Rao giảng Lời Chúa tại Việt Nam trong 50 năm qua (1960-2010)

Rao giảng Lời Chúa tại Việt Nam trong 50 năm qua (1960-2010)

 

Hàng Giáo Phẩm Việt Nam được thành lập không bao lâu (1960) thì Công đồng Vatican II được cử hành (1962[1]). Hội Thánh Việt Nam đã mở rộng cửa mà đón lấy luồng gió mới của một Công đồng được mệnh danh "Công đồng của Kinh Thánh". Ðây là nhận định của Ðức Cha John Onaiyekan[2], Tổng Giám Mục Abuja, Nigeria, trình bày tại Hội nghị Kinh Thánh Quốc tế tại Rôma, từ ngày 14-9-2005 đến 18-9-2005, do Hội Ðồng Giáo Hoàng cổ vũ sự Hiệp nhất Kitô hữu và Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng tổ chức, để đánh dấu 40 năm Công đồng Vatican II công bố Hiến chế tín lý về Mặc Khải Dei Verbum.

Chúng ta nhớ lại: Ðức Thánh Cha Gioan XXIII đã triệu tập và khai mạc Công đồng Vatican II. Ngài dùng một hình ảnh thật sống động để nói về Công đồng: "Cha muốn mở rộng cánh cửa sổ của toà nhà Hội Thánh cho làn gió mát thổi vào". Và ngay từ khoá họp đầu tiên, cũng chính ngài muốn các Nghị phụ bàn về Kinh Thánh, để có thể dùng Lời Chúa soi dẫn cho các khoá họp Công đồng; ngài còn cho đặt cuốn Kinh Thánh ngay tại trung tâm Ðền thờ Thánh Phêrô, nơi các Nghị phụ hội họp và cử hành các Nghi lễ trong suốt thời gian các khoá họp Công đồng. Rồi, như Ðức Hồng Y Walter Kasper, Chủ tịch Hội Ðồng Giáo Hoàng cổ vũ sự Hiệp nhất Kitô hữu, trong Hội nghị vừa qua tại Rôma, đã nói: "Sấm sét đã nổ ra ngay từ buổi đầu tại Hội trường, khi các Nghị phụ trao đổi ý kiến về bản Dự thảo Văn kiện về Kinh Thánh"[3].

Thế rồi, trải dài 4 năm qua các Khoá họp của Công đồng, trước khi bế mạc, Ðức Phaolô VI cùng các Nghị phụ Công đồng đã long trọng công bố Hiến chế tín lý về Mặc khải Dei Verbum vào ngày 18-11-1965. Ðức Hồng Y Walter Kasper nhận định: "Tiếng sấm sét buổi ban đầu" nhường chỗ cho bầu khí hân hoan, an bình, vui mừng và hy vọng, khi Công đồng lên tiếng khai mở Hiến chế Dei Verbum: "Trong niềm thành kính lắng nghe và tin tưởng công bố Lời Thiên Chúa, Thánh Công đồng lặp lại lời Thánh Gioan: Chúng tôi loan truyền cho anh em sự sống đời đời, đã có nơi Chúa Cha và đã hiện đến với chúng tôi: điều chúng tôi đã thấy, đã nghe, chúng tôi loan truyền cho anh em, để anh em cũng được hiệp nhất với chúng tôi và chúng tôi hiệp nhất với Chúa Cha và với Chúa Giêsu Kitô, Con Ngài (1 Ga 1,2-3)" (Dei Verbum religiose audiens et fidenter proclamans, Sacrosancta Synodus.) (MK 1). Lắng nghe với thái độ thành kính, vì Lời Thiên Chúa là Lời hằng sống; tin tưởng công bố Lời Thiên Chúa, vì đây là sứ điệp cứu độ.

Nếu ơn gọi và sứ mạng của Hội Thánh là "lắng nghe Lời Thiên Chúa trong niềm thành kính" và "tin tưởng công bố Lời Thiên Chúa", thì ơn gọi và sứ mạng của Hội Thánh Việt Nam cũng không thể khác. Cùng với Hội Thánh toàn cầu, là Dân Thiên Chúa, Hội Thánh Việt Nam thể hiện đúng ơn gọi của mình, khi "thành kính lắng nghe Lời Thiên Chúa"; và càng thành kính lắng nghe, thì mới "tin tưởng công bố Lời Thiên Chúa".

 

1.- Hội Thánh Việt Nam trong lòng Giáo Hội toàn cầu trước Công đồng

Ðức Hồng Y Carlo Maria Martini, SJ, nguyên Tổng Giám Mục Milano, nguyên Viện trưởng, Giáo sư tại Giáo Hoàng Học Viện Kinh Thánh (Biblicum) ở Rôma, và là bậc thầy nổi tiếng về Kinh Thánh trên thế giới, đã trích một nhận xét của Paul Claudel nói về người tín hữu trong Hội Thánh cho đến đầu thế kỷ thứ XX: "Họ đã có một sự tôn kính Kinh Thánh cho đến độ họ sống xa cách Lời Chúa"[4]; người Việt Nam chúng ta thường gọi là thái độ "kính nhi viễn chi".

Lời nhận định nầy có vẻ thái quá, nhưng thể hiện khá đúng thực trạng của người tín hữu Kitô, cách riêng là hàng ngũ giáo dân. Ngay bên xã hội Tây Phương, một xã hội có gốc rễ là Kitô giáo, thì cũng phải nhìn nhận rằng, một trong những rào cản là tình trạng mù chữ của đại đa số dân chúng, mãi cho đến thế kỷ XVIII; thêm vào đó, thái độ của thẩm quyền trong Giáo Hội không muốn cho người giáo dân đọc Kinh Thánh! Thái độ này hình như phát xuất từ phản ứng chống lại Phong trào cải cách của Thệ phản, cũng như chống lại một số trào lưu từ thời Trung Cổ là những phong trào khuyến khích giáo dân tiếp xúc nhiều hơn với Kinh Thánh nhằm mục đích đẩy người giáo dân thoát ly khỏi khung cảnh đời sống nền nếp của Giáo Hội!

Thêm vào đó, một số quyết định của Giáo quyền hạn chế giáo dân tiếp cận với Kinh Thánh như Công đồng miền Tôlêđô năm 1229, trong thời gian Giáo Hội phải chiến đấu chống lại bè rối Albigeois; hay như một số hạn chế khác tại các Giáo Hội ở Anh, ở Pháp, và một số nơi khác. Vào năm 1559, Ðức Thánh Cha Phaolô IV, và vào năm 1564, Ðức Thánh Cha Piô IV đã công bố danh sách liệt kê một số sách bị cấm lưu hành (Index), thì các ngài cũng cấm in ấn và lưu giữ những sách Kinh Thánh được dịch ra tiếng bản xứ, ngoại trừ có phép đặc biệt.

Như vậy, hàng ngũ giáo dân thời bấy giờ chắc chắn không thể tiếp xúc với Kinh Thánh trong ngôn ngữ địa phương. Thời gian ấy, chỉ có bản văn Kinh Thánh bằng tiếng La-tinh (Bản Vulgata = Bản Phổ thông) được phép lưu hành mà thôi. Ngay tại nước Italia, phải chờ đến năm 1700, mới có bản dịch Kinh Thánh ra tiếng Ý của Antonio Martini để phổ biến cho người công giáo. Ðến năm 1757, tại Italia, mới có phép của Giáo quyền để dịch bản La-tinh Vulgata ra tiếng bản xứ; và phải được Giáo quyền chuẩn ấn (Imprimatur), cùng phải kèm theo những ghi chú, giải thích cụ thể.

Mãi đến đầu thế kỷ XX, tại nước Italia, mới xuất hiện những bản dịch Kinh Thánh từ nguyên bản Do-thái, Hy-lạp, do những người Công giáo thực hiện. Thế mà tại Việt Nam chúng ta, trước khi Dei Verbum ra đời, đã có hai bản dịch Kinh Thánh trọn bộ do các tác giả công giáo thực hiện; đó là bản dịch Kinh Thánh của Cố Chính Linh, xuất bản năm 1913 và bản phỏng dịch Kinh Thánh của Cha Gérard Gagnon CSsR, vào năm 1963. Ðấy cũng là những điểm son đáng ghi nhận.

