Sám hối
1. Có người cho rằng sám hối là từ ngữ của nhà Phật, nhưng Công giáo sử dùng thuật từ này rất phổ biến, chẳng hạn như trong các bài giảng, các linh mục thường kêu gọi mọi người phải sám hối, Mùa Chay là mùa sám hối, bí tích Giao Hoà là bí tích Sám Hối, vv… Như vậy phải chăng khi nói đến sám hối, người Công giáo có cùng một quan niệm về sám hối như bên Phật giáo?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa của từ sám hối theo nguyên ngữ của nó, trong quan niệm của nhà Phật và nhìn lại quan niệm của Công giáo về việc sám hối.
2. Nghĩa của từ sám hối.
Sám懺 gồm bộ tâm忄và chữ tiêm 韱, chữ tiêm chỉ dùng cho phát âm. Có người giải thích chữ tiêm 韱 nguyên thuỷ là hai chữ sơn-cửu 山韭, nghĩa là rau hẹ rừng. Rau hẹ rừng mọc tùm lum, khi một người hối hận về một việc gì thì tâm trí cũng “tùm lum” như rau hẹ rừng, nên có bộ tâm. Thực ra, “sám” là lược âm của tiếng Phạn kṣama, đúng âm là “sám-ma (懺 摩)”. Nhiều tác giả [1] cho rằng “sám” đồng nghĩa với “hối”, nghĩa là hối tiếc những việc sai lầm đã qua, nhưng theo ngài Nghĩa Tịnh [2] “sám” nghĩa là khoan thứ hoặc xin được khoan thứ (forgiveness, tolerance) [3]. Từ điển của Gérard Huet [4] cũng cho nghĩa này: “Sám” (dt. kṣamā) (1) Sự chịu đựng ; (2) Tha tội, tha thứ ; (tt. kṣama) (1) Kiên nhẫn, có sức chịu đựng ; (2) Có thể; (3) Chịu đựng được, khoan thứ; (đt. kṣam) (1) Kiên trì, chịu đựng, nâng đỡ ; (2) Cho phép ; (3) Tha thứ, khoan dung với...
Hối悔 có bộ tâm忄và chữ mỗi 每, chữ mỗi dùng cho phát âm, nghĩa là tiếc điều lỗi trước (do bởi từ trong lòng hối hận những lời nói hay việc làm có thiếu sót, nên có bộ tâm). Hối là tiếng thuần Hán, nói đủ là hối-quá (悔 過), có nghĩa là: dt. (1) Thiếu sót ; (2) Tiếc nuối ; đt. (3) Hối lỗi, thừa nhận lỗi lầm ; (4) Giận ghét ; (5) Chừa cải.
Như vậy, hai chữ “sám” và “hối” không đồng nghĩa với nhau mà chỉ có mối liên hệ gần nhau thôi.
Đại Từ Điển Tiếng Việt giải nghĩa: Sám hối là ăn năn, hối hận về tội lỗi của mình [5].
3. Quan niệm về sám hối theo Phật giáo.
Kinh Pháp Bảo Đàn nói: “Sám giả sám kỳ tiền khiên, hối giả hối kỳ hậu quá: Sám là sám trừ tội trước, hối là hối cải lỗi sau [6]”. Sám hối là tự mình ăn năn, hổ thẹn những lỗi lầm trước đây đã tạo, nguyện sửa đổi không dám tái phạm những lỗi lầm đó nữa. Về mặt từ nguyên, sám hối vốn được sử dụng trong Phật Giáo có nghĩa là thuyết tội (Phạn: āpatti-deśanā) hoặc thuyết ác (Phạn: pāpa-deśanā [5]) , tức là nói lên những lỗi lầm hay việc làm phi pháp của mình, Luật tạng thường gọi là phát lộ.
