Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật XI Thường Niên - Năm C
CHÚA NHẬT XI
MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM C
2 Sm 12,7-10.13; Gl 2,16.19-21
Lc 7, 36-50
Chủ đề:
NIỀM HẠNH PHÚC
KHI ĐƯỢC THIÊN CHÚA THA THỨ
“Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha,
bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều.”
(Lc 7,47)
“Hạnh phúc thay kẻ lỗi lầm mà được tha thứ,
Người có tội mà được khoan dung.”
(Tv 31,1)
Thánh Vịnh 31 được kể là thánh vịnh “của vua Đavit”, một cụm từ được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau: 1/ Thánh vịnh này do chính vua Đavit viết ra; 2/ Thánh vịnh do một thi nhân viết ra, nhưng được gán cho vua Đavit; 3/ Thánh vịnh do một thi nhân hay một nhóm thi nhân viết ra, được khởi hứng từ chính kinh nghiệm của vua Đavit. Nhưng dù hiểu theo nghĩa nào đi nữa, thì thánh vịnh này cũng phản ánh được niềm vui không thể không thốt nên lời của một tội nhân trước mặt Thiên Chúa, dù người này là vua Đavit hay chỉ là thường dân, khi người này nghiệm được tình yêu thương tha thứ của Thiên Chúa đối với mình.
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài Đọc 1: 2 Sm 12,7-10.13
Thiên Chúa trong bài đọc 1 là một Thiên Chúa công bình khi xét xử, nhưng cũng là Đấng giàu lòng xót thương với kẻ có tội biết ăn năn. Thiên Chúa ấy không làm ngơ trước tội lỗi của những kẻ đang nắm giữ quyền cao chức trọng như vua Đavit. Người đã sai ngôn sứ Nathan đến “vạch mặt chỉ tên” những tội lỗi nghiêm trọng vua đã phạm. Qua vị ngôn sứ của mình, trước tiên, Thiên Chúa đã cho vua thấy những điều tốt đẹp Người đã làm cho vua Đavit, phát xuất từ lòng ưu ái của Người dành cho vua:
- Người đã xức dầu phong vương cho Đavit, khi Đavit còn là kẻ chăn chiên.
- Người đã bao lần giải thoát Đavit khỏi tay vua Saul, vốn do lòng ghen tị mà hay tìm cách sát hại Đavit.
- Người đã trao vương quốc thống nhất với 12 chi tộc Israel vào tay vua Đavit.
- Nếu vua muốn thêm điều gì chính đáng, Người cũng sẵn lòng ban cho.
Nhưng sự thật đáng buồn là vua Đavit, theo lời của vị ngôn sứ, đã khinh dể lời Thiên Chúa và dám làm điều dữ trái mắt Người:
- Vua đã chủ mưu sát hại tướng Uriah. Vua đã ném đá dấu tay khi dùng người Ammon mà sát hại vị tướng này.
- Vua đã cướp vợ của tướng Uriah làm vợ của mình.
Vua Đavit, với hai trọng tội này, phải đối diện với một phán quyết nghiêm minh của Thiên Chúa: “Từ nay, gươm sẽ không bao giờ ngừng chém người nhà của ngươi”. Tội của vua là duyên cớ gây ra bao đổ vỡ nghiêm trọng trong chính gia đình của vua sau này: anh quan hệ bất chính với em; anh em sát hại nhau; con nổi lên chống lại cha mình; anh em tranh giành quyền lực với nhau (x. 2 Sm 13-18; 1 V 1-2).
Nhưng chính trong bài đọc 1 này, chúng ta cũng cảm nghiệm được tấm lòng xót thương của Thiên Chúa đối với kẻ có tội. Một khi vua Đavit thú nhận tội lỗi của mình cách công khai: “Tôi đắc tội với Đức Chúa”, Thiên Chúa, qua lời ngôn sứ Nathan, đã tỏ lòng nhân hậu với vua: “Về phía Đức Chúa, Người đã bỏ qua tội lỗi của ngài; ngài sẽ không phải chết”. Hơn ai hết, chính vua Đavit là người cần thốt nên lời niềm hạnh phúc trong tâm hồn mình: “Hạnh phúc thay kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà được khoan dung”.
