên mà tôi nghĩ là nhân viên của Giáo triều Rôma dự lễ, có ca đoàn của Vatican hát lễ…
Tôi cảm thấy một bầu không khí hân hoan. Riêng tôi rất vui mừng và tôi thấy các Hồng y cũng đều vui mừng, vì cuộc bầu cử diễn ra mau chóng. Nếu kéo dài thì mệt lắm. Mọi người bình an và hài lòng khi thấy Đức Tân Giáo Hoàng vừa đơn sơ vừa chan hòa với mọi người, tạo bầu không khí thân thiện cởi mở.
WGPSG: Chúng con rất xúc động khi thấy Đức Tân Giáo Hoàng hôn nhẫn ĐHY trong buổi Đức Tân Giáo Hoàng tiếp kiến HY đoàn; và trước đó chúng con cũng thấy ĐHY có những lời trao đổi rất thân thiện vui vẻ với Đức Tân Giáo Hoàng. ĐHY có thể "bật mí" cho chúng con về những lời trao đổi này?
ĐHY: Lần tiếp kiến mọi người thấy trong truyền hình là lần thứ hai. Lần trước diễn ra trong Nhà nguyện Sistine, không có giới truyền thông, các Hồng y đến trước Đức Tân Giáo Hoàng để bày tỏ sự tùng phục. Cả hai lần, tôi đều hôn nhẫn Đức Tân Giáo Hoàng và sau đó cả hai lần ngài đều hôn nhẫn tôi. Có lẽ Đức Giáo Hoàng phần nào cũng biết về Việt Nam nên bày tỏ sự trân trọng Giáo hội tại Việt Nam đã can đảm sống đức tin trong những thời kỳ khó khăn.
Trong lần thứ nhất, tôi chúc mừng sự đắc cử của Đức Thánh Cha, hứa sẽ tùng phục ngài trong mọi công việc của Giáo Hội, và hứa sẽ kêu gọi dân Chúa tại Việt Nam cầu nguyện cho ngài.
Lần thứ hai, tức là hai hôm sau khi ngài tiếp kiến các Hồng y, lúc đến trước mặt ngài, tôi chỉ lặp lại hai ý: tôi sẽ kêu gọi dân Chúa cầu nguyện cho Đức Thánh Cha trong sứ vụ mới này, đồng thời tôi cũng xin Đức Thánh Cha cầu nguyện cho Việt Nam. Ngài trả lời rằng sẽ cầu nguyện cho Việt Nam, rồi ngài hôn tay tôi.
Báo L’Osservatore Romano ngày 16-3-2013 có đăng hình Đức Thánh Cha đang giang tay tiếp đón tôi với nụ cười rất niềm nở… Qua hình ảnh này tôi nhận thấy ngài là con người rất đơn sơ khiêm tốn và nhất là giàu lòng từ bi thương xót. Nhiều người khác cũng thấy như vậy. Chúng ta đã có vị chủ chăn như lòng Chúa mong ước và như lòng dân mong đợi…
WGPSG: Trước khi Mật tuyển viện diễn ra, ĐHY đã có biết hoặc đã có gặp gỡ Đức Tân Giáo hoàng lần nào chưa? ĐHY có cảm tưởng gì về Đức Tân Giáo Hoàng?
ĐHY: Suốt tuần lễ hội nghị, các Hồng y đã gặp nhau và biết nhau qua những báo cáo. Nhưng gặp trực tiếp cá nhân Đức Tân Giáo Hoàng trước khi ngài đắc cử, thì chưa lần nào tôi gặp ngài…
Tôi có cảm tưởng Ngài đã biết khá nhiều và đặc biệt quan tâm về tình hình Giáo Hội tại Việt Nam. Ngài quả là con người rất cởi mở, đơn sơ, khiêm tốn, rất giàu lòng từ bi thương xót. Ngài hòa mình và rất gần gũi với mọi người.
WGPSG: Có người cho rằng: việc bầu giáo hoàng lần này là một dấu chỉ lớn của thời đại mà các tín hữu cần phải nhìn thấy và suy nghĩ. Xin ĐHY cho chúng con nhận định của ĐHY về ý kiến này, và cho chúng con một vài lời khuyên?
ĐHY: Trong một thế giới toàn cầu hóa, một Giáo Hoàng không phải là người Ý, cũng không phải là người Âu, đã thể hiện tính công giáo của sứ vụ Phêrô rõ nét. Từ đó người ta nghĩ rằng trong tương lai Giáo Hoàng có thể là người Mỹ Châu, Phi Châu hay Á Châu.
Từ sự kiện này có thể nghĩ đến những người làm việc trong giáo triều. Ví dụ như đã có nhiều người Việt nam làm việc trong Vatican. Bây giờ họ cũng đã lớn tuổi. Vì thế người ta cũng muốn tìm thêm những người Việt Nam làm việc trong đó…
Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II có gợi ý với tôi, mình không phải chỉ đón nhận sự giúp đỡ từ những nước khác của châu Âu, nhưng trong khả năng hoàn cảnh của mình, mình cũng phải tích cực chan hòa trong sứ vụ chung là truyền giáo cho các nơi khác. Do đó mới có nhiều dòng tu đến Việt Nam tìm ơn gọi trẻ để ra đi phục vụ các nước khác... Tôi rất vui mừng vì thấy người công giáo Việt Nam không những phục vụ cho Giáo triều mà còn phục vụ cho các Giáo hội khác…
WGPSG: Chúng con chân thành cám ơn Đức Hồng y…
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020