Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật Giáng Sinh, năm A
LỄ GIÁNG SINH
Is 52,7-10; Dt 1,1-6; Ga 1,1-18 (Lễ ban ngày)
CON THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI
“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14)
I. CÁC BÀI ĐỌC
Khác với lễ đêm Giáng sinh, khi tường thuật biến cố sinh hạ Đức Giêsu tại Bêlem, phụng vụ thánh lễ Giáng sinh ban ngày với ba bài đọc rất hay lại dẫn dắt chúng ta vào trong mầu nhiệm thâm sâu của biến cố Con Thiên Chúa làm người.
1. Bài đọc I
Tiên tri Isaia trong bài đọc I đã công bố ngày Thiên Chúa ngự đến Sion: “Hỡi Giêrusalem điêu tàn hoang phế, hãy đồng thanh bật tiếng reo mừng, vì ĐỨC CHÚA an ủi dân Ngài, và cứu chuộc Giêrusalem”. Quả thật, đại lễ Giáng sinh được xem như là niềm vui và ủi an khôn tả cho tất cả mọi người chúng ta: Thiên Chúa đã tỏ bày cách gần gũi với chúng ta, thậm chí còn ở giữa chúng ta với hình hài của một hài nhi.
“ĐỨC CHÚA an ủi dân Ngài”. Điều này mạc khải tình yêu thâm sâu của Thiên Chúa. Nơi Ngài tràn đầy lòng trắc ẩn cho dân Ngài ngay cả khi họ bị luận phạt vì chính tội lỗi của mình.
“Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan tin…” Isaia làm cho chúng ta phải ngưỡng mộ và khâm phục những sứ giả của tin mừng, những người loan tin bình an, hạnh phúc và ơn cứu độ. Sau này, chính các thiên thần tại cánh đồng Bêlem cũng loan tin như thế: đó là tin mừng bình an: “bình an dưới thế cho người thiện tâm”, và tin mừng ơn cứu độ: “hôm nay Đấng cứu thế đã sinh ra cho chúng ta, Ngài là Đức Kitô, Đức Chúa”.
2. Bài đọc II
Bài đọc II trích thư gởi tín hữu Do thái đã cho chúng ta thấy sự vĩ đại của hài nhi này: đó chính là Con Thiên Chúa. Không như thời xa xưa, Thiên Chúa phán dạy qua trung gian của các tôi tớ Ngài, hay các ngôn sứ, nhưng giờ Ngài phán dạy bằng chính Con Một của Ngài. Mặc dù Hài nhi tại Bêlem chưa nói được bằng lời để chúng ta nghe được, nhưng Ngài nói với chúng ta bằng chính sự hiện diện của Ngài. Ngài nói với chúng ta cách hùng hồn về tình yêu của Thiên Chúa và về kế hoạch cứu độ của Ngài.
Tiếp đến tác giả thư Do Thái đã tóm lại toàn bộ kế hoạch của Thiên Chúa sẽ được thực hiện nơi người Con. Chính Ngài sẽ tẩy xóa tội lỗi và sẽ lên ngự bên hữu Đấng cao cả trên trời. Tác giả đã nhấn mạnh nhân phẩm của người Con, còn cao trọng hơn cả các thiên thần. Ngài là người con khiêm hạ của nhân loại, nhưng thực tế chính là Con Thiên Chúa. Chưa có vị thiên thần nào mà Thiên Chúa đã nói: “Con là Con Cha; ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con”, nhưng Ngài chỉ nói với chính hài nhi này. Và Ngài còn khẳng định: “Ta sẽ là Cha Ngài, và chính Ngài sẽ là Con Ta”, và “mọi thiên thần Chúa phải thờ lạy Ngài”.
3. Bài Tin Mừng
Tiếp nối đề tài từ thư gởi tín hữu Do Thái, bài Tin Mừng phát triển thêm và khẳng định rằng trẻ thơ này thật sự là Lời của Thiên Chúa; từ khởi thủy, Ngài vốn dĩ ở bên Thiên Chúa. Lời này là một sự biểu lộ hoàn hảo về Thiên Chúa, và như thế cũng chính là Thiên Chúa. Trong kinh Tin kính chúng ta tuyên xưng Ngài rằng: “Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh sáng bởi Ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật…”.
“Ở nơi Ngài là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại”. Lời Thiên Chúa là ánh sáng cho chúng ta. Nếu chúng ta không đón nhận Ngài, chúng ta ở mãi trong đêm tối, và như thế chúng ta sẽ không thể bước đi theo đường lối chính trực của Thiên Chúa.