Cần lưu ý rằng quan niệm về tội trong Phật giáo khác hẵn với Kitô giáo. Chữ “tội” tiếng Phạn là "āpatti", có nghĩa là: cái bị rơi, do động từ “pat”: rơi, đi xuống mà thành. Vì thế, nhà Phật quan niệm tội nhân là người không theo kịp mọi người, bị rơi từ chỗ cao xuống chỗ thấp do phạm phải các điều xấu ác. Cũng như trong một lớp học, phần lớn học sinh theo kịp bài thì cuối năm được lên lớp, còn bên cạnh đó là một số ít không theo kịp nên phải lưu ban hoặc bỏ học. Đối với những người “bị rơi” như thế - tức là những người yếu đuối, sự giúp đỡ từ những người “không bị rơi” là điều rất cần thiết, cho nên họ xưng thú (phát lộ) lỗi lầm của mình trước vị tăng (những người không bị rơi) để cầu xin năng lực nâng đỡ. Nhờ những lời chỉ bảo và đức hạnh của các tăng, ý chí làm lành lánh dữ (thiện pháp) ở trong con người lầm lỗi sẽ được nâng đỡ và tăng cường. Hơn nữa, xét về tâm lý, người phạm tội luôn mang cảm giác hối hận, bứt rứt, khiến cho tâm hồn bất an. Những cảm giác ấy nếu để lâu không giải toả sẽ chuyển thành trạng thái mặc cảm dưới dạng vô thức và tiếp tục ảnh hưởng đến tâm thái của người phạm tội. Việc sám hối (thuyết tội, thuyết ác) như thế trong chừng mực nào đó sẽ giải toả cái tâm lý đang bị dồn nén ấy. Đây chính là ý nghĩa mang tính chữa trị tâm lý của việc sám hối.
Ngoài ý nghĩa chữa trị thuộc lãnh vực tâm lý này, sám hối còn có ý nghĩa tu tập thuộc lĩnh vực tâm linh và là một trong những phấp tu tập khá phổ biến đối với Phật Giáo Đại Thừa, đồng thời cũng là một phương pháp nhằm ngăn ngừa việc tái phạm của 3 nghiệp [8] trong Phật Giáo Nguyên Thủy. Nếu Phật Giáo Đại Thừa chọn 2 ngày 14 hay ngày rằm, ngày 29 hay 30 làm ngày lễ sám hối chung cho hai giới xuất gia và tại gia, thì Phật Giáo Nguyên thủy dùng phương pháp quan sát 3 nghiệp của chính mình làm phương pháp tu tập, có nghĩa là kiểm tra 3 nghiệp đã qua của mình, nghiệp nào trong 3 nghiệp ấy phạm phải sai lầm, người đó cần tìm thầy hay tương đương vị thầy để bộc bạch trình bày lỗi lầm của mình và phát nguyện từ đây về sau không tái phạm lầm lỗi đó nữa.
Tóm lại, trong Phật giáo, sám hối có mục đích chữa trị về tâm lý, tu tập về tâm linh và tuyệt nhiên không mang bóng dáng thần quyền như chúng ta có thể lầm tưởng.
4. Quan niệm về sám hối theo Công giáo.
Công Đồng Trentô định nghĩa: "Sám hối là cảm thấy đau buồn, gớm ghét tội đã phạm và quyết chí chừa cải" [9] . Đau buồn và gớm ghét nhìn về quá khứ, còn quyết tâm chừa cải nhắm tới tương lai.
Sám hối là tâm tình và hành động mà người ta nhìn nhận và cố gắng sửa lại một sai trái để nhận được sự tha thứ nơi người mà họ xúc phạm. Trong ngữ cảnh tôn giáo, sám hối thường chỉ sự ân hận về những tội xúc phạm đến Thiên Chúa. Nó luôn bao gồm sự thừa nhận có tội, và đồng thời bao gồm ít nhất một trong các điều sau: (1) Tuyên hứa hay quyết định không tái phạm; (2) Nổ lực đền bù lại tác hại do tội lỗi gây ra hoặc bằng cách nào đó. (3) Đảo ngược lại những hậu quả tai hại nếu có thể.
Trong Cựu ước, có 2 động từ Hipri được dùng để diễn đạt nghĩa sám hối: (1) Shuv (đt. to turn, to return, quay (Is 6,10), quay trở lại (Tv 51,13), thay đổi và (2) Nicham (đt. to feel sorrow, cảm thấy hối hận). Ý nghĩa căn bản của nó được diễn tả trong trong tiếng Hy Lạp bởi danh từ metanoia, chỉ sự thay đổi (meta) của tư tưởng và tâm hồn (nous).
