Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật Lễ Lá năm B
CHÚA NHẬT LỄ LÁ – NĂM B
Is 50, 4-7; Pl 2, 6-11; Mc 14,1 – 15,47
NGƯỜI TÔI TRUNG
“Cha ơi, Cha làm được mọi sự,
xin cất chén này xa con.
Nhưng xin đừng làm điều con muốn,
mà làm điều Cha muốn” (Mc 14,36)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1- Bài đọc 1
Đoạn sách ngôn sứ Isaia trong bài đọc 1 trích từ bài ca thứ ba về người Tôi Trung. Bài ca phác họa những phẩm chất cao quý của người Tôi Trung của Thiên Chúa.
Trước hết, người Tôi Trung là người nhạy cảm nghe tiếng “đánh thức” mỗi ngày của Thiên Chúa, để nghe lời giáo huấn của Ngài. Lời Chúa vẫn vang vọng mỗi ngày, thầm thì đánh thức, mời gọi lắng nghe và đón nhận; và chỉ người Tôi Trung trong tinh thần sẵn sàng, chờ đợi và nhạy bén để nhận ra và lắng nghe tiếng Chúa. Tuy nhiên, không phải lúc nào tiếng Chúa cũng êm ái, dịu dàng, mà có lúc sẽ đòi hỏi quyết liệt, triệt để, thách đố, nên người Tôi Trung là người “không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui” (Is 50,5). Người Tôi Trung thật sự là người luôn sẵn sàng và vui lòng lắng nghe lời Chúa trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Hơn nữa, người Tôi Trung là người, sau khi lắng nghe và đón nhận, biết cất tiếng nói lời Thiên Chúa, lời an ủi, nhằm “nâng đỡ những ai rã rời kiệt sức” (Is 50,4). Lời Chúa là lời ủi an, nhưng người Tôi Trung là người biết “lựa lời” để chuyển tải sứ điệp của lời Chúa cách xứng hợp, hầu mang lại niềm an ủi, động viên và nâng đỡ cho những người đang mệt mỏi, chán nản, thất vọng. Bản chất lời Chúa có sức mạnh đỡ nâng và an ủi, nhưng người Tôi Trung thật sự, bằng tấm lòng và sự trung tín của mình, chuyển tải cách trung thành và trọn vẹn sứ điệp ủi an của lời Chúa.
Sau cùng, dù mang sứ mạng cao cả là đón nhận và truyền rao lời Chúa, người Tôi Trung không thể tránh khỏi những trở ngại, thách đố, khó khăn, có khi nguy hiểm đến tính mạng. Vì thế, người Tôi Trung thật sự của Thiên Chúa là người sẵn sàng chấp nhận “đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu,… và không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ” (Is 50,6). Tuy nhiên, người Tôi Trung không đơn độc, không sợ hãi hay nao núng vì “có Thiên Chúa là Đấng phù trợ”. Nhờ sức mạnh của Thiên Chúa luôn ở cùng mà người Tôi Trung không sợ “hổ thẹn”, nhưng luôn hiên ngang, kiên vững (Is 50,7).
Người Tôi Trung trong đoạn Is 50,4-7 là người sẵn sàng và nhạy cảm nghe lời Thiên Chúa đánh thức mỗi ngày, để sẵn sàng truyền rao lời Chúa, lời đem lại niềm an ủi cho những người mệt mỏi rã rời. Dù gặp muôn vàn thách đố trong sứ mạng phục vụ lời Chúa, người Tôi Trung không hề lo sợ vì xác tín rằng Thiên Chúa luôn ở bên để phù trợ.
2- Bài đọc 2
Bài đọc 2 là một bài ca tuyệt đẹp về người Tôi Trung Giêsu, người sẵn sàng tự hạ đến tận cùng để hoàn thành cách mỹ mãn kế hoạch của Thiên Chúa, nên được Thiên Chúa tôn vinh.
Nửa đầu của bài ca (Pl 2,6-8) làm nổi bật hành động của Đức Giêsu Kitô. Mầu nhiệm tự hạ cho thấy sự tự nguyện của người Tôi Trung Giêsu, Đấng chấp nhận hạ mình đến tận cùng để thánh ý Chúa nên trọn. Từ vị thế của Thiên Chúa, Người khước từ vinh quang thần linh và chấp nhận làm một con người, sống như bao nhiêu người trên trần thế. Hơn nữa, không chỉ làm người, Người hạ mình để chấp nhận thân phận của kẻ nô lệ, của người “đến để phục vụ, chứ không phải để được phục vụ”. Và sự phục vụ của người Tôi Trung Giêsu đi đến tận cùng của sự tự hạ khi “vâng lời” cho đến nỗi “sẵn lòng chịu chết” (Pl 2,8), mà “hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (x. Mt 20,28; Mc 10,45).
