Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật VI Phục Sinh - năm A
CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH A
(Cv 8,5-8.14-17; 1 Pr 3,15-18; Ga 14,15-21)
VAI TRÒ CỦA THÁNH THẦN
“Thầy sẽ xin Chúa Cha
và Người sẽ ban cho anh em
một Đấng Bảo Trợ khác
đến ở với anh em luôn mãi.”
(Ga 14,16)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1 (Cv 8,5-8.14-17):
Cuộc bách hại Giáo hội tại Giêrusalem đã phân tán các môn đệ mỗi người mỗi nơi, mang theo sứ điệp Tin Mừng Phục Sinh rao giảng cho nhiều vùng khác nhau. Một trong số đó là Philípphê, sau khi đến Samaria, đã tiếp tục rao giảng Đức Kitô cho dân cư ở đó. Dân chúng vui mừng đón nhận lời rao giảng của ông; Tin Mừng về Đức Kitô Phục Sinh tiếp tục lan tỏa.
Để bày tỏ sự quan tâm, nâng đỡ và tinh thần hiệp thông, Giáo hội mẹ tại Giêrusalem đã cử Phêrô và Gioan đến với Giáo hội địa phương tại Samari. Ngay từ thời Giáo hội sơ khai, các Tông đồ đã ý thức về tầm quan trọng của sự hiệp thông trong Giáo hội. Sự hiệp thông này không chỉ mang tính nâng đỡ mục vụ, mà trên hết là liên kết và hợp nhất trong Giáo hội nhờ ơn Thánh Thần.
Quả vậy, dù đã chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu, nhưng các tín hữu tại Samari chưa nhận được Thánh Thần. Sự liên kết hiệp thông trở nên tròn đầy khi có sự hiện diện của đại diện các Tông đồ; việc các ngài đặt tay, cầu nguyện để ơn Thánh Thần xuống trên các tín hữu giúp liên kết các tín hữu với nhau, với các Tông đồ và với Giáo hội mẹ Giêrusalem. Thánh Thần quả thật là Đấng liên kết và hợp nhất mọi tín hữu trong Giáo Hội.
2. Bài đọc 2 (1Pr 3,15-18):
Sống giữa những kẻ không tin vào Đức Kitô, những người tìm cách làm lung lạc đức tin của các tín hữu bằng những lý lẽ trần tục và lối sống bất chính, các Kitô hữu ít nhiều bị lung lay. Thư thứ nhất Phêrô tìm cách củng cố đức tin cho các Kitô hữu đang phải sống trong những hoàn cảnh thách đố như thế.
Sự thánh thiện của Đức Kitô là gương mẫu để các Kitô hữu tôn thờ và noi theo, bất chấp lối sống trần tục của những người xung quanh. Dù bị những cám dỗ theo lối sống xấu xa, các Kitô hữu được khích lệ hãy trung thành với niềm tin vào Đức Kitô và sống trong niềm hy vọng vào Người, để có thể trả lời cho bất cứ ai chất vấn về đức tin và niềm hy vọng của mình.
Đức Kitô là Đấng công chính mà đã sẵn sàng chết cho những kẻ bất lương, thì đến lượt các Kitô hữu là môn đệ của Người cũng được mời gọi sống công chính, hiền hòa, theo lương tâm ngay thẳng. Chính lối sống đó sẽ là câu trả lời cho bất cứ ai muốn vu khống, dèm pha, và khiến cho họ phải thẹn thùng xấu hổ. Khi sống như thế, các Kitô hữu có thể phải chịu thiệt thòi, kỳ thị nhưng “thà chịu khổ vì làm việc lành, nếu đó là ý của Thiên Chúa, còn hơn là vì làm điều ác” (1Pr 3,17).
Đức Kitô đã chết và đã được phục sinh nhờ Thánh Thần, để dẫn đưa các tín hữu đến cùng Thiên Chúa. Đó chính là niềm hy vọng cao cả nhất mà các tín hữu được mời gọi sẵn sàng làm chứng bằng chính đời sống của mình cho những người xung quanh.
3. Bài Tin Mừng (Ga 14,15-21):
Đoạn trích từ chương 14 Phúc Âm thứ tư mô tả khung cảnh thân mật giữa Chúa Giêsu và các môn đệ trong những giờ phút cuối cùng trước khi Chúa Giêsu bước vào cuộc khổ nạn. Ý thức được sứ vụ của mình trên trần gian sắp kết thúc và biết rằng mình sắp phải rời xa các môn đệ, Chúa Giêsu dành những lời tâm huyết để an ủi, động viên và khích lệ tinh thần các ngài bằng cách mạc khải về Thiên Chúa Ba Ngôi.
Tình yêu chính là sợi dây liên kết bền chặt, kết hợp Chúa Cha và Chúa Giêsu thế nào, thì đó cũng là mối dây liên kết Chúa Giêsu và các môn đệ. Bằng cách giữ các điều răn Chúa Giêsu đã dạy, mà trên hết là giới răn mới, giới răn yêu thương (Ga 13,34-35), các môn đệ được liên kết với Chúa Cha trong tình yêu của Ngài. Và chính khi được liên kết với Chúa Giêsu và Chúa Cha trong tình yêu, người môn đệ sẽ được chính Chúa Giêsu “tỏ mình ra” cho hiểu sâu xa hơn, tròn đầy hơn mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa (Ga 14,21).
