Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật Lễ Lá - năm A
CHÚA NHẬT LỄ LÁ - A
(Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Mt 26,14-27,66)
Chủ đề:
CHÚA GIÊSU KITÔ THI HÀNH SỨ VỤ CỨU ĐỘ
VÌ TÌNH YÊU DÀNH CHO THIÊN CHÚA VÀ NHÂN LOẠI
“Người đã hạ mình, vâng phục cho đến chết, chết trên cây thập tự.” (Pl 2,8)
I. CÁC BÀI ĐỌC
Chúng ta được kêu mời lắng nghe và suy niệm Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu. Đây là biến cố quan trọng và ý nghĩa đối với đời sống của chúng ta, bởi vì chính nhờ sự tự hiến yêu thương của Chúa Giêsu trên thập giá mà chúng ta cảm nghiệm được tình yêu và ơn cứu độ của Thiên Chúa cho con người.
1. Bài đọc I (Is 50,4-7)
Đoạn sách bài đọc I là bài ca thứ ba về “người tôi trung của Thiên Chúa”. Là người được Thiên Chúa sai đến để loan báo sứ điệp ủi an cho dân Ngài, cho những ai bị áp bức và không hi vọng. Hơn nữa, trước khi trở thành kẻ loan báo sứ điệp của Thiên Chúa, người tôi trung đã là người môn sinh, biết lắng nghe lời chỉ dạy của Đấng sai đi: “Sáng sáng, Ngài lay tỉnh tai tôi để tôi biết lắng nghe như người môn sinh. Đức Chúa đã mở tai tôi”. Sứ vụ của người tôi trung đem lại nhiều sự chống đối từ những người không đón nhận lời răn dạy của Thiên Chúa. Vì thế, ông đã hứng chịu tất cả những khó khăn này: “Tôi đã giơ lưng cho người đánh đập, và chìa má cho kẻ nhổ râu. Tôi đã không giấu mặt tránh nhục nhằn và phỉ nhổ”. Nhưng có Thiên Chúa ở bên cạnh, ông cảm thấy an lòng và can đảm để chu toàn sứ vụ được giao phó.
2. Bài đọc II (Pl 2,6-11)
Thánh Phaolô đã nhắc nhở cho các tín hữu của cộng đoàn Philípphê về sự hiệp nhất trong tinh thần khiêm nhường. Có lẽ một vài người trong cộng đoàn ở đây đã chưa có tinh thần này, cho nên, thánh Phaolô viết ngay ở phần mở đầu của chương hai: “Đừng làm gì vì ganh tị, vì hư danh; nhưng thật lòng khiêm nhường, hãy coi người khác hơn mình” (Pl 2,3). Sau đó, ngài đã lấy mẫu gương của Chúa Giêsu để khuyên nhủ các tín hữu và kêu mời họ học hỏi lòng khiêm nhường này. Quả thật, Chúa Giêsu đã chấp nhận tất cả mọi sự để vâng phục Thiên Chúa Cha, ngay cả hiến dâng mạng sống để cứu chuộc con người: “Người đã hạ mình thấp hèn, vâng phục cho đến chết, cái chết thập giá”. Và để đạt tới vinh quang rạng ngời mà Thiên Chúa ban tặng, Chúa Giêsu đã phải đón nhận con đường đau khổ và khiêm nhu, con đường của thập giá.
