Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật V Mùa Chay - năm A
CHÚA NHẬT V MÙA CHAY – NĂM A
Ed 37,12-14; Rm 8,8-11; Ga 11,1-45
NIỀM TIN VÀO CHÚA GIÊSU:
CHÌA KHÓA DẪN VÀO SỰ SỐNG
“Ta là Sự Sống Lại và là Sự Sống.” (Ga 11,25)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I – Ed 37,12-14
Đây là phần kết của thị kiến rất nổi tiếng của ngôn sứ Edêkiel, thị kiến những bộ xương khô. Qua thị kiến này, Êdêkiel muốn loan báo thời lưu đày đã tới hồi chấm dứt để bắt đầu một thời đại mới. Đồng thời loan báo này còn là một lời giải thích cho sự nghi ngại của những người đang lưu đày: làm sao lại có thể thoát khỏi ách nô lệ để được tự do hoàn toàn? làm sao Giuđa lại có thể có được ngày phục hưng trước sức mạnh bá chủ của vua Nabucôđônôsô? Ngôn sứ Êdêkiel đã xác nhận: dân Israel hoàn toàn không có khả năng phục hồi giống như bộ xương đã khô đét, nhưng quyền năng Chúa sẽ làm phục sinh những bộ xương khô ấy. Nhờ đó dân Israel sẽ được phục hưng và trở thành một dân tộc thống nhất và hùng mạnh.
Trong nội dung bài đọc I, chúng ta thấy có những kiểu diễn tả có cùng một nội dung được lập đi lập lại, nhằm diễn tả sự ra tay oai hùng của Thiên Chúa để dẫn dân từ cõi chết đến cõi sống như: ‘mở cửa mồ, kéo ra khỏi mồ…dẫn dắt vào đất; mở cửa mồ, kéo ra khỏi mồ; ban thần trí…sẽ được sống; cho an cư.’ chỉ để nhằm cho dân biết rằng: Thiên Chúa luôn là Đức Chúa của dân.
2. Bài đọc II – Rm 8,8-11
Khởi đi từ nguyên tắc: sống theo xác thịt đối lập với sống theo Thần Khí, thánh Phaolô khuyên tín hữu Rôma đừng sống theo xác thịt vì điều đó không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa, nhưng hãy mở lòng ra cho Thần Khí của Thiên Chúa ngự trị và hướng dẫn. Thần Khí của Thiên Chúa cũng chính là Thần Khí mà Đức Kitô đã lãnh nhận từ nơi Cha và thông ban cho những kẻ thuộc về Ngài.
Thánh Phaolô còn quả quyết: nếu Đức Kitô ở trong người nào, thì dù thân xác họ có phải chết bởi tội lỗi thì Thần Khí cũng làm cho họ được sống bởi sự công chính của Đức Kitô qua cái chết và sự phục sinh của Người.
Đây không phải chỉ là một tuyên bố mang tính lý thuyết nhưng là một thực tại đã xảy ra nơi cái chết và sự phục sinh của chính Đức Kitô, và vì thế trở nên niềm hy vọng chắc chắn được sống cho mọi Kitô hữu, những người đang mang trong mình Thần Khí của Đức Kitô.
3. Bài Phúc âm – Ga 11,1-45
Xoay quanh cái chết và việc Chúa Giêsu làm cho Lazarô sống lại, Thánh sử Gioan cài lồng vào đó là những mẩu đối thoại để diễn tả nhiều chân lý mạc khải:
Bệnh tật và sự chết là quy luật tất yếu của kiếp con người, mà theo Thánh Kinh nguyên nhân chính là do tội lỗi đã đi vào trần gian do tội bất tuân phục của con người trong tương quan với Thiên Chúa.
Cái chết và sự phục sinh nơi Lazarô cũng là một hình ảnh được thánh Gioan sử dụng để tiên báo về cái chết và cuộc phục sinh mà Đức Kitô sẽ trải qua không lâu sau đó.
Đối với Chúa Giêsu, cái chết chỉ là một ‘giấc ngủ’ bởi vì chắc chắn sự phục sinh sẽ xảy đến như một điều tất yếu cho những ai tin vào Người.