Ở đây, chúng ta còn phải gợi lên một sự kiện nầy - dầu không nói ra, nhưng vẫn ảnh hưởng đến những sinh hoạt trong Giáo Hội cách chung trước Công đồng Vatican II - đó là bầu khí và tâm lý lo sợ, dè dặt đối với các Phong trào cổ võ học Kinh Thánh. Biết bao nhiêu học giả tiên phong trong lãnh vực nầy, đặc biệt từ khoảng thời gian sau Ðệ nhất thế chiến 1914-1918; họ ước mong Kinh Thánh không phải chỉ dành riêng cho hàng giáo sĩ hay những hạng ưu tú, mà phải được phổ biến rộng rải cho tất cả mọi thành phần Dân Chúa: "Lời Chúa phải được loan báo cho những người nghèo hèn". Họ muốn tạo điều kiện cho người tín hữu trực tiếp đọc Lời Thiên Chúa được dịch ra từ các nguyên bản; họ ước mong người tín hữu có thể cầu nguyện với quyển Kinh Thánh; họ muốn người tín hữu trở về nguồn, như thời Giáo Hội sơ khai . Một trong những câu nói rất thời danh của Thánh Têrêxa Hài Ðồng Giêsu như thúc đẩy và gợi nguồn cảm hứng cho nhiều học giả trong lãnh vực nầy. Ngài nói: "Nếu tôi là linh mục, tôi sẽ học tiếng Do-thái và tiếng Hy-lạp, để có thể đọc được Lời Thiên Chúa trong chính nguyên bản".

 

2.- Lời kinh, tinh hoa của Lời Chúa

Thế nhưng tại Việt Nam, trước khi nói đến việc đọc trực tiếp các bản văn thánh, chúng ta nên ghi nhận một hiện tượng đặc biệt đã giúp các Kitô hữu Việt Nam sống Lời Chúa cách đơn giản, nhẹ nhàng mà sâu sắc.

Vào thời gian đất nước chúng ta còn bị chia đôi thành hai quốc gia của những anh em thù nghịch (thờt Trịnh-Nguyễn phân tranh), để rồi rơi vào một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn khốc liệt, chính Lời Chúa đã mang lại một an ủi lớn lao cho các tín hữu. Trong thực tế, Lời Chúa vẫn luôn đóng vai trò nâng đỡ đời sống luân lý và thiêng liêng của Hội Thánh tại Việt Nam, một trong những Hội Thánh bị thử thách nhất do các cuộc bách hại đẫm máu và những giới hạn kỳ thị.

Giáo dân Việt Nam đã tiếp xúc với Kinh Thánh không qua phụng vụ, vì vào lúc đó, các cuộc cử hành phụng vụ hoàn toàn được thực hiện bằng tiếng La-tinh, mà là qua á phụng vụ và các sáng tạo văn chương. Ðây là những suy ngẫm cộng đồng về các mầu nhiệm Kitô giáo, về cuộc đời của Ðức Kitô và của Ðức Trinh Nữ Maria, nhất là về mầu nhiệm Giáng Sinh và cuộc Thương Khó của Chúa; đây là những đề tài không bao giờ cạn không phải chỉ cho những buổi suy ngẫm nhằm cầu nguyện, nhưng cho cả các cuộc trình diễn dân gian và các sáng tác thi ca và nghệ thuật.

Một bà hoàng có vị trí và văn hoá cao, được cha Alexandre de Rhodes rửa tội tại miền Bắc năm 1627, đã sáng tác trọn giáo lý công giáo ra văn vần, khởi đi từ cuộc sáng tạo thế giới cho tới cái chết và cuộc sống lại của Ðức Kitô, với một phụ lục về việc các nhà thừa sai Dòng Tên đến[5]. Một linh mục thuộc Nam bộ do Ðức Cha Lambert de la Motte truyền chức vào năm 1676 đã thực hiện một bản dịch đáng lưu ý từ Cựu Ước sang tiếng Việt văn chương có phẩm chất[6]. Tất cả các công trình thơ văn này đã góp phần khá lớn vào việc tháp nhập Lời Chúa vào trong ký ức sống động và trái tim yêu thương của các tân tòng người Việt.

Do có thêm nhiều nhà thừa sai vào thế kỷ XIX và XX và cũng do sự trưởng thành tiệm tiến của hàng giáo sĩ địa phương và các tu sĩ bản địa, nền văn hoá Kinh Thánh thêm phong phú nhờ có các bản dịch ngày càng đầy đủ hơn về Kinh Thánh và nhờ việc phổ biến các bài suy ngẫm Kinh Thánh.

Lời Chúa dưới các dạng á phụng vụ và Bí tích Thánh Thể một bên, việc chuyên cần lần hạt Kinh Mân Côi, cá nhân cũng như cộng đoàn bên kia, đã nuôi dưỡng và nâng đỡ đức tin của biết bao thế hệ Kitô hữu, cho đến đầu thế kỷ XX thật ra chỉ là những người công giáo. Khi không có Thánh Thể, chính Lời Chúa dười dạng cụ thể là Ðàng Thánh Giá, Kinh Truyền Tin, và các mầu nhiệm để suy ngẫm trong tràng hạt Mân Côi, đã đưa lại sức mạnh cho các vị Tử đạo có thể đứng vững trong đức tin và trung thành mãi đến cùng.

Về phần tràng hạt Mân Côi, tràng hạt này lại không được gọi là "toát yếu của toàn thể Tin Mừng" đó sao? Và năm mầu nhiệm sự sáng, đã được Ðức giáo hoàng Gioan-Phaolô II cho tháp vào trong các mầu nhiệm truyền thống, lại không làm trọn cách cốt yếu bản toát yếu cho các tín hữu của thiên niên kỷ thứ ba đó sao?[7]

Lời Chúa đã được cô đọng lại và đi vào lòng người giáo dân Việt Nam qua các thế hệ xuyên qua các lời Kinh truyền thống mà người tín hữu công giáo thuộc nằm lòng. Do đó, lời Kinh chính là "tinh hoa" của Lời Chúa trở nên như hơi thở, nhựa sống của người tín hữu. Ngắm Ðàng Thánh Giá, lần chuỗi Mân Côi, nguyện Kinh Truyền Tin, suy ngắm cuộc Thương khó của Chúa Giêsu ... đã thực sự là phương thế đem Lời Chúa vào trong nếp sống bình dân của người tín hữu Việt Nam.

 

3. Hội Thánh Việt Nam sống và phục vụ Lời Chúa dưới ánh sáng của Dei Verbum

Công đồng Vatican II, với cuộc canh tân phụng vụ và Hiến chế tín lý về Mặc khải Dei Verbum, dưới một làn hơi thổi mới của Thánh Thần, đã gây ra một đà lao (?) mới mẻ và một sinh lực lớn lao trong Hội Thánh tại Việt Nam, khi được Mẹ Hội Thánh nhìn nhận là đã trưởng thành bằng cách thiết lập Hàng giáo phẩm địa phương cho Hội Thánh tại Việt Nam vào năm 1960.

Trong Thư mục vụ của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam năm 2005 với tựa đề "Sống Lời Chúa", tại số 8, nói về việc tăng cường vai trò ưu tiên của Kinh Thánh, các Ðức Giám Mục của chúng ta đã nhận định: "Yêu mến Kinh Thánh không chỉ thể hiện qua việc phổ biến sách Kinh Thánh, mà còn là siêng năng đọc Lời Chúa trong đời sống và cho đời sống cụ thể của mình. Nói cách khác, đọc Lời Chúa không những để hiểu về Chúa mà còn để tìm hướng đi cho cuộc đời". Với nhận định trên, các vị Chủ chăn cho thấy lòng "yêu mến Kinh Thánh" là điểm son của người tín hữu chúng ta.

a) Phiên dịch và phổ biến bản văn Kinh Thánh

Chính phát xuất từ lòng yêu mến nầy, mà đã có những nỗ lực không nhỏ trong Giáo Hội Việt Nam đối với Kinh Thánh, trong đó có nỗ lực phiên dịch và phổ biến Kinh Thánh. Ngay giữa lòng cuộc chiến huynh đệ tương tàn của đất nước chúng ta, kéo dài cho đến năm 1975, rồi từ đó đến nay, ngoài những bản dịch toàn bộ Kinh Thánh của Cố Chính Linh, vào năm 1913, bản phỏng dịch của linh mục Gérard Gagnon CSsR vào năm 1963, như đã nói trên; hoặc bản dịch một vài phần trong bộ Kinh Thánh của ông Mai Lâm Ðoàn Văn Thăng, của Linh mục An Sơn Vị, linh mục Trần Văn Kiệm; chưa kể bản dịch của anh em Tin lành. Trong vòng 40 năm nay, sau khi Dei Verbum ra đời, có bốn bản dịch toàn bộ Kinh Thánh: của Linh mục Ðaminh Trần Ðức Huân, dịch từ bản tiếng Phổ thông (La-tinh), xuất bản năm 1970; của Linh mục Giuse Nguyễn Thế Thuấn CSsR, dịch từ nguyên bản Do-thái, Hy-lạp, A-ram, xuất bản năm l976; của Ðức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn, xuất bản năm 1985; của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, dịch từ nguyên bản tiếng Do-thái, Hy-lạp, A-ram, xuất bản năm 1998, đặc biệt nhắm sử dụng vào việc học tập nghiên cứu.

