Phụng vụ Lời Chúa Chúa nhật IV Phục Sinh năm C
CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH C
(Cv 13,14.43-52; Kh 7,9.14b-17; Ga 10,27-30)
ĐỨC KITÔ - MỤC TỬ NHÂN LÀNH
“Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi;
tôi biết chúng và chúng theo tôi”
(Ga 10,27)
Hình ảnh mục tử và đoàn chiên rất quen thuộc với các dân tộc Cận Đông. Nếu như các dân ngoại xem những vị thần của họ là mục tử, thì dân Israel đã tôn vinh Thiên Chúa là mục tử của mình. Các Sách Ngôn Sứ và Thánh Vịnh đã diễn tả sự dẫn dắt, chở che và quan phòng và quy tụ đoàn chiên của Đức Chúa đối với Israel như vị Mục tử tốt lành đối với đoàn chiên. Trong thời Tân ước, Đức Chúa đã cho biết “Tôi chính là Mục tử tốt lành” (Ga 10,11). Các bài đọc Chúa Nhật IV Phục Sinh trình bày cho chúng ta hình ảnh Đức Giêsu Kitô là vị Mục Tử được Chúa Cha sai đến để ban sự sống đời đời cho đoàn chiên và quy tụ đoàn chiên về hiệp thông với Chúa Cha. Sau Phục sinh, các Tông Đồ cũng ra đi tiếp nối sứ vụ này của Đức Giêsu Kitô.
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I (Cv 13,14.43-52)
Một trong những sứ vụ quan trọng của Đức Giêsu, vị Mục Tử Tốt Lành, là vì biết có những con chiên khác chưa thuộc ràn này, nên Người phải ra đi để quy tụ họ về một mối (x. Ga 10,16). Sau Phục Sinh, sứ mạng này được các Tông Đồ tiếp nối. Thật vậy, sau khi bị dân Dothái khước từ sứ điệp Tin Mừng, phản đối và nhục mạ các ông Phaolô và Barnabê vì đám đông đã quy tụ nghe lời Thiên Chúa, các ông đã rời cộng đoàn Dothái tại Antiôkhia miền Pixiđia và đến với dân ngoại để quy tụ họ về với Chúa. Nhờ đó, dân ngoại đã hân hoan đón nhận Tin Mừng và tôn vinh Thiên Chúa. Lời Chúa được lan tràn ra khắp miền ấy nên dân ngoại đã có cơ hội nhận lãnh ơn cứu độ. Khi làm như thế, các Tông đồ thi hành vai trò mục tử của Đức Giêsu mà các ngài đã lãnh nhận: quy tụ các con chiên chưa thuộc ràn này về một mối để ban cho họ sự sống đời đời.
2. Bài đọc II (Kh 7,9.14b-17)
Đức Giêsu là Mục Tử quy tụ và chăn dắt đoàn chiên, nhưng vào ngày chung thẩm, Người lại là Con Chiên chiến thắng chăn dắt và dẫn đưa đoàn chiên này tới nguồn nước trường sinh. Trong một cuộc thị kiến mang tính cánh chung, thánh Gioan Tông Đồ đã thấy một đoàn người quy tụ quanh Con Chiên. Đoàn người này có đặc điểm:
- Thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ;
- Đứng trước ngai Con Chiên, vì họ đã vượt qua mọi thử thách và đã chiến thắng, và đã được cứu độ nhờ máu Con Chiên;
- Thờ Phượng Thiên Chúa và trú ngụ trong Đền Thờ của Người, được no thỏa hạnh phúc;
- Con Chiên sẽ dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh.
Đó là hình ảnh về Nước Trời mai sau, có đoàn chiên quy tụ bên “Con Chiên” để hưởng niềm vui cứu độ trước Nhan Thiên Chúa.