2. Bài Đọc 2: Gl 2,16.19-21
Đoạn Kinh Thánh này được hiểu như một bài suy tư thần học của thánh Phaolô về ơn công chính hóa, theo đó, chúng ta được trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa là nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô, Đấng đã yêu mến và hiến mạng sống mình vì chúng ta. Cách hiểu này cũng được thánh Phaolô khai triển trong thư gửi tín hữu Roma (x. Rm 3,24.28; 5,1.9; s.s Gl 3,11.24).
Nhờ tình yêu của Chúa Giêsu Kitô, được thể hiện đặc biệt trong cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Người, mà người tín hữu được ơn công chính hóa. Tình yêu của Chúa Giêsu hiện thực hóa cách sống động và cao đẹp tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta, ngay cả khi chúng ta không xứng đáng lãnh nhận: “Thiên Chúa đã bày tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, [theo đó], Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những tội nhân” (Rm 5,8).
Nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô, chứ không phải nhờ thực thi những gì Luật dạy, mà chúng ta trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa. Qua câu khẳng định này, thánh Phaolô muốn nhấn mạnh đến vị thế trổi vượt của Chúa Giêsu Kitô, xét về phương diện cứu độ, so với Luật Cựu Ước mà Thiên Chúa đã ban cho dân Israel. Lời dạy này của thánh Phaolô, thực ra, không mâu thuẫn hay loại trừ cách hiểu của thánh Giacôbê về giá trị của “hành động”: “Ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin thì nào có lợi ích gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng?” (Gc 2,14), hay “đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2,17).
Quả thực, thánh Phaolô không dạy chúng ta chỉ tin thôi là đủ rồi, không cần phải thể hiện niềm tin ấy qua việc từ bỏ con người cũ với đầy tính đam mê xác thịt, và đồng thời thực hiện những việc bác ái yêu thương đối với mọi người. Trái lại mới đúng, một đàng thánh Phaolô dạy chúng ta rằng “những ai thuộc về Đức Kitô thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê” (x. Gl 5,24). Ngài liệt kê không dưới 15 hành vi do tính xác thịt có thể gây ra cho chúng ta: “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tương, nóng giận, chia rẽ, tranh chấp, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy” (Gl 5,19-20). Đàng khác, thánh nhân mời gọi người tín hữu “hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau” (Gl 5,13), “hãy sống theo Thần Khí” (Gl 5,16), “để cho Thần Khí hướng dẫn” (Gl 5,18), hầu có thể sinh ra các hoa trái: “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5,22-23).
3. Bài Tin Mừng: Lc 7, 36-50
Bài Tin Mừng cho chúng ta thấy người phụ nữ “tội lỗi”, hầu chắc do đã cảm nghiệm được tình yêu thương tha thứ bao la của Thiên Chúa dành cho mình, nên đã không ngần ngại diễn tả sự tôn kính dành cho Chúa Giêsu, vượt xa cách diễn tả thông thường của lòng hiếu khách. Chị như đang diễn tả ra bên ngoài niềm hạnh phúc sâu xa của “kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà được khoan dung”.
Trước việc người chủ nhà có lối suy nghĩ khá gay gắt với Chúa Giêsu, đồng thời xem thường người phụ nữ “tội lỗi” – “Nếu quả thật vị này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi” – Chúa Giêsu trước tiên đã dùng dụ ngôn mà chỉ cho ông thấy: trong hai người mắc nợ, người nợ nhiều hơn, một khi được tha, thì theo lẽ thường sẽ yêu mến chủ nợ nhiều hơn kẻ nợ ít.
Tiếp đó, Chúa Giêsu cho ông này hay, ông đã không có những cử chỉ hay hành động cần thiết để tỏ lòng hiếu khách đối với Chúa: nước lã, ông không đổ lên chân Chúa; ông chẳng hôn chào Chúa; dầu ô-liu ông cũng không đổ lên đầu Chúa. So với những gì người phụ nữ “tội lỗi” đã làm – lấy nước mắt tưới ướt chân Chúa, rồi lấy tóc mình mà lau; không ngừng hôn chân Chúa; lấy dầu thơm mà đổ lên chân Chúa – thì quả thật ông Simon, chủ nhà, đã không tỏ lòng tôn kính hay yêu mến Chúa Giêsu bằng chị này. Thân là chủ nhà mà ông Simon lại không tỏ lòng yêu mến Chúa bằng một người phụ nữ “tội lỗi” từ ngoài vào.
