Phục vụ giáo dục truyền hình

Phục vụ giáo dục truyền hình

Phục vụ giáo dục truyền hình
Hồi ký
Bản tính tôi rất ngại viết hồi ký về chính mình, dù việc này có thể có ý nghĩa dưới dạng này hay dạng khác. Vì thế tôi đã từ chối mấy lần khi được đề xuất tham gia viết "Hồi ký Truyền hình Giải phóng" TP.HCM. Nhưng với nhiệt tình đầy tế nhị của hai bậc đàn anh Huỳnh Văn Tiếng và Phạm Văn Bảo nhắc đi nhắc lại, hôm nay tôi xin "chấp hành" với tất cả chân tình.
Việc tôi tham gia vào "sự nghiệp Truyền hình giải phóng TP.HCM" không phải là một quyết định bộc phát, tùy cơ ứng biến mà là hậu quả của một tiến trình dấn thân phục vụ giáo dục đại chúng bắt đầu từ 1970. Tôi xác quyết rằng truyền hình là ngôn ngữ của thời đại, là ngôn ngữ toàn diện (langage total), là một nghệ  thuật tổng hợp đan kết tất cả các nghệ thuật khác: âm nhạc, hội họa, kiến trúc, thơ văn, kịch nghệ. Một thứ đa ngôn ngữ nối kết các quốc gia, lục địa, kể cả các hành tinh…
Là nữ tu mà phần đông sống ẩn dật, kín đáo chuyên dạy học trong các trường lớp kỷ luật và tường rào vững chắc, việc tôi cùng với đội quay hình đi vào quần chúng ở bến xe, bờ ruộng, giữa chợ đời, trao đổi với các bà mẹ về kế hoạch gia đình… là một nghịch lý khó hiểu, nếu không phải là một phản chứng! Do đó rất nhiều nghi vấn vá chất vấn đã được đặt ra cho tôi trước cũng như sau ngày Giải phóng, dưới nhiều dạng và "cung điệu" khác nhau.
Vậy hồi ký của tôi sẽ là hồi âm của những cuộc "vấn đáp" trên. Mong rằng dưới dạng này, các trang sau đây sẽ không làm cho quý vị độc giả buồn ngủ lắm.
- Chị Mai Thành, chị là nữ tu đang say sưa dạy Triết lý, Tâm lý ở Trung và Đại học, sao bỗng nhiên lại đi lạc vào cái nghề "lạ lẫm" này? Chị có thể cho biết lý do?
- Thưa, tôi không nghĩ là mình đã lạc hướng. Giảng dạy thanh thiếu niên là niềm vui rất mãnh liệt cho tôi vì đó là tuổi khao khát những gì cao đẹp và chất chứa lý tưởng. Nhưng nhìn rộng và xa hơn một tí, còn có biết bao nhiêu người không có may mắn cắp sách đến trường, trong đó số đông còn sống trong đêm dày của dốt nát, nghèo nàn, không lối thoát. Trong khi đó, làn sóng Truyền hình có thể đến với họ trong chính môi sinh của họ, nếu chúng ta kiếm cách để phổ biến những kiến thức cơ bản qua những lớp học không tường không mái, qua làn sóng vi ba…
- Nhưng làm việc này, đâu phải dễ! Chị đã được chuẩn bị thế nào để đi vào "khí quyển vi ba"?
- Thưa, tôi được may mắn theo những khóa học đào tạo Giáo dục Truyền hình năm 1968-1969 ở Anh, Pháp lại được gửi đi nghiên cứu, thực tập về ngành này ứng dụng tại các nước nghèo ở Châu Phi, Nam Mỹ và một vài nước phát triển như Nhật Bản hay Bắc Mỹ. ở mỗi nước tôi cố tiếp thu những gì có thể ứng dụng thiết thực tại Việt Nam. Thí dụ ở Mỹ, một chương trình đối với tôi có ý nghĩa nhất là loạt "Sesame Street" dạy học bằng con rối cho trẻ con các xóm nghèo đủ màu da, có khi vì bệnh hoạn không thể đến trường. Đây là một công trình đáng giá của các chuyên viên giáo dục, tâm lý, xã hội học, nhà văn, kể cả chuyên viên quảng cáo và các nhà báo chuyên viết cho nhi đồng từ 3 đến 7 tuổi, với sự hỗ trợ của Nhà nước.
- Còn ở các nước kia?
