Phụng vụ Lời Chúa: Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống
LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
(Cv 2,1-11; 1Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23)
ĐỨC KITÔ PHỤC SINH BAN THÁNH THẦN CHO CÁC MÔN ĐỆ
“Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em. Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”
(Ga 20,21b.22b)
Ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống nhắc nhớ việc Chúa Thánh thần được ban cho các tín hữu sơ khai, và cũng là biến cố được xem như ngày khai sinh Giáo hội. Các bài đọc trong Thánh lễ hôm nay còn trình bày cho chúng ta ý nghĩa quan trọng và căn bản hơn của biến cố Hiện Xuống: sự liên kết giữa Chúa Giêsu phục sinh và Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Giêsu phục sinh là Đấng ban Thánh Thần cho các môn đệ, sai họ ra đi để qui tụ muôn dân qua lời loan báo Tin Mừng phục sinh. Chúa Thánh Thần, Đấng mà khi còn ở với các môn đệ, Đức Giêsu đã hứa ban để hướng dẫn, dạy dỗ, an ủi các ông, chính là nguồn sống và sức mạnh của Giáo hội. Qua sự trao ban các ân sủng, Chúa Thánh Thần đã giúp cho các tín hữu thực hiện sứ mệnh Chúa Giêsu đã truyền lại cho các môn đệ, và liên kết họ trong cùng thân thể Giáo hội. Như vậy phục sinh và hiện xuống là hai sự kiện liên kết với nhau và có ý nghĩa trong việc khai sinh và hình thành sứ mệnh của Giáo hội.
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I (Cv 2,1-11)
Đoạn sách Công vụ Tông đồ chúng ta vừa nghe tường thuật lại ngày lễ Ngũ Tuần theo truyền thống của người Do thái, nhưng lại có một ý nghĩa quan trọng hơn đối với các môn đệ của Chúa Giêsu. Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã dặn dò các Tông đồ, hãy ở lại Giêrusalem để nhận lãnh lời hứa của Thiên Chúa Cha (Cv 1,4) và để được nhận phép rửa trong Chúa Thánh Thần. Chính trong ngày lễ Ngũ Tuần này, Chúa Thánh Thần đã hiện xuống trên các ngài, và các ngài đã làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh nhờ quyền năng ban xuống cho các ngài từ trên cao.
Thánh Luca đã nhấn mạnh sự hiện diện của Chúa Thánh Thần nơi các Tông đồ qua những dấu chỉ có thể thấy được và nghe được, đặc biệt qua việc nói tiếng lạ của Phêrô và các bạn, mà các nhóm dân Do thái từ các vùng đất khác nhau có thể hiểu được. Đây chính là quà tặng của Chúa Thánh Thần, để rồi các Tông đồ có thể thi hành sứ mệnh làm chứng cho Chúa Giêsu phục sinh đến tận cùng trái đất. Như thế các Tông đồ đã nhận Thánh Thần mà Chúa Cha đã hứa, để họ có thể thực hiện sứ mệnh làm chứng nhân cho Chúa Giêsu phục sinh. Chúa Thánh Thần là nguồn sống và lớn mạnh của Giáo hội; ơn ngôn ngữ được ban cho nhóm Mười Hai đã giúp họ loan truyền Lời Chúa cho Israel và cho mọi dân tộc.
2. Bài đọc II (1Ga 3,1-2)
Thánh Phaolô khẳng định lời giáo huấn trong Tin Mừng thánh Gioan về vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống của mỗi tín hữu. Chúa Thánh Thần chính là quà tặng được ban cho Giáo hội, qua đó Ngài sẽ ban những ân sủng cho các tín hữu. Chúa Thánh Thần làm cho Giáo hội phong phú qua các ân sủng Ngài ban, nhưng chính Ngài cũng là Đấng liên kết các tâm hồn tín hữu. Chúa Giêsu phục sinh đã dùng Thánh Thần của Người liên kết mọi tín hữu nên một trong một thân thể là Giáo hội.
3. Bài Tin Mừng (Ga 20,19-23)
Giữa lúc các môn đệ đang sợ người Do thái thì Đức Giêsu hiện đến và ban cho các ông sự bình an, để các ông được vững mạnh vượt qua nỗi sợ hãi đang xâm chiếm tâm hồn họ sau cái chết của Thầy Giêsu. Sự hiện ra của Chúa Giêsu có ý nghĩa rất là quan trọng theo như trình thuật của thánh Gioan. Chúa Giêsu hiện ra mang cho các môn đệ một cảm nghiệm đặc biệt, đó là cảm nghiệm phục sinh. Họ cảm nghiệm Đức Giêsu phục sinh cũng chính là Đức Giêsu, người Thầy của họ, nhưng đồng thời họ cũng cảm nghiệm sự siêu việt không giới hạn bởi không gian và thời gian của Ngài, và hơn thế nữa, Ngài cũng phá đổ hàng rào của sự cứng lòng tin nơi họ. Họ vui mừng vì được thấy Ngài.
