Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật XIII Thường Niên - Năm C
CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN C
(1V 19,16b.19-21; Gl 5,1.13-18; Lc 9,51-62)
ƠN GỌI
“Ai đã tra tay cầm cày
mà còn ngoái lại đàng sau,
thì không thích hợp
với Nước Thiên Chúa”
(Lc 9,62)
I. CÁC BÀI ĐỌC
Chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện nhờ những trung gian nhân loại. Thiên Chúa mời gọi và có những con người đã đáp trả cách hăng hái. Tuy vậy, sứ mạng làm ngôn sứ cho Thiên Chúa và môn đệ của Đức Giêsu không thể tránh khỏi những hiểm nguy và không thiếu những thách đố.
1. Bài đọc 1:
Ơn gọi của Êlisa được đặt trong một bối cảnh đầy hiểm nguy khi mà một số ngôn sứ đã bị giết, số còn lại phải lẩn trốn (1V 18,4.13) và chính Êlia đang bị hoàng hậu Ideven truy đuổi (1V 19,1-3) vì đã chống lại việc thờ thần Baan. Vì thế, khi chấp nhận lời mời gọi của ngôn sứ Êlia, ông Êlisa cũng bước vào một sứ mạng đầy hiểm nguy như thế.
Trước hết, ngôn sứ Êlia chọn và gọi ông Êlisa bằng cách “ném áo choàng”. Thật vậy, áo choàng làm bằng lông (2V 1,8; Mt 3,4) là biểu tượng của chức vụ ngôn sứ. Mặc dù Êlia không nói gì, nhưng hành động “ném áo choàng” của vị ngôn sứ làm cho Êlisa hiểu rằng ông được gọi làm môn đệ. Sau này, tấm áo choàng trở thành biểu tượng của việc chuyển giao năng quyền và tinh thần của ngôn sứ Êlia cho đồ đệ của ông là Êlisa, vì từ sau khi nhận được áo choàng của thầy, Êlisa trở thành ngôn sứ thực thụ với quyền năng và sức mạnh của thầy (2V 2,8.13-14).
Sau nữa, lời mời gọi chỉ là bước khởi đầu, nên cần sự đáp trả cách nhiệt thành và tự do. Việc Êlisa xin về “hôn cha mẹ để từ giã” cho thấy ông đã hiểu rõ lời mời gọi và quyết định đáp trả cách dứt khoát. Cử chỉ bắt cặp bò, lấy cày làm củi để nấu bữa tiệc thết đãi người nhà là dấu chỉ biểu tượng của việc Êlisa bỏ lại quá khứ để bắt đầu một sứ mạng hoàn toàn mới, sứ mạng phục vụ vị ngôn sứ. Khi gác lại quá khứ của một nông dân an phận với việc đồng áng, ông Êlisa bước vào con đường đầy hiểm nguy của đời ngôn sứ, mà cuộc đời của thầy mình là một ví dụ.
Như thế, đứng trước lời mời gọi của ngôn sứ Êlia, ông Êlisa đã đón nhận với niềm vui và sự hăng hái, dù ý thức những hiểm nguy của cuộc đời ngôn sứ. Ông còn mừng ơn gọi mới bằng một bữa tiệc và cho thấy sự quyết tâm bằng cách dùng cày để nấu bữa ăn. Ơn gọi làm môn đệ Chúa Kitô cũng vừa đòi hỏi, vừa là ân huệ và mang đến niềm vui như thế (Mt 8,18–22; Lc 9,57–62; x. Mt 19,23–30; Mc 10,23–31).
2. Bài đọc 2
Thánh Phaolô rao giảng Tin Mừng về Đức Giêsu Kitô. Trong Đức Kitô, người ta được giải thoát khỏi ách nô lệ mà sống trong tự do của con cái Thiên Chúa (Rm 8,21; Gl 2,4; 5,1). Tuy nhiên, giáo lý tự do của thánh Phaolô lại bị các tín hữu Galát hiểu sai, nên ngài phải giải thích cho họ.