Ở đây ta thấy nổi bật đề tài đón nhận và đáp trả:
“Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không đón nhận ánh sáng”; “Ngài đã đến nhà họ [dân được tuyển chọn], nhưng người của họ chẳng chịu đón nhận”; “Thế gian đã nhờ Ngài mà có, nhưng lại không nhận biết Ngài”.
Thiên Chúa chiếu tỏ ánh sáng của Ngài, nghĩa là Ngài muốn thông ban sự sống của chính Ngài. Ngôi Lời đã làm người, mang lấy phận người, nhưng Ngài đã được đón tiếp như thế nào? Đây là điều quan trọng. Thiên Chúa đã làm tất cả để đến với thân phận nhân loại chúng ta, và chúng ta cũng phải làm một điều gì đó để đến với Ngài.
Ngày lễ Giáng sinh này, với tâm tình biết ơn, chúng ta cùng canh tân cuộc sống mình, biết tháp nhập vào Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, và chúng ta cũng biết đón nhận hài nhi vào trong chính cuộc sống của mình, để Ngài làm chủ trong mọi quyết định của đời ta, và như thế chúng ta sẽ hướng tới một cuộc sống công bình, bác ái và an vui.
II. GỢI Ý SUY NIỆM
1. Chiêm ngắm hài nhi nơi máng cỏ Bêlem, tôi tự hỏi: tôi đã thật sự đón nhận Ngài vào trong đời sống của tôi chưa? Hay tôi sống mà chẳng có chút mối liên hệ thật sự nào với Ngài? Tôi cần phải đón nhận hài nhi này với tất cả niềm tin, cậy, mến và cần để Ngài soi dẫn để bước theo hành trình Ngài chỉ lối, hay tôi đang theo sở thích và con đường của riêng tôi?
2. “Tuy nhiên, những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Ngài, thì Ngài cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa”. Con Thiên Chúa làm người để cho tôi được làm con Thiên Chúa. Vậy tôi đã tận dụng hồng ân này trong cuộc sống của tôi để quyết tâm trở thành một người con thật sự của Chúa giống như Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, luôn làm theo thánh ý Cha trên trời?
3. “Từ nguồn sung mãn của Ngài, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác”. Tôi đã nhận lãnh biết bao ơn lành trên cuộc sống của tôi, và tôi sẽ tiếp tục được như thế nhờ hài nhi này. Vậy tôi có tâm tình gì với Chúa khi mỗi ngày sống trong ân nghĩa thánh?
4. “Đẹp thay bước chân người loan tin”. Một khi cảm nghiệm sự cao cả của mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người và ban muôn ơn thiêng cho tôi, tôi có sẵn sàng những bước chân tôi để loan Tin mừng cho những người anh chị em bằng chính đời sống của tôi không?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Vì yêu thương nhân loại, Thiên Chúa đã sai Con Một của Người xuống thế để cứu chuộc chúng ta. Trong tâm tình hân hoan cử hành mầu nhiệm Giáng sinh, chúng ta cùng dâng lời cảm tạ chúc tụng Chúa và tha thiết cầu xin:
1. “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” Chúng ta hãy cầu nguyện cho các vị chủ chăn cùng mọi thành phần trong Hội Thánh, luôn là dấu chỉ sự hiện diện đầy yêu thương của Thiên Chúa giữa thế giới hôm nay, bằng một đời sống dấn thân phục vụ.
2. “Vào thời sau hết này, Thiên Chúa phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo quốc gia biết quan tâm phục vụ lợi ích của dân chúng theo các giá trị Tin mừng, để mọi người trên thế giới được vui hưởng thái bình hạnh phúc.
3. “Bình an dưới thế cho người Chúa thương.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người nghèo khổ, khuyết tật, và các trẻ em kém may mắn, luôn được nhiều người yêu thương giúp đỡ, để họ cảm nhận được cách cụ thể niềm vui và bình an của mầu nhiệm giáng sinh.
4. “Ai tiếp nhận Ngôi Lời, thì Người ban cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho từng người trong cộng đoàn chúng ta được dồi dào ân sủng của Hài nhi Giêsu, và luôn sống xứng danh là con cái Thiên Chúa trong môi trường sống của mình.
Chủ tế: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, xin thương nhận những ước nguyện của cộng đoàn chúng con và ban ơn nâng đỡ, giúp chúng con hết lòng tin yêu và luôn sống theo giáo huấn của Con Một Chúa là Đức Giêsu Kitô. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020