Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 30 Thường Niên - Năm A
CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN A
Xh 22,20-26; 1Tx 1,5c-10; Mt 22,34-40
THIÊN CHÚA, CHUẨN MỰC CỦA MỌI SỰ
“Nếu ngươi ức hiếp mà nó kêu cứu Ta,
ắt Ta sẽ nghe tiếng nó kêu cứu” (Xh 22,22)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I - Xh 22,20-26
Đây là một trong những nội dung chính của bộ luật giao ước mà Thiên Chúa đã ban cho dân Israel qua trung gian ông Môsê. Bài đọc I đề cập tới bốn khoản luật liên quan đến cách ứng xử đối với: người ngoại kiều, mẹ góa con côi, con nợ nghèo và kẻ đi cầm cố. Nội dung của cả bốn khoản luật cho thấy rõ nền tảng chi phối mọi khoản luật chính là Thánh ý của Thiên Chúa. Ngài luôn đứng về phía những người ‘thấp cổ bé miệng’, những kẻ bị loại trừ, những hạng ở bên lề xã hội.
Khi khẳng định với dân: ‘Không được ngược đãi và áp bức người ngoại kiều vì chính các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Ai cập.’ Đức Chúa muốn nhắc nhở họ rằng: nếu Ngài không ra tay can thiệp thì chắc chắn dân Israel đã không thể thoát khỏi kiếp nô lệ bên Ai cập.
Khoản luật: không được ức hiếp mẹ goá con côi. Những con người được xếp vào hạng ‘cùng đinh’ trong xã hội do thái. Cuộc đời của họ dường như không còn ai để nương tựa, không còn gì để bám víu. Và vì thế, chính Đức Chúa luôn đứng về phía họ, ủng hộ và là tiếng nói của họ.
Còn trường hợp: một người nghèo vay tiền, thì ngươi không được xử với nó như chủ nợ, không được bắt nó trả lãi. Thật là ‘bất công’ khi cho vay mà không được gọi là chủ nợ, hay cho vay mà không được lấy lãi! Điều cần lưu ý ở đây chính là: đối tượng vay. Họ là những người nghèo. Họ vay để giải quyết cái đói trước mắt. Sự sống còn chính là ưu tiên một vượt lên trên tất cả mọi khoản luật khác.
‘Nếu ngươi giữ áo choàng của người khác làm đồ cầm, thì ngươi phải trả lại cho nó trước khi mặt trời lặn.’ Trong khoản luật này Đức Chúa cũng không hề đề cập tới việc trả lãi. Đơn giản chỉ vì ‘Nó chỉ có cái đó để đắp, để làm áo che thân; nó sẽ lấy gì mà ngủ?’ Đối với Chúa, nhu cầu sống còn của con người vẫn luôn là ưu tiên trên hết mọi luật ưu tiên.
2. Bài đọc II - 1Tx 1,5c-10
Đây là một đoạn thư tỏ rõ thái độ hài lòng của thánh Phaolô về cách ăn nết ở của cộng đoàn tín hữu tại Thêxalônica. Thánh nhân nêu bật mấy điểm chính:
1. Anh em đã bắt chước chúng tôi và noi gương Chúa, khi đón nhận lời Chúa giữa bao nỗi gian truân với niềm vui do Thánh Thần ban.
2. Anh em đã trở nên gương sáng cho người khác qua việc đón tiếp niềm nở, qua việc từ bỏ ngẫu tượng để quay về phụng sự Thiên Chúa đang khi đợi chờ Con của Người trở lại trong vinh quang.
Đây là những nỗ lực nhằm diễn tả một đức tin sống động trong tương quan với Thiên Chúa, mặt khác những nỗ lực này cũng là để diễn tả một thao thức loan báo Tin mừng cho muôn dân.
3. Bài Phúc âm - Mt 22,34-40
Qua bài Tin Mừng của Chúa nhật tuần trước, thánh Matthêu cho thấy những người Pharisêu muốn cấu kết với phe Hêrôđê để nhất tâm hãm hại Đức Giêsu. Trong bài tin mừng hôm nay, sau khi nghe tin Chúa Giêsu đã làm cho nhóm Sađôc phải câm miệng, thì một lần nữa nhóm Pharisêu lại nhóm họp để thử Đức Giêsu. Họ quyết định chọn một người thông luật trong số họ để nghiên cứu đấu pháp đối đầu Đức Giêsu.
