Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 3 Mùa Chay, năm A (Ban phụng tự)
CHÚA NHẬT III MÙA CHAY
Xh 17,3-7; Rm 5,1-2,5-8; Ga 4, 5-42
ĐỨC KITÔ, NGUỒN NƯỚC CHO CƠN KHÁT CON NGƯỜI
“Ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa” (Ga 4,14)
***
I. CÁC BÀI ĐỌC
Kinh nghiệm sống đức tin của người Kitô hữu tương tự như kinh nghiệm của Đức Giêsu được mô tả trong hai bài Tin Mừng của Chúa Nhật I-II Mùa Chay, đó là trung thành tiến bước đến cùng Chúa Cha để đạt đến cùng đích tối hậu là cuộc biến hình vinh hiển. Hành trình này sẽ khả thể với một điều kiện: lắng nghe và bén rễ sâu trong lời Chúa dạy, và chấp nhận những đòi hỏi từ đó.
Phụng vụ của các Chúa Nhật Mùa Chay tiếp theo giúp người tín hữu sống lại những thời khắc quan trọng của đời mình, đó là thời gian mà giờ đây những người dự tòng được trợ giúp nhận ra những đòi hỏi thâm sâu để được biến đổi trở về với Đức Kitô, qua những dấu chỉ như nước, ánh sáng và sự sống. Vì thế ba Chúa Nhật cuối của Mùa chay, theo truyền thống của Giáo hội, được gọi là hành trình cho người dự tòng, bởi gắn liền với ba bài giáo huấn được chuẩn bị dành riêng cho họ để chuẩn bị lãnh nhận bí tích rửa tội trong đêm vọng Phục sinh. Bởi thế, ba bài Tin Mừng cho ba Chúa Nhật được trích từ Tin Mừng Gioan tương ứng với ba thời khắc quan trọng về niềm tin vào Đức Giêsu:
- Chúa Nhật III: Chúa Giêsu đối thoại với người phụ nữ Samaria (Ga 4,5-42): Đức Giêsu là nước hằng sống.
- Chúa Nhật IV: Chúa Giêsu chữa người mù từ thuở mới sinh (Ga 9,1-41): Đức Giêsu là ánh sáng thế gian.
- Chúa Nhật V: Chúa Giêsu làm cho anh Lazarô sống lại (Ga 11,1-45): Đức Giêsu là sự sống lại và là sự sống.
Trong Chúa Nhật III này, phụng vụ Lời Chúa cách riêng giúp chúng ta sống lại kinh nghiệm nền tảng của bí tích Rửa tội, với biểu tượng nước tái sinh, nước mang lại sự sống mới. Nước còn là điểm hội tụ và gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người, trong đó ta sẽ bắt gặp những thỉnh cầu của con người và sự đáp trả của Thiên Chúa. Vì thế cả ba bài đọc Chúa Nhật III mùa Chay này đều đưa ra biểu tượng nước với ý nghĩa sâu xa của nó.
1. Bài đọc 1
Theo truyền thống Kinh Thánh, Thiên Chúa chính là nguồn nước hằng sống. Vì thế, một khi rời xa Người cùng với những điều luật, con người sẽ gặp phải những hạn hán tồi tệ (x. Gr 2,12-13; 17,13). Trong hành trình đầy gian khó hướng về tự do nơi miền đất hứa, trong cơn cháy khát của sa mạc, dân Israel đã thử thách Chúa, đòi Người phải ra tay cứu giúp họ như là một quyền của họ, và họ đã than trách những việc làm của Môsê và xem ông phải chịu trách nhiệm cho cuộc mạo hiểm không lối thoát này. Dân chúng tiếc nuối về quá khứ và chối từ tương lai, xem đó như là một sự hão huyền. Họ chiếm quyền của Thiên Chúa, đòi buộc Người phải ra tay làm phép lạ để giải quyết khó khăn của họ. Nhưng Thiên Chúa đã chối từ kiểu đòi hỏi này. Tuy vậy, Người đã chứng minh là đã không bỏ mặc dân Người: Người đã bảo đảm cho họ nguồn nước để giải cơn khát của họ để họ nhìn nhận nơi Người là Đấng cứu thoát họ và để họ học biết tin tưởng vào Người.
2. Bài Tin Mừng
Trong bài Tin Mừng, chúng ta thấy một người nữ Samaria ra giếng Giacóp lấy nước vào buổi trưa: người nữ này đang khát. Nơi đó ta cũng thấy Đức Giêsu sau một hành trình mệt nhọc, Người ngồi bên giếng nước, từ tốn trò chuyện với người nữ Samaria và nói với cô ta: “xin chị cho tôi uống nước”: Đức Giêsu cũng đang khát. Nơi Đức Giêsu ta thấy một con người đang khát và cần đến nước, và Người đã xin nước để uống. Thánh Grêgôriô thành Naziazênô có nói: “Thiên Chúa khát con người để con người khát Thiên Chúa”. Đức Giêsu khát nước, nhưng không chỉ thế, như Người nói tiếp ở sau, đó là Người khát và đói thi hành ý muốn của Chúa Cha, và hoàn tất công trình của Người” (x.Ga 4,34), đó là cứu tất cả mọi người bằng việc hiến tế chính mình trên thánh giá. Ở đó Người lập lại lần cuối: “ta khát” và “mọi sự đã hoàn tất”, và từ cạnh sườn Người máu và nước chảy ra (x. Ga 19,28-30). Ở đây Đức Giêsu khao khát cứu người nữ Samaria, bởi chính Người là nguồn nước hằng sống, và người nữ này, mặc dù trải qua nhiều bối rối và ngạc nhiên, cuối cùng cũng đón nhận hồng ân tái sinh bởi nước hằng sống mà Đức Giêsu ban cho, và từ đây chị trở thành thụ tạo mới và không bao giờ còn khát nữa.
