Phụng vụ Lời Chúa: Lễ Mẹ Thiên Chúa, năm A
CHÚA NHẬT LỄ MẸ THIÊN CHÚA
Ds 6,22-27 – Gl 4,4-7 – Lc 6,11-21
YÊU THƯƠNG, BÍ QUYẾT VƯỢT THẮNG MỌI SỰ DỮ
“Maria, Giuse và hài nhi mới sinh nằm trong máng cỏ” (Lc 2,16)
I. CÁC BẢN VĂN LỜI CHÚA
1. Bài đọc I – Ds 6,22-27
Đây chính là công thức mà Đức Chúa, qua ông Môsê, truyền lệnh cho Aaron và con cháu ông phải sử dụng mỗi khi chúc lành cho dân Israel. Nội dung của những lời chúc lành đều quy về Đức Chúa, Thiên Chúa của Israel, như nguồn mạch mọi sự thiện hảo và là Đấng ban phát mọi điều thiện hảo.
Có sáu lời chúc lành được đề cập tới trong công thức chúc lành:
- Xin Chúa chúc lành cho anh (em): việc được Chúa chúc lành đồng nghĩa với việc được Thiên Chúa ban cho: sự thành công, sự thịnh vượng, đông con nhiều cháu, gia súc đầy đàn… ‘Nào lúa thơm rượu mới dầu tươi, nào bò bê cùng với chiên cừu. Lòng thoả thuê như vườn cây tưới nước…’ (Gr 31,12)
- Xin Chúa gìn giữ anh (em): Trong tâm thức của dân Israel, Thiên Chúa luôn là ‘núi đá, là thành luỹ, là Đấng giải thoát con, là núi đá cho con trú ẩn, là khiên mộc, là Đấng cứu độ quyền năng, là thành trì bảo vệ.’ (Tv 18,3)
- Xin Chúa chiếu giãi nhan thánh Chúa trên anh (em): Trong cái nhìn của đức tin của Do thái giáo, việc được Chúa chiếu giãi nhan thánh chính là nền tảng dẫn tới việc được cứu độ như lời thánh vịnh 79,4: ‘Xin toả ánh tôn nhan rạng ngời để chúng con được ơn cứu độ.’
- Xin Chúa rủ lòng thương anh (em): động từ ‘Hanal - חָנַן’ dùng trong lời chúc lành này rất thường được dùng để diễn tả tâm tình của một tội nhân kêu xin sự thứ tha tội lỗi của Thiên Chúa, ngay cả khi mình không xứng đáng để được tha thứ như tâm tình được diễn rả trong thánh vịnh 4,2: ‘Xin hãy thương xót tôi, và nghe lời cầu nguyện tôi.’
- Xin Chúa ghé mắt nhìn anh (em): Lời ước mong này diễn tả nỗi khát khao được Đức Chúa luôn quan tâm để ý tới, luôn chăm sóc giữ gìn như lời thánh vịnh 91,2-4: ‘Chính Chúa gìn giữ bạn khỏi lưới kẻ thù giăng, khỏi tai ương tàn khốc. Chúa phù trì che chở, dưới cánh Người, bạn có chỗ ẩn thân: lòng Chúa tín trung là khiên che thuẫn đỡ.’
- Xin Chúa ban bình an (Shalom - שָׁלוֹם) cho anh (em): thuật ngữ Shalom trong tiếng Hypri bao gồm cả hạnh phúc, sức khỏe, tình bạn, và mọi điều thiện hảo.
2. Bài đọc II – Gl 4,4-7
Bài đọc II được đặt trong bối cảnh của thời cánh chung khi thời gian đã đạt tới mức viên mãn, Thiên Chúa thực hiện công trình cứu chuộc loài người khi cho Ngôi Lời, Con của Ngài, mặc lấy xác phàm và được sinh ra bởi một người phụ nữ, Đức Maria. Công trình ấy đã dẫn đến hai hệ quả chính yếu: 1/ Hệ quả tiêu cực: giải thoát con người khỏi Lề Luật và những hậu quả do Lề Luật gây ra; 2/ Hệ quả tích cực: cho con người được trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa, được đồng thừa tự với Đức Kitô, trong tư cách là Con Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con Ngài vào lòng chúng ta, Đấng kêu lên: Abba, Cha ơi.
3. Bài Phúc Âm - Lc 6,11-21
Ba khuôn mặt chính được đề cập tới trong bài Phúc Âm:
- Các mục đồng ngay sau khi nghe tin báo của thiên sứ về việc Đấng Cứu Thế giáng sinh, họ vội vã đi tới Belem. Họ đã thấy… họ đã hiểu ngay… họ trở về… họ tôn vinh chúc tụng Thiên Chúa.