3. Phúc Âm (Mt 26,14-27,66)
Tất cả các Phúc Âm đều tập trung nhiều vào cuộc thương khó và cái chết của Chúa Giêsu. Cuộc thương khó tỏ cho chúng ta thấy sự vâng phục của Chúa Giêsu trước thánh ý Thiên Chúa: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”. Trong đoạn Phúc Âm Mátthêu, tác giả trích dẫn nhiều đoạn Kinh Thánh Cựu Ước để diễn tả việc Chúa Giêsu hoàn tất những gì các ngôn sứ loan báo (x. Mt 26,31.56; 27,9-10.46). Người đến thế gian để hoàn tất kế hoạch cứu độ mà Thiên Chúa đã hứa. Chúa Giêsu đón nhận tất cả những thử thách và đau khổ vì yêu con người. Chỉ một mình Người mới có thể hoàn tất sứ vụ này. Quả vậy, Chúa Giêsu đối diện với cuộc khổ nạn bằng sự khiêm nhu, tình yêu và lòng tha thứ cho những kẻ đang bách hại và giết Người: “Họ khạc nhổ vào mặt và đấm đánh Người. Có kẻ lại tát Người”(Mt 26,67), “Chúng lột áo Người ra, khoác cho Người một tấm áo choàng đỏ, rồi kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người, và trao vào tay mặt Người một cây gậy. Chúng quỳ gối trước mặt Người mà nhạo rằng: Vạn tuế Đức Vua dân Do Thái! Rồi chúng khạc nhổ vào Người và lấy cây sậy mà đập vào đầu Người”(Mt 27,28-30). Những lời của những kẻ qua đường và của các thượng tế, kinh sư cùng kỳ mục thực sự là những lời xúc phạm nặng nề đến Chúa Giêsu, nhưng Người đã đón nhận trong tình yêu thương dành cho họ: “Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu vừa nói: Mi là kẻ phá được Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, hãy cứu lấy mình đi! Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì hãy xuống khỏi thập giá xem nào! Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục cũng chế giễu Người mà nói: Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình”. Chúa Giêsu biến cuộc khổ hình của mình thành món quà tình yêu dành cho Thiên Chúa và ơn cứu chuộc con người. Người vâng phục tuyệt đối Thiên Chúa Cha và đón nhận tất cả những khổ đau trong hành trình hướng tới sự phục sinh vinh hiển và hoàn tất kế hoạch cứu độ nhân loại.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. “Sáng sáng, Ngài lay tỉnh tai tôi để tôi biết lắng nghe như người môn sinh. Đức Chúa đã mở tai tôi”. Tôi có sẵn sàng lắng nghe lời răn dạy của Chúa như thái độ của một người môn sinh không? Hay tôi cố thủ trong con người và ý kiến riêng của tôi không? Hãy để Thiên Chúa huấn luyện và chỉ đường cho ta, vì lối đường của Ngài luôn dẫn tới sự sống và niềm an bình đích thực.
2. “Người đã hạ mình thấp hèn, vâng phục cho đến chết, cái chết thập giá”. Chúa Giêsu đã trở nên thấp bé vì tình yêu. Người đã vâng phục Thiên Chúa và đón nhận tất cả thánh ý Cha Người. Tôi có sống khiêm nhường và đón nhận các hi sinh trong cuộc sống cho người khác? Thái độ của tôi như thế nào khi đối diện với những biến cố trong cuộc sống? Tôi có nhận ra thánh ý của Ngài trong các sự kiện của cuộc sống hằng ngày?
3. “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”. Tôi có đón nhận thánh ý của Thiên Chúa qua các biến cố vui buồn của cuộc sống? Tôi có dám chết đi con người của mình để sống theo những gì làm đẹp lòng Thiên Chúa?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Phụng vụ Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay mời gọi chúng ta can đảm bước theo Chúa Giêsu trên con đường thương khó để hướng tới vinh quang phục sinh. Chúng ta cùng tôn vinh tình thương cứu độ của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô và tha thiết dâng lời cầu xin:
1. Chúa Giêsu là người tôi trung của Thiên Chúa được sai đến để cứu độ dân Người. Chúng ta hãy cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô cùng các mục tử trong Hội Thánh luôn trung thành với sứ vụ Chúa trao, dám đương đầu với mọi khó khăn chống đối để bảo vệ và nuôi dưỡng đức tin tinh tuyền cho dân Chúa.
2. Chúa Giêsu đón nhận tất cả những thử thách và đau khổ vì yêu thương con người. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người đang đau khổ hồn xác biết can đảm đón nhận hoàn cảnh và những khó khăn hiện tại, để được thông phần vào hiến tế của Đức Kitô hầu mang lại ơn thánh hóa cho bản thân và mọi người.
3. Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ. Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi Kitô hữu luôn gắn bó mật thiết với Đức Kitô tử nạn và phục sinh qua việc tích cực tham dự những cử hành trong Tuần Thánh này, để được củng cố đức tin và gia tăng sức mạnh cho đời sống đạo.
4. Chúa Giêsu đã hạ mình để chấp nhận tất cả mọi sự vì vâng phục Thiên Chúa Cha. Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết theo gương Thầy Chí Thánh, luôn ưu tiên tìm kiếm và thực thi ý Chúa trong đời sống hằng ngày qua việc quan tâm chia sẻ và sẵn sàng hy sinh vì lợi ích của tha nhân.
Chủ tế: Lạy Chúa, Chúa đã muốn Con Một Chúa chịu khổ hình thập giá và sống lại để cứu chuộc chúng con. Xin nhậm lời chúng con cầu nguyện và ban ơn giúp sức, để chúng con luôn trung thành theo bước Người trên con đường thập giá hướng về Giêrusalem trên trời. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020