Thêm nữa, tảng đá mà hôm xưa Môsê đã làm cho nước tuôn chảy ra là dấu chỉ của việc Thiên Chúa quan phòng, luôn đồng hành với dân Người và ban sự sống. Thánh Phaolô trong thư I gởi cho Côrintô sau này sẽ giải thích rằng tảng đá ấy là chính Đức Kitô, đã hoạt động cách huyền nhiềm ngay từ những sự kiện đó: “ Tất cả cùng uống một thức uống linh thiêng, vì họ cùng uống nước chảy ra từ tảng đá linh thiêng vẫn đi theo họ. Tảng đá ấy chính là Đức Kitô” (1Cr 4,1). Đức Kitô còn là Đền thờ, mà từ đó, theo các ngôn sứ (x. Ed 47, Dcr 13,1), vọt lên nguồn nước, dấu chỉ của Thánh Thần, Đấng ban sự sống. Ai khát có thể kín múc nơi Người cách nhưng không (x. Ga 7,37-39) và sẽ không còn khát nữa, bởi chính Người sẽ trở thành một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.
3. Bài đọc 2
Bài đọc 2 trích thư Thánh Phaolô gởi cho các tín hữu Rôma đã làm rõ ý nghĩa bài Tin Mừng. Lời hứa ban nước hằng sống trở thành hiện thực nơi sự Phục sinh của Đức Giêsu, bởi từ cạnh sườn Người tuôn trào “máu và nước”. Con người Đức Giêsu trở thành suối nguồn tuôn trào nước Thánh Thần, nghĩa là tình yêu của Thiên Chúa đã đổ vào lòng chúng ta trong ngày lãnh nhận bí tích rửa tội. Tình yêu này đã thanh tẩy và mang lại cho chúng ta sự sống mới ngay khi khi chúng ta còn chưa có ý thức đáp trả. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần chúng ta trở nên một với Đức Kitô, con Thiên Chúa, trở thành những người thờ phượng Chúa Cha cách đích thật. Vì thế, cuộc sống Kitô hữu là một kinh nghiệm sống tình con thảo với Thiên Chúa. Bởi thế, như người nữ Samaria, chúng ta cũng cần biết cảm nghiệm tình yêu của Thiên Chúa dành cho ta và kể lại cho các anh chị em những điều mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi chúng ta, và cũng như những người đồng hương của chị, chúng ta cùng chạy đến với Người để tuyên xưng rằng Người là Đấng cứu độ thế gian, chính Người sẽ làm dịu mọi cơn khát của con người chúng ta.
II. GỢI Ý SUY NIỆM
1. Thẳm sâu nơi con người luôn chất chứa những khát vọng cháy bỏng về những giá trị nền tảng như chân, thiện, mỹ cùng với những giá trị siêu nhiên. Và chính trong cơn khát đó, giống như người nữ Samaria, dù sống trong cảnh tội lỗi, nhưng tôi có ao ước đối thoại cùng Chúa và mở lòng để đón nhận hồng ân hoán cải và những giá trị Người ban để lấp đầy đời tôi không?
2. Là những người Kitô hữu đã lãnh nhận bí tích rửa tội, tôi có ý thức đang sở hữu nơi mình nguồn nước trường sinh chính là Đức Kitô, nguồn mạch mọi ơn thánh tôi đang có, để tôi làm mới lại nguồn nước ấy bằng chính đời sống canh tân của tôi không?
3. “Họ ra khỏi thành và đến gặp Người”. Để gặp gỡ Đức Kitô, Đấng cứu độ, dân thành Samaria đã rời khỏi thành mình. Vậy với lời mời gọi canh tân đời sống, nhất là trong Mùa Chay thánh này, tôi có dũng cảm rời khỏi thành trì của mình không?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa yêu thương và muốn tặng ban cho chúng ta nguồn sống là chính Con Một yêu dấu của Người. Trong tâm tình cảm tạ và với khao khát nên công chính để được sự sống đời đời, chúng ta cùng hiệp ý dâng lời cầu nguyện:
1. Tình yêu Thiên Chúa là nền tảng cho niềm cậy trông của con người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh biết tận dụng thời gian của mùa Chay để sám hối trở về với Chúa, và luôn là chứng tá sống động cho tình yêu của Chúa giữa thế giới hôm nay.
2. Thiên Chúa sẽ ban ơn cứu độ là sự sống đời đời cho mọi người khao khát Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các dân tộc và những ai chưa nhận biết Chúa luôn khao khát tìm kiếm những điều thiện hảo, tích cực sống ngay lành để được muôn phúc lộc và bình an.
3. Nhờ đức tin và bí tích Rửa tội, người ta được dẫn đưa vào đời sống ân sủng. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi kitô hữu biết ý thức củng cố và nuôi dưỡng đức tin, luôn gắn bó mật thiết với Đức Kitô qua đời sống cầu nguyện và siêng năng lãnh nhận các bí tích.
4. Thiên Chúa muốn chúng ta thờ phượng Người trong thần khí và sự thật. Xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta ngày càng trưởng thành hơn trong đời sống đạo, luôn dấn thân trong mọi sinh hoạt của cộng đoàn và tích cực tham gia các hoạt động bác ái xã hội.
Chủ tế: Lạy Chúa là Đấng cứu độ và là Cha chúng con, xin nhận lời chúng con cầu nguyện và ban ơn Thánh Thần, giúp chúng con biết thờ phượng và phụng sự Chúa cho phải đạo, hầu đáng hưởng sự sống muôn đời mà Chúa hứa ban qua Đức Giêsu Kitô. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020