Phụng vụ Lời Chúa Chúa nhật VI Phục Sinh năm C
CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH – NĂM C
Cv 15,1-2.22-29; Kh 21,10-14.22-23; Ga 14,23-29
HOA TRÁI CỦA ĐẤNG PHỤC SINH: LỜI, THÁNH THẦN VÀ BÌNH AN
“Chúng ta sẽ đến và ở trong người ấy”
(Ga 14,23)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I – Cv 15,1-2.22-29
Bài đọc I được xảy ra trong bối cảnh của cuộc xung đột gay gắt ở Antiokia về vấn đề: có nên cắt bì hay không cắt bì cho những người Kitô hữu gốc dân ngoại? Vấn đề này đến từ hai ý kiến: 1/ ‘Có mấy người từ Giuđêa’ phải hiểu đây là những người Kitô hữu gốc Do thái với lập trường: ‘Nếu anh em không chịu cắt bì theo luật Môsê, thì không được cứu độ.’ 2/ Ý kiến phản biện gắt gao của Phaolô và Barnaba: ‘Con người được nên công chính không phải bởi làm những việc Lề Luật dạy, mà nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô.’ (Gal 2,16)
Cuộc tranh luận đã chỉ được giải quyết với cuộc họp ‘công đồng đầu tiên’ tại Giêrusalem với kết quả được tóm tắt trong lá thư được gởi tới cộng đoàn Kitô hữu ở Antiôkia qua vai vị đại diện là Giuđa và Sila.
Thuật ngữ: ‘Thánh Thần và chúng tôi xét rằng…’ (Cv15,28) lần đầu tiên xuất hiện ở đây và sau này đã trở thành công thức cho những quyết định quan trọng của giáo hội có liên quan đến đức tin và phong hóa.
Ba nội dung chính của công đồng Giêrusalem: 1/ Kiêng đồ cúng thần: hành vi tôn thờ ngẫu tượng; 2/ Kiêng huyết và thịt chết ngạt: huyết biểu tượng của sự sống, chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa; 3/ Kiêng gian dâm: là những điều cấm trong Lv 18,6-18.
2. Bài đọc II – Kh 21,10-14.22-23
Đây là thị kiến thứ hai mô tả hình ảnh của Thành Giêrusalem mới một cách rất tỉ mỉ và tượng hình: cc.11-14: cảnh trí bên ngoài của thành; cc.15-17: nói về kích thước của thành; cc.18-21: tường, nền móng mười hai cửa và quảng trường của thành; cc.22-23: Thiên Chúa là đền thờ của thành tỏa chiếu vinh quang của Thiên Chúa.
Thành Giêrusalem mới này được mô tả như một công trình ‘xuống từ trời’, công trình của Thiên Chúa. Hình ảnh cửa thành không hề đóng để các dân nước tập trung về đó, ở những câu tiếp theo cc.24-27, nói lên tính phổ quát của ơn cứu độ.
Giêrusalem mới có thể hiểu là Hội thánh được xây dựng trên nền tảng đức tin và giáo huấn của các Tông Đồ là những người đã theo Đức Kitô, đã nghe lời Người giảng dạy, đã chứng kiến các phép lạ, đã có kinh nghiệm về cái chết và sự sống lại của Người. Tuy nhiên, Giêrusalem mới một cách nào đó cũng có thể hiểu là Giêrusalem thiên quốc rồi, chỉ còn đợi ngày đạt tới sự sung mãn chung cuộc.
3. Bài Phúc Âm – Ga 14,23-29
Đoạn phúc âm này là phần trích trong lời từ biệt của Chúa Giêsu với các môn đệ, trước khi Người rời bỏ các ông mà về cùng Chúa Cha. Đối với Chúa Giêsu, ‘tuân giữ lời của Người’ là cách thế giúp cho người môn đệ có thể diễn tả tình yêu đối với Người. Hơn nữa, ‘tuân giữ lời của Chúa Giêsu’ còn làm cho người môn đệ trở nên đáng yêu trước mặt Chúa Cha. Và nhất là ‘tuân giữ lời của Người’ còn làm cho người môn đệ trở nên nơi ở của Thiên Chúa.
Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ, được sai đến từ Chúa Cha nhân danh Chúa Giêsu; Đấng ấy đóng hai vai trò chính trong tương quan với người môn đệ: 1/ Thầy dạy: mở lòng soi trí hầu giúp cho người môn đệ có thể thấu hiểu được ‘mọi điều’; 2/ Đấng gợi nhớ: giúp cho người môn đệ có thể nhớ lại tất cả những gì Chúa Giêsu đã nói trước đó.
