Phụng vụ Lời Chúa: Mồng Hai tết, kính nhớ ông bà tổ tiên
MỒNG HAI TẾT - KÍNH NHỚ ÔNG BÀ TỔ TIÊN
Hc 44,1.10-15 – Ep 6,1-4.18.23 – Mt 15,1-6
‘THỜ CHA KÍNH MẸ’: GIỚI RĂN VÀ ĐẠO HIẾU
“Hãy tôn kính mẹ cha... để được hạnh phúc và trường thọ” – Ep 6,2
I. CÁC BÀI ĐỌC
Các bài đọc ngày mồng hai tết làm nổi bật tinh thần đạo hiếu của phận làm con đối với tổ tiên ông bà cha mẹ. Tư tưởng này mời gọi mỗi người suy nghĩ về nguồn cội của mình, của dòng tộc mình, của dân tộc mình... mà nguồn cội của mọi nguồn cội là chính Thiên Chúa. Đồng thời cũng nhắc nhớ mọi người về bổn phận góp phần mình vào việc củng cố và phát triển các mối tương quan ấy.
1. Bài đọc I – Hc 44,10-15
Tác giả sách Huấn ca mời gọi độc giả cùng ca tụng các bậc cha ông trong tư cách là những vị danh nhân. Họ được biết đến không phải bởi tài năng hay thông minh xuất chúng của mỗi cá nhân, nhưng họ đáng được con cháu tôn kính chỉ vì họ là những người đạo hạnh, biết xót thương, tuân giữ Lề Luật. Điều tạo nên công đức, vinh quang, danh thơm, khôn ngoan nơi bậc cha ông chính là chữ tín trung và niềm son sắt đến cùng trong đức tin vào Chúa.
Mọi nỗ lực ấy đã làm cho các ngài sống mãi nơi gia tài mà các ngài để lại là đàn con cháu, danh thơm các ngài được lưu truyền mãi hậu thế. Chính nhờ chữ tín nơi các ngài mà con cháu các ngài có thể giữ mãi chữ trung với giao ước với Thiên Chúa.
2. Bài đọc II – Ep 6,1-4.18.23
Trong phần bàn về ‘đời sống mới trong Đức Kitô’, thánh Phaolô đặc biệt chú trọng tới bổn phận của những kẻ làm con cũng như sứ mạng của những người làm cha mẹ.
Theo vị Tông Đồ dân ngoại, bí quyết giúp có được hạnh phúc và sống trường thọ chính là vâng lời cha mẹ và tôn kính các ngài. Thánh Phaolô còn chỉ ra những cách thức giúp bậc làm cha mẹ chu toàn sứ mạng giáo dục con cái được Chúa ủy thác cho mình: tuyệt đối tránh làm con cái tức giận, nhưng phải luôn nhớ mình đang ‘thay mặt Chúa’ để khuyên răn và sửa dạy các con.
Công việc giáo dục của bậc làm cha mẹ cũng như lòng hiếu kính của kẻ làm con đều phải được đặt trong bầu khí cầu nguyện theo Thần Khí hướng dẫn, trong sự tỉnh thức và cầu xin cho toàn thể dân thánh.
Để có thể thực hiện được điều đó, thánh Phaolô ước mong cho mỗi người luôn có được Đức Giêsu Kitô ban cho ơn bình an, đức mến và đức tin.
3. Bài Phúc âm – Mt 15,1-6
Khởi đi từ thái độ duy lề luật của những người Pharisêu và Kinh sư, Đức Giêsu đã minh định rõ cho mọi người thấy đã có một lẫn lộn trong việc thực hành: giữa một bên là tập tục của tiền nhân và bên kia là lề luật của Thiên Chúa. Tập tục của tiền nhân được hiểu là những ý kiến, lối giải thích và các quyết định của các Rabbi Do thái thật tỉ mỉ, nhiều khi được coi như ngang hàng thậm chí còn hơn cả Lề Luật. Đức Giêsu tỏ ra nghiêm khắc với sự đảo lộn giá trị này và một lần nữa cho thấy vai trò nền tảng của Lề Luật trong việc thực hành đức tin.