Trước hết, thánh Phaolô khẳng định rằng các tín hữu Galát được gọi để sống trong tự do, nhưng không phải vì tự do mà họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn. Thánh nhân cảnh báo họ không để cho sự tự do làm cơ hội cho tính xác thịt. Tính xác thịt ở đây là xu hướng sống ích kỷ. Khi bị tính xác thịt chi phối, con người chỉ tìm kiếm lợi ích cho mình mà bỏ quên người khác, từ đó gây ra bất hoà, chia rẽ vì không còn sống cho nhau trong cộng đoàn theo như ý Chúa muốn. Do đó, các tín hữu Galát được mời gọi “hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau”. Khi sống bác ái, họ thực sự tự do mà tránh được lối sống ích kỷ theo tính xác thịt.
Sau nữa, thánh Phaolô còn khẳng định sống tự do là sống theo Thần Khí. Sống tự do không phải là sống phóng túng theo bản năng, mà là để cho Thánh Thần thúc đẩy. Thật vậy, các tín hữu luôn phải chiến đấu giữa thiện và ác, giữa xu hướng nghiêng về những điều tốt lành, thiện hảo và những điều xấu xa. Chính thánh Phaolô đã có kinh nghiệm về cuộc chiến đấu nội tâm khi thừa nhận rằng “điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,15). Dù có Thánh Thần ngự trong tâm hồn, tính xác thịt luôn nghe theo tiếng gọi xấu, kích thích những đam mê của tín hữu (x. Rm 7). Chỉ khi nghe theo sự thúc đẩy của Thánh Thần, các tín hữu mới thật sự sống trong tự do của con cái Thiên Chúa, vì “phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa” (Rm 8,14).
Tóm lại, đối với thánh Phaolô, trong Đức Kitô, các tín hữu được giải thoát khỏi “ách nô lệ” của Lề Luật, nhưng đời sống tự do đích thực phải là đời sống bác ái và theo sự thúc đẩy và hướng dẫn của Thánh Thần.
3. Bài Tin Mừng
Bài Tin Mừng đánh dấu một bước ngoặt mới trong hành trình sứ vụ của Chúa Giêsu: Người quyết định lên Giêrusalem. Hành trình lên Giêrusalem là con đường mà Đức Giêsu phải đi để hoàn tất sứ mạng của Người. Nhưng con đường lên Giêrusalem lại đặt các môn đệ trước những thách đố lớn lao, đòi hỏi một sự tự bỏ triệt để thì mới có thể bước đi cùng Người.
Trước hết, đối với Chúa Giêsu, cuộc hiển dung đã hé lộ về “cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem” (Lc 9,31), khi“Con Người sắp bị nộp vào tay người đời” (Lc 9,44) và “khi đã tới ngày Đức Giêsu được rước lên trời” (Lc 9,51). Vì thế, hành trình lên Giêrusalem là con đường duy nhất Người phải đi qua để hoàn tất cuộc Vượt Qua. Bất chấp việc dân làng Samari không đón tiếp người, bất chấp việc các môn đệ thân tín không hiểu, mà còn có thái độ thù nghịch và có phần bạo lực của hai anh em “con của thiên lôi” (Lc 9,54; x. Mc 3,17), Người “nhất quyết” (trơ mặt ra) đi lên Giêrusalem” (Lc 9,51; x. Is 50,7). Con đường lên Giêrusalem để chịu chết là hành trình Đức Giêsu phải đi, vì đó là con đường cứu độ mà Chúa Cha đã vạch ra cho Người.
Sau nữa, đối với các môn đệ, hành trình theo Đức Giêsu lên Giêrusalem vừa là một lời mời gọi vừa là một thách đố cần phải vượt qua. Thật vậy, những người muốn theo Đức Giêsu cần có những phẩm chất sau. Một là tinh thần nghèo khó theo gương mẫu của Thầy. Đức Giêsu tự coi mình là người “không có chỗ gối đầu”, nghĩa là một người hoàn toàn không có gì, sống siêu thoát vì Nước Trời. Đó cũng phải là viễn cảnh của đời người môn đệ Đức Giêsu. Hai là tinh thần dấn thân triệt để cho việc loan báo Triều Đại Thiên Chúa. Quả vậy, việc rao giảng Nước Thiên Chúa phải là chọn lựa ưu tiên của người môn đệ so với bất kỳ điều gì khác, ngay cả những vướng bận từ phía gia đình ruột thịt. Người môn đệ Đức Giêsu cần có thái độ chọn lựa dứt khoát vì Nước Thiên Chúa.