Theo logic của dụ ngôn, tức là kẻ được tha nhiều hơn sẽ yêu mến nhiều hơn, tiếp theo bằng việc so sánh hành vi tỏ lòng tôn kính của người phụ nữ với những gì ông Simon đã không làm, Chúa Giêsu một đàng cho ông Simon, những người đồng bàn, và chúng ta thấy Người trân trọng những gì chị phụ nữ đã thực hiện cho Người, vốn thể hiện lòng yêu mến và tôn kính dành cho Người; đàng khác, Người cũng thấy lý do đứng đằng sau hành vi tôn kính đặc biệt này của người phụ nữ. Chị đã làm như vậy, vì chị đã nghiệm được sự tha thứ của Thiên Chúa trước đó.
Những gì chị đã thực hiện cho Chúa Giêsu, theo logic của trình thuật Tin Mừng, hầu chắc không phải để mong được tha tội, cho bằng để diễn tả tâm tình tạ ơn Thiên Chúa. Nơi chị, một khi đã cảm nghiệm được tình thương mà Thiên Chúa dành cho mình, vốn là “một tội nhân trong thành”, tức là một tội nhân công khai, hầu như ai trong thành cũng biết đến, thì không có lối diễn tả nào xứng hợp hơn là lấy nước mắt tưới ướt chân Chúa Giêsu, lấy tóc mình mà lau chân Chúa, ôm chân Chúa và lấy dầu thơm mà xức chân Người.
Người chủ nhà Pharisêu chỉ thấy những hành vi bên ngoài của chị, khó chịu với những hành vi của chị vì sự khác thường của chúng, và nhất là khi thấy chị, thân là người tội lỗi công khai mà lại dám “đụng chạm” như vậy vào vị khách quí của mình. Nhưng người Pharisêu không thể hiểu được động lực sâu xa của những hành vi này. Chỉ có Chúa là Đấng thấu suốt tâm can con người mới thấy hết được ý nghĩa của những việc chị làm. Những gì chị thực hiện cho Chúa Giêsu là để diễn tả tâm tình tri ân Thiên Chúa vì Người đã tha tội cho chị.
Người càng có nhiều tội, mà lại được Thiên Chúa tha thứ, thì lại càng có lý do để diễn tả lòng cảm mến Thiên Chúa cách ngoại thường. Và một khi chúng ta càng bày tỏ lòng tôn kính và yêu mến Thiên Chúa, thì chúng ta càng có lý do tin rằng Thiên Chúa luôn sẵn sàng tha thứ tội lỗi và thiếu xót của chúng ta, dù chúng nhiều đến thế nào chăng nữa.
II. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là Ðấng giàu lòng thương xót, Người luôn yêu thương và sẵn sàng tha thứ khi người tội lỗi lầm lạc biết sám hối quay về. Chúng ta hãy trông cậy vào lòng Chúa thương xót và tin tưởng dâng lời cầu xin.
1. Chúa Giêsu đã trao quyền tha tội và ban phát ân sủng cho Hội Thánh. Chúng ta cùng cầu xin cho các vị chủ chăn biết gắn bó và noi gương Thầy Chí Thánh, luôn mang dung mạo hiền lành nhân hậu của Người khi thực thi sứ vụ.
2. Hận thù và bạo lực đang là nguy cơ gây ra những bất ổn xã hội tại nhiều nơi. Chúng ta cùng cầu xin cho các nhà lãnh đạo trên thế giới luôn ý thức và nỗ lực tìm kiếm những giải pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ công lý và gìn giữ hòa bình.
3. Chúa Giêsu nói với người phụ nữ “Tội con đã được tha rồi.” Chúng ta cùng cầu xin cho những ai đang sống trong tình trạng tội lỗi, được ơn Chúa thức tỉnh, biết hồi tâm quay về với Thiên Chúa để đón nhận ơn tha thứ và vui sống trong an bình.
4. “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Ðức Kitô sống trong tôi.” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn xác tín như thánh Phaolô, mỗi ngày trở nên giống Đức Kitô hơn trong lối sống yêu thương tha thứ.
Chủ tế: Lạy Chúa là Đấng giàu lòng thương xót và hay tha thứ, xin nhận lời chúng con cầu nguyện và giúp chúng con biết can đảm tránh xa dịp tội và luôn sống theo thánh ý Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020