- Ở Nhật, hồi đó đáng chú ý nhất là cải cách nông thôn và nông nghiệp bằng Truyền hình. Còn ở Niger là một nước hồi đó hết sức nghèo, thất học nặng, trường tiểu học còn hiếm hoi vì một phần đất là sa mạc… Thế mà với sự cộng tác của các chuyên gia Pháp (sư phạm, xã hội học, tâm lý học, nhân chủng học, chuyên viên kỹ thuật…), sau 4 năm mày mò, họ đã tiếp cận 800 học sinh, 22 lớp Tiểu học sơ cấp bằng máy phát truyền hình đặt ngay trong vùng sa mạc. Trong khi các trường bình thường phải qua 5 năm mới xong chương trình Tiểu học thì bằng phương pháp truyền hình, chỉ cần có 3 năm đã hoàn tất mà kết quả lại chắc chắn và dồi dào hơn, nhờ những phương pháp đầy sáng tạo. Tôi đã được chứng kiến hiệu quả đó với nhiều thán phục.
- Còn ở Việt Nam, chị đã thực hiện những gì, kết quả ra sao?
- Đây cũng là một cơ may đặc biệt. Vào năm 1969, trung tâm giáo dục Truyền hình Đắc Lộ do một nhóm tu sĩ Dòng Tên sáng lập đã bắt đầu sản xuất một số chương trình thử nghiệm. Được đề nghị tham gia đóng góp cho nền giáo dục đại chúng mới mẻ này, cùng với ban Điều hành và đội ngũ biên tập, đạo diễn, diễn viên kịch nghệ, đoàn tôi đã thực hiện được nhiều loạt gắn liền với đời sống của quần chúng:
* Loạt "BÓNG MÁT GIA ĐÌNH" triển khai tâm lý giáo dục gia đình.
* Loạt "SỨC KHỎE LÀ VÀNG": giáo dục y tế, phòng bệnh, chữa bệnh, kể cả những bệnh phức tạp như phong cùi, ung bướu…
* Loạt "THỰC PHẨM VÀ CHÚNG TA": phương pháp dinh dưỡng bảo vệ sức khỏe.
* Loạt "BẢO VỆ HẠNH PHÚC": phương pháp kế hoạch hóa…
* Loạt "HỒN NƯỚC": lịch sử và địa lý đất nước.
* "SƠN CA": giáo dục thiếu nhi.
Các loạt trên được truyền đạt bằng kịch nghệ, để gây hứng thú, dễ cho đại đa số quần chúng tiếp thu rồi kể lại cho nhau nghe. Vì họ không thể ngồi nghe giảng dạy như học sinh trong trường lớp, chúng tôi đã thành lập một đội ngũ diễn viên cùng chúng tôi dựng kịch, kể cả hài kịch, có khi đệm cải lương. Công sức trí tuệ và tài năng phải đầu tư nhiều và kết quả đầy khích lệ.
- Các chương trình hữu ích đó có được đưa lên màn ảnh Truyền hình Sài Gòn hồi đó không? Có đến với các xóm nghèo, thôn quê xa xôi như chị mong muốn không?
- Thưa đây là một bế tắc lớn - Chúng tôi thì nhắm sản xuất những chương trình giáo dục khoa học cơ bản và nhân bản - như đã nêu trên - mà chính quyền hồi đó chỉ quan tâm đến các vấn đề chính trị, chiến tranh tâm lý… Nhưng không vì thế mà chúng tôi chịu bó tay. Chúng tôi lập những "câu lạc bộ Truyền hình" (Téléclub) với những nhóm đi chiếu dạo ở nhiều thí điểm, mang theo đủ thứ cần thiết, kể cả máy phát điện. Nhưng quan trọng nhất là "nhà giáo truyền hình" giúp khán - thính giả khai thác mọi khía cạnh hữu ích của vở kịch, nhất là tiếp thu phản ứng cùng ý kiến bổ sung của người xem. Điều này chúng tôi cho là cần thiết vì giáo dục không phải là nhồi nhét mà là một cuộc đối thoại liên tục giữa người nói và người nghe. Nhờ thế mà chúng tôi học được rất nhiều ở quần chúng, có khi được họ sửa sai nghiêm chỉnh rồi về chúng tôi soạn lại một vở kịch mới thỏa đáng hơn. Nhờ đó khán giả không còn là khán giả suông mà còn là "thầy dạy" cộng tác với chúng tôi. Họ là những "tác viên" chân chính. Có khi họ trở nên diễn viên sống động trên màn ảnh nữa.
