Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật II Phục sinh
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH
(Cv 4,32-35; 1 Ga 5,1-6; Ga 20,19-31)
Chủ đề: Bình an của Đấng Phục Sinh
“Bình an cho anh em” (Ga 20,21)
I. CÁC BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
Bài đọc I trích sách Công Vụ cho chúng ta thấy đời sống cộng đoàn của các Kitô hữu tiên khởi. Ba điểm nổi bật của cộng đoàn này chính là: sự can đảm làm chứng về Đức Giêsu Phục Sinh, tinh thần hiệp nhất và đời sống bác ái.
Sự Phục Sinh của Đức Giêsu đã làm cho các tông đồ mạnh dạn loan báo Tin Mừng: “Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại”, khác với thái độ chạy trốn và lo sợ trong cuộc khổ nạn của Đức Giêsu. Nhưng sau khi đón nhận tin Phục Sinh và đón nhận quyền năng của Chúa Thánh Thần, các tông đồ đã trở nên những chứng nhân can trường trước những nhà lãnh đạo, bất chấp những đe dọa, những nguy hiểm cho mạng sống mình.
Sự hiệp nhất của cộng đoàn tiên khởi là mẫu gương cho các Kitô hữu: “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý”. Quả thực, lời cầu nguyện của Đức Giêsu “để họ nên một như chúng ta” (Ga 17,11.21) đã trở nên hiện thực. Sự hiệp nhất chính là dấu để thế gian tin vào Đức Giêsu là Đấng được Thiên Chúa Cha sai đến (Ga 17,21).
Sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu đầu tiên không chỉ dừng lại ở lý thuyết nhưng được thể hiện cách cụ thể trong đời sống bác ái, qua việc san sẻ cho nhau ngay cả trên lĩnh vực vật chất. Họ đã vượt thắng bản tính ích kỷ của mình để hướng tới những anh chị em khác.
Bài đọc II trích từ thư thứ nhất của Thánh Gioan. Tình yêu dành cho anh chị em là chủ đề chính của lá thư này. Ai yêu mến Thiên Chúa cũng yêu mến những ai được Ngài tạo dựng nên, tức tha nhân. Chính vì thế, là Kitô hữu, chúng ta phải có một con tim rộng mở để đón nhận và yêu thương tất cả các anh chị em thuộc bất cứ sắc tộc nào, thuộc bất cứ tôn giáo hay niềm tin nào; bởi vì tất cả đều là thụ tạo được Thiên Chúa dựng nên. Tình yêu ấy được thể hiện qua việc “yêu mến Thiên Chúa và thi hành các điều răn của Người”.
Tim Mừng hôm nay tường thuật cho chúng ta hai cuộc hiện ra của Đức Giêsu Phục Sinh với các môn đệ. Sau biến cố thương khó của Đức Giêsu, các môn đệ sống trong mối lo sợ. Các cửa nhà nơi họ tụ họp đều đóng kín vì họ sợ người Do Thái. Giữa bối cảnh lo sợ và buồn rầu đó, Đức Giêsu đã hiện đến giữa họ. Lời đầu tiên mà Ngài trao ban cho họ đó là lời bình an: “Bình an cho anh em!” Đức Giêsu đã chiến thắng sự dữ, sự chết, sự hận thù và ích kỷ; bởi thế, Ngài đã đem lại cho chúng ta sự hòa giải và bình an. Ngài đã cho các môn đệ xem những vết tích của cuộc thương khó. Những vết tích này minh chứng những đau khổ Ngài cam chịu vì tình yêu dành cho con người. Chính tình yêu này đã chiến thắng sự chết và sự dữ. Chúng ta có thể cảm nghiệm được niềm vui của các môn đệ khi gặp lại Đức Giêsu. Đức Giêsu đã ban Thánh Thần, như là quà tặng của Đấng Phục Sinh, cho các môn đệ.
Cuộc hiện ra lần thứ hai của Đức Giêsu với các môn đệ trong đó có cả Tôma. Ông đã không có mặt trong cuộc hiện ra lần đầu của Đức Giêsu. Ông đã không tin vào những gì mà các môn đệ khác tường thuật lại. Tôma chỉ tin nếu được tận mắt nhìn thấy Đức Giêsu với những dấu đinh và cạnh sườn Ngài. Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên, chính Đức Giêsu đã cho các môn đệ xem tay và cạnh sườn Ngài. Và lần hiện ra này, Ngài đã đáp lại lời yêu cầu của Tôma. Qua hành vi này, chúng ta thấy Đức Giêsu đã thực sự yêu thương các môn đệ của Ngài. Tôma đã được diễm phúc nhìn thấy Đức Giêsu hiện ra và đã nhìn thấy những gì mà ông yêu cầu. Tôma đã tuyên xưng niềm tin sâu xa của mình: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Qua kinh nghiệm gặp gỡ Đức Giêsu Phục Sinh, Tôma đã xác tín niềm tin của mình.
