Phụng vụ Lời Chúa lễ Chúa nhật XVII Thường niên năm B
PHÉP LẠ: SỰ ÂN CẦN CỦA THIÊN CHÚA
VÀ LÒNG TIN NƠI CON NGƯỜI
“Ðức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn,
rồi phân phát cho những người ngồi đó”
(Ga 6,10)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I – 2V 4,42-44
Câu chuyện hóa bánh ra nhiều là một trong những phép lạ chứng minh tư cách “người của Thiên Chúa” của tiên tri Êlisê, môn đệ của tiên tri Êlia. Hai mươi chiếc bánh lúa mạch mà người ta biếu ông thực sự trở nên quý giá trong bối cảnh nạn đói kém đang hoành hành khắp trong xứ (x. 2V 4,38), nhưng Êlisê đã không giữ lại cho riêng mình, mà ra lệnh đem phân phát cho dân chúng trong sự ngạc nhiên của người đầy tớ: “Tôi dọn bấy nhiêu cho một trăm người ăn sao?” Êlisê liền trấn an khi căn dặn: “Cứ dọn cho dân chúng ăn, vì Chúa phán như sau: ‘Người ta ăn rồi mà vẫn còn dư’”. Và khi vâng lệnh dọn ra cho mọi người ăn, họ nhận ra rằng Lời Chúa đã phán thực sự được ứng nghiệm. Như thế, chính sự quảng đại qua việc ân cần chăm sóc của Thiên Chúa và niềm tin tưởng nơi con người đã làm cho phép lạ xuất hiện.
2. Bài đọc II – Eph 4,1-6
Thánh Phaolô dù đang bị cầm tù nhưng lúc nào cũng băn khoăn lo lắng để làm sao cho các tín hữu Êphêsô thực sự sống hòa thuận hiệp nhất với nhau như dấu chỉ rõ nét nhất của niềm tin sống động vào Thiên Chúa. Niềm tin ấy được đặt trên một nền tảng chung cho mọi tín hữu: “cùng một thân thể, một tinh thần, một niềm hy vọng, một phép rửa, một đức tin và một Thiên Chúa là Cha”. Và để giúp họ đạt tới mục tiêu trên, Thánh nhân đã đề nghị những phương thế thực hành cụ thể: khiêm tốn, hiền hòa, nhẫn nại và chịu đựng lẫn nhau.
3. Bài Phúc âm – Ga 6,1-15
Câu chuyện “bánh hóa nhiều” ở chương 6 không được Thánh Gioan trình bày như là một phép lạ, là điều mà các Tin Mừng Nhất lãm đặc biệt chú trọng. Chúa Giêsu, theo Thánh Gioan, không hề muốn người ta dừng lại ở dấu lạ “bánh hóa nhiều”, nhưng qua dấu lạ này Ngài muốn dẫn họ tới một mạc khải, hay nói cách khác: một phép lạ thực sự, đó là diễn từ về Bánh Hằng Sống. Ngài không muốn họ tôn vinh Ngài chỉ vì những miếng bánh làm cho họ no nê, nhưng muốn họ nhận ra Ngài mới chính là “Tấm Bánh” được bẻ ra, không phải chỉ để nuôi dưỡng thân xác, nhưng còn để ban cho con người sự sống trường sinh.
