Phục vụ đức tin và quyền tối thượng của Chúa Kitô Vua
Sứ vụ của Giám mục Rôma và của các Hồng y là ở lại với Chúa Kitô bị đóng đanh, phục vụ đức tin trong sự vậng phục của Thập Giá và phục vụ quyền tối thượng của Chúa Kitô Vua.
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã khẳng định như trên trong bài giảng thánh lễ đồng tế trao nhẫn cho 24 tân Hồng y tại Đền thờ Thánh Phêrô sáng Chúa nhật 21-11-2010.
Thánh lễ đã bắt đầu lúc 9:30 sáng Chúa nhật, lễ kính Chúa Kitô Vua, với sự tham dự thánh lễ có hàng trăm Hồng y, Tổng Giám mục, Giám mục, hiện diện tại Rôma, một số linh mục, tu sĩ nam nữ, ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh, các thị trưởng thành phố nguyên quán hay thuộc Tổng Giáo phận của các tân Hồng y, cũng như 9.000 tín hữu. Ban giúp lễ gồm các thầy trường Truyền Giáo thuộc các nước Phi châu, Trung Hoa và Việt Nam.
Sau câu chào bình an mở đầu thánh lễ, Đức Thánh Cha nói: Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta cử hành lễ trọng kính Chúa Kitô Vua vũ trụ, tuyệt đỉnh của năm phụng vụ, và vui mừng vì việc 24 tân Hồng y gia nhập Hồng y đoàn. Bắt đầu buổi cử hành Thánh Thể này chúng ta hãy nhìn lên thập giá, nơi Chúa Kitô biểu lộ vương quyền đặc biệt của Người, bằng cách nhớ lại rằng mọi môn đệ đích thực của Chúa đều được mời gọi chia sẻ cuộc khổ nạn của Người cho ơn cứu độ của thế giới.
Các bài đọc phụng vụ đã được tuyên đọc bằng hai thứ tiếng Anh, Ý, và Phúc Âm được hát bằng tiếng Latinh. Giảng trong thánh lễ, Đức Thánh Cha đã suy tư về sứ vụ của Giám mục Rôma và sứ vụ của các Hồng y, dưới ánh sáng Vương quyền đặc biệt của Chúa Giêsu Kitô.
Đề cập đến việc phục vụ đầu tiên của người kế vị Thánh Phêrô, cũng là của các Hồng y, Đức Thánh Cha nói: Việc phục vụ đầu tiên của người kế vị Thánh Phêrô là phục vụ đức tin. Trong Tân Ước, Thánh Phêrô đã trở thành “đá” của Giáo Hội, trong nghĩa là người mang Kinh Tin Kính: Đức tin của Giáo Hội bắt đầu với đức tin của người đầu tiên tuyên xưng niềm tin nơi Chúa Kitô, một niềm tin ban đầu còn xanh và còn “quá nhân loại”, nhưng sau lễ Phục Sinh, nó được chín muồi và có khả năng theo Chúa Kitô cho tới chỗ tận hiến chính mình, trưởng thành trong việc tin rằng Đức Giêsu là Vua thật. Ngài là Vua thật vì đã ở trên Thập Giá, và như thế đã trao ban sự sống cho người tội lỗi. Trình thuật Phúc Âm cho thấy mọi người đều xin Chúa Giêsu xuống khỏi Thập Giá. Họ nhạo cười Ngài và đó cũng là một kiểu để chạy tội cho họ, làm như thể họ nói rằng: nếu ông ở trên thập giá thì không phải lỗi tại chúng tôi, mà chỉ là lỗi của ông. Vì nếu ông là Con Thiên Chúa thật, Vua của người Do Thái, thì ông sẽ không ở trên đó, mà sẽ tự cứu mình bằng cách xuống khỏi cây hổ nhục ấy. Như thế, nếu ông ở trên thập giá, thì ông đã lầm, còn chúng tôi có lý. Thảm