Mầu nhiệm tình yêu đó chính là Thánh Thần, Đấng được Chúa Cha ban cho các môn đệ. Một khi Chúa Giêsu không còn ở với các ông nữa, Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ, sẽ tiếp tục ở với các môn đệ để các ông không phải mồ côi. Nhờ có sự hiện diện của Thánh Thần, các môn đệ như vẫn được “thấy” chính Chúa Giêsu và “sống” chính sự sống của Chúa Giêsu, điều mà thế gian không thể có được (Ga 14,17.19). Nhờ ơn Thánh Thần, các môn đệ sẽ luôn cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Giêsu luôn mãi, dù Người không còn ở với các ông.
Cũng như Thánh Thần tình yêu liên kết Chúa Cha và Chúa Giêsu thế nào, Thánh Thần cũng liên kết các môn đệ vào trong mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa như vậy. Đồng thời, Thánh Thần cũng chính là sự sống. Như Chúa Giêsu nhờ Thánh Thần sự sống mà sống sự sống của Chúa Cha, thì các môn đệ cũng nhờ Thánh Thần sự sống mà sống sự sống của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu không còn ở trong trần gian với các môn đệ, nhưng nhờ Thánh Thần, “Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống” (Ga 14,19).
Qua đoạn Phúc Âm ngắn này, Chúa Giêsu hé lộ mạc khải sâu xa về mầu nhiệm Thiên Chúa: Chúa Cha, Chúa Giêsu và Thánh Thần. Đó là mầu nhiệm về Thiên Chúa tình yêu. Ai kết hợp với Thiên Chúa tình yêu nhờ tuân giữ Lời Chúa Giêsu, thì được hiệp thông với Thiên Chúa, được thông phần sự sống thần linh của Ngài qua ơn Thánh Thần.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1/ Sách Công vụ Tông đồ cho thấy ơn Thánh Thần được ban qua việc cầu nguyện và đặt tay của các Tông Đồ. Chính Thánh Thần liên kết và hợp nhất các cộng đoàn khác nhau trong Giáo Hội. Tôi có đang đi ngược lại với ơn Thánh Thần khi gây chia rẽ trong cộng đoàn, trong giáo xứ, trong Giáo Hội? Phải chăng tôi vẫn chưa ý thức đầy đủ về ơn Thánh Thần ban cho tôi qua Bí tích Thêm sức? Tôi phải làm gì để ơn hợp nhất của Thánh Thần hoạt động trong tôi không trở nên vô nghĩa?
2/ Các Kitô hữu trong cộng đoàn thánh Phêrô đã bị tác động bởi lối sống phàm tục của những người xung quanh. Tôi có đang bị lôi kéo, lung lạc bởi lối sống gian dối của môi trường xung quanh? Tôi có tìm kiếm sự thiện hảo và tốt lành từ nơi Chúa hơn là sự bất chính, gian ác của người đời? Tôi có sẵn sàng làm chứng cho niềm tin của mình? Tôi có sẵn sàng trả lời cách xác tín cho bất cứ ai chất vấn hay nghi ngờ niềm hy vọng của mình vào Chúa?
3/ Có gì cao quý hơn tình yêu? Còn gì quý giá hơn sự sống? Tôi có muốn được kết hợp với Thiên Chúa tình yêu? Tôi có muốn được thông phần sự sống thần linh của Ngài? Chỉ có con đường Giêsu, con đường tuân giữ Lời Chúa mới dẫn tôi đến cùng Thiên Chúa để biết yêu và được yêu, để được thông chia sự sống bất diệt của Ngài. Tôi có mở lòng ra đón nhận ơn Thánh Thần để không phải sống trong cảnh mồ côi, nhưng được tháp nhập vào trong mầu nhiệm tình yêu và sự sống của Thiên Chúa?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa Cha sẽ ban tặng Thánh Thần cho những ai yêu mến và tuân giữ lệnh truyền của Đức Kitô, giúp họ hoàn tất ơn gọi và sứ mạng của mình. Trong niềm tin tưởng và phó thác vào quyền năng Thiên Chúa, chúng ta cùng tạ ơn Người và dâng lời cầu nguyện.
1. “Thầy sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con một Ðấng Phù Trợ khác.” Chúng ta cùng cầu xin Chúa tuôn đổ Thánh Thần trên Đức Giáo Hoàng Phanxicô, hàng Giám mục và các Linh mục, để các ngài chu toàn trách vụ dẫn dắt đoàn chiên Chúa đã ủy thác.
2. Các tông đồ đặt tay trên dân chúng, và họ nhận lãnh Thánh Thần. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo các quốc gia biết nghe theo Thánh Thần hướng dẫn, luôn tôn trọng và hành động theo sự thật, góp phần xây dựng một thế giới hòa bình và thịnh vượng.
3. Thánh Phêrô nhắc nhở: “Hãy luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi Kitô hữu luôn thấm nhuần tinh thần Phúc Âm mà trở nên chứng nhân cho tin yêu và hy vọng giữa thế giới tục hóa hôm nay.
4. “Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn của Thầy.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết thể hiện lòng yêu mến Chúa qua việc tuân giữ các giới răn, và tận tâm chu toàn bổn phận đối với gia đình cũng như cộng đoàn.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, xin thương chúc lành cho những ý nguyện của chúng con và ban tràn đầy ân huệ Thánh Thần, giúp chúng con luôn hăng say trong sứ vụ loan báo niềm vui Phúc Âm giữa thế giới hôm nay. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020