Nửa sau của bài ca (Pl 2,9-11) tập trung vào hành động của Thiên Chúa. Vì người Tôi Trung Giêsu tự hạ đến tận cùng, hiến trọn thân mình để thánh ý Chúa nên trọn (đi xuống), nên Thiên Chúa tôn vinh Người (đi lên) và ban cho danh hiệu trổi vượt hơn cả, danh hiệu “Giêsu”, Đấng Cứu Thế. Quả thế, sự tôn vinh Thiên Chúa dành cho người Tôi Trung chính là sự thừa nhận và đề cao vai trò “cứu thế” của Người, điều Người đã thực hiện khi tự hạ, hiến dâng mạng sống “làm giá chuộc muôn người”. Danh hiệu “Giêsu” thật cao cả vì thể hiện trọn vẹn sứ mạng của người Tôi Trung; Người chính là lý do mà mọi tạo vật, dù trên trời, dưới đất hay trong âm phủ đều cung kính bái thờ. Và thái độ tôn thờ đích thực là nhìn nhận công trình cứu độ và căn tính thần linh của Người, rằng Đức Giêsu Kitô chính là Chúa.
Người Tôi Trung Giêsu thực hiện trọn vẹn thánh ý Thiên Chúa khi khiêm hạ hủy mình ra không, để rồi được Thiên Chúa tôn vinh, là mẫu mực cho đời sống Kitô hữu.
3- Bài Tin Mừng
Hình ảnh người Tôi Trung chấp nhận “đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu,… và không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ” trong Isaia (Is 50,6) được Tin Mừng Máccô đẩy xa hơn, khắc họa rõ nét hơn nơi người Tôi Trung Giêsu trong những giờ phút cuối cùng của Người trên trần gian để hoàn tất kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa.
Để trung thành thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa, người Tôi Trung hoàn toàn đơn độc trong những giờ phút cuối cùng. Trong số những kẻ thân tín nhất, không ai hiểu được Người, không ai chia sẻ với Người nỗi cô đơn tột cùng khi phải đối diện với án tử. Những kẻ tưởng gần gũi, thấu hiểu và chia sẻ với Người lại bỏ Người mà chạy trốn hết (Mc 14,50). Mọi người đều lo cho sự an toàn của mình, để lại một mình Đức Giêsu. Đức Giêsu không thốt ra một lời than vãn, biện hộ, hay trách móc ai… mặc cho bị đối xử cách tàn tệ, bị nhạo báng, chê cười, bị kết tội cùng với hai tên trộm, bị liệt vào hạng phạm pháp (Mc 15,29-32). Trong sự cô đơn khủng khiếp, người Tôi Trung cảm thấy như thể Người đang bị chính Thiên Chúa bỏ rơi (Mc 15,34). Dù cảm thấy vô cùng đơn độc, cảm giác như bị Chúa Cha bỏ rơi, phải trải qua những giây phút lo lắng, xao xuyến, hãi hùng, người Tôi Trung Giêsu vẫn chỉ muốn làm theo ý Cha (Mc 14,36). Đó đích thật là người Tôi Trung, dù thế nào vẫn coi mình là tôi tớ trung thành của Thiên Chúa, trung thành cho đến hơi thở cuối cùng.
Tuy nhiên, sự trung thành của người Tôi Trung đem lại ý nghĩa lớn lao, hoàn tất chương trình nhiệm mầu của Thiên Chúa. Sự trung tín của người Tôi Trung cuối cùng đã phá tan sự ngăn cách giữa Thiên Chúa và con người. Bức màn trướng trong Đền Thờ, ngăn cách Nơi Thánh và Nơi Cực Thánh, ngăn cách Thiên Chúa thánh thiện và con người tội lỗi, bị xé ra làm đôi ngay khi Chúa Giêsu tắt thở trên thập giá (Mc 15,37-38). Máu của người Tôi Trung Giêsu đổ ra để thanh tẩy tội lỗi và lương tâm con người (Hr 9,14), để con người được thánh hóa mà tiến lại gần Thiên Chúa cực thánh. Quả vậy, qua cái chết của người Tôi Trung Giêsu, Thiên Chúa đã chạm đến con người tội lụy và thánh hóa con người để họ được trở nên con cái Thiên Chúa. Con người được giao hòa và trở nên con Thiên Chúa nhờ sự trung thành cho đến chết của người Tôi Trung của Thiên Chúa, Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, như lời tuyên xưng của viên đại đội trưởng: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39).
