Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Mình và Máu Chúa Kitô
CHÚA NHẬT LỄ MÌNH VÀ MÁU CHÚA KITÔ
St 14,18-20; 1Cor 11,23-26; Lc 8,11b-17
ĐỨC GIÊSU: VỊ TƯ TẾ VÀ LỄ VẬT
“Chúa Giêsu cầm lấy bánh… và nói: Đây là Mình Thầy…
Người cầm lấy chén rượu và nói: Chén này là Giáo ước mới, lập bằng Máu Thầy”
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài Đọc I – St 14,18-20
Nghe tin ông Abraham trên đường trở về từ cuộc thắng trận vẻ vang chống lại bốn vua lân cận (x. St 14,1-16), ông Melkisêđê, vừa là ‘vua công chính’ (x. Dt 7,2) vừa là tư tế của thành Salem, nghĩa là ‘vua bình an’ (x. Dt 7,2), đã mang lễ vật gồm bánh và rượu tới dâng để chúc phúc ông Abraham, qua đó cũng là để chúc tụng Thiên Chúa đã ra tay hành động.
Về phần mình, ông Abraham đã dâng lại cho ông Melkisêđê một phần mười tất cả chiến lợi phẩm như một hành động diễn tả lời chúc tụng Thiên Chúa.
2. Bài đọc II – 1Cor 11,23-26
Câu chuyện kể, mà thánh Phaolô đã thuật lại cho tín hữu ở Corintô, vốn được quen gọi là ‘Bài tường thuật về Bí tích Thánh Thể’ chính là một bài giáo lý nhằm phản bác lại thái độ sống sai lạc, thiếu bác ái gây ra chia rẽ. Đó là một thực tế đang xảy ra trong nội bộ của cộng đoàn này. Cụ thể là đã có nhiều người khi đến dự tiệc bẻ bánh lại lo ‘ăn bữa riêng của mình trước’, do vậy mới xảy ra tình trạng ‘kẻ thì đói, người lại say.’
Khi kể lại câu chuyện này với những hành động không thể lẫn lộn với ai khác: ‘Cầm lấy… tạ ơn… bẻ ra… nói: Đây là Mình Thầy…Đây là Máu Thầy…’ Thánh Phaolô muốn cho thấy chính Đức Giêsu vừa là vị Tư tế vừa là lễ vật. Ngài tự nguyện hiến dâng chính mình làm của lễ và cũng chính Ngài dâng của lễ ấy lên cho Thiên Chúa để đền thay tội lỗi của chúng ta. Do vậy, nghi lễ ‘lễ bẻ bánh’ phải là cơ hội để diễn tả tình yêu nhưng không từ Thiên Chúa và sự hoàn toàn bình đẳng của mọi người.
3. Bài Phúc âm – Lc 9,11b-17
Hành động ‘nói với dân chúng về Nước Thiên Chúa và chữa lành những kẻ cần được cứu chữa’ vẫn là chưa đủ trong sứ vụ của Chúa Giêsu. Trước lời thỉnh cầu của các môn đệ: xin giải tán dân chúng để họ tự đi kiếm thức ăn, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các ông: ‘Các con hãy cho họ ăn đi.’
‘Năm chiếc bánh và hai con cá’ của các môn đệ là không thể đáp ứng nổi trước nhu cầu mà chỉ riêng ‘số đàn ông’ đã là ‘năm ngàn.’ Nhưng khi năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ bé ấy được Chúa Giêsu ‘cầm lấy’ kèm theo những cử chỉ rất đặc trưng của Ngài: ‘Nhìn lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và phân phát…’ thì ‘tất cả đều ăn no nê’ cùng với ‘mười hai thúng miếng vụn còn dư lại.’
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Melkisêđê trong tư cách là tư tế đã dùng bánh và rượu làm lễ vật để chúc phúc cho Abraham và nhất là để chúc tụng Thiên Chúa vì đã ra tay che chở để giúp cho Abramham thắng trận. Do vậy, thói quen chỉ biết ‘xin ơn’ mỗi khi đến nhà thờ chắc chắn sẽ làm lu mờ đi hành vi chúc tụng - tạ ơn Thiên Chúa, mà lẽ ra hành vi này luôn phải là thái độ hàng đầu mỗi khi chúng ta cử hành Thánh lễ.
2. Vai trò của người dâng lễ vật cũng hết sức quan trọng qua mô tả của các bài đọc: Melkisêđê, vị tư tế của thành Salem; Đức Giêsu, Vị Tư tế đời đời; Cộng đoàn Kitô hữu cũng được xem như là một Dân tư tế: ‘Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa’ (x. 1P 2,9). Như thế, sự thánh thiện của mỗi Kitô hữu là rất cần thiết vì nó giúp họ có đủ tư cách để chu toàn phận vụ tế lễ của mình.
3. Theo cách mô tả của Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai, Đức Giêsu không chỉ đóng vai trò là Vị Tư tế dâng lễ vật, mà chính khi nói: ‘Này là Mình Thầy…Này là Máu Thầy’ Ngài còn hiến dâng chính mình làm lễ vật để đền tội thay cho mọi người. Cũng vậy, khi cử hành thánh lễ, mỗi Kitô hữu cũng được mời gọi kết hợp những giọt mồ hôi, những nỗi lao nhọc - vất vả, những đau khổ - hy sinh của mình vào lễ vật được dâng trên bàn thờ là chính Đức Kitô, hầu làm đẹp lòng Thiên Chúa Cha.
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh Thể để hiến ban Mình và Máu Người làm lương thực dưỡng nuôi linh hồn chúng ta. Trong tâm tình tri ân, chúng ta đồng thanh cảm tạ Chúa và khẩn khoản cầu xin.
1- Bí tích Thánh Thể là dấu chỉ sự hiện diện yêu thương của Chúa Kitô ở giữa nhân loại. Chúng ta cùng cầu xin cho các vị mục tử trong Hội Thánh luôn chuyên cần và sốt sắng cử hành mầu nhiệm Thánh Thể, sống theo gương hy sinh quên mình của thầy chí thánh, hầu đem Chúa Kitô đến gần với con người thời đại.
2- Đức Kitô là bánh bởi trời ban cho con người sức sống dồi dào. Chúng ta cùng cầu xin cho các nhà lãnh đạo trên thế giới biết quan tâm bảo vệ và phục vụ quyền sống của con người, cho người dân của các nước nghèo được thụ hưởng những quyền lợi tối thiểu cả vật chất lẫn tinh thần cho xứng đáng với phẩm giá làm người của họ.
3- Bí tích Thánh Thể là quà tặng thần linh Chúa Giêsu dành cho mọi tín hữu. Chúng ta cùng cầu xin cho các Kitô hữu biết trân trọng và yêu mến Bí tích Cực Thánh, luôn siêng năng tham dự cử hành Thánh Thể, để được kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô và hiệp thông huynh đệ với nhau, tích cực xây dựng Nhiệm Thể Chúa là Hội Thánh.
4- Bí tích Thánh Thể là bảo chứng cho đời sống vĩnh cửu và vinh quang thiên quốc. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta được Chúa liên kết và biến đổi trở nên những tấm bánh bẻ ra cho thế giới mới, hăng hái xây dựng nước Chúa nơi trần gian, hầu ngày sau xứng đáng chung hưởng hạnh phúc nước trời.
Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu Kitô là nguồn sống và hy vọng của nhân loại, xin nhậm lời chúng con cầu nguyện; và nâng đỡ chúng con trong cuộc sống chứng tá hôm nay, để mai sau xứng đáng tham dự bàn tiệc Nước Trời. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020