Nỗ lực của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng vụ trong việc phiên dịch và xuất bản, phổ biến Kinh Thánh rất đáng được trân trọng. Nhóm đã hình thành vào năm 1971, nghĩa là 6 năm sau khi Dei Verbum ra đời; và đã kiên trì làm việc trong lãnh vực phiên dịch và chú thích toàn bộ Kinh Thánh cho tới nay, liên tục 38 năm miệt mài với công trình phiên dịch. Một vài thành quả phổ biến Kinh Thánh của Nhóm này tính cho đến đầu tháng 3 năm 2009 là đã dịch và xuất bản các sách: Ngũ Thư; Lịch sử; Ngôn sứ; Giáo huấn; Bốn Sách Tin Mừng; Ðối chiếu Bốn Sách Tin Mừng; Kinh Thánh trọn bộ có dẫn nhập và chú thích đơn giản; Kinh Thánh trọn bộ cỡ lớn để trưng; Tân Ước có dẫn nhập và chú thích đơn giản; Lời Chúa trong Thánh lễ; Lời Chúa cho mọi người với dẫn nhập và chú thích của Bernard Hurault và Louis Hurault (Kinh Thánh trọn bộ và Tân Ước); Kể chuyện Kinh Thánh cho trẻ em (6-9 tuổi) dịch từ bản văn của Pat Alexander; Kể chuyện Kinh Thánh cho thiếu niên (10-15 tuổi) dịch từ bản của Pat Alexander; và trong năm 2008, Nhóm xuất bản cuốn Tân Ước với dẫn nhập và chú thích có hiệu đính[8].

Trước năm 1975, tại miền Nam Việt Nam, đã có phong trào "mỗi quân nhân một Tân Ước", cốt đưa Lời Chúa vào trong các gia đình binh sĩ Công giáo; bản văn Tân Ước được dùng lúc đó là bản dịch của cha Nguyễn Thế Thuấn. Ðến nay, người công giáo Việt Nam đã dễ dàng và trực tiếp tiếp xúc với Kinh Thánh, nhờ đó được thiêng liêng họ được nuôi dưỡng phong phú hơn. Bản dịch của Nhóm Phiên dịch CGKPV đã được phổ biến rộng rãi, bởi vì hơn hai triệu bản đã được xuất bản theo nhiều cách thức để tới với 6 triệu người công giáo, nên mỗi gia đình đã có thể có được một quyển Kinh Thánh trọn bộ hoặc ít ra một quyển Tân Ước.

b) Học hỏi và chia sẻ Lời Chúa

Nhiều giáo dân, nhất là 52.500 giáo lý viên rải rác tại mọi giáo xứ của đất nước, tạo thành những nhóm học hỏi và chia sẻ Lời Chúa, và ngày càng quan tâm hơn đến việc đào tạo giáo lý và thần học. Có những thủ bản ra đời như "Phương pháp Chia sẻ Phúc âm - Tài liệu huấn luyện các linh hoạt viên nhóm chia sẻ" giúp đào tạo các linh họat viên nhóm chia sẻ theo "phương pháp bảy bước". Các nhóm chia sẻ Lời Chúa cũng được giúp làm quen với "phương pháp Ðọc, Suy niệm Lời Chúa và cầu nguyện" (= Lectio divina).

Ngoài các Ðại Chủng viện giáo phận vẫn cung cấp các giáo trình tốt về Kinh Thánh cho các linh mục tương lai, Học viện Liên Dòng Phaolô Nguyễn Văn Bình và Trung Tâm Mục Vụ TPHCM với Chương trình đào tạo giáo dân cũng là những nơi phát xuất ra các giáo trình Kinh Thánh với nhiều trình độ, giúp cho anh chị em tu sĩ và giáo dân có cơ hội hiểu rõ hơn bản văn cũng như tiếp thu được các phương pháp đoc Kinh Thánh. Sau 1975, Liên Tu Sĩ TPHCM ra đời. Trong thời gian đầu, các bài suy niệm từ Lời Chúa do một số thành viên trong LTS viết, đã là một lương thực quý báu cho các linh mục và tu sĩ Dòng.

Các sách soạn thảo hoặc các bản dịch các bài giảng ngày Chúa Nhật, thậm chí các bài gợi ý cho ngày trong tuần, vẫn đang là những sách được phổ biến nhất nhắm đến các giáo sĩ và tu sĩ. Trong khi đó, các nhà thơ và và nhạc sĩ công giáo cũng ra sức khai thác kho tàng giàu có phong phú vô tận của Kinh Thánh. Dĩ nhiên, đôi khi những cảm xúc dâng trào đã đưa các nhạc sĩ và thi sĩ đến những lời kết dệt có phần xa bản văn ; nhưng điều này vẫn chứng tỏ là Kinh Thánh đang là nguồn cảm hứng dồi dào. Chúng ta đứng trước một hiện tượng rất thuyết phục: không những "máu của các thánh tử đạo" mà cả Lời Chúa được suy ngẫm, được chia sẻ, được ngâm nga ca hát, được sống và được loan báo, đang sản sinh ra các Kitô hữu mới và giúp dọn các tâm hồn biết bao người trẻ thành miền đất tốt mà đón lấy hạt giống Ơn gọi linh mục và tu sĩ.

Ngoài ra, Kinh Thánh cũng được các Vị Mục tử, các Dòng Tu nam, nữ và Ðại Chủng viện quan tâm rất nhiều, không những trong việc cử hành Phụng vụ, giảng dạy, mà còn trong việc tổ chức nhiều lớp học, khoá học về Kinh Thánh, Khoá Thường huấn cho các Linh mục trong các Giáo phận, trong các Hội Dòng Tu sĩ.

c) Sống Lời Chúa

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận như điều các Ðức Giám Mục đã nói trong lá Thư Mục vụ 2005: "Nhìn chung, Kitô hữu Việt Nam còn chưa thực sự chú trọng đến việc đọc Kinh Thánh. Có thể nói, chúng ta rất siêng năng đọc kinh, nhưng còn chưa chú trọng đến việc đọc và suy niệm Lời Chúa. Kinh Thánh chưa có chỗ đứng xứng đáng trong các sinh hoạt đạo đức, nhất là trong đời sống gia đình".

Chúng ta chân thành cám ơn các Ðức Cha đã chỉ rõ cho thấy những gì chúng ta cần phải chú tâm hơn trong việc tăng cường vai trò ưu tiên của Kinh Thánh trong các sinh hoạt đạo đức và nhất là trong đời sống gia đình của người tín hữu Việt Nam.

Chúng ta không biện minh cho những giới hạn và thiếu sót của mình trong quá khứ, đối với thao thức và lời dạy của Công đồng trong Hiến chế Dei Verbum. Nhưng dầu sao, hoàn cảnh lịch sử của Giáo Hội Việt Nam 50 năm qua quả có nhiều điều để nói. Một nửa Giáo Hội chúng ta trong suốt thời gian diễn ra Công đồng, đã không có điều kiện khách quan để đón nhận những chỉ dẫn và soi sáng của Công đồng, nói chi đến việc tiếp cận với Dei Verbum! Do hoàn cảnh, có thể nói, mọi nỗ lực chủ yếu là để giữ đạo và tồn tại. Rồi, từ khi hai miền Giáo Hội hiệp nhất với nhau, cũng lại những nỗ lực chủ yếu là để giữ đạo và tồn tại, kéo dài một thời gian khá lâu. Có chăng một số thao thức, cố gắng và thực hiện trong những khả năng rất giới hạn của mình, để có thể làm một cái gì đó trong việc phiên dịch, phổ biến Kinh Thánh, tìm đọc và học hỏi, chia sẻ Lời Chúa, v.v . như vừa nêu ở trên. Do đó, trong vòng 50 năm qua, không biết có nơi nào đã triển khai, chứ chưa dám nói tới việc đào sâu Hiến chế tín lý về Mặc khải Dei Verbum! Cũng chưa có những tổ chức cụ thể và có thẩm quyền trong việc "aggiornamento" (cập nhật) các kiến thức từ các Hội nghị, phong trào quốc tế rất phong phú của Giáo Hội toàn cầu, cũng như của các Học viện Kinh Thánh, nhằm thúc đẩy việc học hỏi, đào sâu Lời Chúa. Chúng ta còn rất giới hạn và chịu nhiều thiệt thòi trong lãnh vực nầy, chưa có tiếng nói đóng góp đúng mức với Giáo Hội trong nước, nói chi đến các Giáo Hội trong khu vực, và Giáo Hội toàn cầu.