‘Thờ cha kính mẹ’ nét đẹp của đạo hiếu trong tư cách là con. Đó cũng là mảnh đất văn hóa Việt mà chắc chắn từ mảnh đất này, hạt giống Lời Chúa ‘thảo kính cha mẹ’ sẽ trĩu quả và nặng hạt. Hiếu kính với bậc trên, hiếu thảo với mẹ cha, hiếu nghĩa với anh chị em, hiếu hòa với mọi người... không chỉ là rường cột của cộng động làng xã Việt, nhưng trước hết chính là những mối tương quan trụ cột trong việc thực hành đức tin trên nền tảng của giao ước của Dân Thánh với Thiên Chúa.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. ‘Hãy ca tụng những vị danh nhân, cũng là các bậc cha ông chúng ta...’ lời gợi ý này làm chúng ta nhớ tới các vị Tử Đạo Việt nam, trong tư cách là những vị tiền bối trong đức tin, như sự ghi nhận của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong ngày lễ phong thánh: ‘Máu các vị Tử Đạo là nguồn ân sủng cho anh em trước tiên, để anh em thăng tiến trong Đức Tin. Giữa anh em Đức Tin của Tổ Tiên vẫn tiếp tục và còn truyền tụng sang nhiều thế hệ tương lai. Đức Tin này tồn tại để làm nền tảng xây dựng sự kiên trì cho tất cả những người là Việt Nam thuần tuý sẽ trung thành với quê hương đất nước, nhưng đồng thời vẫn là người tín hữu của Chúa Kitô.’ Tri ân các bậc tiền nhân không chỉ vì nhằm tôn vinh các ngài, nhưng việc tri ân các ngài còn làm củng cố và gia tăng đức tin nơi chúng ta hôm nay.
2. Lệnh truyền ‘Hãy vâng lời và tôn kính mẹ cha’ nhắc nhớ chúng ta về lời kêu gọi của Hội Đồng Giám Mục Việt nam trong thư đề ngày 20.11.2016: ‘Trong mái ấm của tình yêu và lòng thương xót, không thể không nói đến bổn phận hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ.’ Đạo hiếu của phận làm con không đơn giản chỉ là một nét đẹp của văn hóa, nhưng chính là lẽ sống của thận phận bề tôi Chúa trong tương quan với mẹ cha ông bà, những người thay mặt Chúa để giáo dưỡng chúng ta.
3. Trong ánh sáng của Lời Chúa ‘Thảo kính cha mẹ’, lời của Đức Tổng Phaolô, vị Chủ Chăn giáo phận trong thư chúc tết, như còn đang vang vọng nơi mỗi người tín hữu nhân dịp xuân Đinh Dậu đang về: ‘Hai nét đẹp nổi bật nơi con gà là chữ Tín và chữ Nghĩa: cất tiếng gáy vang trong trẻo rất đúng giờ đúng canh vào mỗi sáng, đó là chữ Tín; mau mắn gọi đàn khi tìm được thức ăn, luôn nhường nhịn mà không tranh giành, đó là chữ Nghĩa’. Mỗi người chỉ có thể tín nghĩa với mẹ cha nếu đã luôn tín nghĩa với Thiên Chúa, Đấng là Mẹ Cha của mọi bậc mẹ cha.
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Kính nhớ tổ tiên và thảo hiếu ông bà cha mẹ là truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, rất hợp với thánh ý Chúa. Trong tâm tình tri ân cảm tạ của những ngày đầu xuân, chúng ta cùng tha thiết dâng lời cầu nguyện:
1. “Hãy ca ngợi những vị danh nhân, cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ.” Chúng ta cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô cùng các vị chủ chăn trong Hội Thánh luôn trung thành tiếp nối sự nghiệp và làm rạng danh công đức của các bậc tiền nhân.
2. “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người, cách riêng các bạn trẻ, biết chu toàn bổn phận làm con cái: luôn hết lòng tôn thờ Thiên Chúa và trọn tình hiếu kính với bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
3. “Anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi.” Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho những người đã khuất là tổ tiên ông bà cha mẹ của chúng ta sớm được thông dự vào sự sống và vinh quang vĩnh cửu của Chúa trong nước trời.
4. “Xin Thiên Chúa ban ân sủng cho tất cả những ai yêu mến Ðức Giêsu Kitô.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta trong năm Đinh Dậu này biết yêu mến và thực hành Lời Chúa, để xứng đáng đón nhận muôn phúc lành Chúa ban.
Chủ tế: Lạy Chúa là Cha chúng con, Chúa dạy chúng con phải thảo hiếu đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và ban ơn Thánh Thần giúp chúng con biết sống cho đẹp ý Chúa trong bổn phận của bậc con cháu. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020