Người Tôi Trung là người trung thành, đến nỗi chấp nhận cái chết, để thực hiện kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Máu của Người đổ ra thanh tẩy lương tâm con người để xứng đáng được lại gần Thiên Chúa và sống trong tình thương của Ngài. Người Tôi Trung đó chính là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa.
II. GỢI Ý ÁP DỤNG
1/ Ngôn sứ Isaia khắc họa hình ảnh người Tôi Trung là người nhạy cảm để lắng nghe, đón nhận và rao truyền lời Thiên Chúa. Dù gặp khó khăn, thử thách, người Tôi Trung vẫn kiên vững vì tin rằng luôn có Thiên Chúa ở cùng. Tôi có thể trở nên người tôi trung của Thiên Chúa? Tôi có sẵn sàng lắng nghe, đón nhận và rao truyền lời Thiên Chúa cách trung thành? Trong gian truân, thử thách, tôi có xác tín Thiên Chúa luôn ở cùng tôi?
2/ Thư Philípphê ca tụng người Tôi Trung Giêsu, Đấng mang thân phận thần linh, nhưng lại hạ mình đến tận cùng để chấp nhận cái chết, nên được Thiên Chúa tôn vinh là Đấng Cứu Độ mà muôn loài phải bái thờ. Tôi có muốn mỗi ngày nên giống người Tôi Trung Giêsu? Tôi có sẵn sàng hạ mình xuống, để thánh ý Thiên Chúa được thể hiện, để Thiên Chúa được tôn vinh và kính thờ qua cuộc đời và cách sống của tôi?
3/ Tin Mừng Máccô làm nổi bật sự trung thành cho đến chết của người Tôi Trung Giêsu. Dù bị những người thân cận xa lánh, bị người đời nhục mạ, nhạo báng, và cảm thấy như bị chính Thiên Chúa bỏ rơi, người Tôi Trung Giêsu vẫn trung thành thực hiện ý Thiên Chúa Cha, để giao hòa con người với Thiên Chúa. Tôi có trung thành với Chúa ngay cả khi phải chịu những khó khăn, thử thách, cô đơn? Tôi có sẵn sàng trở thành cầu nối để đưa Chúa đến với những anh chị em đang đau khổ, cô đơn, thất vọng?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Hôm nay phụng vụ tung hô Chúa Kitô khải hoàn vào thành Giêrusalem, đồng thời mời gọi chúng ta tiến bước theo Người trên con đường thập giá. Trong tâm tình thờ lạy, ngợi khen và tín thác, chúng ta cùng tha thiết dâng lời nguyện xin.
1. Thiên Chúa đã biểu dương sức mạnh trong sự vâng phục và tự hạ của Đức Giêsu. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn biết làm sáng danh Chúa bằng thái độ mau mắn chu toàn thánh ý Người, và khiêm tốn phục vụ tha nhân.
2. Người Do Thái tung hô Đức Giêsu là Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến. Chúng ta cầu xin cho nhiều người, nhiều quốc gia trên thế giới được ơn nhận biết và qui phục vương quyền của Thiên Chúa, luôn hướng lên Người như lẽ sống và cùng đích của cuộc đời.
3. Cuộc vượt qua của Chúa Kitô đem lại ơn giải thoát toàn diện cho con người. Xin cho những ai đang đau khổ vì bệnh tật, thiên tai hay bất công xã hội ở khắp nơi, tìm được niềm an ủi nơi cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa, luôn sống trong hy vọng và bình an đích thực.
4. Thập giá là con đường duy nhất và chắc chắn đưa tới vinh quang. Xin Chúa cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta, biết nỗ lực sống các giá trị Tin Mừng, và can đảm đón nhận thập giá trong đời sống hằng ngày, để xứng đáng được dự phần vinh quang với Chúa Kitô.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha rất nhân từ, cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu Kitô Con Chúa đã đổ tràn hồng ân cứu độ cho nhân loại. Xin nhậm lời chúng con cầu nguyện, và giúp chúng con luôn vững bước theo Người trên con đường thập giá, để xứng đáng chia sẻ vinh quang phục sinh cùng với Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020