d) Lời chứng về việc Hội Thánh Việt Nam sống Lời Chúa tại THÐGM Thế giới XII

Một hồng ân hiếm có cho Giáo Hội Việt Nam chúng ta: Ðức Cha Giuse Võ Ðức Minh, Giám mục phó Giáo phận Nha Trang, và Ðức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Giám mục Giáo phận Thanh Hoá là những đại biểu của Giáo Hội Việt Nam, cùng với Cha Vinh-sơn Nguyễn Văn Bản (đã được bổ nhiệm làm Giám mục Chánh toà Ban Mê Thuột) được chính thức tham dự Thượng Hội Ðồng giám mục thế giới lần thứ XII vừa qua tại Rôma, họp từ ngày 5 đến 26 tháng 10 năm 2008.

Khoá họp đã quy tụ 253 Nghị phụ, được tuyển chọn từ các đại biểu của Toà Thánh, của các Hội Ðồng Giám Mục thế giới, các đại diện Bề trên thượng cấp các Hội Dòng, v.v., quy tụ quanh Ðức Giáo Hoàng để bàn về đề tài "Lời Chúa trong đời sống và sứ vụ của Hội Thánh". Hai Ðức Cha Giuse và Cha Vinh-sơn của chúng ta đã tham gia tích cực trong các phiên họp khoáng đại cũng như những buổi thảo luận ở tổ; các ngài đã có những đóng góp ý kiến, những bài phát biểu thay mặt cho Giáo Hội Việt Nam về những đề tài liên quan đến "Lời Chúa là nguồn an ủi, là sức mạnh, là ánh sáng, là nguồn hy vọng cho đời sống và sứ vụ của Dân Chúa tại Việt Nam. Ðặc biệt, Ðức Cha Giuse Võ Ðức Minh còn được Ban tổ chức Thượng Hội Ðồng mời chia sẻ Lời Chúa trong bài giảng ngày 7-10-2008 liền sau bài giảng của Ðức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI ngày 6-10-2008.

 

4.- Một chút lịch sử: Hội Ðồng Gíam Mục Việt Nam và trách nhiệm phổ biến Kinh Thánh

Một điều hiển nhiên, đó là các vị chủ chăn trong Hội Thánh Việt Nam rất chú tâm đến việc giúp cho con cái đọc và hiểu được Kinh Thánh. Do đó, trong thời gian vừa qua, làm được gì là Hội Ðồng Giám Mục sẵn sàng làm để Lời Chúa ngày càng được phổ biến rộng rãi hơn.

a) Quan hệ với Liên Hiệp Kinh Thánh Công Giáo (LHKTCG) trước 2002

Một trong những cơ quan mà chúng ta cần tháp nhập vào, đó là Liên Hiệp Kinh Thánh Công Giáo (Catholic Biblical Federation "CBF" ), vì cơ quan này hỗ trợ chiều hướng mục vụ Kinh Thánh, giúp các thành viên trên thế giới phổ biến Lời Chúa có phương pháp. Vào ngày 28/11/1995, LHKTCG đã gửi Chứng chỉ công nhận HÐGMVN là thành viên chính thức của LHKTCG; Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ là thành viên liên kết. Lúc đầu, Ðức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nho, Giám Mục Phó Nha Trang, là người liên lạc (contact person) với LHKTCG. Sau này, sau khi Ðức Cha Phêrô qua đời, cha Giuse Nguyễn Công Ðoan, SJ, thay thế ngài trong nhiệm vụ liên lạc với LHKTCG.

Vào năm 2002, Ðức Cha Phaolô Bùi Văn Ðọc và cha Giuse Nguyễn Công Ðoan, SJ, đã tham dự Ðại Hội LHKTCG lần IV tại Liban từ 03-12/9, với chủ đề: "Lời Chúa: một phúc lành cho mọi dân tộc" - Mục vụ Kinh Thánh trong một thế giới đa dạng.

b) Quan hệ với Liên Hiệp Kinh Thánh Công Giáo Ðông Nam Á

Là thành viên của LHKTCG thế giới, đương nhiên chúng ta cũng sinh họat với LHKTCG Ðông Nam Á. Cụ thể là:

Ngày 14-18/2/2005, Ðại Hội Kinh Thánh châu Á và châu Đại Dương lần IV, tại Tagatay City, Philippines. Chủ đề: Lời Chúa: niềm hy vọng sống động và hoà bình bền vững. Ðại diện HÐGMVN đi tham dự là ÐC Phaolô Nguyễn Văn Hoà, ÐC Phaolô Bùi Văn Ðọc và cha PX Vũ Phan Long, OFM; đại diện Nhóm Pd CGKPV là cha Giuse Trần Hoà Hưng, SDB.

Ngày 19-21/2/2005, Hội Thảo ÐNA về việc Tông đồ Kinh Thánh lần IV, cũng tại địa điểm trên. Chủ đề: Ðáp trả các thách đố về Hoà bình trong thế giới hiện đại. Cha PX Vũ Phan Long và cha Giuse Trần Hoà Hưng, SDB, tham dự.

c) Sinh hoạt của Tổ Mục vụ Kinh Thánh (MVKT) 2002 và Ủy Ban Kinh Thánh(UBKT)

Trong kỳ Ðại Hội 2002, HÐGMVN đã thành lập Ủy Ban Giáo lý Ðức tin trực thuộc HÐGMVN, chọn Ðức Cha Phaolô Bùi Văn Ðọc làm Chủ tịch. Ngày 21/6/2002, UBGLÐT, với Ðức Cha Chủ tịch, đã có buổi họp đầu tiên để xác định phương hướng.

Ngày 12/12/2002, trong lần họp tiếp theo, UBGLÐT đã thành lập Tổ MVKT và đề nghị cha FX Vũ Phan Long, OFM, làm tổ trưởng, cha Phêrô Nguyễn Văn Võ (ÐCV Giuse TpHCM) làm phó. Cha Ðoan SJ đã đi sang Rôma để làm công tác của Nhà Dòng, nay cha FX Long thay mặt HÐGMVN để liên lạc với LHKTCG. Kỳ họp này cũng xác định trách nhiệm của Tổ MVKT: Nghiên cứu để có thể trình bày Lời Chúa dưới nhiều góc cạnh khác nhau trong lãnh vực mục vụ. Vào lúc này, UB lưu ý: Dùng bản dịch Kinh Thánh nào cũng được, vì HÐGMVN chưa có bản dịch chính thức; chỉ yêu cầu dùng Bản dịch được HÐGMVN phê chuẩn để đọc trong Phụng vụ (lúc này chưa có).

Ngày 30/9/2003, Ðức Cha Chủ tịch UBGLÐT gặp các anh chị em làm công việc phổ biến Lời Chúa, để thảo luận về các lãnh vực mà Tổ MVKT có thể dấn thân vào: nói chung, Tổ cần suy nghĩ để vận dụng mọi phương tiện có thể (sách vở, website, phim ảnh.) để phổ biến Lời Chúa.

Ngày 15-16/3/2006, Tổ MVKT phối hợp với Học viện Mục Vụ của Giáo phận TpHCM tổ chức hai ngày sinh hoạt về MVKT với chủ đđề : "Lời Chúa với Dân Chúa". Ðức Cha Chủ tịch HÐGMVN, ÐC Chủ tịch UBGLÐT, Ðức Cha Giuse, Giám mục phĩ Nha Trang, một số Ðức Cha, và đông đảo đại diện các nhóm trẻ các giáo phận về tham dự. Có các bài thuyết trình và các giờ thảo luận tổ. Hai ngày sinh hoạt kết thúc bằng thánh lễ "sai đi" tối 16/3/2006.