Điều mà Chúa Giêsu hứa để lại cho các môn đệ trước khi ra đi đó là sự bình an. Nhưng bình an mà Chúa Giêsu ban cho các môn đệ ‘không như thế gian ban tặng.’ Đó là sự bình an vượt trên mọi nỗi sợ hãi và tâm trạng xao xuyến. Một sự bình an đặt nền trên lời hứa ‘trở lại’ của Thầy Giêsu.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Sự bất đồng xoay quanh vấn đề ‘có nên cắt bì hay không?’ nơi cộng đoàn Antiôkia cho thấy rằng sự bất ổn là điều không thể tránh khỏi trong đời sống cộng đoàn. Rất thường khi sự bất ổn đó còn thực sự trở nên gay gắt và có nguy cơ đưa cộng đoàn đi tới sự chia rẽ và tan rã. Lý do giúp giáo hội thời sơ khai vượt qua được cơn khủng hoảng này? Đó là tất cả mọi người đã nhìn vấn đề bằng cùng một cái nhìn: suy nghĩ trong Thánh Thần, phát biểu trong Thánh Thần và quyết định trong Thánh Thần. Thành quả mà công đồng Giêrusalem đạt được không phải là ai thắng ai thua, mà là để cho thánh ý Thiên Chúa được thực hiện. Đây cũng là những nguyên tắc nền tảng giúp cho mỗi cộng đoàn Kitô hữu hôm nay vượt qua được những cơn khủng hoảng về đời sống đức tin.
2. Chính Chúa Giêsu đã chỉ ra cho các môn đệ cách thức để diễn tả tình yêu của các ông đối với Người: đó là tuân giữ Lời của Người. Trong thực tế, việc phải giữ một luật lệ nào đó luôn là gánh nặng vì mang tính áp đặt và bắt buộc. Do vậy, chỉ khi đặt trên nền tảng của tình yêu thì việc giữ luật mới có thể trở nên nhẹ nhàng; và cũng chỉ có tình yêu mới tạo ra một động lực giúp cho người môn đệ có thể hăng hái để giữ luật. Có lẽ Chúa Giêsu cũng muốn mỗi chúng ta tuân giữ Lời của Người không như một luật buộc, nhưng coi đây là cách để chúng ta diễn tả tình yêu đối với Người.
3. Sự ra đi của Chúa Giêsu đã làm cho các môn đệ rơi vào tình trạng xao xuyến, lo lắng. Cái chết của Chúa Giêsu đã đặt các ông vào cuộc khủng hoảng đức tin. Những cơn bách hại khốc liệt trên bước đường loan báo tin mừng làm cho các ông khiếp sợ và tháo chạy. Tuy nhiên những tình huống đó không làm cho các môn đệ sống trong tình trạng mất bình an. Bình an mà Chúa Giêsu hứa ban cho các ông là thứ bình an giữa trăm chiều thử thách, bình an giữa một cuộc sống luôn có những bất ổn. Bình an đó chỉ có thể có được khi nó đặt trên nền tảng của xác tín rằng: đó chính là điều Chúa muốn cho tôi ở đây hôm nay.
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Qua Đức Kitô phục sinh, Thiên Chúa Cha đã ban tặng bình an và Thánh Thần cho các môn đệ cùng tất cả chúng ta. Trong tâm tình cảm mến tri ân, cộng đoàn chúng ta cùng tha thiết dâng lời cầu xin.
1. Đức Kitô đã thiết lập Hội thánh trên nền tảng các tông đồ. Xin cho Đức Giáo Hoàng, và các Đức Giám Mục luôn xứng đáng là những người kế vị đầy nhiệt tâm của các tông đồ, biết quyết định và hành động trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, để nên dấu chỉ sự hiệp nhất mọi người trong Chúa.
2. “Thầy ban bình an của Thầy cho các con.” Xin cho các dân tộc và mọi gia đình trên thế giới được sống trong bình an đích thực mà Đức Kitô ban tặng cho nhân loại; cách riêng cho những ai đang phải đương đầu với thử thách gian nan luôn vững lòng tin tưởng vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa.
3. “Chính Thánh Thần sẽ dạy các con mọi điều.” Xin cho mọi Kitô hữu và cách riêng những người Công Giáo Việt Nam luôn biết lắng nghe và tích cực tuân theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong khi dấn thân vào các hoạt động xã hội cũng như đóng góp xây dựng sự hiệp thông trong Giáo Hội.
4. “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy.” Xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta ngày càng thêm lòng yêu mến Chúa, luôn say mê học hỏi Lời Chúa và trung thành tuân giữ luật Chúa; để trong mọi hoàn cảnh chúng ta luôn là khí cụ hữu hiệu đem yêu thương, an bình và hạnh phúc đến cho mọi người.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, xin nhận lời chúng con cầu nguyện và tuôn đổ Thánh Thần xuống trên chúng con, giúp chúng con biết vâng nghe và thực thi những giáo huấn của Con Một Chúa. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020