Tóm lại, khi “nhất quyết” đi lên Giêrusalem, Chúa Giêsu hiểu rõ những gì đang đợi Người ở đó và Người sẵn sàng đón nhận tất cả để hoàn tất sứ mạng Chúa Cha trao phó. Để có thể theo Đức Giêsu trên con đường lên Giêrusalem, người môn đệ cần có tinh thần nghèo khó, và hoàn toàn dấn thân cho việc loan báo Triều Đại Thiên Chúa.
II. GỢI Ý ÁP DỤNG:
1/ Ngôn sứ Êlia đã dùng “chiếc áo choàng” để mời gọi ông Êlisa làm môn đệ và ông đã đáp trả cách mau mắn và dứt khoát. Ông đã bỏ lại sau lưng quá khứ an nhàn của một nông dân để đón nhận một sứ mạng mới đầy thách đố và hiểm nguy. Khi lãnh Bí tích Rửa tội, tôi đã được trở nên ngôn sứ cho Chúa. Tôi có ý thức và hăng hái thi hành sứ vụ ngôn sứ? Tôi có can đảm nói về Chúa và nói cho Chúa, dẫu gặp những thiệt thòi, bách hại?
2/ Thánh Phaolô nhắc các tín hữu Galát rằng trong Đức Kitô họ đã được giải thoát, được tự do nên đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa. Sống ích kỷ, gây chia rẽ, cắn xé và tiêu diệt lẫn nhau (Gl 5,15) không phải là sống tự do mà là lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt. Sống tự do đích thực là sống bác ái với nhau. Chỉ khi để cho Thần Khí hướng dẫn, người ta mới biết thế nào là thực sự sống tự do trong Đức Kitô. Tôi đã được Đức Kitô giải thoát, tôi có đang mang lấy ách nô lệ một lần nữa? Tôi có đang dùng tự do để sống thiếu bác ái? Tôi có để cho Thần Khí hướng dẫn đời mình để không tìm cách thỏa mãn đam mê theo tính xác thịt?
3/ Dù Đức Giêsu hiểu rằng con đường lên Giêrusalem là con đường sẽ dẫn Người đến cái chết, Người vẫn “nhất quyết” lên đường vì đó là con đường Người phải đi để hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua. Những ai muốn theo Đức Giêsu trên con đường đó, cần phải có tinh thần nghèo khó để có thể sống siêu thoát và hoàn toàn dấn thân cho sứ mạng loan báo Triều Đại Thiên Chúa. Tôi có dám can đảm theo Chúa Giêsu lên Giêrusalem? Tôi có sẵn sàng sống tinh thần nghèo khó và siêu thoát để ưu tiên cho việc loan báo Nước Trời?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa mời gọi tất cả chúng ta dứt khoát và trung thành bước theo Chúa Kitô, cùng can đảm làm chứng cho Người. Xác tín vào ơn trợ giúp của Thiên Chúa, cộng đoàn chúng ta cùng tha thiết dâng lời cầu nguyện.
1. Hội thánh có sứ mạng giới thiệu Dung mạo Lòng thương xót cho mọi người. Xin cho các vị mục tử trong Hội Thánh luôn nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng cứu độ, và trung thành diễn tả khuôn mạnh tình yêu của Thiên Chúa cho thế giới hôm nay.
2. Hận thù ghen ghét đang gây bao thảm họa cho xã hội loài người. Chúng ta hãy cầu xin cho cộng đồng nhân loại biết xích lại gần nhau trong tinh thần huynh đệ, luôn yêu thương tha thứ và nỗ lực xây dựng một xã hội an vui hạnh phúc cho mọi người.
3. Đức Giêsu quyết định lên Giêrusalem để hoàn tất sứ mạng của Người. Chúng ta hãy cầu xin cho những người thành tâm thiện chí muốn theo bước Chúa Kitô luôn can đảm hy sinh vác thánh giá cuộc đời và trung thành sống theo lý tưởng đã chọn lựa.
4. Từ bỏ mọi sự là đòi hỏi dành cho người muốn làm môn đệ Chúa. Chúng ta hãy cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta được thấm nhuần tinh thần từ bỏ và luôn sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong đời sống chứng tá.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha đầy lòng thương xót, xin lắng nghe những ước nguyện chân thành của dân Chúa, và ban ơn giúp sức để chúng con luôn can đảm vượt qua những trở ngại cản bước trên con đường theo Chúa Kitô. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020