Ngày 30/9/2006, một nhóm anh chị em đã gặp nhau để trao đổi về những việc có thể làm. Ngày 04/11/2003, anh chị em của Tổ gặp nhau để phân công viết bài về Tin Mừng Luca trong Năm sống Thư Mục vụ của HÐGMVN, "Sống đạo hôm nay". Anh chị em đã viết được mấy bài đầu; sau đó, một phần vì anh chị em bận quá nhiều việc, phần vì có Ðức Cha chủ tịch mới, nên muốn chờ xem ngài phác thảo ra chương trình sinh hoạt thế nào, nên đã ngưng viết.

Ngày 03/12/2006, trang web của Tổ MVKT được chính thức đưa vào hoạt động: www.kinhthanhvn.org. Các bài suy niệm Lời Chúa, các gợi ý bài giảng, một số vấn đề Kinh Thánh được đưa lên trên trang này.

Sau Hội nghị HÐGMVN tháng 9/2006, Ðức Cha Giuse Võ Ðức Minh được bổ nhiệm làm Chủ tịch Tiểu Ban MVKT (hiểu là "Tổ" MVKT lâu nay được trở thành Tiểu Ban Mục Vụ Kinh Thánh, ở trong UBGLÐT.

Tại phiên họp Ban Thường Vụ (mở rộng) của HÐGMVN vào tháng 8-2007, Ðức Cha Phaolô Bùi Văn Ðọc, Chủ tịch UBGLÐT và Ðức Cha Giuse Võ Ðức Minh, Chủ tịch Tiểu Ban Mục vụ Kinh Thánh, đề nghị tách Tiểu Ban Mục vụ Kinh Thánh ra khỏi UBGLÐT và thành lập Ủy Ban Kinh Thánh để UB mới này vừa có thể đẩy mạnh việc học hỏi, nghiên cứu vừa phổ biến Lời Chúa rộng rãi hơn. UB Kinh Thánh đang vừa quy tụ các chuyên viên Kinh Thánh và những anh chị em yêu thích Lời Chúa lại để cộng tác với nhau mà phổ biến Lời Chúa vừa tận dụng các phương tiện truyền thông mà đưa Lời Chúa đến mọi nơi và mọi tầng lớp Dân Chúa.

 

5.- Ðịnh hướng cho tương lai

(1) Giúp Dân Chúa tôn kính Lời Chúa như Mình Thánh Chúa

Trong chương VI của Hiến chế tín lý về Mặc khải Dei Verbum, Công đồng Vatican II mở rộng kho tàng Lời Chúa cho mọi sinh hoạt của Hội Thánh, cũng như cho mọi thành phần Dân Chúa trong Hội Thánh. Với tựa đề "Kinh Thánh trong đời sống Giáo Hội", ở số 21 của Dei Verbum, các Nghị phụ đã viết như sau: "Giáo Hội luôn tôn kính Kinh Thánh như chính Thân thể Chúa, nhất là trong Phụng vụ Thánh, Giáo Hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như từ bàn tiệc Mình Chúa Kitô để ban phát cho các tín hữu. Cùng với Thánh Truyền, Kinh Thánh đã và đang được Giáo Hội xem như quy luật tối cao hướng dẫn đức tin, được Thiên Chúa linh ứng và đã được ghi chép một lần cho muôn đời, Kinh Thánh phân phát cách bất di bất dịch lời của chính Chúa và làm vang dội tiếng nói của Chúa Thánh Thần qua các Ngôn Sứ cùng các Tông Ðồ. Bởi vậy, mọi lời giảng dạy trong Giáo Hội cũng như chính Ðạo thánh Chúa Kitô phải được Kinh Thánh nuôi dưỡng và hướng dẫn. Thực thế, trong các Sách thánh, Chúa Cha trên trời bằng tất cả lòng trìu mến đến gặp gỡ con cái mình và ngỏ lời với họ. Lời Chúa còn có một sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng cường Giáo Hội, ban sức mạnh đức tin cho con cái Giáo Hội, là lương thực linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Giáo Hội. Bởi thế, lời nói sau đây thật xứng hợp cho Kinh Thánh: "Thực vậy, Lời Thiên Chúa sống động và linh nghiệm" (Dt 4, 12), "có khả năng gây dựng và ban gia tài cho mọi người đã được thánh hoá" (Cv 20, 32; 1 Tx 2, 13)".

Thật là kỳ diệu, khi Công đồng quả quyết: "Giáo Hội luôn tôn kính Kinh Thánh như chính Thân Thể của Chúa". Tưởng không có lời tuyên xưng nào long trọng và cao quý hơn lời nầy mà Công đồng dành cho Kinh Thánh. Từ lời tuyên xưng nầy mà nẩy sinh ra trong lòng Giáo Hội từ ngữ "bàn tiệc Lời Chúa" bên cạnh "bàn tiệc Thánh Thể".

Nhà thần học Lawrence Cunningham, giáo sư Thần học tại Ðại học Notre Dame, USA, trong hội nghị với các Ðức Giám Mục Hoa Kỳ, được tổ chức tháng 6 năm 2005, tại Ðại học Notre Dame (South Bend, Ind.), nhằm đánh dấu kỷ niệm 40 năm Hiến chế Dei Verbum, đã có một bài thuyết trình thật đặc sắc[9]. Ông nói: "Ðiều gây ấn tượng chớ không làm ngạc nhiên, là chương VI của Hiến chế tín lý về Mặc khải Dei Verbum, thường sử dụng những hình ảnh của ăn và dinh dưỡng khi nói về Kinh Thánh".

Từ xưa, trong Giáo Hội, chúng ta đã quen với Mình Thánh Chúa Giêsu như là lương thực nuôi dưỡng người tín hữu. Nay, Công đồng lại viết: "Giáo Hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như từ bàn tiệc Mình Chúa Kitô để ban phát cho các tín hữu" (ex mensa tam verbi Dei quam Corporis Christi panem vitae). Làm sao Lời Chúa trở nên "bánh ban sự sống", trở nên lương thực để nuôi dưỡng Dân Chúa?

Công đồng chỉ rõ cho các tín hữu biết, qua kinh nghiệm ngàn đời trong Hội Thánh, khi chuyên cần lắng nghe lời rao giảng trong Hội Thánh đã được Kinh Thánh soi sáng và nuôi dưỡng (nutriatur), thì Lời Chúa trở nên lương thực cho chính bản thân của mình; khi đó, Lời Chúa không những là của ăn nuôi dưỡng linh hồn (animae cibus), mà còn là nguồn nước tinh sạch cho đời sống thiêng liêng (vitae spriritualis fons purus). Hội Thánh, trong tư cách là Hiền Thê của Ngôi Lời nhập thể, luôn thụ giáo với Chúa Thánh Thần, để hiểu biết ngày càng sâu rộng hơn về Kinh Thánh, mà không ngừng thi hành sứ mạng của người Mẹ hiền "lấy Lời Chúa nuôi dưỡng (pascat) con cái mình".

Ðây chính là Ðề nghị 7 THÐGMTG XII trình lên Ðức giáo hoàng: "Lời Chúa trở thành xác thịt bí tích trong biến cố Thánh Thể và đưa Kinh Thánh tới chỗ hoàn tất. Thánh Thể là nguyên lý giải thích của Kinh Thánh, cũng như Kinh Thánh soi sáng và giải thích mầu nhiệm Thánh Thể. Trong chiều hướng này, các Nghị phụ ước mong rằng một suy tư thần học sẽ được cổ võ về phương diện bí tích của Lời Chúa. Nếu không có sự nhận biết sự hiện diện thực hữu của Chúa trong Thánh Thể, sự hiểu biết về Kinh Thánh vẫn chưa được hoàn tất".

(2) Giúp Dân Chúa gặp được Chúa Giêsu Ngôi Lời, để đi đến những thay đổi đời sống

Cần phải giúp cho giáo dân gặp được chính Ðức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa, trong Kinh Thánh, chứ không chỉ đọc Kinh Thánh như những lời kỷ niệm vô hồn (Ðề nghị 9). Như vậy phải giúp họ cầu nguyện bằng Lời Chúa (Ðề nghị 22). Cũng cần phải giúp người tín hữu gặp được Lời Chúa như thế trong Phụng vụ (Thánh Thể và Các Giờ kinh: Ðề nghị 14).

