Sau chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha: tình bằng hữu giữa Phật giáo và Công giáo sâu đậm hơn

Sau chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha: tình bằng hữu giữa Phật giáo và Công giáo sâu đậm hơn

Sau chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha: tình bằng hữu giữa Phật giáo và Công giáo sâu đậm hơn

Phó trụ trì của ngôi Chùa Hoàng gia Thái Lan Wat Phra Chetuphon chia sẻ: “Đức Thánh Cha đơn sơ, tốt bụng và điềm đạm, thế giới nên lấy ngài làm mẫu gương… Kitô giáo và Phật giáo giống như đôi cánh của một con chim: cùng hoạt động và giúp nó bay lên”.

Hòa thượng Phra Rajapariyattimuni (Ven Thiab Malai), nói với Hãng tin AsiaNews: Sau chuyến tông du của Đức Giáo hoàng Phanxicô đến Thái Lan (20-23/11), tình bằng hữu giữa Công giáo và Phật giáo sâu đậm hơn.

Phó trụ trì tại Chùa hoàng gia Wat Phra Chetuphon Vimonmangkhalaram Rajwaramahawihan, còn được gọi là Wat Pho, là hòa thượng giảng dạy tại Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya (MCU), trường đại học Phật giáo lâu đời nhất và uy tín nhất của Thái Lan.

Phó trụ trì, hòa thượng Wat Pho nói: Chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng là trang sử mới nhất trong mối quan hệ huynh đệ gần năm mươi năm giữa hai tôn giáo. Bước đầu tiên trong mối quan hệ giữa hai tôn giáo diễn ra vào ngày 5 tháng 6 năm 1972, khi Đức Giáo hoàng Phaolô VI đón tiếp Somdet Phra Ariyavongsagatanana VII (tên thật là Pun Puṇṇasiri, còn được biết đến với danh xưng: Somdet Phra Wannarat), Đức Tăng Thống thứ 17 của Phật giáo Thái Lan và là nguyên trụ trì của Chùa này.

Hòa Thượng nhấn mạnh: “Thái Lan là một quốc gia Phật giáo, nhưng tình bạn vốn không phân biệt tôn giáo. Vì lý do này, chuyến thăm của Đức Giáo hoàng Phanxicô đến đất nước chúng tôi đã làm cho tất cả người Thái, tu sĩ hay giáo dân đều vui mừng. Tôi đã gặp Ngài hai lần.”

“Tôi chỉ trao đổi với ngài vài câu, nhưng tôi nhận thấy ba đặc điểm nổi bật trong tính cách của ngài. Đức Thánh Cha trên hết là một người đơn sơ: ngài có một cuộc sống khiêm tốn nhưng có khả năng về trí tuệ cao cả; ngài là một người có trái tim nhân hậu, tốt bụng với tất cả mọi người: thấy rõ khi ngài dừng lại để hôn trẻ em, người cao niên và người khuyết tật; cuối cùng, giáo hoàng là người biết đón nhận, hài lòng với những gì ngài có và không cần những thứ xa xỉ.”

“Cả thế giới, bất kể tôn giáo nào, nên lấy ngài làm mẫu gương và khao khát ba điều này: sự đơn sơ, sự tốt lành và sự hài lòng”.

Hòa thượng Phra Rajapariyattimuni “tin rằng tất cả các tôn giáo đều có chung một mục đích: giáo dục mọi người để họ không làm những việc xấu. Phật giáo và Kitô giáo đều thao thức trả lời cùng một câu hỏi: ‘Làm thế nào chúng ta có thể tạo ra hòa bình, sự bình tâm và sự hòa hợp trong xã hội?’. ‘Làm thế nào chúng ta có thể phục vụ và chăm sóc những người yếu đuối nhất?’ ‘Làm thế nào chúng ta có thể ngăn chặn chiến tranh?’"

“Trong ánh sáng những câu hỏi này, hai tôn giáo có thể thiết lập sự hợp tác hiệu quả. Bất chấp sự khác biệt, Những người Kitô hữu và Phật tử được mời gọi để đáp lại cùng một lời kêu gọi. Kitô giáo và Phật giáo tương tự như đôi cánh của một con chim: cùng nhau hoạt động và giúp nó bay lên. Tình bằng hữu dẫn đến sự hợp tác và sau đó hướng đến một đường lối chung. Như vậy, chúng ta có thể làm điều tốt và đạt được sự hài hòa.”

Đối với phó trụ trì của Chùa Wat Pho, “Tại Thái Lan, Kitô hữu làm việc giữa một cộng đồng Phật giáo mà không phải cố cải đạo mọi người. Các Phật tử cũng như vậy.”

“Khi Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đến thăm Thái Lan, tôi là một tu sĩ trẻ, với số tuổi khoảng 23-24. Vào thời điểm đó, một số Phật tử không hiểu ý nghĩa của việc ngài đến. Lần này không có vấn đề nào, chỉ có niềm vui. Tôi là một nhân chứng cho tình hữu nghị lâu dài giữa Phật giáo Thái Lan và Công giáo.”

“Trong vài ngày qua, nhiều Phật tử đã tham dự vào các sự kiện chính thức, bao gồm Thánh lễ, một hoạt động đặc thù của Kitô giáo, tại Sân vận động Quốc gia. Đây là một bằng chứng về mối quan hệ tốt đẹp gắn kết chúng ta.” (Theo Paolo Fossati, Asia News)

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top