- Như thế truyền hình Đắc Lộ đã đầu tư nhiều công sức, nhiều lương tâm và trí tuệ, có được ai giúp đỡ không?
- Chúng ta, đội ngũ Việt Nam là chính, nhưng được sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài: Ý, I Pha Nho, Canada, Pháp… góp ý với chúng tôi theo chuyên ngành của họ, và cũng cung cấp cho chúng tôi các phương tiện kỹ thuật cần thiết.
30.04.1975 Bước ngoặt lịch sử đất nước thống nhất
Tương lai của truyền hình Đắc Lộ sẽ thế nào đây?
Vì mục tiêu giáo dục phục vụ giới bình dân, chúng tôi rất hy vọng với chế độ mới chú trọng đặc biệt đến người dân lao động, sự góp sức của chúng tôi sẽ không phải là dã tràng xe cát. Thế là sau khi bàn bạc cùng quan quản trị điều hành Truyền hình Đắc Lộ, tôi được cử đi gặp ban tiếp quản Truyền hình giải phóng để nói lên thiện chí của chúng tôi. Tôi đạp xe đạp đến đài. Tới chân cầu thang, tôi đối diện với một người mặc binh phục ao xanh bộ đội - đứng gác. Người ấy đưa tôi lên gặp giám đốc Huỳnh Văn Tiểng. Đố quý độc giả người "lính gác cầu thang" đó là ai? Thưa, anh Đặng Trung Hiếu.
Thế là những cuộc trao đổi bắt đầu. Đài cử người sang thăm cơ sở và xem các loạt chương trình đã được thực hiện. Người ấy (tôi không còn nhớ rõ là ai) tỏ ra hết sức ngạc nhiên là kho băng của chúng tôi không hề đề cập mảy may đến tôn giáo (mặc dầu ban lãnh đạo hầu như toàn là tu sĩ) mà lại tập trung nâng cao kiến thức và phẩm giá giới nghèo, giới lao động là chính.
Đầu tháng 10/1975, Truyền hình Đắc Lộ được tiếp quản với tên Truyền hình giải phóng cơ sở 2, sau những lần gặp gỡ hữu nghị giữa ban Giám đốc, giúp tôi làm quen, tiếp cận với "chú Tiểng", với anh Lý Văn Sáu, anh Hồ Vĩnh Thuận, anh Khái Hùng, chị Cúc, chị Bảy, anh Đặng Trung Hiếu, anh Phạm Khắc, anh Trần Vĩnh An, anh Phạm Văn Bảo, anh Dương Minh Nguyên, để chỉ nhắc lại những người mà tôi được biết nhiều hơn. Lúc đó anh Hồ Vĩnh Thuận là Giám đốc cơ sở 2, anh Khái Hùng trưởng phòng chuyên môn và tôi là phó phòng. Với sự hướng dẫn và cộng tác nhiệt tình của anh Khái Hùng thường để tôi chủ động sáng tác, cùng với nhân viên Đắc Lộ cũ tiếp tục làm việc, một số chương trình đã được lên màn ảnh, hướng về giáo dục thiếu nhi:
Em yêu đất nước
Em yêu khoa học
Đèn xanh đèn đỏ
Khéo tay hay làm…
Rồi một hôm với sự khuyến khích của anh Tiểng và nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đến thăm cơ sở II, chúng tôi dựng một tổ rối biểu diễn kịch giáo dục cho thiếu nhi. Thời gian đầu lao vào công việc trên, tôi cũng phải thử nghiệm mày mò về nội dung lẫn cách thể hiện. Một số câu hỏi lại được đặt ra cho tôi.
- Là nữ tu Công giáo, sao chị lại đi theo đảng "Cộng Sản"?
- Thưa, đâu có ai buộc tôi vào Đảng trong khi làm công tác ở đây! Đối với tôi, ở đâu mà phục vụ đất nước được, xây dựng được tình đoàn kết dân tộc, sống được tinh thần "Vì Mọi Người" là tôi không ngại.
Lại một người khác hỏi:
- Đài truyền hình giải phóng là một cơ quan tuyên truyền là một cơ quan tuyên truyền tác chiến quan trọng, chị có "ý đồ" gì mà giữ chức phó phòng chuyên mục?