Khi đã gặp được Ðức Giêsu là sức mạnh giao hoà và hoán cải Thiên Chúa gửi đến cho nhân loại, người tín hữu sẽ thay đổi đời sống: "Trong những thời gian xung đột đủ loại và căng thẳng giữa các tôn giáo, trung thành với công trình hoà giải Thiên Chúa đã thực hiện nơi Ðức Giêsu, người công giáo dấn thân vào việc cống hiến những tấm gương về hoà giải, bằng cách tìm cách chia sẻ những giá trị nhân bản, luân lý và tôn giáo như nhau trong các tương quan của họ với Thiên Chúa và với người khác. Họ tìm cách xây dựng một xã hội công bình và hoà bình". Như thế họ chứng tỏ được rằng Lời Chúa đã thật sự đi sâu vào đời sống họ (Ðề nghị 8).

(3) Nhấn mạnh việc chuyên cần đọc và học hỏi Kinh Thánh

Ðể "Lời Chúa trở nên đèn rọi bước chân, ánh sáng cho nẻo đường đi" (Tv 119, 105) của người tín hữu, Công đồng đã khuyên nhủ mọi tín hữu chuyên cần và siêng năng đọc Lời Chúa: "Vì thế, tất cả các giáo sĩ, trước hết là các linh mục của Chúa Kitô và những người có bổn phận phục vụ Lời Chúa, như các Phó tế và những người dạy giáo lý, phải gắn bó với Kinh Thánh nhờ việc chăm đọc và ân cần học hỏi, để khi họ truyền đạt kho tàng bao la của Lời Chúa, nhất là trong Phụng vụ thánh, cho các giáo hữu được ủy thác cho họ, không ai trong họ sẽ trở thành "kẻ huyênh hoang rao giảng Lời Thiên Chúa ngoài môi miệng bởi không lắng nghe Lời Thiên Chúa trong lòng ".

Thánh Công Đồng cũng tha thiết và đặc biệt khuyến khích mọi Kitô hữu, cách riêng các tu sĩ, hãy năng đọc Kinh Thánh để học biết "khoa học siêu việt của Chúa Kitô" (Pl 3, 8). Vì "không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô".

Việc năng đọc Kinh Thánh, trong truyền thống ngàn đời của Giáo Hội - trước kia đặc biệt dành riêng cho các Ðan viện - được gọi là Lectio divina (việc đọc sách Kinh Thánh). Ðức Hồng Y Carlo Maria Martini, SJ, qua kinh nghiệm bản thân là nhà nghiên cứu, là bậc thầy nổi tiếng về Kinh Thánh và là mục tử sáng chói ở Giáo phận Milano trong nhiều thập kỷ vừa qua, chia sẻ cho chúng ta phương đáp của ngài về việc đọc sách thánh cho hữu ích qua 3 quá trình: lectio, meditatio, contemplatio (đọc, suy gẫm, chiêm niệm). Ðây là Ðề nghị 9 của THÐGM XII.

Song song với việc chuyên đọc và học hỏi Kinh Thánh của người tín hữu, cần có sự hỗ trợ của các mục tử trong việc đào tạo Kinh Thánh cho người giáo dân. Ðề nghị 33 của THÐGM XII nói rằng: "Rất nên ao ước là trong mỗi miền văn hoá được thiết lập những trung tâm đào tạo Lời Chúa cho các giáo dân và các nhà thừa sai, tại đó, người ta học để hiểu biết, để sống và loan báo Lời Chúa.

Ngoài ra, tùy theo các nhu cầu khác nhau, phải thiết lập các học viện chuyên môn về nghiên cứu Kinh Thánh cho các nhà chú giải, để họ có một sự hiểu biết thần học vững chắc và họ nhạy cảm với các bối cảnh của sứ mạng của họ. Ðiều này cũng có thể thực hiện được bằng cách cứu xét lại hoặc củng cố các cơ cấu hiện có, như các chủng viện hoặc các phân khoa.

Cuối cùng, cần phải cung cấp một nền đào tạo tương hợp về các ngôn ngữ Kinh Thánh, cho những người sẽ dịch Kinh Thánh ra các ngôn ngữ hiện đại khác nhau".

(4) Cung cấp những bản dịch tốt bằng ngôn ngữ bản xứ

Thật vậy, Công đồng đã nêu ra một nguyên lý vững vàng: "Mọi lời giảng dạy trong Giáo Hội cũng như chính Ðạo thánh Chúa Kitô phải được Kinh Thánh nuôi dưỡng và hướng dẫn" (MK 21). Chính vì thế, Công đồng long trọng tuyên bố: "Phải mở rộng lối vào Kinh Thánh cho các Kitô hữu" (MK 22). Do đó, cần tạo điều kiện cho các tín hữu tiếp cận với Lời Chúa trong Kinh Thánh, lý tưởng nhất là trong chính nguyên bản, được viết bằng tiếng Do-thái và A-ram (bộ sách Cựu Ước) và bằng tiếng Hy-lạp (bộ sách Tân Ước); trên thực tế, cần tạo điều kiện để có những bản phiên dịch tốt, có chất lượng ra tiếng bản xứ, đặc biệt dịch từ nguyên bản.

Giải thích điều nầy, chính Công đồng đã nói rõ: "Chính vì thế mà từ buổi đầu, Giáo Hội đã công nhận như của riêng mình bản dịch Cựu Ước bằng tiếng Hy-lạp, một bản văn rất cổ và được gọi là bản Bảy Mươi. Ngoài ra Giáo Hội luôn coi trọng các bản dịch của Ðông Phương hay các bản dịch latin, nhất là bản thường gọi là bản "Phổ thông".

Vì phải đem Lời Chúa đến cho mọi thời đại, Giáo Hội như một người mẹ ân cần lo liệu cho các sách thánh được dịch ra các thứ tiếng cách thích hợp và đúng đắn, đặc biệt dịch từ nguyên bản. Mọi Kitô hữu có thể sử dụng những bản dịch được thực hiện chung với cả những anh em ly khai trong trường hợp thuận tiện và được Giáo quyền chấp thuận" (MK 22).

Dịch Kinh Thánh ra tiếng bản xứ, mới chỉ là bước khởi đầu, lối vào Kinh Thánh cho các Kitô hữu còn cần phải có các môn học chuyên về Kinh Thánh, thường được gọi là dẫn nhập vào Kinh Thánh, chú giải Kinh Thánh, v.v.

Học Viện Kinh Thánh Giáo Hoàng ở Rôma đã được Ðức Thánh Cha Piô X thiết lập nhằm vào năm 1909, mục đích đào tạo những chuyên viên về Kinh Thánh trong Hội Thánh; rồi nhiều Phân khoa, Học viện về Kinh Thánh cũng được thiết lập tại Giêrusalem cũng như tại một số nơi khác . Tất cả những Học viện và Phân Khoa nầy thực hiện quyết tâm của Giáo Hội trong tư cách là "Hiền Thê của Ngôi Lời nhập thể, được Chúa Thánh Thần dạy dỗ, hằng cố gắng hiểu biết Kinh Thánh ngày càng sâu rộng hơn, hầu không ngừng lấy Lời Chúa nuôi dưỡng con cái mình.

Do đó, Giáo Hội có lý khi khuyến khích việc học hỏi các Thánh Giáo Phụ Ðông Phương và Tây Phương cũng như các Phụng vụ thánh.. Thánh Công đồng khuyến khích con cái Giáo Hội đang chuyên cần học hỏi những khoa học Kinh Thánh, hãy tiếp tục theo đuổi công trình đã khởi sự cách tốt đẹp với những năng lực ngày được đổi mới, và bằng tất cả hăng say hợp với cảm thức của Giáo Hội" (MK 23).

Ngoài ra, Công đồng cũng lập lại điều mà Ðức Thánh Cha Lêô XIII, trong Thông điệp Providentissimus Deus đã nói "Kinh Thánh là Linh hồn của Khoa Thần học thánh"; vì Kinh Thánh chứa đựng Lời Chúa và vì được linh hứng, nên thực sự là Lời Chúa. Do đó, "Khoa Thần học thánh dựa trên Kinh Thánh và Thánh Truyền như dựa vào một nền tảng vĩnh cửu. Trên nền tảng nầy, thần học được củng cố, trở nên vững chắc và được trẻ trung mãi, trong khi tìm kiếm, dưới ánh sáng đức tin, tất cả chân lý tiềm ẩn trong Mầu nhiệm Chúa Kitô" (MK 24). Chính trong buổi tiếp kiến các đại biểu tham dự Khoá hội nghị về Kinh Thánh vừa qua ở Rôma, Ðức Thánh Cha cũng có một nhận định tương tự: "Lời Chúa không già cỗi bao giờ; vì thế, Giáo Hội cần được đổi mới không ngừng".

