Phụng Vụ Lời Chúa: Chúa Nhật Chúa Thăng Thiên, năm A
CHÚA NHẬT LỄ THĂNG THIÊN
(Cv 1,1-11; Ep 1,17-23; Mt 28,16-20)
TRAO SỨ VỤ
“Vậy anh em hãy đi
và làm cho muôn dân trở thành môn đệ,
làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha,
Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1:
Đoạn sách Công vụ Tông đồ cho thấy một sự chuyển tiếp sứ mạng từ Chúa Giêsu sang cho các tông đồ qua trung gian của Chúa Thánh Thần.
Sứ mạng của Chúa Giêsu ở trần gian là “làm việc” và “giảng dạy” đã kết thúc khi Người chuẩn bị về trời. Để tiếp nối sứ mạng của mình, Người đã tuyển chọn, dạy bảo các tông đồ và căn dặn các ông hãy ở lại Giêrusalem mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa là chính Thánh Thần. Nhờ Thánh Thần mà Chúa Giêsu đã tuyển chọn các tông đồ, thì cũng nhờ Thánh Thần mà Người sai các ông ra đi làm chứng cho Người, khởi đi từ Giêrusalem và cho đến tận cùng trái đất.
Chúa Giêsu về trời đánh dấu sự chuyển tiếp sứ mạng từ Chúa Giêsu sang cho các tông đồ nhờ ơn Thánh Thần. Thật vậy, một khi lãnh nhận phép rửa trong Thánh Thần, các tông đồ không thể đứng “đăm đăm nhìn trời” mà nuối tiếc quá khứ, cũng không thể chỉ lo “khôi phục vương quốc Israel”, mà phải hướng về tương lai của sứ mạng làm “chứng nhân của Thầy”, sứ mạng loan báo Tin Mừng Phục Sinh, một sứ mạng khởi đi từ Israel mà vươn xa đến mọi nơi trên thế giới.
Như vậy, Chúa Giêsu về trời mở ra thời kỳ của Thánh Thần, của Hội Thánh mà các tông đồ là hạt nhân, một Hội Thánh có sứ mạng loan báo và làm chứng về Đức Kitô Phục Sinh cho tất cả mọi người ở mọi nơi trên thế giới.
2. Bài đọc 2:
Tác giả thư Êphêxô cầu xin Thiên Chúa ban cho các Kitô hữu ơn hiểu biết mầu nhiệm về Thiên Chúa, về vị thế của Đức Giêsu và về chương trình cứu độ được thực hiện nhờ Đức Giêsu Kitô.
Trước hết, Thiên Chúa đã dùng quyền năng của Ngài mà làm cho Đức Giêsu trỗi dậy từ cõi chết và đặt Người ngự bên hữu Thiên Chúa trên trời (x. Tv 110,1). Vì được Thiên Chúa siêu tôn qua cuộc phục sinh, địa vị của Đức Giêsu trên trời vượt trên mọi tước vị và mọi quyền lực thần thiêng. Ảnh hưởng của Người không chỉ trong thế giới hiện tại mà cả trong thế giới tương lai. Như thế, Đức Kitô Phục Sinh được Thiên Chúa tôn vinh cách trọn vẹn và viên mãn trong vị thế ngang hàng với Thiên Chúa trên trời.
Sau nữa, vị thế siêu tôn của Đức Giêsu trên trời là niềm hy vọng cho các Kitô hữu về “gia nghiệp vinh quang phong phú” mà họ được Thiên Chúa hứa ban nhờ Đức Giêsu. Thật vậy, Đức Giêsu Phục Sinh là đầu của toàn thể Hội Thánh cũng sẽ cho các chi thể là các Kitô hữu được chia sẻ sự sống viên mãn của Người. Đức Kitô, nhờ quyền năng Thiên Chúa mà chiến thắng sự chết và bước vào trong vinh quang phục sinh thế nào, thì các Kitô hữu, nhờ tin vào Thiên Chúa và công trình cứu độ trong Đức Kitô, cũng sẽ được thông phần vinh quang phục sinh thể ấy.
Tóm lại, tác giả thư Êphêxô cầu xin Thiên Chúa mạc khải cho các tín hữu hiểu rằng vinh quang và vị thế siêu tôn của Đức Giêsu trên trời là niềm hy vọng và là cùng đích cho cuộc sống của các Kitô hữu đang trên đường lữ hành trần thế.
3. Bài Tin Mừng:
Chúa Giêsu Phục Sinh hẹn gặp các môn đệ và trao cho các ông sứ mạng “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” nhân danh Chúa Ba Ngôi.