cảnh diễn ra dưới chân thập giá là thảm cảnh phổ quát: nó liên quan tới tất cả mọi người trước mặt Thiên Chúa, là Đấng tự tỏ lộ ra như Người là, nghĩa là Thiên Chúa là Tình Yêu. Nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh thiên tính bị biến dạng, bị lột trần khỏi mọi vinh quang hữu hình, nhưng hiện diện và thực sự. Chỉ có đức tin mới biết nhận ra thiên tính ấy. Đó đã là đức tin của Mẹ Maria kết hợp với trái tim của Con Mẹ, và tiếp tục tín thác nơi Thiên Chúa. Đó là đức tin của người trộm lành, không xin Chúa Giêsu xuống khỏi thập giá hay cho anh xuống khỏi thập giá, mà trái lại, nhận ra nơi gương mặt biến dạng của Người là Vua.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh sứ điệp nòng cốt mà phụng vụ lễ Chúa Kitô Vua nhắn gửi ngài, là người kế vị Thánh Phêrô và các Hồng y như sau:
Sứ điệp mời gọi chúng ta ở lại với Chúa Giêsu, như Mẹ Maria, và không xin Người xuống khỏi thập giá, nhưng ở lại đó với Người. Như thế là vì sứ vụ của chúng ta, chúng ta phải làm điều đó không phải chỉ cho chúng ta, mà cho toàn thể Giáo Hội, cho toàn dân Chúa... Cả các Tông đồ cũng không chấp nhận tư tưởng một Đấng Cứu Thế bị đóng đinh. Và sự hoán cải của Phêrô đã được hiện thực tràn đầy, khi ông từ chối cứu Đức Giêsu khỏi Thập Giá và chấp nhận được Người cứu từ Thập Giá. Sứ vụ của Phêrô hệ tại tất cả nơi đức tin của người, được Chúa Giêsu thừa nhận là tinh tuyền như ơn Thiên Chúa Cha ban... Chúa Giêsu có thể xây dựng Giáo hội Người trên chúng ta, khi tìm thấy nơi chúng ta đức tin phục sinh đích thực đó, đức tin không muốn làm cho Chúa Giêsu xuống khỏi thập giá, mà tín thác nơi Người trên Thập Giá. Trong nghĩa này, nơi đích thật của vị đại diên Chúa Kitô là Thập Giá, là sự kiên trì trong việc vâng phục Thập Giá.
Đó là một sứ vụ khó khăn, nhưng đó là việc phục vụ đầu tiên biến đổi cuộc sống chúng ta: tin rằng Chúa Giêsu chịu đóng đinh là Vua đã yêu thương chúng ta đến cùng, loan báo và làm chứng cho vương quyền mâu thuẫn ấy, sống theo cái luận lý của sự khiêm hạ và phục vụ, cái luận lý của hạt giống chết đi để sinh bông hạt. Giáo Hoàng và các Hồng y được mời gọi hợp nhất sâu xa với nhau trước hết trong điểm này: ở trong chức là Chúa của Chúa Kitô, suy nghĩ và hành động theo cái luận lý của Thập Giá. Sự hữu hiệu của việc chúng ta phục vụ Giáo hội, Hiền Thê của Chúa, tuỳ thuộc nơi sự hợp nhất khắng khít chặt chẽ đó, và nơi lòng trung thành của chúng ta với vương quyền của Thiên Chúa Tình Yêu bị đóng đinh. Vì thế, chiếc nhẫn mà tôi trao cho anh em, dấu chỉ giao ước hôn nhân của anh em với Giáo hội, có hình Chúa chịu đóng đinh. Trong cùng lý đó dó, phẩm phục màu đỏ của anh em nhắc tới mầu máu, biểu hiệu của sự sống và tình yêu... Từ đó phát xuất ra sự khôn ngoan của anh em: sự khôn ngoan của Thập Giá.