Trong Tân Ước, có 3 từ Hy Lạp được dùng để diễn đạt nghĩa sám hối: (1) Metamelomai (đt., được dùng 6 lần): Chỉ sự thay đổi tư tưởng, chẳng hạn như có ý hối tiếc hay thậm chí hối hận vì tội, nhưng không nhất thiết có sự thay đổi nội tâm. Chữ nầy được dùng trong trường hợp chỉ sự hối hận của Giuđa Iscariot (Mt 27,3). (2) Metanoeo (đt., được dùng 34 lần): Chỉ sự thay đổi tư tưởng và chủ đích do kết quả của việc nhận thức. (3) Metanoia (dt., cùng gốc với đt. nói trên, được dùng 24 lần): Chỉ sự sám hối thực sự, một sự thay đổi tư tưởng, chủ đích và đời sống theo những đòi hỏi của việc xá tội.
Quan niệm về tội theo Kitô Giáo: Đối với Kitô hữu, Thiên Chúa là cứu cánh tối hậu, là Thiện hảo, là Sự sống, là Hạnh phúc thật của con người. Và tội (1) Là bất tuân lề luật Chúa; (2) Là quay lưng chống lại Thiên Chúa, lấy thụ tạo làm cứu cánh; (3) Là khước từ tình yêu Thiên Chúa và do đó cũng là khước từ tình yêu anh em. Thực vậy, lề luật Chúa không gì khác hơn là sự khôn ngoan của Ngài vạch lối cho con người đi tới chỗ thành tựu đích thực, tội đã bẻ ngoặt con đường dẫn đến hạnh phúc thật của ta là Thiên Chúa, kéo ta lìa xa Chúa, lấy mình làm cứu cánh. Nhưng nếu chỉ có những khoản luật vô tri, vô giác và thực sự bao giờ cũng trừu tượng, sẽ không có tội - hiểu theo nghĩa Công Giáo. Cho nên câu định nghĩa thứ ba đưa ta vào sâu trong bản chất của tội hơn cả: Tội luôn luôn là chống lại Thiên Chúa: "Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa" (Tv 50), tội luôn luôn đụng tới những quan hệ liên vị, liên chủ thể: Tội làm ta đoạn tuyệt với Thiên Chúa và đồng thời cũng chia rẽ ta với anh em.
Vậy, khi ta hướng nhìn về Chúa Tình Thương để nhận ra tội lỗi của mình, ta sẽ có thể thấy hết tầm mức ghê tởm của tội lỗi nhưng đồng thời chúng ta cũng sẽ biết sám hối ăn năn, thay vì tự dày vò mình trong mặc cảm tội lỗi không lối thoát. Mặc cảm tội lỗi chỉ là một trạng thái tâm lý không có đối tượng rõ rệt nhưng rất khắc nghiệt; còn tâm tình sám hối phát sinh từ một nhận thức đúng về thực trạng của mình trước mặt Thiên Chúa, thì giải phóng cõi lòng tội nhân.
Quan niệm về sám hối theo Công giáo bao gồm: (1) Sự nhận biết đích thực về hành vi và tình trạng phạm tội của chính mình. (2) Nhận thức về lòng thương xót của Chúa nơi Đức Kitô. (3) Thật lòng ghét bỏ mọi tội lỗi (Tv. 119, 128; G 42,5-6; 2Cr 7,10) và quay về với Chúa; Và (4) Kiên trì cố gắng theo đuổi một cuộc sống thánh thiện theo đường lối Chúa bằng cách tuân giữ các giới răn của Chúa. Lòng sám hối thực sự là sự nhận thức về tội (Tv 51,4.9), về sự nhơ uế của tội (51, 5.7.10) và sự bất lực của bản thân (51,11; 109,21.22). Như vậy, hối nhân nhận ra mình như Chúa vẫn nhìn thấy và muốn kẻ ấy như thế. Nhưng ý thức sám hối không duy chỉ là một sự cảm nhận về tội mà thôi, nhưng còn là sự cảm nhận về lòng thương xót, thiếu yếu tố này thì không thể có lòng sám hối thưc sự được (51,1; 130,4). Trong ngôn ngữ thần học, sám hối cũng hàm chỉ việc trở lại (metanoia) của tội nhân (Mt 8,2; 4,17) về với Chúa trong đức tin, cậy, mến nhờ ơn Chúa giúp và tình thương tha thứ của Thiên Chúa.
Tóm lại, trong Công giáo, sám hối không phải là sự tự cứu thoát mình, mà là một tác động hỗ tương giữa Thiên Chúa và tội nhân: Ơn Chúa kêu gọi và tội nhân thật tình đáp lại. Tình thương Chúa đã thắng tội lỗi.