3. Bài Tin Mừng (Ga 10,27-30)
Khi tuyên bố “Tôi chính là Mục Tử Tốt Lành”, Đức Giêsu xác định vai trò Mêsia của Người qua việc:
- thiết lập mối tương giao mật thiết giữa mục tử và chiên: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi”;
- ban ơn cứu độ cho đoàn chiên: “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời”;
- đưa chiên vào hiệp thông với Chúa Cha: “Không ai cướp được chúng khỏi tay tôi”… “không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha”.
Đặc biệt trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: "Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10,27). Câu này diễn tả một tương quan thông hiệp sâu sắc và hỗ tương giữa người Mục Tử Tốt Lành với đoàn chiên. Đây là một tương quan dựa trên nền tảng hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con: “Như Chúa Cha biết tôi…” (Ga 10,15) và “Tôi với Chúa Cha là một” (Ga 10,30). Từ tương quan nền tảng đó, Đức Giêsu đã nối dài việc “biết” này tới chiên: “Tôi biết chúng…” (Ga 10,27). Động từ “biết” trong Tin Mừng Gioan, không chỉ là một cấp độ của trí tuệ, nhưng còn là sự hiệp thông cuộc sống bao gồm cả lý trí lẫn tình yêu. “Tri” đi với “mộ”. Sự thông hiệp này đã có giữa Chúa Cha và Chúa Con. Đức Giêsu cũng thiết lập sự hiệp thông như thế giữa Người và các con chiên. Đức Giêsu là vị Mục tử tốt lành, Người biết lịch sử cuộc đời chúng ta, biết các vấn đề, các khiếm khuyết, các đặc điểm và phẩm chất của chúng ta. Sự “biết” này rất trọn vẹn vì bao gồm cả “yêu”: biết bằng cả khối óc lẫn con tim.
Để đáp lại một tương quan như thế, chiên cũng cần biết về mục tử của mình bằng cách “nghe tiếng tôi… chúng theo tôi” (Ga 10,27). Chúng ta cần ngày càng biết Đức Giêsu hơn và tăng triển tương quan hiệp thông trọn vẹn với Người, một tương quan mang dấu ấn của “biết” bao gồm lòng “yêu mến” thiết tha.
Nếu có sự thông hiệp như thế, thì người Kitô hữu chúng ta là “chiên”, sẽ được Đức Giêsu là “Mục Tử tốt lành” ban cho sự sống đời đời và được thông hiệp với Chúa Cha.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Đức Giêsu là vị Mục tử Tốt lành. Chúa Nhật IV Phục Sinh là ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ, là ơn gọi đảm nhận cách đặc biệt vai trò mục tử của Đức Giêsu. Có nhiều điểm quy chiếu cho ơn gọi này. Trước hết, là từ Đức Giêsu. Kế đến, là từ gương sáng và lời mời gọi của các chủ chăn trong Hội Thánh. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã cho những bài học quý giá về tấm gương tận tụy hy sinh cho đoàn chiên, nhất là những con chiên lạc, những con chiên bị gạt ra bên lề hay chưa thuộc về ràn này là Hội Thánh. Riêng với Giáo hội Việt Nam, trong cuộc gặp gỡ các vị Giám mục Việt Nam vào năm 2010 tại Thánh địa La Vang, ĐHY Ivan Dias đã nhắn gửi các mục tử ý thức sống vai trò của mình qua 3 chữ D: Doctrine, Discipline, Dévotion. Cụ thể là Doctrine: vững vàng về giáo thuyết; Discipline: nghiêm túc về kỷ luật; Dévotion: sốt sắng về lòng đạo đức. Là mục tử, chúng ta có ý thức những điều này không?
Còn đối với anh chị em giáo dân, chúng ta có ý thức việc hiệp thông và cộng tác với các mục tử, về mặt tinh thần cũng như vật chất, để giúp các ngài biết sống như lòng Chúa mong ước: “biết chiên” và “nghe tiếng” của chiên, nghĩa là thấu hiểu những ưu tư và khắc khoải, quan tâm đến những hoàn cảnh và nhu cầu của con người thời nay… để săn sóc và dẫn đưa “đoàn chiên” tới nơi có “đồng cỏ tốt tươi” và “suối nước trong lành”, cho đoàn chiên được hưởng ơn cứu độ hay không?