Sự ân cần và quảng đại cho một “phép lạ” (mạc khải về Bánh Hằng sống) từ phía Chúa Giêsu đã sẵn sàng, nhưng dường như niềm tin từ phía con người thì chưa. Bởi vì ngay từ đầu đoạn Tin Mừng, Thánh Gioan đã cho biết: dân chúng tấp nập đi theo Chúa Giêsu chỉ vì họ đã thấy những bệnh nhân được chữa lành. Và sau khi đã ăn no nê tùy thích, họ lại chỉ nhận ra Chúa Giêsu như là “một tiên tri phải đến trong thế gian” để được tôn vinh là vua. Tuy nhiên, sự ân cần vồn vã nhằm tôn vương Chúa Giêsu của dân chúng chỉ được Ngài đáp lại bằng một thái độ lẩn tránh để “trốn lên núi một mình”. Như thế, dấu lạ thì đã có nhưng “phép lạ” thì chưa chỉ vì thiếu vắng lòng tin nơi con người.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Lời khẳng định đầy chắc chắn của tiên tri Êlisê giúp cho người đầy tớ xác quyết rằng: Thiên Chúa luôn yêu thương dân Người. Ngài luôn ở gần bên để ân cần chăm lo cho đời sống của dân Ngài. Và sự chăm lo ấy lúc nào cũng đầy tràn chan chứa. Đây không phải chỉ là một lời hứa suông cho vui, nhưng điều này đã trở thành niềm xác tín ít là cho những người đã dọn bữa theo lệnh của tiên tri Êlisê. Lời thánh vịnh “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi” phải luôn là một niềm xác tín cho những ai đang muốn để đời mình cho Chúa chăm sóc giữ gìn.
2. Niềm tin nơi con người là điều kiện không thể thiếu được để phép lạ xuất hiện, và niềm tin ấy luôn đòi được thể hiện bằng một hành động cụ thể đi kèm. Theo Thánh Phaolô, đó chính là nỗ lực sống hòa thuận hiệp nhất của mỗi thành viên trong cộng đoàn tín hữu ở Êphêsô. Nỗ lực sống hòa thuận và hiệp nhất trong gia đình, trong cộng đoàn, trong mọi môi trường sống vẫn luôn là phương thế thiết thực nhất để mỗi Kitô hữu có thể diễn tả cách cụ thể niềm tin sống động của mình.
3. Nếu sự quảng đại của Thiên Chúa được diễn tả qua thái độ ân cần của Chúa Giêsu như điều kiện cần để dấu lạ “bánh hóa nhiều” được thực hiện, thì sự quảng đại ấy cũng đã được đáp lại bằng một sự quảng đại từ phía con người như là điều kiện đủ để dấu lạ có thể được thực hiện. Năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá của một em bé chắc chỉ đủ một xuất ăn cho em và gia đình, nhưng chính sự hy sinh đầy quảng đại của em, qua bàn tay ân cần của Chúa Giêsu, đã làm cho “đám rất đông dân chúng…ai muốn ăn bao nhiêu tùy thích”. Thiên Chúa cũng vẫn đang đợi chờ lòng quảng đại, tuy nhỏ bé từ phía mỗi người Kitô hữu, nhưng lại là điều kiện đủ để Chúa có thể ra tay thi thố lòng quảng đại trong tư cách một Vị Mục Tử nhân lành lo lắng cho đàn chiên của mình.
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa luôn yêu thương chăm sóc, chữa lành và dưỡng nuôi hồn xác con người. Chúng ta hết lòng cảm tạ Chúa và tha thiết dâng lời cầu nguyện.
1. Nhiều người Do thái đã tìm đến để nghe Chúa Giêsu giảng dạy. Chúng ta cùng cầu nguyện cho công cuộc rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh đạt được nhiều kết quả, dẫn đưa nhiều người đến với Chúa Kitô, để được đón nhận ơn cứu độ.
2. Chúa Giêsu hỏi Philipphê: “Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo trên thế giới biết đặt nhu cầu của dân chúng lên hàng đầu, và luôn quan tâm phục vụ những người nghèo đói khuyết tật.
3. Chúa đã làm phép lạ từ năm chiếc bánh và hai con cá của một em bé. Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô hữu biết ý thức và luôn quảng đại cộng tác trong những dự án của Giáo hội và xã hội, nhằm làm vinh danh Thiên Chúa và mưu cầu hạnh phúc cho con người.
4. “Hãy thu lấy những miếng bánh còn lại, kẻo phí đi.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, biết trân trọng và sử dụng hiệu quả những ân huệ Chúa ban nhằm làm tăng trưởng đời sống cộng đoàn và mưu ích cho mọi người.
Chủ tế: Lạy Chúa, Con Chúa làm người đã biểu lộ quyền năng và tình thương bao la của Chúa cho nhân loại. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện với ước mong được biến đổi nên xứng đáng với ơn Chúa rộng ban. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020