Đức Giêsu phục sinh đã loan báo sứ mệnh của các môn đệ qua sự sai đi của Ngài. Sự sai đi được đặt trong tương quan với sứ mệnh của Chúa Giêsu - được sai phái bởi Thiên Chúa Cha. Các môn đệ được chính Chúa Giêsu sai phái để tiếp tục sứ mệnh của Người. Để bảo đảm cho các môn đệ có thể thi hành sứ mệnh của mình, Chúa Giêsu đã ban Chúa Thánh Thần, Đấng đã được Ngài loan báo trước khi trở về cùng Thiên Chúa Cha. Ngài thổi hơi ban Thánh Thần cho các môn đệ, như khi sáng tạo con người, Thiên Chúa đã thổi sinh khí ban cho con người sự sống. Chúa Giêsu ban Thánh Thần để tác tạo các môn đệ thành những con nguời mới, để xây dựng một cộng đoàn mới, chính là Giáo hội. Chúa Thánh Thần chính là Thần Chân Lý, là Đấng thánh hóa, là Đấng an ủi phù trợ, là người hướng dẫn; chính Ngài sẽ giúp các môn đệ thi hành sứ vụ của mình.
Các môn đệ là những sứ giả của Chúa Giêsu để tiếp tục sứ vụ cứu độ của Người; do đó Ngài đã ban Thánh Thần cho các ông và cũng ban quyền tha tội để các ông có thể thực hiện sứ vụ cứu độ. Như trong Tin Mừng thánh Mátthêu, các môn đệ được sai đi để giảng dạy và làm phép rửa cho muôn dân nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, ở đây Chúa Giêsu ban Thánh Thần và ban quyền tha tội cho các môn đệ, để các ông thi hành sứ vụ thánh hóa muôn dân.
Thánh Gioan đã trình bày cho chúng ta thấy ý nghĩa của việc sống lại của Chúa Giêsu trong sự liên kết với sự trao ban Chúa Thánh Thần, với sự khai sinh và sứ vụ của Giáo hội. Với việc trao ban Thánh Thần cho các môn đệ - những hạt nhân ban đầu của Giáo hội, Chúa Giêsu phục sinh đã khai sinh Giáo hội, cũng như sứ vụ của Giáo hội. Ngài đã đặt Giáo hội trong sự liên kết với chính Ngài và Chúa Thánh Thần; Ngài cho thấy Giáo hội là sự tiếp nối công trình cứu độ của Ngài, và sứ mệnh của Giáo hội được đặt trong sự hướng dẫn, soi sáng và thánh hóa của Chúa Thánh Thần.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. “Bình an cho anh em”. Đức Giêsu phục sinh đã ban bình an cho các môn đệ giữa lúc các ông đang hoảng sợ vì thất vọng lo lắng. Giáo hội cũng được mời gọi mang bình an của Chúa Phục Sinh cho những anh chị em đang sống trong lo âu tuyệt vọng, bằng sự viếng thăm chia sẻ Tin Mừng với họ.
2. Mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là một cơ hội nhắc nhở mọi người chúng ta suy nghĩ lại về vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống chúng ta. Chúa Thánh Thần, dù được cầu khấn mỗi khi chúng ta bắt đầu một công việc, nhưng dường như sự kêu cầu này đã trở nên máy móc, và chúng ta không còn ý thức đến sự hiện diện của Ngài trong đời sống của người Kitô hữu chúng ta. Chúng ta chưa lắng nghe và vâng theo sự chỉ dạy và hướng dẫn của Ngài. Làm sao để Chúa Thánh Thần có một chỗ đứng quan trọng trong cuộc đời chúng ta?
3. Sứ mệnh của Giáo hội gắn liền với sự hướng dẫn và thánh hóa của Chúa Thánh Thần. Làm sao để những hoạt động của Giáo hội luôn đi trong sự hướng dẫn của Thánh Thần, để Giáo hội thật sự sinh động, tràn đầy sức sống, là nguồn ơn cứu độ cho những người tìm đến với Chúa Giêsu. Chính Chúa Thánh Thần làm cho Giáo hội trở thành một tổ chức khác với những tổ chức trần thế khác; Ngài chính là nguồn sống và sức mạnh của Giáo hội.
4. “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí”. Mỗi thành phần trong Giáo hội đều có những vai trò khác nhau, với những ơn được ban cho mình để cùng nhau xây dựng thân thể Hội Thánh. Mỗi người tín hữu cần ý thức vai trò của mình trong việc xây dựng và phát triển Hội Thánh.
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Đức Kitô phục sinh đã ban tặng Thánh Thần là nguồn mạch mọi ân sủng cho các Tông đồ và tất cả những ai tin vào danh của Người. Chúng ta hãy vui mừng cảm tạ Chúa và tha thiết cầu xin.
1. “Bình an cho các con.” Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các vị chủ chăn và mọi thành phần trong Hội Thánh luôn tràn đầy bình an của Đấng phục sinh, hằng kiên vững trước những công kích chống đối của thế giới tục hóa hôm nay.
2. Chúa Thánh Thần sẽ dẫn đưa con người đến sự thật toàn vẹn. Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các nhà lãnh đạo và những tổ chức quốc tế biết tôn trọng sự thật, luôn tích cực lên án bạo lực, bất công và nỗ lực phục vụ phẩm giá con người.
3. “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con.” Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi Kitô hữu luôn ý thức và hăng hái thực thi sứ mạng loan báo Tin Mừng cứu độ, bằng cách trở nên men muối và ánh sáng giữa lòng xã hội hiện tại.
4. “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần.” Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mỗi người chúng ta biết lắng nghe và vâng theo theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, luôn quảng đại bao dung, và dấn thân hoạt động vì hạnh phúc của mọi người.
Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin thương nhận lời chúng con cầu nguyện; và giúp chúng con biết cộng tác hiệu quả với ân huệ của Chúa Thánh Thần, hầu trở nên nhân chứng can đảm cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020