Công đồng cũng không quên nhắc nhở những ai thi hành "thừa tác vụ Lời Chúa - nghĩa là việc rao giảng mục vụ, dạy giáo lý và toàn thể giáo huấn Kitô giáo, trong đó bài giảng phụng vụ phải chiếm một chỗ quan trọng - phải được nuôi dưỡng lành mạnh và gia tăng sinh lực cách thánh thiện nhờ lời Kinh Thánh" (MK 24).

(5) Trau dồi bài giảng, bằng cách học hỏi Lời Chúa và cầu nguyện

Muốn cho Lời Chúa đến được với các tín hữu trong tình trạng tốt nhất, chúng ta không thể nào không nghĩ đến bài giảng (homélie). Có biết bao thừa tác viên đã nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của các tín hữu bằng Lời Chúa được trình bày sống động, phong phú, mà luôn tôn trọng được bản chất của Lời. Nhưng cũng không thiếu thừa viên đã để cho các công việc khác lấn chiếm, nên việc giảng Lời Chúa trong thánh lễ đã trở thành một việc chiếu lệ.

THÐGM XII đã lưu ý là các thừa tác viên phải hiện tại Lời Chúa trong bài giảng và đề nghị cho sọan một "Cẩm nang về bài diễn giảng". Lời Chúa được hiện tại hoá đưa người tín hữu đến mầu nhiệm được cử hành, mời ra đi truyền giáo và chia sẻ niềm vui và những đau đớn, các hy vọng và các nỗi sợ hãi của các tín hữu (Ðề nghị 15). THÐGM đề nghị là các vị giảng thuyết (giám mục, linh mục, phó tế) phải dọn lòng trong cầu nguyện, để cho các ngài rao giảng cách xác tín và say mê. Các ngài phải đặt ra cho mình ba câu hỏi : (1) Các bài đọc nói gì? (2) Các bài đọc nói gì với riêng tôi ? (3) Tôi phải nói gì với cộng đoàn, trong tình trạng cụ thể của cộng đoàn này?

Vị giảng thuyết trước hết phải để cho Lời Chúa mà mình loan báo thôi thúc, cật vấn mình. Bài giảng phải được nuôi dưỡng bằng giáo lý và truyền đạt giáo huấn của Hội Thánh để củng cố đức tin, kêu gọi hoán cải trong khung cảnh cuộc cử hành và chuẩn bị đi vào cuộc hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua trong cử hành Thánh Thể. Chúng ta chờ đợi đề nghị của các Nghị phụ nên thành sự : làm một quyển Cẩm nang về bài giảng để trình bày các nguyên tắc của thuyết giảng và nghệ thuật truyền thông, nhất là nội dung các chủ đề Kinh Thánh thường có trong các Sách Bài đọc được sử dụng trong Phụng vụ.

(6) Quan tâm đưa Lời Chúa hội nhập vào trong môi trường văn hoá

Chúng ta không thể nào phủ nhận yếu tố hội nhập văn hoá trong công việc phổ biến Lời Chúa.

Mặc khải được thành hình nhờ kín múc trong các nền văn hoá khác nhau của lài người những giá trị trung thực khả dĩ diễn tả chân lý, mà để cứu độ chúng ta, Thiên Chúa đã thông tri cho loài người (x. MK 11). Quả thế, Lời Chúa, trong tư cách là Mặc khải, đã nhấn chìm vào trong các nền văn hoá sự hiểu biết chân lý, mà nếu làm cách khác, chân lý này hẳn là sẽ không được biết đến và đã tạo ra sự tiến bộ và phát triển về văn hoá. Lệnh truyền Chúa đã ban cho Hội Thánh là loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo (x. Mc 16,15) hàm chứa việc gặp gỡ của Lời Chúa với tất cả các dân tộc trên trái đất và nền văn hoá của họ. Ðiều này giả thiết là cũng có một tiến trình hội nhập văn hoá của Lời Chúa, đã xảy ra trong Mặc khải.

Như thế, Lời Chúa phải thấm nhập vào mọi môi trường sao cho văn hoá sản sinh ra những cách diễn tả độc đáo sự sống, phụng vụ, tư tưởng Kitô giáo. Những đức tính của mọi thời như được Lời Chúa làm cho phong phú từ bên trong, được củng cố, bổ túc, và tái tạo trong Chúa Kitô (MV 58), và bằng cách đó gợi ra những cách thức mới diễn tả đời sống Kitô hữu.

Nhằm một việc hội nhập văn hoá trung thực sứ điệp Tin Mừng, ta phải đảm bảo việc đào tạo các nhà truyền giáo bằng những phương tiện thích hợp để hiểu biết tận chiều sâu môi trường sống, hoàn cảnh văn hoá xã hội, sao cho họ có thể tháp nhập vào trong môi trường, trong ngôn ngữ cũng như trong các nền văn hoá bản địa. Trách nhiệm đầu tiên của Hội Thánh địa phương là làm cho sứ điệp Tin Mừng có thể hội nhập văn hoá trung thực, trong khi dĩ nhiên vẫn lưu ý đến nguy cơ chiết trung. Phẩm chất của công việc hội nhập văn hoá tùy thuộc mức độ chín chắn của cộng đoàn có nhiệm vụ loan báo Tin Mừng.

 

Kết luận


1. Lời Chúa, nguồn Hy vọng

Ðể kết thúc, chúng ta nên nhìn lại quá khứ một chút, để rồi nhìn về tương lai với niềm hy vọng : sau Năm Thánh Mẫu của Hội Thánh toàn cầu năm 1985 và sau lễ phong hiển thánh 117 vị Tử đạo Việt Nam vào năm 1988, người ta ghi nhận có một hiện tượng bất ngờ : một con số đông các dân tộc thiểu số rải rác trên các vùng đồi núi của đất nước chúng ta, đã hàng loạt trở lại đạo Công giáo hoặc các giáo phái Tin Mừng và Tin lành : người Mường, người Hmong... tại miền Bắc ; người Bana, Sêđang, Giarai... tại giáo phận Kontum; người K’Ho, người Churu. trong giáo phận Ðà Lạt.

Bí mật của hiện tượng này, chính là sức thu hút phi thường của Lời Chúa. Nhiều người mới trở lại với đức tin công giáo đã tuyên bố rằng họ vẫn nghe đều đặn các chương trình phát thanh hằng ngày của Ðài Phát thanh ở Manila, phổ biến sứ điệp Kinh Thánh và Tin Mừng. Chính các hoàn cảnh ngẫu nhiên đã dẫn đưa họ đến với Hội Thánh Công giáo. Có những người đã nghe các bài suy niệm Kinh Thánh được Ðài Phát thánh Chân lý Á châu , cũng ở tại Manila, phổ biến và đã trực tiếp tìm ra nẻo đường về với Hội Thánh Công giáo.

Các giáo phận Kontum, Ban Mê Thuột, Ðà Lạt và Nha Trang, tại đó, các dân tộc thiểu số chiếm một tỷ lệ quan trọng về dân số, đã lên cả một chương trình truyền giáo có tổ chức chặt chẽ, năng động và hữu hiệu. Một trong các mục tiêu ưu tiên là dịch Kinh Thánh ra ngôn ngữ địa phương. Cho tới nay, người ta đã xuất bản Tân Ước bằng tiếng H’mong tại Hưng Hoá; bằng tiếng Bana, tiếng Sêđang, tiếng Giarai tại Kontum; tiếng K’Ho tại Ðà Lạt; tiếng Raglai tại Nha Trang.

Lời Chúa mở âm thầm nhưng hữu hiệu con đường hy vọng cho các dân tộc thiểu số đang ở giữa những dân tộc nghèo nhất của đất nước. Niềm vui và sự hãnh diện được lắng nghe Lời Chúa trực tiếp bằng tiếng mẹ đẻ và đáp trả Lời Chúa bằng những bài ca và những lời kinh đã được thích ứng với tinh thần của nền văn hoá của họ củng cố thêm chân tính văn hoá của họ và góp phần thật sự vào việc phát triển họ toàn diện. Những người Việt, còn được gọi là người "Kinh", chiếm 85% dân số của toàn đất nước, cũng đã sống một kinh nghiệm tương tự khi trở thành Kitô hữu.

2. Huyền nhiệm Thánh Giá

Lịch sử Hội Thánh tại Việt Nam đã cho thấy các hoa trái phong phú tuyệt vời của huyền nhiệm Thánh Giá được đã được sống và được chuyển cho Dân Kitô hữu bởi vị giám mục đầu tiên, Ðức Cha Pierre Lambert de la Motte.

