Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật XXV Thường Niên - năm B
CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN B
Kn 2,12.17-22; Gc 3,16-4,3; Mc 9,29-36
CÁI GIÁ CHO TƯ CÁCH NGƯỜI CÔNG CHÍNH
“Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời.
Họ sẽ giết chết Người”
(Mc 9,31)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I – Kn 2,12.17-22
Tác giả sách khôn ngoan cho thấy bốn hành động xem ra đầy ‘khôn ngoan’ của quân gian ác đối với người công chính:
- Vây bắt người công chính vì chúng không làm ích gì cho ta, lại còn chống đối việc ta làm, khiển trách chúng ta lỗi luật và tố cáo chúng ta vô kỷ luật.
- Xem xét: điều người công chính nói có thật hay không, những gì sẽ xẩy đến cho nó và chung cuộc đời nó ra sao.
- Nhục mạ và làm khổ để đo sự hiền lành và tính nhẫn nại của người công chính.
- Kết án người công chính phải chết cách nhục nhã để xem Thiên Chúa có đến cứu nó không.
Qua đó, tác giả sách khôn ngoan giúp độc giả nhận ra được những nét đặc thù của người công chính:
- Không thỏa hiệp với những hành động của kẻ gian ác;
- Tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa;
- Nỗ lực rèn luyện các nhân đức tương xứng;
- Phó thác hoàn toàn cho sự quan phòng của Thiên Chúa.
2. Bài đọc II – Gc 3,16-4,3
Cuộc đời công chính, trong cái nhìn của Thánh Giacôbê, chỉ được ban tặng cho những ai nỗ lực xây dựng hòa bình.Và hòa bình cũng chính là hoa trái tất yếu của đức khôn ngoan Chúa ban, được biểu hiện rõ nét qua những đặc tính: ‘thanh khiết, hiếu hòa, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị cũng chẳng giả hình’.
Khi cuộc đời vắng bóng công chính và hòa bình thì điều gì sẽ xuất hiện? Thánh Giacôbê minh định rõ: sự hỗn độn, mọi tệ đoan, mọi xung đột là hậu quả tất yếu của cuộc nổi loạn vì những nhu cầu của khoái lạc đã không được đáp ứng. Và từ đó thánh nhân đã chỉ ra lý do tại sao những lời cầu của chúng ta đã không được nhận: là vì chúng chỉ đến từ những đam mê và khoái lạc.
3. Bài Phúc âm – Mc 9,29-36
‘Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại.’ Lần loan báo thứ hai của Chúa Giêsu về cuộc thương khó và phục sinh mà Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem giúp chúng ta nhớ đến thân phận của người công chính. Những nỗ lực trong việc rao giảng Tin mừng, làm phép lạ, trừ quỷ của Chúa đã không được mọi người đón nhận. Thậm chí sự xuất hiện của Chúa Giêsu, theo lý luận của ma quỷ, chính là mối nguy dẫn chúng tới sự hủy diệt. Chính vì thế, cái chết mà Chúa Giêsu sẽ phải chịu tại Giêrusalem là hậu quả tất yếu cho thân phận của người công chính như lời thánh vịnh 34,20: ‘Người công chính gặp nhiều nỗi gian truân’. Những đặc tính khác của người công chính: niềm tin tưởng, niềm tín thác vào Thiên Chúa cũng đã được thể hiện rõ nét qua cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu đến độ khi chứng kiến cơn hấp của Chúa trên thập giá, viên đại đội trưởng phải thốt lên rằng: ‘Người này đích thực là người công chính’ (Lc 23,47).
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Luôn tồn tại sự đối kháng giữa kẻ gian ác và người công chính. Và nhiều khi sự đối kháng ấy có vẻ như thuận chiều về phía những kẻ gian ác. Điều ấy sẽ khiến cho người công chính cảm thấy thiệt thòi, mất mát, thậm chí phải trả giá, phải hy sinh để trung tín với tư cách người công chính của mình. Trong bối cảnh của một xã hội vàng thau lẫn lộn, những giá trị phi đạo đức lại được nhiều người đồng tình và rập khuôn vào lối sống hằng ngày của mình, thì lời mời gọi sống thân phận người công chính liệu có còn trở nên hấp dẫn cho mỗi Kitô hữu khi để sống đúng tư cách này đòi buộc phải ‘lội ngược dòng’.
2. ‘Anh em không có, là vì anh em không xin; anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc.’ Lời thánh Giacôbê là một lý giải rõ nét nguyên nhân của sự nghèo nàn, của những lời cầu đã không được nhận lời nơi đời sống của mỗi người Kitô hữu. Như thế, việc cầu xin với Chúa mỗi ngày chiếm một chỗ đứng quan trọng trong nhịp sống của người tín hữu; và một lời cầu xin chỉ có thể là đúng mực khi nó được đi đôi với một ý hướng hoàn toàn ngay lành.
3. Trong đoạn phúc âm, Chúa Giêsu đã báo tin lần thứ hai cho các môn đệ về cuộc khổ nạn Ngài sắp chịu, và không chỉ là loan báo mà ít thời gian sau đó chính Chúa đã vui lòng trả giá bằng cái chết để sống đúng tư cách của một người công chính. Như thế, để có được tư cách người công chính đòi mỗi người phải trả một giá mà cái giá đắt nhất phải trả, trong trường hợp của Chúa Giêsu, chính là cái chết. Mỗi kitô hữu cũng được mời gọi để trả giá cho tư cách người công chính của mình. Cái giá phải trả của mỗi người có thể là khác nhau trong từng hoàn cảnh, nhưng điều chung nhất cho mỗi người là ai cũng phải trả giá và trả giá mỗi ngày.
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Do ý định yêu thương của Thiên Chúa, Đức Giêsu đã đến thế gian không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và chịu chết trên thập giá hầu cứu chuộc nhân loại. Chúng ta thành tâm cảm tạ Chúa và tha thiết dâng lời cầu xin.
1. “Ai muốn làm lớn, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, hàng giám mục và các linh mục trong Hội Thánh, luôn là những tôi tớ tận tâm với sứ mạng phục vụ phần rỗi của mọi người.
2. “Đức Kitô sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho con người trong thế giới hiện đại đang chối bỏ Thiên Chúa để tôn thờ ngẫu tượng vật chất, biết quan tâm tìm kiếm những giá trị thiêng liêng và cuộc sống vĩnh cửu.
3. Chúng ta cùng cầu nguyện cho chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng tới Cuba và Hoa Kỳ trong những ngày này được bình an và đem lại nhiều hoa trái cho Giáo hội địa phương tại đó, cũng như cho nhiều người đến từ khắp nơi tham dự Đại hội Thế giới các Gia đình.
4. “Anh em xin mà không nhận được, là vì anh em xin không đúng.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các gia đình và mọi người trong cộng đoàn chúng ta, biết ưu tiên tìm kiếm và thực thi những điều đẹp ý Chúa, hầu luôn được Người che chở và chúc lành.
Chủ tế: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, Chúa mời gọi chúng con theo gương Con Chúa mà yêu thương phục vụ lẫn nhau. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và ban Thánh Thần giúp chúng con luôn sống xứng đáng là môn đệ đích thực của Đức Kitô. Người hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020