2. Đức Giêsu là vị Mục Tử tốt lành đến để quy tụ chiên về một ràn. Người không chỉ là vị Mục Tử của một thời nào đó, hay của một vùng đất nào đó. Người vẫn đến với mọi người chúng ta, mọi nơi mọi lúc để bảo vệ, chở che, hướng dẫn chúng ta đi đúng đường ngay nẻo chính và nhất là chăm sóc chúng ta. Về phần mình, chúng ta có nghe tiếng Đức Giêsu, có đi theo Người, có tin tưởng phó thác cuộc đời của mình để cho Người chăn dắt hay không? Có khi nào chúng ta mải nghe những tiếng gọi của trần gian mà quên mất tiếng Chúa, tìm kiếm những lạc thú đời này, chạy theo những hạnh phúc tạm thời mà quên theo Chúa để Người đẫn đưa tới nơi có hạnh phúc đích thực đời sau hay không?
3. Đoàn chiên của Chúa thật đông, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Những lời này thôi thúc chúng ta thi hành sứ mệnh loan báo Tin Mừng (truyền giáo). Chúng ta đã có nỗ lực nào để đem những con chiên khác chưa thuộc ràn này về quy tụ trong Hội Thánh, quanh Đức Giêsu Kitô? Vì đã chịu Phép Rửa Tội, chúng ta được tham dự vào vai trò mục tử của Đức Giêsu. Do đó, mỗi người chúng ta trở nên mục tử với anh chị em mình qua sự quan tâm đến hoàn cảnh và nhu cầu của người khác, biết và chia sẻ những thất vọng, nỗi đau, khó khăn về tinh thần cũng như vật chất của tha nhân, chở che và bảo vệ những người cô thế cô thân, và nhất là đem cho họ cơ hội đón nhận sự sống đời đời. Chúng ta có ý thức được những điều đó hay không?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa Cha đã sai Đức Giêsu Kitô, vị Mục Tử Nhân Lành, đến trần gian để quy tụ nhân loại thành một đoàn chiên duy nhất. Trong ngày cầu nguyện cho ơn gọi hôm nay, chúng ta hân hoan cảm tạ Chúa và tha thiết dâng lời nguyện xin:
1. Chúa Giêsu, vị mục tử nhân lành đã hiến mạng sống mình vì đoàn chiên. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các vị mục tử trong Hội Thánh sẵn sàng quên mình, tận tình phục vụ đoàn chiên Chúa trao phó, đem đến cho họ sức sống dồi dào.
2. Trên thế giới hiện nay còn nhiều người chưa thuộc về ràn chiên Chúa. Chúng ta cùng cầu xin cho những ai chưa tin nhận Chúa được đón nhận hồng ân đức tin, qui tụ về một đoàn chiên duy nhất và được hưởng ơn cứu độ muôn đời.
3. “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít.” Chúng ta cùng cầu xin cho có nhiều người trẻ biết lắng nghe và quảng đại đáp lại tiếng Chúa mời gọi, dấn thân trong đời sống tu trì và nỗ lực trở nên những thợ gặt cho cánh đồng truyền giáo bao la.
4. Cỗ võ và nâng đỡ ơn gọi là trách nhiệm chung của mọi người. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết tích cực đóng góp vào công cuộc đào tạo linh mục tu sĩ, bằng lời cầu nguyện cùng với hy sinh và những trợ giúp vật chất.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha rất nhân từ, xin nhận lời chúng con cầu nguyện và giúp chúng con luôn nhận biết tiếng của Đức Kitô Mục Tử, cùng hăng hái sống theo gương yêu thương phục vụ của Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020