Đang khi cả Martha và Maria đều coi sự hiện diện của Chúa chính là chìa khóa để giải quyết vấn đề về cái chết: ‘Nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết’, thì Chúa Giêsu lại đặt nền tảng trên niềm tin vào chính Ngài: ‘Ai tin Ta, thì dầu có thết cũng sẽ được sống.’
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. ‘Ta sẽ kéo các ngươi ra khỏi mồ…và các ngươi sẽ được sống.’ Nếu nỗi tuyệt vọng và thái độ thiếu kiên nhẫn đã dẫn dân Do Thái phải từng bước đi đến chỗ suy vong và hủy diệt, ngôn sứ Êdêkiel lại khơi lên nơi họ niềm hy vọng và sự kiên nhẫn đợi chờ chính Chúa sẽ đến để mang họ ra khỏi cõi chết để đưa vào cõi sống bất diệt. Khi đối diện với những khó khăn và thử thách rất dễ đẩy con người vào chỗ bi quan và tuyệt vọng. Cơn cám dỗ này có ảnh hưởng ít nhiều trên đời sống đức tin của tôi không?
2. ‘Nếu Đức Kitô ở trong anh em , thì thân xác có phải chết vì tội, Thần Khí vẫn là sự sống.’ Niềm tin vào Đức Giêsu Kitô chính là chìa khóa dẫn con người vào cuộc sống vĩnh cửu. Khi luôn bị áp lực bởi cuộc sống ‘cơm áo gạo tiền’ mối ưu tư hàng đầu để sống đức tin của tôi là gì? Có là một chọn lựa ưu tiên cho niềm tin vững chắc vào Đức Giêsu Kitô không?
3. ‘Lagiarô bạn chúng ta đang ngủ.’ Quan niệm chết chỉ như một giấc ngủ làm cho con người không quá đớn đau vì nỗi xót xa mất đi người thân yêu. Quan niệm niệm này còn khơi lên người tín hữu niềm hy vọng vào sự sống lại, sự sống vĩnh cửu nơi Đức Giêsu Phục sinh, bên Thiên Chúa. Tôi có biết chọn lựa sống khôn ngoan để có được một cái chết đúng nghĩa không?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa đã ban cho tất cả chúng ta một đời sống mới trong Đức Giêsu Kitô, Đấng là sự sống lại và là sự sống. Trong tâm tình tri ân và phó thác, chúng ta cùng tha thiết dâng lời cầu nguyện.
1. Khi chứng kiến việc Chúa Giêsu làm, nhiều người Do Thái đã tin vào Người. Chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô cùng các mục tử trong Hội Thánh, qua các hoạt động mục vụ và đời sống chứng tá của mình, tiếp tục củng cố đức tin của Dân Chúa và đem nhiều người đến với Đức Kitô.
2. Bà Martha thưa với Chúa Giêsu: “Con tin Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho những người đang gặp đau khổ hay bế tắc trong cuộc sống, tìm được nơi Đức Kitô niềm an ủi và hy vọng, để luôn biết tín thác và sống lạc quan trước mọi nghịch cảnh hiện tại.
3. Theo thánh Phaolô, những người sống theo xác thịt thì không thể đẹp lòng Thiên Chúa. Chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho mọi kitô hữu biết từ bỏ bản thân, luôn lắng nghe và sống theo sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần, để mỗi ngày được biến đổi trở nên những con người mới trong Đức Kitô khiêm hạ và vâng phục.
4. Ai tin thì sẽ được xem thấy vinh quang của Thiên Chúa. Chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, luôn trọn niềm tin vào Chúa Kitô, Đấng là sự sống lại và là sự sống, trung thành bước theo và hăng say làm chứng cho Chúa, để xứng đáng được chia sẻ vinh quang cùng với Người.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha và là Đấng cứu độ chúng con, xin thương nhậm lời chúng con cầu nguyện và ban ơn trợ giúp, để chúng con luôn vững lòng tin tưởng vào tình thương của Chúa và không ngừng canh tân cuộc sống trong Đức Kitô. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020