Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 3 Mùa Vọng, năm A
CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG A
(Is 35,1-6a.10; Gc 5,7-10; Mt 11,2-11)
NIỀM HY VỌNG CỨU ĐỘ
“Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11,4-5).
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I
Đoạn sách ngôn sứ Isaia đem lại cho dân đang chịu cảnh lưu đày niềm khích lệ và hy vọng về cuộc trở về Giêrusalem trong niềm vui vô bờ. Chính Thiên Chúa mang lại niềm vui và hy vọng cho dân Ngài, ngay cả trong hoàn cảnh bi đát nhất.
Trước hết, ngôn sứ nhấn mạnh đến sự biến đổi kỳ diệu của thiên nhiên: sa mạc, đồng khô cỏ cháy và đất hoang hãy trổ bông; khóm huệ hãy tưng bừng nở hoa (35,1-2a). Sự biến đổi của thiên nhiên, một đàng, mang lại niềm vui và sự hy vọng, đàng khác, là dấu hiệu để thiên hạ nhận ra vẻ huy hoàng, rực rỡ của Thiên Chúa. Quả vậy, nhìn vào vẻ đẹp của thiên nhiên, người ta nhận ra bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, Đấng đem lại cho thiên nhiên một sự biến đổi kỳ diệu.
Sau nữa, trong hoàn cảnh bi đát của cuộc lưu đày, ngôn sứ lại loan báo một niềm hy vọng lớn lao: “Thiên Chúa của anh em đây rồi”! Sự hiện diện của Thiên Chúa làm cho những bàn tay rã rời nên mạnh mẽ, cho những đầu gối bủn rủn được vững vàng, cho kẻ nhát gan không còn sợ hãi, cho kẻ què được nhảy nhót như nai và miệng lưỡi người câm được reo hò (35,3-6a). Niềm hy vọng vào một Thiên Chúa “cứu độ” và “thưởng công phạt tội” đem lại cho dân đang lưu đày sự can đảm để đón nhận những nghịch cảnh mà hướng đến tương lai tươi sáng của cuộc trở về.
Cuối cùng, ngôn sứ mở ra quang cảnh của cuộc trở về. Theo đó, những ai được Thiên Chúa giải thoát sẽ trở về lại Giêrusalem trong tiếng hò reo, mặt mày rạng rỡ và hớn hở vui cười; đau khổ và nước mắt sẽ không còn nữa (35,10). Thiên Chúa sẽ thứ tha tất cả những lỗi phạm của dân, những lỗi lầm đã khiến họ xa Chúa mà chịu cảnh lưu đày. Ơn cứu độ của Thiên Chúa sẽ làm cho tất cả mọi khổ đau về cả thể xác lẫn tinh thần vỡ òa trong niềm vui ngày trở về lại Giêrusalem. Rồi đây dân Chúa phải nhận ra rằng, ngay cả trong hoàn cảnh bi đát nhất, Thiên Chúa không bỏ rơi dân Ngài vì Ngài thật là Đấng cứu độ.
2. Bài đọc II
Đoạn thư Giacôbê nhấn mạnh về sự cần thiết của tính kiên nhẫn khi chờ đợi ngày Chúa quang lâm.
Trước hết, để có thể chờ đợi ngày Chúa quang lâm, tác giả thư Giacôbên nêu lên mẫu gương của người nông dân. Trong khi chờ đợi cho đất sinh hoa màu quý giá, người nông dân phải chờ đợi cả mưa đầu mùa lẫn mưa cuối mùa. Vì sự quý giá của vụ mùa đối với cuộc sống của mình, họ sẵn sàng kiên nhẫn chờ đợi, dù thời gian có kéo dài. Cũng vậy, ngày Chúa quang lâm là phần thưởng quý giá đối với những ai tin tưởng trông đợi Ngài với tất cả sự kiên nhẫn.