Câu hỏi người thông luật đặt ra không chỉ nan giải cho Đức Giêsu mà còn là điểm rất nóng của các cuộc tranh luận chưa có hồi kết giữa các thầy rapbi. Thật là nan giai để có thể tìm ra trong số 613 khoản luật, gồm 248 điều truyền và 365 điều cấm, điều nào là trọng nhất!
Câu trả lời của Chúa Giêsu gồm hai phần:
a. Tương quan hàng dọc: Điều răn quan trọng nhất và đứng hàng đầu: được trích lại trong kinh Shema của sách Dnl 6,5, nhấn mạnh Thiên Chúa phải là đối tượng duy nhất và tuyệt đối trong tình yêu của con người.
b. Tương quan hàng ngang: Điều răn thứ hai cũng giống điều răn thứ nhất: được trích lại từ sách Lv 19,18: nhấn mạnh việc ‘thương người như thể thương thân.’
Chúa Giêsu đã không ngần ngại quả quyết: hai điều răn này gồm tóm cả ‘Lề Luật và các sách ngôn sứ’, kiểu nói để diễn tả ý tưởng trọn vẹn cả cựu ước.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Tính công bằng trong các khoản luật, được bài đọc I đề cập tới, không đặt nền tảng trên tính logic của vấn đề được đặt ra, nhưng đặt nền trên thánh ý của Thiên Chúa. Thiên Chúa chính là chuẩn mực cho mọi quy chiếu về tính công bằng trong mối tương quan của cuộc sống con người. Trong mỗi phán đoán trước khi hành động, logic của tôi đặt nền trên tiêu chuẩn đánh giá của con người hay của Thiên Chúa?
2. Hành trình đức tin của cộng đoàn tín hữu Thêsalonica trải qua các bước: lãnh nhận toàn bộ đức tin từ thế hệ đi trước – trung thành gìn giữ đức tin và kiếm tìm những phương thế giúp đức tin đáp ứng mọi nhu cầu thời đại – thông truyền nguyên vẹn đức tin cho thế hệ tương lai. Những nỗ lực ấy đã giúp cho các tín hữu sống đức tin một cách sống động và trọn vẹn nhất.
3. Nội dung của điều răn trọng nhất, theo Chúa Giêsu, đặt nền trên một tình yêu với hai đối tượng: + Đối với Thiên Chúa: yêu trọn vẹn và tất cả; + Đối với anh chị em: yêu như chính mình. Tình yêu của mỗi người dành cho hai đối tượng này tỷ lệ thuận với nhau. Tình yêu Thiên Chúa phải luôn là nền tảng thúc đẩy làm phát sinh tình yêu dành cho tha nhân. Thế nên “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối” (1Ga 4,20).
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Giới răn mến Chúa yêu người là trọng tâm giáo huấn của Đức Kitô và là nền tảng của đời sống kitô hữu. Với khao khát nên hoàn thiện và quyết tâm thực thi điều Chúa dạy, chúng ta cùng thành tâm dâng lời nguyện xin.
1. Cầu cho công cuộc rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các thành phần trong Hội Thánh luôn tích cực trở nên dấu chỉ tình thương và sự hiện diện của Thiên Chúa giữa thế giới hôm nay, hầu giúp cho nhiều người đón nhận niềm vui Tin Mừng, cùng tin nhận một Thiên Chúa duy nhất và chân thật.
2. Cầu cho sự phát triển và bình an của thế giới. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trên thế giới, cách riêng tại những vùng đang có chiến sự, biết vượt qua những khác biệt về sắc tộc, văn hóa, hay tôn giáo, để luôn sống tinh thần tương thân tương ái, cùng nhau xây dựng một thế giới văn minh và hòa bình.
3. Cầu cho những người đang đau khổ và những hoàn cảnh bất hạnh. Chúng ta cùng cầu nguyện cho họ tìm được sự cảm thông, chia sẻ và đồng hành của nhiều tấm lòng quảng đại, để có thêm can đảm vượt qua mọi khó khăn thử thách, và luôn tràn trề hy vọng lạc quan trong cuộc sống hiện tại.
4. Cầu cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta. Xin cho giới răn “mến Chúa yêu người” luôn khắc ghi trong tâm hồn và thấm nhập vào cuộc sống của mỗi người chúng ta, giúp chúng ta biết dành ưu tiên cho những sinh hoạt đạo đức, nhưng cũng luôn dấn thân trong các hoạt động bác ái.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là nguồn mạch tình yêu và chân lý, xin nhậm lời chúng con cầu nguyện và ban ơn trợ giúp, để chúng con luôn hết lòng phụng sự Chúa và yêu thương tha nhân như Đức Giêsu Kitô, Con Chúa truyền dạy. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020