- Đúng là tôi có ý đồ, một ý đồ thôi, đó là hòa mình vào ngọn triều xây dựng quê hương thống nhất, sau những năm dài chiến tranh - Tôi mong góp phần bé bỏng của mình hàn gắn những vết thương của đất nước đã bị phân đôi lâu ngày, tin rằng chỉ có hòa giải thâm sâu trong tâm khảm mới có hòa bình bền vững, thống nhất dài lâu.
- Nhưng trong thực tế chị thể hiện ý muốn đó bằng cách nào?
- Trước hết qua tương quan hàng ngày với cán bộ, nhân viên, tôi thể hiện tình đồng nghiệp chân thành, vui tươi, sẵn sàng hết mình làm những gì hữu ích, dù nhỏ, dù lớn, tôn trong mọi người. Đặc biệt qua nội dung các chương trình giáo dục thiếu nhi, tôi gắng triển khai các giá trị nhân bản: tình người, tình đoàn kết dân tộc, tính xả kỷ, vị tha, tinh thần trách nhiệm v.v…
- Chị gặp khó khăn gì không trong công tác đó?
- Lẽ tất nhiên, vạn sự khởi đầu nan. Nhưng với thời gian, chân trời mở rộng, một số đề tài đức dục rất được khuyến khích: lòng hiếu thảo, tình nhân đạo, thứ tha, tương trợ, sự trung tín v.v… Ngày qua ngày, sự tín nhiệm của ban lãnh đạo cũng như đồng nghiệp thêm rõ nét. Ban Giám đốc đề xuất tôi kêu gọi sự hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức nước ngoài, phần đông là tổ chức Công giáo. Qua những tiếp xúc giao lưu với Ban Giám đốc, họ đã có nhiều thiện cảm với đài và họ đã đặt tôi làm một ít phim, băng để chiếu ở Pháp, Cuba, Châu Âu.
- Chị có thể cho biết những loại phim nào không?
- Có phim (hồi đó dùng phim nhiều hơn băng vidéo) về Đồng bằng sông Cửu Long, về Trung tâm Nhi khoa thành phố, hợp tác xã thủ công Nhà Bè, đặc biệt là một phim tổng hợp các môi trường phục vụ của các nữ tu TP.HCM trên địa bàn giáo dục, y tế, xã hội, kể cả canh nông, lương thực, thủ công mây tre lá!
Phim đó, mang tên 'VÌ MỌI NGƯỜI", được bạn bè nước ngoài rất hoan nghênh. Đối với tôi đó là một kỷ niệm rất đẹp, vì nó nói lên ý nghĩa cuộc sống của giới nữ tu, đồng thời "VÌ MỌI NGƯỜI" cũng là châm ngôn vàng ngọc của một xã hội muốn phá vỡ mọi tường rao ngăn cách để bắc những nhịp cầu thông cảm, đoàn kết, đa sắc đa diện nhu một chiếc cầu vồng vĩ đại báo hiệu mặt trời tỏa rạng khắp non sông, đại đồng nhất thể.
Cuốn phim "VÌ MỌI NGƯỜI" đó đã kết thúc với bản hợp xướng "Người nữ tu hôm nay" do tôi biên soạn và được nhạc sĩ Hùng Lân phổ nhạc. Bản hợp ca này được trình diễn ở Nhà hát Thành phố để vận động cứu trợ bão lụt đầu năm 1979, với một ca đoàn nghiệp dư gồm 30 nữ tu thuộc 10 Dòng tu khác nhau đã mạnh dạn bước lên sân khấu (lần đầu tiên trong đời!). Hàng đầu khán giả có những khuôn mặt đáng kính: Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình, Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt… đã tặng những tràng pháo tay dài đầy khích lệ:
Người nữ tu hôm nay vui với Xuân dân tộc,
Lửa Tin yêu mạnh mẽ bốc lên cao.
Đây: Quê hương, Tình Chúa, Nghĩa đồng bào,
Niềm hy vọng dạt dào dâng sức sống.
Đã cống hiến đời mình cho Tình lớn,
VÌ MỌI NGƯỜI, ta phấn đấu không ngơi.
Tại công trường, nhà máy, khắp nơi nơi,
Chung khối óc, bàn tay, xây đời mới.
Ta mến Chúa, yêu Người, cùng đi tới,
Cho người người hạnh phúc sống bên nhau,
Cho non sông Xuân về thêm sáng chói,
Cho tình người thêm thắm thiết bền lâu.
M.T.

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top