5. Nhận xét và tạm kết.
Ngày xưa, cha Đắc Lộ cho rằng: "Sám hối là sự mê tín của người lương dân làm để được tha tội; bởi lẽ là họ dâng cho tượng thần vật gì để các vị tế lễ ăn, và như vậy họ được các vị ấy xá tội cho" [10], nên ngài đã không dùng từ sám hối để dịch từ contritio hay pænitentia trong La ngữ, mà dùng chữ "hối tội, ăn năn tội [11]" hoặc "cới tội" [12]. Cho đến thời cha Cố Chính Linh, cũng chưa thấy ngài dùng từ sám hối: "Bay hãy ăn năn đền tội, vì nước thiên đàng đã gần đến" (Mt 3,2) [13].
Nhưng ngày nay, từ sám hối đã đi vào kho tàng ngôn ngữ Việt Nam, hoà nhập vào tiếng nói của toàn dân. Có lẽ mọi người Việt đều hiểu sám hối như các từ điển lớn của Việt Nam giải nghĩa là "ăn năn, hối hận về tội lỗi của mình" [14], "hối hận vì đã mắc lỗi và mong sửa chữa" [15], cho nên người Công giáo cũng đã sử dụng thuật từ này trong đời sống đức tin của mình.
Tuy nhiên khi sử dụng, chúng ta cần lưu ý là từ này có nguồn gốc từ Phật giáo, khi đặt trong ngữ cảnh Công giáo thì ý nghĩa, nội dung của thuật từ này khác hẳn với quan niệm của anh em Phật giáo.
_________________________________________
Ghi chú
[1] x. Sách tham khảo (Đoàn Trung Còn, Thích Minh Châu - Minh Chi, Lê Ngọc Trụ: tr. 740).
[2] Nghĩa Tịnh (義淨, 635-713) là vị cao tăng thời nhà Đường, ông cùng với Cưu Ma La Thập (Phạn: Kumārajīva, 鳩摩羅什, 344-413), Chơn Đế (Phạn: Paramārtha, Nhật: Shindai, 眞諦, 499-569) và Huyền Tráng (玄奘, 602-664), được xem như là 4 nhà phiên dịch vĩ đại trong văn học Phật Giáo Trung Quốc.
[3] x. Hướng Thiên, Tìm hiểu về sám hối, trong TẬP SAN PHÁP LUÂN, PL.2548, Số 8, tháng 10 năm Giáp Thân (2004).
[4] Gérard Huet, HÉRITAGE DU SANSKRIT, DICTIONNAIRE SANSKRIT- FRANÇAIS, 1994, tr. 130.
[5] Nguyễn Như Ý (chủ biên), ĐẠI TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT, nxb. Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 1999.
[6] Thích Thanh Từ, KINH PHÁP BẢO ĐÀN GIẢNG GIẢI, nxb. TP.HCM, tái bản lần III, TP.HCM, 1999, tr. 96.
[7] John Bowker, THE OXFORD DICTIONARY OF WORLD RELIGIONS, Oxford University Press, 1997, tr. 230.
[8] "Nghiệp" là hành động, được chia làm ba loại: (1) Hành động của thân (thân nghiệp): gồm những động tác đi, đứng, nằm, ngồi và tất cả những động tác khác của tay, chân và thân thể (kể cả ăn uống và xúc chạm). (2) Hành động của miệng (khẩu nghiệp): gồm mọi lời nói và âm thanh do miệng lưỡi phát ra. (3) Hành động của ý (ý nghiệp): gồm mọi tư tưởng phát xuất từ tâm ý.
[9] "Contritio, quae primum locum inter dictos paenitentis actus habet, animi dolor ac detestatio est de peccato commisso, cum proposito non peccandi de cetero" (DZ.1676).
[10] Alexandre de Rhodes, TỪ ĐIỂN ANNAM - LUSITAN - LATINH (TỪ ĐIỂN VIỆT - BỒ - LA), Roma, 1651. Phiên dịch: Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính, nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1991, P.II, tr. 200.
[11] Alexandre de Rhodes, sđd, P.I, tr. 334: pænitentia peccatorum cum petitione venix.