Lời cứu chuộc của Thiên Chúa, diễn tả tình yêu cứu chuộc lớn lao nhất của Ngài (x. Ga 3,16), đạt tới đỉnh cao trong mầu nhiệm Thánh Giá, nguồn an ủi, sức mạnh và khôn ngoan (x. 1 Cr 1,22-25). Tình yêu đối với Thánh Giá đã được tỏ ra mạnh và gắn bó trong lòng của các Thánh Tử đạo Việt Nam, đến nỗi các ngài đã sẵn sàng chết vì tình yêu đối với Ðức Chúa chịu đóng đinh của các ngài hơn là chà đạp dấu chỉ ơn Cứu chuộc dưới chân.

Lời cứu chuộc này cô đọng trong quyển sách Thánh Giá đã đào luyện ra một đoàn các chứng nhân - các vị tử đạo theo nguyên ngữ - trước tiên là những chứng nhân về niềm hy vọng. Quả thật, khi hy sinh mạng sống các ngài trên mặt đất, các ngài hy vọng tìm lại được sự sống vĩnh cửu trên trời (x. Ga 12,25) ; khi từ chối chà đạp Thánh Giá dưới chân, các ngài hy vọng khuyến khích được con cháu hoặc những anh chị em đồng đạo sống trung thành với đức tin ; khi chấp nhận chết bị bách hại như Chúa mình, các ngài hy vọng trở thành hạt lúa mì rơi xuống đất, chết đi và mang lại hoa trái dồi dào (x. Ga 12,24).

Và trong thực tế, máu các ngài đổ ra, được Lời Chúa đã được suy ngẫm và cầu nguyện làm cho nên phong phú, đang mang lại hoa trái dồi dào, mà các dấu chỉ nhận ra được hôm nay là đời sống đức tin mạnh mẽ của Dân Thiên Chúa và con số ngày một gia tăng các ơn gọi tu sĩ và linh mục tại quê hương. Tất cả các thánh Tử đạo chúng ta, trước khi bị hành hình, đã xin phép được cầu nguyện, thay vì ăn một bữa ăn thịnh sọan người ta cho như một dấu chỉ về lòng nhân đạo in extremis theo luật hình sự Việt Nam.

Lời cầu nguyện, theo lời rất soi sáng của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI trong Thông điệp Spe salvi ngày 30-11-2007, "là trường học đầu tiên hoặc nơi chính yếu để học tập về niềm hy vọng", và Ðức Thánh Cha đã trích dẫn hai quyển sách của Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận[10], mà ngài coi như một chứng nhân về một niềm hy vọng to lớn không qua đi, cho dù ở ngay trong những đêm đen cô độc[11]. Lời cầu nguyện mà các thánh Tử đạo chúng ta đã quý hơn bữa ăn, đã không những dạy các ngài về niềm hy vọng, mà còn ban cho niềm hy vọng của các ngài dấu ấn tối hậu và vĩnh viễn như một triều thiên chiến thắng khiến các ngài trở thành những chứng nhân vĩ đại về niềm hy vọng ban ơn cứu (x. Rm 8,24).

Cũng thế, đau khổ không chỉ là một nơi khác để học tập về niềm hy vọng, mà còn được biến đổi bởi sức mạnh của niềm hy vọng, phát xuất từ đức tin, thành lời kinh ca ngợi và tạ ơn. Ðể minh họa phương diện này, Ðức Thánh Cha đã trích trong Thông điệp Spe salvi cả một đoạn từ bức thư nổi tiếng của thánh tử đạo Phaolô Bảo Tịnh[12].

* * *

Nhìn lại biết bao điều kỳ diệu trong Hội Thánh kể từ ngày Thánh Công đồng công bố Hiến chế tín lý về Mặc khải Dei Verbum thời gian hơn 40 năm qua, chúng ta chỉ biết dâng lời chúc tụng, tôn vinh, cảm tạ Thiên Chúa Ba Ngôi đã đoái thương ban cho Hội Thánh kho tàng mặc khải vô cùng quý báu ẩn chứa nơi bộ Kinh Thánh; để nhờ đó, chúng ta khám phá ra điều mà Mẹ Maria đã tuyên bố trong lời kinh Magnificat: "Lòng nhân nghĩa Chúa trải qua đời nọ đến đời kia, trên những kẻ kính sợ Chúa"; và trong tư cách là con cái của Hội Thánh Việt Nam, chúng ta sẽ mãi mãi hiệp thông với mọi thành phần Dân Thiên Chúa thuộc mọi thời đại trên toàn thế giới, để "thành kính lắng nghe Lời Thiên Chúa mà có thể tin tưởng công bố Lời của Ngài" (MK 1).

 

Ủy Ban Kinh Thánh
trực thuộc HÐGM VN

--------------------------------------------------------------------------------------------

[1] Ngày 11-10-1962, Công đồng Vatican II được khai mạc bằng một nghi thức long trọng.
[2] John Onaiyekan, "From Dei Verbum to Novo Millennio Ineunte - The Reception Process of Dei Verbum", Dei Verbum 76/77 (2005) 24tt.

[3] Walter Kasper, "The Constitution on Devine Revelation Dei Verbum", Dei Verbum 76/77 (2005) 14tt.

[4] Paul Claudel trong tác phẩm "LEcriture Sainte dans La Vie intellectuelle" 16.

[5] X. Alexandre de Rhodes, S.J. Histoire du Royaume de Tunquin et des grands progrez que la prédication de l’Évangile y a faits en la conversion des Infidèles depuis l’Année 1617, jusques à l’Année 1646. A Lyon 1651, Livre II, Chapitre XII, tr. 161-165.

[6] "Đây là linh mục Nam bộ Việt Nam tên Louis Doan (Lữ Y Đoan), một trong những thầy giảng kỳ cựu nhất và trí thức của Vương quốc" (Cf. A. Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine. Documents historiques I (1658-1728), Paris 1923, tr.197.

[7] X. Jean-Paul II, Rosarium Virginis Mariae, s. 21.

[8] Xin ghi lai đây một vài con số: Ngũ Thư (3.000 cuốn); Lịch sử (3.000 cuốn); Ngôn sứ (3.000 cuốn); Giáo huấn (3.000 cuốn); Bốn Sách Tin Mừng (20.000 cuốn); Ðối chiếu Bốn Sách Tin Mừng (10.000 cuốn); Kinh Thánh trọn bộ có dẫn nhập và chú thích đơn giản (200.000 cuốn); Kinh Thánh trọn bộ cỡ lớn để trưng (500 bản); Tân Ước có dẫn nhập và chú thích đơn giản (1.535.000 cuốn); Lời Chúa trong Thánh lễ (80.000 bản); Lời Chúa cho mọi người với dẫn nhập và chú thích của Bernard Hurault và Louis Hurault (Kinh Thánh trọn bộ: 20.000 bản; Tân Ước: 45.000 bản); Kể chuyện Kinh Thánh cho trẻ em (6-9 tuổi) dịch từ bản văn của Pat Alexander (10.000 bản); Kể chuyện Kinh Thánh cho thiếu niên (10-15 tuổi) dịch từ bản của Pat Alexander (10.000 bản).

[9] http://www.freewebs.com/nguyensj/NamLoiChua/DocKTvaCN.htm

[10] Đây là quyển sách nhỏ quý báu “Prières d’espérance” (x. Spe salvi, s. 32) và quyển Linh thao của ngài mang tựa đề Témoins de l’espérance”, Montrouge, Cité Nouvelle (2000) (x. Spe salvi, s. 34).
[11]

X. Bênêđitô XVI, Spe salvi, s. 32.

[12] X. Spe salvi, s. 37.

+ Các bài đã đăng

Ủy ban Giáo dân HĐGMVN hướng đến Năm Thánh 2010 (26/06/2009)
Nội Quy cử hành Năm Thánh 2010 (15/05/2009)
Văn thư của Tòa Ân Giải Tối Cao dịp Giáo Hội VN mừng Năm Thánh 2010 (15/05/2009)
Thư Hội Đồng Giám Mục Việt Nam gửi cộng đồng dân Chúa về việc chuẩn bị năm thánh 2010 (29/04/2009)


NĂM THÁNH 2010 l Bản văn l Suy niệm Lời Chúa l Gợi ý Bài Giảng l Học Kinh Thánh l Chuyên đề l Giải đáp thắc mắc l Các văn kiện l Khảo cổ l Tin tức l Nhịp sống l Giới thiệu Sách l
Copyright ©2008. All rights reserved
 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top