Tiếp tục bài giảng, Đức Thánh Cha nói: Thánh Phaolô là người đầu tiên đã vạch ra một suy tư có hệ thống tập trung nơi sự mâu thuẫn của Thập Giá (x. 1 Cr 1,18-25; 2,1-8). Chúng ta được mời gọi loan báo cho thế giới Chúa Kitô là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình”, là “trưởng tử của mọi thọ tạo: và “của những người sống lại từ cõi chết”, bởi vì “Người phải đứng hàng đầu trong mọi sự” (Cl 1,15.18). Quyền tối thượng của Phêrô và của những người kế vị là phục vụ quyền tối thượng của Chúa Giêsu Kitô, là Chúa duy nhất, phục vụ Vương Quốc của Người, nghĩa là Chức là Chúa Tình Yêu của Người, để nó trị đến và được phổ biến, canh tân con người và sự vật, biến đổi trái đất và làm nảy sinh ra hoà bình và công lý... Niềm vui của chúng ta là được chia sẻ vào sự viên mãn của Chúa Kitô trong Giáo Hội qua sự vâng phục của Thập Giá, “được chia sẻ số phận của các thánh trong ánh sáng” và được đưa vào trong vương quốc của Con Thiên Chúa.
Sau bài giảng là lễ nghi đeo nhẫn cho các tân Hồng y. Đức Thánh Cha nói: Anh em rất thân mến, được kết hiệp vào Hồng y đoàn, bằng mối dây chặt chẽ hơn anh em được hợp nhất với Giáo hội Rôma Thánh, mà chúng tôi đã ban cho anh em các tước hiệu. Vậy, hãy nhận lấy nhẫn, là dấu chỉ của phẩm giá, sự ân cần mục tử và hiệp thông vững vàng hơn với Ngai Tòa của Phêrô.
Tiếp đến, Đức Thánh Cha đã đeo nhẫn cho từng tân Hồng y một tiến lên quỳ trước mặt ngài và nói: Hãy nhận lấy chiếc nhẫn từ tay của Phêrô và hãy biết rằng với tình yêu của vị hoàng Tử của các Tông đồ, tình yêu đối với Giáo Hội của hiền huynh được củng cố.
Các lời nguyện giáo dân cầu cho Giáo hội, Đức Thánh Cha, các nhu cầu của con người, cho thế giới và cho toàn cộng đoàn tham dự thánh lễ đã được tuyên đọc bằng năm thứ tiếng: Bồ Đào Nha, Đức, Singale, Pháp và Swahili. Đức Thánh Cha đã cho một số tín hữu rước lễ, trong khi 100 linh mục thuộc các trường tại Rôma đã phân phát Mình Thánh Chúa cho giáo dân.
Lúc 12 giờ trưa, Đức Thánh Cha đã đọc kinh Truyền Tin với hơn 40.000 tín hữu từ cửa sổ phòng làm việc của ngài. Trong bài huấn dụ ngài đã phó thác các tân Hồng y và lộ trình dương thế của mọi Kitô hữu cho Trinh Nữ Maria, trong ngày lễ Dâng Mẹ vào Đền Thờ.