Chúa Giêsu Phục Sinh xuất hiện trên núi với vẻ uy nghi thần linh đến nỗi các môn đệ phải bái lạy Người. Người đã khai mạc Nước Trời trên núi (Mt 5,1), đã tỏ vinh quang Mêsia trên núi (Mt 17,1-8), nay Người cũng từ trên núi mà sai các tông đồ tiếp tục công việc Người đã khởi sự. Ngày xưa cũng từ trên núi, Chúa Giêsu đã từ chối quyền mà Xatan hứa trao cho Người trên “tất cả các nước thế gian và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy” (x. Mt 4,8-10), nay từ trên núi trong diện mạo của Đấng Phục Sinh, Người lại được trao “toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28,18). Quyền bính của Chúa Giêsu Phục Sinh bao trùm cả trời đất (x. Cv 13,33; Rm 1,4; Pl 2,5-11), nên người có tư cách trao lại cho các môn đệ sứ mạng thánh hóa muôn dân nhân danh Thiên Chúa.
Thật vậy, Chúa Kitô Phục Sinh sai các môn đệ ra đi tiếp nối sứ mạng của Người. Khởi đi từ Galilê, các môn đệ được sai đến với “muôn dân”, nghĩa là không chỉ dừng lại ở người Do Thái (x. Mt 10,5; 15,24) mà vươn xa đến mọi người trên thế giới (x. Mt 8,11; 21,41; 22,8-10; 24,14.30). Sứ mạng “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” bao gồm việc rao giảng, giúp họ sống theo tinh thần Tin Mừng và cử hành bí tích thánh hóa nhân danh Chúa Ba Ngôi, đặt họ trong mối tương quan với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Đây là một sứ mạng đầy khó khăn và thách đố đối với các thế hệ môn đệ, nên Chúa Giêsu Phục Sinh hứa sẽ hiện diện cùng các ông luôn mãi để giúp các ông chu toàn sứ mệnh được giao phó cho đến ngày tận thế. Là đấng Emmanuel, Chúa Giêsu Phục Sinh không để các môn đệ cô độc trên hành trình sứ vụ, vì Người là Thiên-Chúa-ở-cùng.
II. GỢI Ý ÁP DỤNG:
1/ Chúa Giêsu về trời mở ra thời kỳ của Thánh Thần, của Hội Thánh, một Hội Thánh có sứ mạng loan báo và làm chứng về Đức Kitô Phục Sinh cho tất cả mọi người ở khắp nơi trên thế giới. Như thế, bản chất của Hội Thánh là loan báo và làm chứng về Chúa Kitô Phục Sinh cho mọi người. Là một phần tử trong Hội Thánh, tôi cũng mang lấy sứ mạng đó. Tôi đã làm gì để loan báo Tin Mừng Phục Sinh? Tôi có thể làm gì để làm chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh?
2/ Tác giả thư Êphêxô cầu xin Thiên Chúa ban thần khí khôn ngoan để các tín hữu hiểu rằng vị thế siêu tôn và vinh quang của Đức Giêsu trên trời là niềm hy vọng và là cùng đích cho cuộc sống của các Kitô hữu đang trên đường lữ hành trần thế. Đức Kitô vinh thăng trên trời có là niềm hy vọng đích thật cho cuộc sống của tôi? Tôi sống niềm hy vọng đó thế nào?
3/ Tác giả Mátthêu kết thúc Tin Mừng bằng cuộc hẹn gặp của Chúa Giêsu với các môn đệ tại Galilê, nơi Người đã khởi đầu sứ vụ. Trong dáng vẻ uy nghi, Đức Kitô Phục Sinh trao cho các môn đệ sứ mạng ra đi và “làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Là môn đệ Chúa Giêsu, tôi có sẵn sàng ra đi giới thiệu Chúa cho “muôn dân” để họ cũng tin và được cứu độ? Tôi có cử hành bí tích nhân danh Chúa Ba Ngôi?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG:
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa đã đem Đức Giêsu Kitô về trời, đặt ngự bên hữu Người để luôn chuyển cầu cho Hội Thánh và cho từng người chúng ta. Vậy cộng đoàn chúng ta hãy tin tưởng dâng lời cầu nguyện:
1. Chúa Phục Sinh đã sai các môn đệ đi giảng dạy và làm phép rửa cho muôn dân. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn ý thức thực thi sứ mạng loan báo Tin mừng bằng một đời sống chứng tá, nên men muối giữa thế giới hôm nay.
2. Thiên Chúa đã khiến mọi sự quy phục dưới chân Đức Giêsu Kitô. Chúng ta cùng cầu xin cho những người còn xa lạ với Tin mừng được nghe biết và tin nhận Đức Kitô là Đấng cứu độ trần gian, và là con đường dẫn đưa nhân loại đến nguồn mạch sự thật và sự sống.
3. “Các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem.” Chúng ta cùng cầu xin cho những người đang hoạt động trong lãnh vực truyền thông biết tận dụng những phương tiện hiện đại với lương tâm ngay lành, để quảng bá tình thương và loan truyền chân lý.
4. Chúa nói: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn xác tín vào sự hiện diện của Chúa, và siêng năng đến kín múc năng lực thiêng liêng từ các bí tích, đặc biệt là phụng vụ Thánh Thể.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Con Chúa về trời đã mở đường hướng chúng con về quê hương đích thật. Xin nhậm lời chúng con cầu nguyện và luôn nâng đỡ chúng con trong nỗ lực dựng xây thế giới hôm nay, để chuẩn bị cho Nước Chúa trị đến. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020