Lời dạy của Đức Giêsu cho Tôma: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin”. Đức Giêsu đã cho chúng ta hiểu rằng những người tin vào Ngài là những người có phúc, dù không nhìn thấy Ngài cách cụ thể. Họ không có diễm phúc sống bên cạnh Ngài, nhìn thấy Ngài cách cụ thể, nhưng họ vẫn tin vào Ngài. Đúng vậy, đức tin là quà tặng của Thiên Chúa bởi vì chính niềm tin này đã đặt chúng ta trong tương quan thân mật với Đức Giêsu dù không thấy Ngài.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Chúng ta có thực sự sống và cảm nghiệm niềm vui Phục Sinh của Đức Giêsu trong cuộc sống của chúng ta chưa? Chính cảm nghiệm về sự Phục Sinh thúc bách chúng ta can đảm để làm chứng cho những người khác về Đức Giêsu Phục Sinh. Chúng ta có thực sự là những chứng nhân của Đức Giêsu Phục Sinh? Hoa trái của niềm vui Phục Sinh mà Đức Giêsu đem đến đó chính là tình yêu, sự hiệp nhất và niềm vui. Những hoa trái đó có hiện diện trong cuộc sống của chưa?
2. Tình yêu mà chúng ta dành cho Thiên Chúa được thể hiện cách cụ thể qua tình yêu mà chúng ta dành cho tha nhân. Thiên Chúa luôn kêu mời chúng ta mở rộng con tim với tất cả mọi người như chính Ngài đã làm gương cho chúng ta. Là những Kitô hữu, chúng ta cần tỏa sáng cho mọi người chứng tá yêu thương mà Đức Giêsu đã truyền dạy cho chúng ta. Chính tình yêu mới đem lại ý nghĩa cho đời sống chúng ta.
3. Lời đầu tiên của Đức Giêsu Phục Sinh là lời chúc bình an. Đức Giêsu đã không trách mắng các môn đệ về những sự phản bội, nhút nhát của họ. Lời chúc bình an của Ngài cũng là lời tha thứ và yêu thương. Chúng ta có thực sự học theo gương của Thầy Giêsu để yêu thương và tha thứ cho những người xúc phạm đến chúng ta? Yêu thương và tha thứ là hai điều không thể tách biệt nhau. Chúng ta cần sống hai điều này trong hoàn cảnh cụ thể của mình. Càng yêu thương và tha thứ nhiều, chúng ta càng được bình an và càng có khả năng đem lại bình an cho nhiều người.
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến, Đức Giêsu Phục Sinh đã hiện ra để củng cố đức tin cho các tông đồ, ban bình an và Thánh Thần để các ông chu toàn sứ mạng được ủy thác. Trong tâm tình ngợi khen và cảm tạ Chúa, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin.
1. “Như Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em.” Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn ý thức và chu toàn sứ mạng loan báo Tin Mừng Phục Sinh qua những nỗ lực hiệp nhất và thực thi công bình bác ái.
2. Bình an là quà tặng của Chúa Phục Sinh cho nhân loại. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi người trên thế giới được đón nhận bình an và sức sống của Chúa Kitô, tích cực cùng nhau xây dựng hoà bình và biểu dương công lý.
3. “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần.” Chúng ta cùng cầu xin cho những người đang hoang mang trong niềm tin và lạc hướng trong cuộc sống, được Thánh Thần của Đấng Phục Sinh nâng đỡ hướng dẫn, luôn bước đi trong ánh sáng và sống trong niềm vui.
4. “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con.” Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta, biết can đảm tuyên xưng niềm tin của mình bằng một đời sống phó thác, dấn thân phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân.
Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu Kitô, Đấng Phục Sinh vinh hiển, xin nhận lời chúng con cầu nguyện và củng cố niềm tin nơi chúng con, để chúng con luôn trung thành bước theo Chúa và can đảm làm chứng cho Ngài giữa thế giới hôm nay. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020