[12] Cới tội = cải hối. cf. Dict Hue: "cới, chừa cới: s'amender", xem trong: PHÉP GIẢNG TÁM NGÀY, NGÀY THỨ TÁM của Alexandre De Rhodes, in trong GIÁO SĨ ĐẮC LỘ VÀ TÁC PHẨM CHỮ QUỐC NGỮ ĐẦU TIÊN của Nguyễn Khắc Xuyên, Phạm Đình Khiêm, nxb. Tinh Việt Văn Đoàn, Saigon, 1961, tr.186: "Nhân vì sự ấy Đức Chúa trời có định ngày phán xét chung, mà nói ra cùng người ta ngày sau có phán xét chung ấy, cho kẻ chẳng tránh tội vì phải kính dái Đức Chúa trời, ít là cới tội vì dái xấu hổ, khi đã hay các tội mình, dẫu kín, ngày sau thì tỏ ra trước mặt cả và thiên hạ".
[13] Albertus Schlicklin, KINH THÁNH - CỨ BẢN VULGATA, Imprimerie de la Société des Missions-Étrangères, Hong Kong 1913-1916. Mt 3,2: "Pænitentia agite, appropinquavit enim regnum caelorum". Bản dịch của Nhóm CGKPV, 1998: "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần".
[14] x. Nguyễn Như Ý (chủ biên), sđd.
[15] Nguyễn Lân, TỪ ĐIỂN TỪ VÀ NGỮ VIỆT NAM, nxb. TP.HCM, TP.HCM, 2000.
______________________________________________
Tham khảo
1. Alexandre de Rhodes, TỪ ĐIỂN ANNAM - LUSITAN - LATINH (TỪ ĐIỂN VIỆT - BỒ - LA), Roma, 1651. Phiên dịch: Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính, nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1991.
2. Albertus Schlicklin, KINH THÁNH - CỨ BẢN VULGATA, Imprimerie de la Société des Missions-Étrangères, Hong Kong 1913-1916.
3. Nguyễn Khắc Xuyên, Phạm Đình Khiêm, GIÁO SĨ ĐẮC LỘ VÀ TÁC PHẨM CHỮ QUỐC NGỮ ĐẦU TIÊN, nxb. Tinh Việt Văn Đoàn, Saigon, 1961.
4. Thích Minh Châu, Minh Chi, TỪ ĐIỂN PHẬT HỌC VIỆT NAM, nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1991.
5. Đoàn Trung Còn, PHẬT HỌC TỪ ĐIỂN, in lần thứ..., nxb. TP.HCM, TP.HCM, 1992.
6. Lê Ngọc Trụ, TẦM NGUYÊN TỪ ĐIỂN VIỆT NAM, nxb. TP.HCM, TP.HCM, 1993.
7. John Bowker, THE OXFORD DICTIONARY OF WORLD RELIGIONS, Oxford University Press, 1997.
8. Nguyễn Như Ý (chủ biên), ĐẠI TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT, nxb. Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 1999.
9. Thích Thanh Từ, KINH PHÁP BẢO ĐÀN GIẢNG GIẢI, nxb. TP.HCM, tái bản lần III, TP.HCM, 1999.
10. TẬP SAN PHÁP LUÂN, Số 8 - tháng 10 năm Giáp Thân, PL.2548, Tu Thư Phật Học, 2004.
11. Gérard Huet, HÉRITAGE DU SANSKRIT, DICTIONNAIRE SANSKRIT-FRANÇAIS, Version 228, 28/06/2008.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 23/02: Thánh Pôlycarpô, giám mục, tử đạo
-
Ngày 22/02: Lập Tông Tòa Thánh Phêrô -
Ngày 21/02: Thánh Phêrô Đamianô, Giám mục, tiến sĩ (1007-1072) -
Ngày 17/02: Bảy anh em lập dòng Tôi tớ Đức Mẹ -
Ngày 14/02: Thánh Cyrillô, tu sĩ & Thánh Mêtôđiô, giám mục -
Ngày 11/02: Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức -
Ngày 10/02: Thánh Scholastica, trinh nữ -
Ngày 08/02: Thánh Giêrônimô Êmilianô -
Ngày 06/02: Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo -
Ngày 05/02: Thánh Agata, đồng trinh, tử đạo
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Ngày 03/12: Thánh Phanxicô Xaviê, bổn mạng các xứ truyền giáo -
Bảy sự đau đớn và vui mừng Thánh Giuse -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Ngày 04/08: Thánh Gioan Maria Vianney, linh mục, bổn mạng các cha sở -
Ngày 03/05: Thánh Philipphê và Thánh Giacôbê, tông đồ -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi -
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo -
Ngày 27/08: Thánh nữ Monica -
Ngày 28/08: Thánh Augustinô, Giám mục, Tiến sĩ Hội thánh