Đức Thánh Cha nhắc đến sự kiện Lễ Chúa Kitô Vua đã được Đức Giáo hoàng Piô IX thành lập năm 1925, và sau Công đồng Chung Vatican II, lễ này được mừng kính vào Chúa Nhật cuối cùng trong năm phụng vụ. Phúc Âm hôm nay nói đến vương quyền của Chúa Giêsu trong lúc bị đóng đinh. Hàng lãnh đạo dân và binh lính nhạo cười “trưởng tử của mọi thọ tạo” (Cl 1,15) và thử thách xem Người có quyền tự cứu mình khỏi chết hay không (x. Lc 23,35-37). Nhưng chính trên thập giá, Chúa Giêsu cho thấy Người ở “độ cao” của Thiên Chúa là Tình Yêu. Ở đó có thể hiểu biết Người... Chúa Giêsu ban cho chúng ta sự sống vì Người ban Thiên Chúa cho chúng ta. Người có thể ban cho chúng ta Thiên Chúa vì Người là một với Thiên Chúa” (Benedetto XVI, Gesù di Nazaret, Milano 2007,399.404). Ơn ấy, Chúa Giêsu đã ban cho người trộm lành tỏ lòng thống hối ăn năn: “Ta nói thật với con: hôm nay con sẽ ở cùng Ta trên thiên đàng” (Lc 23,43). Với các lời ấy, từ ngai thập giá, Chúa Giêsu tiếp đón mọi người với lòng xót thương vô biên... Chú giải sự kiện này, Thánh Ambrogio khẳng định rằng Chúa Giêsu luôn chấp nhận nhiều hơn điều người ta xin... Sự sống là ở với Chúa Kitô, bởi vì ở đâu có Chúa Kitô, ở đó có Vương Quốc”.
Tiếp đến, Đức Thánh Cha đã đọc kinh Truyền Tin và ban phèp lành Tòa Thánh cho mọi người. Sau kinh Truyền Tin, ngài đã mời gọi mọi người hiệp ý với các cộng đoàn Giáo hội tại Italia đáp lời mời của các Giám mục, cầu nguyện cho các Kitô hữu bị bách hại và kỳ thị trên thế giới, đặc biệt các Kitô hữu tại Irak, để tại khắp nơi trên thế giới này quyền tự do tôn giáo được bảo đảm cho mọi người.
Đức Thánh Cha cũng nhắc đến lễ Đức Mẹ dâng mình vào đền thánh là “Ngày cho những người cầu nguyện”, trong đó Giáo hội nhớ tới các tu sĩ dòng kín với lòng trìu mến. Ngài mời gọi mọi người trợ giúp các tu sĩ một cách cụ thể. Chúa nhật 21-11 cũng là “Ngày cho các nạn nhân lưu thông” ở Italia. Đức Thánh Cha nói ngài nhớ tới các nạn nhân trong lời cầu nguyện, và khích lệ mọi người dấn thân phòng ngừa tai nạn lưu thông và thận trọng và tuân hành luật lệ trong khi lái xe, vì đó là hình thức đầu tiên bảo vệ chính mình và người khác.
bài liên quan mới nhất
- Thoáng nhìn lại 8 năm cải tổ Giáo triều của ĐTC Phanxicô
-
Sứ điệp và Phép lành Urbi et Orbi Giáng Sinh 2021 -
ĐTC Phanxicô giảng lễ đêm Giáng Sinh: Tìm thiên đàng nơi người nghèo -
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Hoà bình năm 2022 -
12 sự kiện quan trọng của Vatican trong năm 2021 -
Đức tin cụ thể: những cử chỉ nhỏ theo lời kêu gọi của ĐTC trong dịp lễ Giáng Sinh -
Cuộc phỏng vấn ĐTC trên chuyến bay từ Hy Lạp về Roma -
ĐTC gặp giới trẻ ở Hy Lạp -
Thánh lễ tại Thính phòng Megaron -
ĐTC gặp các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo lý viên của Hy Lạp
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Linh mục trên tàu du lịch nâng đỡ tinh thần hành khách trong nỗi lo sợ virus corona -
Năm Thánh Giuse: Những điều người Công giáo cần biết -
Coronavirus: Tiếng khóc từ Italia -
Truyền hình trực tiếp Phép Lành “Urbi et Orbi” vào thứ Sáu 27.3.2020 -
Truyền hình các nghi lễ Đức Thánh Cha cử hành trong Tuần Thánh và Phục Sinh 2020 -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp người phụ nữ đã nắm chặt tay ngài vào đêm giao thừa dương lịch -
ĐGH Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân nhiễm virus Corona -
Tìm hiểu Ơn Toàn Xá trong mùa đại dịch Covid -19