Thêm vào đó, tác giả thư Giacôbê còn mời gọi hãy“chịu đựng và kiên nhẫn theo gương các vị ngôn sứ là những vị đã nói nhân danh Chúa” (5,10). Các vị ngôn sứ, vì tin chắc vào phần thưởng mà Chúa dành cho họ vào ngày Chúa trở lại, nên họ đã can đảm làm ngôn sứ nhân danh Chúa, dù có thể phải hy sinh mạng sống. Cũng vậy, tất cả những ai đang tin tưởng đợi chờ ngày Chúa quang lâm, hãy học gương kiên nhẫn của các ngôn sứ mà sẵn sàng chịu đựng những nghịch cảnh vì danh Chúa.
Sau nữa, tác giả khích lệ “hãy kiên nhẫn và bền tâm vững chí vì ngày Chúa quang lâm đã gần tới”(5,8). Như thế, lý do của việc kiên nhẫn và bền tâm đợi chờ là vì ngày Chúa đến đã gần kề, và chỉ những ai sẵn sàng chờ đợi, mới xứng đáng được vào dự tiệc Nước Trời (x. Mt 25,1-13). Hơn nữa, trong khi chờ đợi ngày Chúa quang lâm, thì “đừng phàn nàn kêu trách lẫn nhau để khỏi bị xét xử” (5,9). Thiên Chúa như “vị thẩm phán đang đứng ngoài cửa” và những ai sống tinh thần bác ái với nhau trong khi kiên nhẫn đợi chờ Ngài thì sẽ được ân thưởng trong ngày Ngài xét xử (x. Mt 25,31-46).
3. Bài Tin Mừng
Bài Tin Mừng tường thuật lại việc thánh Gioan Tẩy Giả gởi các môn đệ đến đặt câu hỏi với Chúa Giêsu. Câu trả lời của Chúa Giêsu cho thấy sứ mạng của Người trong thời đại mới, thời của Nước Trời.
Trước hết, dù đang ở trong tù, nhưng thánh Gioan Tẩy Giả vẫn dõi theo con đường sứ vụ của Đức Giêsu thông qua các môn đệ của mình. Khi nghe biết những việc làm của Chúa Giêsu xem ra không giống với “Đấng quyền thế” mà ông loan báo trước đây (x. Mt 3,10-12), có lẽ thánh nhân muốn tìm hiểu cặn kẽ hơn: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11,3). Hoặc có thể ông muốn các môn đệ của ông, những người chưa thật sự hiểu sứ mạng của Chúa Giêsu (x. Ga 3,26), chứng kiến tận mắt những việc làm của Người, để tự các môn đệ tìm cho mình câu trả lời. Dù thế nào thì câu hỏi của thánh Gioan Tẩy Giả là dịp để Chúa Giêsu mạc khải rõ hơn về sứ mạng của Người.
Thật vậy, câu trả lời của Chúa Giêsu cho các môn đệ của ông Gioan Tẩy Giả mạc khải về sứ mạng của Người. Khi chứng kiến “người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng”, các môn đệ của thánh Gioan Tẩy Giả hiểu được rằng vai trò Mêsia của Chúa Giêsu không mang tính chính trị và quyền uy theo kiểu trần thế, nhưng phục vụ và cứu giúp những người đau khổ, bệnh tật, nghèo hèn với lòng xót thương; và phúc cho những ai không hiểu sai mà “vấp ngã” vì điều đó (x. Mt 11,6).
Ngoài ra, Chúa Giêsu cũng nhân cơ hội này khen ngợi ông Gioan Tẩy Giả. Quả vậy, ông Gioan Tẩy Giả không chỉ là một người có đời sống khổ hạnh trong sa mạc (11,7-8), nhưng trên hết là một vị ngôn sứ trổi vượt hơn bao vị ngôn sứ khác vì mang sứ mạng dọn đường cho Đấng Cứu Thế (11,9-10). Tuy nhiên, dù mang sứ mạng cao cả, dù được coi là “cao trọng” hơn cả trong số “phàm nhân lọt lòng mẹ”, thánh Gioan Tẩy Giả cũng chỉ là “người dọn đường” cho Đấng Cứu Thế là Đức Giêsu, Đấng đến để khai mạc một thời mới, thời của Nước Trời, thời trổi vượt trên tất cả những gì thuộc quá khứ dưới chế độ Luật Môsê (x. 11,12-13).