- Đức Maria, cùng với Thánh Giuse, đang hiện diện sống động bên Hài Nhi Giêsu mới sinh. Mẹ ghi nhớ tất cả và suy đi nghĩ lại trong lòng.
- Con Trẻ mới sinh: sống dưới chế độ Lề Luật khi được cắt bì sau tám ngày sau khi sinh ra, rồi được đặt tên là Giêsu đúng như kế hoạch của Thiên Chúa.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. ‘Xin Chúa chúc lành và ban bình an cho anh em.’ Lời chúc lành của vị tư tế trong phụng vụ Do thái giáo cũng là lời chúc lành mà Giáo hội hằng nguyện cầu cho mỗi Kitô hữu trong cuộc sống hằng ngày, nhất là trong dịp đầu Năm Mới. Mỗi Kitô hữu cũng được mời gọi để cụ thể hóa hành vị chúc lành và ban bình an của Chúa qua mỗi suy nghĩ, lời nói và cử chỉ của mình trong mọi mối tương quan.
2. ‘Thiên Chúa đã sai Con Ngài sinh hạ bởi người phụ nữ.’ Để thực hiện công trình cứu chuộc loài người, Thiên Chúa đã cần đến một sự cộng tác của một con người, Đức Maria. Sự cộng tác này tuy nhỏ bé nhưng xuất phát từ một quyết định hoàn toàn tự do, rồi đã được Đức Maria thực hiện một cách trọn vẹn và triệt để nhất. Hôm nay Thiên Chúa cũng cần đến một sự cộng tác của mỗi Kitô hữu để thực hiện công trình cứu độ con người. Sự tự do cộng tác, kèm theo một hành vi thực hiện thật nghiêm túc, triệt để và trọn vẹn vẫn còn đó như một sự đợi chờ của Thiên Chúa nơi mỗi chúng ta.
3. ‘Trong gia đình chúng ta, chúng ta đâu cần đến bom đạn và súng ống để hủy diệt hầu có được sự bình an đâu – mà chỉ cần hợp nhau lại, yêu thương nhau… Và chúng ta sẽ có thể vượt thắng tất cả mọi sự dữ trên đời.’ Khi trích lại tâm tình của Mẹ Têrêsa Calcutta trong số 4 của sứ điệp ngày hòa bình thế giới thứ 50 (01-01-2017), Đức Phanxicô chỉ ra cho chúng ta thấy rõ bí quyết dẫn đến sự bình an là hợp nhau lại và yêu thương nhau. Tôi có đang dùng sự hòa hợp và yêu thương để xây dựng sự bình an không?
4. ‘Gia đình là nơi những sự cọ xát và thậm chí những xung đột phải được giải quyết không phải bằng vũ lực, nhưng bằng sự đối thoại, sự tôn trọng và sự quan tâm đến lợi ích của người khác, lòng thương xót và sự tha thứ.’ (Số 5, sứ điệp ngày hòa bình thế giới thứ 50 – 01.01.2017). Để giải quyết xung đột trong cuộc sống gia đình, tôi và mọi thành viên trong gia đình tôi có đang áp dụng những nguyên tắc mà Đức Phanxicô đề nghị là: đối thoại, tôn trọng, quan tâm, thương xót, tha thứ?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa đã muốn Con Một của Người mặc lấy xác phàm trong lòng Đức Trinh Nữ Maria để thực hiện chương trình cứu độ. Nhờ lời Đức Mẹ chuyển cầu, cộng đoàn chúng ta cùng dâng lên Chúa tâm tình của ngày đầu năm Dương Lịch, và xin ơn bình an cho các gia đình cùng cho cả thế giới.
1. Thánh Phaolô nhắc nhở: “Anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con.” Chúng ta hãy cầu nguyện cho các thành phần trong Hội Thánh biết theo gương Đức Maria, không ngừng tri ân cảm tạ Chúa, và luôn vâng theo ý Người với tâm tình của người con thảo.
2. “Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em.” Chúng ta hãy cầu nguyện cho các dân tộc trên thế giới luôn biết quý chuộng và nỗ lực bảo vệ hòa bình, để xứng đáng được hưởng bình an đích thực mà Con Một Chúa đem đến cho nhân loại.
3. “Bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.” Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi Kitô hữu, cách riêng các bạn trẻ, luôn siêng năng đọc và suy niệm Kinh thánh, để Lời Chúa nên kim chỉ nam cho mọi hoạt động trong cuộc sống của họ.
4. “Các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa.” Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, khi cảm nhận được tình yêu và ân huệ Chúa ban, cũng biết cao rao ngợi khen Người bằng một đời sống dấn thân phục vụ.
Chủ tế: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, xin nhậm lời chúng con cầu nguyện, mà ban cho chúng con một năm mới bình an và luôn biết sống đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020