II. GỢI Ý ÁP DỤNG:
1/ Ngôn sứ Isaia loan báo về một niềm vui lớn lao cho dân Chúa đang chịu cảnh lưu đày: Thiên Chúa của anh em đây rồi! Ngài vẫn ở giữa họ. Giữa những chán nản và thất vọng, sự hiện diện của Ngài khơi lên niềm vui và hy vọng được trở về Giêrusalem. Như đất khô cằn gặp được nguồn nước bỗng nảy lên sự sống, dân Chúa hãy reo vui nhảy múa vì có Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ hằng ở với họ, ngay cả trong những lúc bi đát nhất. Trong những lúc khó khăn, chán nản, thất vọng, tôi có nhận ra sự hiện diện của Chúa trong đời tôi? Thiên Chúa có là nguồn vui, và là nguồn sức sống cho cuộc đời của tôi?
2/ Thánh Giacôbê mời gọi sống kiên nhẫn và đừng kêu trách lẫn nhau để khỏi bị xét xử trong ngày Chúa quang lâm. Trong cuộc sống vội vã và thực dụng của thế giới hôm nay, ngày Chúa quang lâm có lẽ chỉ còn là một khái niệm xa xỉ. Tôi có đang chờ ngày Chúa quang lâm? Chờ với thái độ nào? Việc chờ đợi Chúa quang lâm có làm cho cuộc sống hiện tại của tôi thêm ý nghĩa?
3/ Thánh Gioan Tẩy Giả và các môn đệ của ông, cũng như những người đương thời với Chúa Giêsu đang trông chờ một Đấng Mêsia, nhưng họ không nhận thấy nơi Chúa Giêsu những phẩm chất của Đấng Cứu Độ mà họ mong mỏi nên đâm ra nghi ngờ. Tác giả Mátthêu xác quyết rằng Đức Giêsu không phải là Đấng Cứu Độ theo kiểu chính trị trần thế, mà là Đấng đến để cứu những người nghèo hèn, khốn khổ, bất hạnh. Tin Mừng cứu độ dành cho tất cả mọi người, đặc biệt cho những kẻ thấp kém, tội lỗi và bị xã hội loại trừ. Đức Kitô có thật sự là Đấng Cứu Độ của tâm hồn tôi? Tôi có thể làm gì để nối dài sứ mạng cứu độ của Đức Giêsu ở giữa trần gian này?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Việc trông đợi Chúa đến thắp lên nơi chúng ta niềm vui thánh thiện. Phụng vụ hôm nay vang lên lời mời gọi của thánh Phaolô: “Anh em hãy vui lên trong Chúa.” Với tâm tình hân hoan phấn khởi, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin.
1. “Hãy về thuật lại cho Gioan những điều mắt thấy tai nghe.” Chúng ta cùng cầu xin cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh luôn gắn bó mật thiết với Chúa Kitô, biết dùng lời nói cùng việc làm cụ thể để giới thiệu quyền năng và lòng Chúa thương xót cho thế giới hôm nay.
2. “Này Ta sai sứ thần Ta đi trước mặt con, để dọn đường sẵn cho con.” Chúng ta cùng cầu xin cho các nhà lãnh đạo trên thế giới trở nên công cụ hữu hiệu loan báo tình thương cứu độ của Thiên Chúa, qua những hoạt động bảo vệ nhân quyền và gìn giữ hòa bình.
3. “Anh em hãy bền chí và vững tâm, vì Chúa đã gần đến.” Chúng ta cùng cầu xin cho những Kitô hữu đang bị khủng hoảng trong đức tin, mất hướng trong cuộc sống, luôn cảm nhận được sự hiện diện và đồng hành của Chúa, hầu mau chóng tìm lại niềm tin và hy vọng.
4. “Người nhỏ nhất trong nước trời còn cao trọng hơn Gioan.” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết nỗ lực để xứng đáng chung hưởng niềm vui nước trời bằng một đời sống chứng tá, luôn quảng đại chia sẻ và hiệp thông với mọi người.
Chủ tế: Lạy Chúa, Chúa đã sai Con Một Chúa đến thắp sáng cuộc đời chúng con. Xin thương nhận lời chúng con cầu nguyện, và giúp chúng con trở nên những người loan báo niềm vui cứu độ cho thế giới. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020